Chính sách thuế nên nhìn từ nồi cơm của mỗi gia đình

Chính sách thuế nên nhìn từ nồi cơm của mỗi gia đình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Liên quan đến vấn đề thu nhập 7 hay 9 triệu đồng/tháng mới đóng thuế thu nhập cá nhân, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Bởi hiện tại, họ đã phải đóng rất nhiều loại thuế, phí...

Dư luận trông chờ vào phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hi vọng sẽ được nâng mức khởi điểm cũng như mức giảm trừ gia cảnh của người phải chịu thuế TNCN. Bởi theo quy định cũ 4 triệu đồng/tháng phải đóng thuế và chỉ miễn từ 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc. Trên thực tế, quy định này đã lạc hậu vì mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng sẽ không đủ trang trải cho sống ở thời điểm này.

Trao đổi với chúng tôi, anh Mạnh Kiên, ở Đào Tấn (Hà Nội) cho rằng, khoản giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đã quá lạc hậu so với thực tế cuộc sống hiện nay. Được biết, hiện nay vợ chồng anh đang phải nuôi cháu nhỏ mới 3 tháng tuổi. Chi phí cho cháu bé mỗi tháng không dưới 3 triệu đồng. "Tôi hi vọng lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nâng cao mức khởi điểm đóng thuế TNCN cũng như tăng tiền miễn trừ cho mỗi người phụ thuộc chứ 1,6 triệu giảm trừ là không còn phù hợp. Khi xây dựng luật, cần phải tính toán đến lúc người ta ốm đau, bệnh tật và cả khi trượt giá nữa chứ", anh Kiên nêu ý kiến.

Xã hội - Chính sách thuế nên nhìn từ nồi cơm của mỗi gia đình(Ảnh minh họa)

Nhà anh Kiên có bốn người, một mẹ già, hai vợ chồng với cháu bé. Thu nhập của anh khoảng 11 triệu đồng, vợ anh 4 triệu đồng/tháng. Các khoản chi tiêu trong nhà đều trông cả vào thu nhập của anh. "Cứ tưởng mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng là cao, nhưng thực chất lại trở thành thấp khi mang nhiều gánh nặng. Nó không bắt kịp với tốc độ tăng giá hiện nay", anh Kiên than thở.

Cùng hoàn cảnh với anh Kiên, chị Thu Giang (Từ Liêm, Hà Nội), nhân viên kinh doanh tại một công ty thép trăn trở: "Việc đóng thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân. Cái đó ai cũng hiểu nhưng tôi thấy quy định hiện hành vẫn còn nhiều điều bất hợp lý, nhất là khoản giảm trừ gia cảnh. Với múc giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng như cũ làm sao có thể đủ chi tiêu trong điều kiện hiện tại? Vừa qua xăng lại tăng, giá cả cũng "leo thang". Tôi cho rằng, tối thiểu mức giảm trừ gia cảnh cũng phải lên trên 3 triệu đồng/tháng mới hợp lý", chị Giang kiến nghị.

Mặc dù đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách về việc mỗi công dân phải có trách nhiệm nộp thuế, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần tính toán mức 7 - 9 triệu đồng/tháng đã đủ sống hay chưa? "Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đồng đã gọi là thu nhập cao hay chưa? Tôi nghĩ rằng mức 9 triệu đồng mà Chính phủ đưa ra là chưa cao, chỉ đủ sống", ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Đồng tình với mức khởi điểm đóng thuế mà Chính phủ đưa ra, ông Trần Văn Hằng, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, số chịu thuế hiện nay đang chiếm 10% người có thu nhập. Vì vậy, chúng ta không thể coi là ít được. Theo ông Hằng, Việt Nam vừa mới thoát khỏi các nước có thu nhập thấp, do đó, nhu cầu tối thiểu của người dân ngày càng tăng. Không nên cứng nhắc chỉ cho phép hai người phụ thuộc như đề xuất của Ủy ban Tài chính ngân sách. Bởi một người khi nuôi dưỡng ai thì cũng phải giảm trừ cho người đấy. "Không thể có chuyện nuôi bố mẹ thì thôi nuôi con mà nuôi con thì thôi nuôi bố mẹ", ông Hằng nhấn mạnh.

Phúc Hà