Câu chuyện của những ông lão lồng đèn phố Hội

Câu chuyện của những ông lão lồng đèn phố Hội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Trong quá trình tìm hiểu về lồng đèn phố Hội, tôi có dịp gặp gỡ với một lão ông gần 70 tuổi, ông có hơn 35 năm gắn bó với những chiếc đèn lồng. Đèn lồng không chỉ là vật đem lại cho gia đình ông cuộc sống khá giả hơn mà đó còn là thương hiệu, niềm tự hào cho biểu tượng của một vùng đất.

Ông là Huỳnh Văn Hà - chủ cơ sở sản xuất đèn lồng Hà Linh ở tại số 72 Trần Nhân Tông, phường Cẩm Châu, Hội An.

It ai biết, để làm được điều đó, ông Hà đã phải từng ăn cơm giữa đống nan tre, ngủ lăn lóc với đống dụng cụ làm đèn... và đã nhiều đêm thức trắng để có thể đưa cơ sở đi lên. Đã từng là một thợ cơ khí có tiếng ở Hội An, nhưng ông tự thấy mình không thể sống được với cái nghề đó. Năm 1986, ông bỏ nghề, ngày lang thang phố, đêm về nằm gác tay lên trán nghĩ chuyện kiếm một cái nghề nuôi sống gia đình. Nhìn chiếc đèn lồng cha để lại, ông bật dậy khỏi giường.

Xã hội - Câu chuyện của những ông lão lồng đèn phố Hội

Nghệ nhân Huỳnh Văn Hà

Sáng hôm sau, ông cầm rựa ra bụi tre sau nhà, hì hục đốn tre, chẻ, vót và hơn một tuần sau chiếc lồng đèn được treo trang trọng ở cửa ra vào. Nhiều người khen chiếc lồng đèn tròn trịa, xinh xắn. Ba năm sau, một xưởng sản xuất đèn lồng nhỏ xuất hiện. Nằm xa trong con đường làng nhỏ, lộng gió, người chủ của xưởng vẫn cặm cụi vót từng chiếc nan, nghĩ cách làm sao để có thể bán được đèn lồng...".

"Chuyện ngày xưa thì kể bao giờ cho xong? Tôi nghĩ cuộc đời mình có cái duyên rất lớn với đèn lồng. Trước chỉ vì kế sinh nhai, nhưng giờ đó là cái nghiệp. Sống với nghề của cha ông để lại, cần nhất là cái tâm...", ông Hà nhỏ nhẹ tâm sự.

Có lẽ, đến ông cũng không ngờ rằng, nghề làm đèn lồng lại phát triển và mang đến cho ông một cuộc sống sung túc như ngày hôm nay. "Lúc đó tôi chỉ biết làm vì mong muốn bán được vài cái để kiếm tiền. Nhưng khi đèn lồng được nhiều người chú ý hơn thì tôi biết rằng thời cơ của mình đã đến. Và người ta không chỉ cần một chiếc đèn lồng đẹp mà còn cần tận mắt thấy, tận tay làm nên những chiếc đèn lồng nhỏ xinh...".

Nghĩ là làm, ông quyết định mở rộng cơ sở sản xuất. Tìm hiểu rõ thị hiếu, nhu cầu, ông Hà mời những người cứng tay nghề về làm cho mình. 10 người, 20 người... đến nay, cơ sở của ông lúc nào cũng có trên 40 nhân công làm đủ ở các khâu. Hiện nay, cả TP. Hội An có hơn 40 hộ làm đèn lồng nhưng đều làm theo công đoạn. Riêng tại xưởng của ông Hà thì làm tất cả mọi khâu. Lúc nào đến, mọi người cũng thấy ông xắn tay áo làm với công nhân, khi thì cưa tre, khi thì kiểm tra đèn.

"Mình chỉ mong làm ra những chiếc đèn lồng chất lượng và đẹp. Nó đã nuôi sống mình thì mình phải làm sao cho xứng đáng với nó. Nhất là phải có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Đến bây giờ, đèn lồng Hội An đã đi ra khỏi Việt Nam, đến với nhiều nơi trên thế giới, đó thật sự là một niềm tự hào", ông Hà cho biết.

Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, vợ ông Hà tâm sự: "Vợ chồng chúng tôi luôn trăn trở làm sao để đèn lồng Hội An được nhiều người biết đến. Mỗi ngày, chúng tôi luôn tự tìm hiểu và nghĩ ra những kiểu đèn mới để thu hút khách hàng. Và quan trọng hơn tất cả phải biết sống tận tâm với nghề đã chọn". Sống và đi cùng đèn lồng suốt hơn 15 năm qua, ông Hà được xem là người đầu tiên biến xưởng sản xuất thành tour du lịch cho khách đến với Hội An. Là người luôn ý thức được muốn tạo dựng và đứng vững với thương hiệu, hơn ai hết ông Hà là người biết yêu và biết trân trọng, nâng niu với mỗi chiếc đèn lồng được làm ra. Cũng như người dân phố cổ, luôn biết quý trọng phần hồn phố đặc biệt nơi này...

Có người đến với phố cổ chỉ vì chùa Cầu, ngôi chùa nằm ngay giữa phố lại bắc qua sông, đã vậy lại có tượng thần khỉ ở đầu cầu, suốt ngày khói hương nghi ngút. Có người đến đây vì lưu luyến, bâng khuâng các dãy nhà cổ hình ống chật hẹp, mà ngày nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc xưa lấy cảm hứng từ kiến trúc Trung Hoa. Có người "mê" Hội An chỉ vì ở đây có những bộ ấm chén gốm sứ quý của Trung Hoa, còn được giữ lại và được xếp nằm lặng lẽ trong những ngăn kệ gỗ phủ bụi thời gian. Nhưng cũng có người đến với Hội An chỉ vì những chiếc đèn lồng, nhỏ nhắn và bình dị...

Bùi Hữu Cường