Chuyện chưa kể về truyền nhân của Vua vọng cổ Út Trà Ôn

Chuyện chưa kể về truyền nhân của Vua vọng cổ Út Trà Ôn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Chỉ một lần gặp mặt, Út Trà Vinh đã được Vua vọng cổ nhận làm đệ tử chân truyền các ngón nghề.

Với tài năng thiên bẩm của mình, Út Trà Vinh hoàn toàn có thể tự tìm cho mình một lối đi riêng trên con đường nghệ thuật hát ca cổ. Nhưng ông không chọn lối đi nào cả, mà thay vào đó quyết định song song với người thầy, Vua vọng cổ Út Trà Ôn. Những câu chuyện gắn liền với tình cảm thầy trò, những kỷ niệm Út Trà Vinh chưa một lần tiết lộ, đến giờ vẫn được xem là giai thoại bất hủ của làng ca cổ.

Xã hội - Chuyện chưa kể về truyền nhân của Vua vọng cổ Út Trà Ôn

Út Trà Vinh còn lưu giữ nhiều giai thoại đẹp về Vua vọng cổ Út Trà Ôn

Cơ duyên từ giọng ca tương đồng đến lạ kỳ

Út Trà Vinh tâm sự ông đã bị ca cổ mê hoặc từ thời còn để chỏm. Ngày đó, những bài như: Tôn Tẫn giả điên, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, ông có thể nghe từ ngày này qua ngày khác. Nghe nhiều đến nỗi dù mặt chữ còn đang bập bẹ thế nhưng từng đoạn luyến láy trong từng cung âm cũng in chặt vào đầu ông. Thân sinh của Út Trà Vinh cũng là một nhạc sĩ ca cổ. Cậu bé Trần Minh Hoàng (tên thật của Út Trà Vinh) ngày đó cũng bị cuốn theo những lời ca, điệu nhạc của cha mình. Đến năm 13 tuổi thì cậu đã nằm lòng tất cả những bản ca cổ thịnh hành thời bấy giờ.

Những tháng ngày ở nhà đờn ca cùng cha cũng sớm qua đi. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu lên Sài Gòn để theo học trung học rồi học tiếp lên Đại học Luật khoa Sài Gòn. Trưởng thành trong giai đoạn đất nước loạn lạc, cuộc sống cứ biến chuyển từng ngày. Thế nhưng, duy có niềm đam mê ca cổ, cải lương trong ông là không đổi.

Đi đâu, ông cũng lẩm nhẩm theo điệu nhạc, đến lớp ông vẫn mê say hát. Có lần ông ngồi hát cho đám bạn nghe, hát say đến nỗi thầy vào cũng không biết. Sau một hồi dừng lại thấy mọi người xung quanh đã ngồi ngay ngắn, ông mới biết thầy đã vào lớp. Thầy gọi lên hỏi ông: “Thế thích hát hơn hay thích học hơn”. Cậu sinh viên Hoàng lúc đó mới ấp úng: “Hát ạ”. Vậy là ngay lập tức, ông bị đuổi ra khỏi lớp vào phải chép phạt đến 10.000 lần câu: “Tôi không ca vọng cổ trong lớp”. May cho ông sau đó là những khán giả cùng trường đã giúp cho ông bằng cách chép giúp.

Vì niềm đam mê thúc giục, ông quyết định đi thử giọng ở rạp Long Vân (ở ngã bảy Lý Thái Tổ, quận 10). Trưởng đoàn là Bảy Tâm kêu một số đào kép trong đoàn của mình ra làm hội đồng nghệ thuật. Do còn trẻ lại mới chập chững vào nghề đã phải đứng trước những tên tuổi trong giới nên ông rất run, chân còn kẹp chặt túi xách. Bảy Tâm thấy thế cười lớn: “Mày buông túi xách ra ai lấy đâu mà sợ”. Đang khi mọi người cười lớn thì ông bắt đầu cất lên 2 câu đầu trong bài tủ Tôn Tẫn Giả Điên.

Tiếng hát của ông vừa mới cất lên thì ngay lập tức những tiếng cười đã im bặt. Một người trong đoàn la lên: “Út Trà Ôn về đoàn”. Trước thái độ ngạc nhiên lẫn thán phục của hội đồng nghệ thuật, ông không giấu nổi sự vui mừng của mình. Đến lúc ông chuyển sang ca bài Tình anh bán chiếu thì hội đồng nghệ thuật đã vỗ tay rần rần. Bảy Tâm chạy ra bắt tay, vỗ vai ông nói lớn: “Chú mày có chất đấy, giống Út Trà Ôn đến lạ”. Sau câu nói đó là khoảng thời gian gần 10 năm, ông theo đoàn đi biểu diễn khắp nơi với nghệ danh Minh Hoàng.

Suốt cả đời đóng thế Vua vọng cổ

Cũng trong năm 1983, sau nhiều lần ấp ủ dự định, cuối cùng ông cũng quyết định phải đến tận nhà thần tượng của mình để được gặp gỡ và thỏa lòng mong ước bấy lâu. Xưa nay, Út Trà Ôn vốn là người ít nói vậy mà ngay sau khi nghe hậu bối của mình hát, Út Trà Ôn đã tỏ rõ sự ngạc nhiên khi gặp một người có chất giọng giống mình đến vậy. Không phải mất quá nhiều thời gian cân nhắc, Út Trà Ôn quyết định sẽ nhận ông làm đệ tử để truyền dạy các ngón nghề của mình.

Thời gian sau đó, ông thường xuyên cùng Út Trà Ôn đi diễn chung khắp Sài Gòn và các tỉnh Tây Nam Bộ. Nhiều hôm Út Trà Ôn bị ốm thì chính ông chứ không phải ai khác là người hát thay cho thầy. Với tài năng của mình, Út Trà Vinh hoàn toàn có thể tự tìm cho mình một lối đi riêng, thế nhưng ông lựa chọn đi song song với người thầy, nghệ sĩ Út Trà Ôn. Bởi ngoài tình cảm thầy trò, với Út Trà Vinh thì thầy của ông còn là một hình tượng để mình hướng tới và ông luôn cảm thấy tự hào về điều đó.

Kết thúc câu chuyện của mình, Út Trà Vinh kể cho tôi nghe một kỷ niệm về thời còn đi hát ở rạp Long Vân. Trong một lần có nhiều bà con và người quen cũ của Út Trà Ôn đến xem. Út Trà Vinh kể có lần vừa diễn xong còn chưa tẩy trang, tháo râu ria đạo cụ, bỗng một người chạy đến ôm chầm lấy kêu: “Anh Mười, anh Mười” (tên thân mật của Út Trà Ôn). Đến khi Út Trà Vinh bắt đầu lau mặt rồi gỡ đạo cụ ra người đó mới thổ lộ: “Nếu không phải là nhìn rõ mặt thì có lẽ tôi cứ tưởng hôm nay mình xem Út Trà Ôn biểu diễn”.

Trước khi Vua vọng cổ Út Trà Ôn lâm bệnh mất, ông liên tục đến thăm thầy, cứ rảnh một chút là ông lại ghé qua. Lúc này trên giường bệnh, Út Trà Ôn không ca được nữa, tuy nhiên để phục vụ một số bạn bè và người hâm mộ đến thăm. Út Trà Vinh lại thay thầy ca lên những bài bất hủ gắn liền với tên tuổi Út Trà Ôn như: Tình anh bán chiếu, Gánh nước đêm trăng, Ông lão chèo đò. Nghe ông ca, mọi người có khi chỉ biết nhìn nhau mà ứa nước mắt.

Phạm Khoa