Càng khuyến cáo, càng nhậu nhiều

Càng khuyến cáo, càng nhậu nhiều

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Theo các chuyên gia, có một hiện tượng, sự việc diễn ra hàng ngày phổ biến trước mắt nhưng chúng ta có vẻ không muốn bàn đến nơi đến chốn.

Đó chính là việc uống rượu, bia. Ở một mặt nào đó, chúng ta chỉ nói tới tác hại của rượu bia và muốn hạn chế, thậm chí cấm sử dụng chúng. Nhưng tất cả những quốc gia cấm rượu dường như đều không đạt hiệu quả. Như vậy, chuyện bia rượu "nghiêm trọng và bí ẩn hơn" chúng ta tưởng.

Xã hội - Càng khuyến cáo, càng nhậu nhiều

Bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai)

Thực tế, các nhà máy sản xuất bia rượu vẫn tiếp tục được xây dựng, những nhãn hiệu bia rượu mới tiếp tục ra đời. Thậm chí, người ta còn khôi phục lại những nhãn hiệu cũ. Theo một thống kê sơ bộ, những năm gần đây, mỗi năm người Việt Nam chi cho rượu bia khoảng gần 70.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD). Không những thế, xu hướng ngày càng tăng - tăng cả số lượng người uống lẫn khối lượng bia rượu được tiêu thụ.

Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra xã hội học của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) mới được công bố, 77% số người có bằng ĐH và trên ĐH đều biết uống rượu. Và cơ quan này đưa ra kết luận: Càng học cao, càng nhậu nhiều. Những người thuộc diện này không tự ái mà còn cho rằng đó là điều hợp lý.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, bia rượu là "văn hóa" không thể thiếu trong cuộc sống, cần được quan tâm đúng mực. Trong hơn 23 triệu gia đình Việt Nam, hầu như nhà nào cũng có bia rượu. Bạn bè gặp nhau, dứt khoát là được mời uống bia, rượu. Tuy nhiên, người dân phải ý thức được việc uống rượu thế nào để không gây hậu quả xấu. "Uống rượu cho đúng và cho đẹp. Chúng ta phải ý thức được rằng, uống rượu cũng đòi hỏi có văn hóa. Mà văn hóa thì không chấp nhận sự thái quá", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, nhiều người chọn uống rượu ngoại, tuy nhiên hiện nay, rượu ngoại cũng thật giả lẫn lộn. Rượu ngoại giả được sản xuất trong nước và cả ngoài nước nhập vào. Rượu sản xuất trong nước nên chọn mua sản phẩm của các loại rượu của các nhà máy lớn và có đủ uy tín. Các loại rượu tự chế tại các cơ sở tư nhân rất khó xác định được chất lượng. Các bác sĩ đã ghi nhận rất nhiều bệnh tật từ rượu kém chất lượng như Alzheimer, bệnh ung thư ở đường tiêu hóa trên và ở gan. Do đó, người dân không nên phó mặc sức khỏe của mình cho rượu kém chất lượng.

TS. Trần Quang Trung, cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do rượu và tai nạn giao thông liên quan đến rượu đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và dư luận xã hội. Số vụ ngộ độc do rượu chiếm 3,4% tổng số vụ NĐTP/năm nhưng số người chết do ngộ độc rượu chiếm tới 26,0% số người chết do NĐTP. Bên cạnh đó, nạn nhân bị tai nạn giao thông đường bộ có tới 62% có nồng độ cồn trong máu cao, trong đó có 34% nạn nhân tử vong. Người dân không nên lạm dụng rượu và sử dụng rượu theo kinh nghiệm dân gian. Tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ", TS Trung khuyến cáo.

Phúc Anh