Chuyện lạ về nữ nghệ sĩ chèo nổi danh mở quán trà đá

Chuyện lạ về nữ nghệ sĩ chèo nổi danh mở quán trà đá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Tình cờ gặp nữ nghệ sỹ chèo nổi danh một thời ngay quán trà đá do chính chị mở ra, tôi đã hiểu được phần nào nỗi niềm của chị...

Căn nhà nhỏ nằm khuất ngay sau nhà văn hóa quận Hà Đông (Hà Nội) khá nhỏ và bình dị. Không gian phòng khách không trưng bày những bức tranh, những tác phẩm nghệ thuật như nhiều gia đình nghệ sĩ khác nhưng khi bước vào đó, chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí nghệ thuật cũng như tình cảm của người nghệ sĩ đã gắn bó cả đời với loại hình nghệ thuật chèo của dân tộc. Chị là nghệ sĩ Nguyễn Minh Kết.

Xã hội - Chuyện lạ về nữ nghệ sĩ chèo nổi danh mở quán trà đá

Nghệ sĩ Minh Kết

Nghệ sĩ kiêm chủ quán trà đá

Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ) quanh năm cặm cụi với hạt lúa của khoai, sống đời vất vả nhưng tài năng ca hát của chị sớm nảy nở với chất giọng trời phú trong trẻo, ấm áp đi vào lòng người. Trong chốn thôn quê dân dã, niềm đam mê nghệ thuật của cô thôn nữ trẻ cứ ngày càng lớn dần lên, vượt khỏi lũy tre làng quanh năm rợp bóng.

Khao khát được đi hát, được theo đuổi ước mơ nghệ thuật và cuối cùng chị đã được thỏa nguyện. Chị đã được người chú ruột là nghệ sĩ Minh Sáng dẫn dắt vào nghề khi mới 17 tuổi. Đối với chị, năm 1970 là mốc thời gian không thể quên trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Đó là thời điểm mà cô thôn nữ Minh Kết được nhận vào đoàn chèo Cổ Phong, tiền thân của đoàn chèo Hà Tây sau này.

Ngày chị mới về đoàn, khó khăn chồng chất khó khăn. Cô nghệ sĩ trẻ phải vừa học, vừa làm, vừa phải theo những chuyến lưu diễn của đoàn đi khắp nơi ở miền Bắc. "Hồi đấy không có phương tiện, đi lại khó khăn lắm, chủ yếu đi lại bằng xe bò. Đoàn có thêm một chiếc xe tải nữa nhưng vì nhiều người nên nhóm này vừa đi vừa đợi nhóm kia rất mất thời gian", chị bùi ngùi nhớ lại.

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, chị lại lên đường tham gia văn công, có mặt ở những chiến trường cam go nhất như Đường 9 Nam Lào hay biên giới Việt - Trung phục vụ, cổ vũ cho biết bao chiến sĩ trên mặt trận chống quân thù. Ở nơi đầu trận tuyến, không quản ngại bom đạn, bất chấp hi sinh, giọng hát chị lúc nào cũng vang cao, vang xa và đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần cho các binh sĩ.

Hòa bình lập lại, chị quay về công tác ở đoàn chèo Hà Tây, lại bận rộn lo toan thời hậu chiến. Cuộc sống mưu sinh vất vả cũng không thể khiến chị từ bỏ đam mê nghệ thuật của mình. Chị nói: "Dù chế độ bồi dưỡng cho anh chị em trong Đoàn lúc đó rất thấp nhưng mọi người vẫn cố bám trụ với nghề, không một ai từ bỏ". Không những thế, chị còn chạy đôn chạy đáo khắp nơi, về các huyện dạy nghệ thuật chèo cho các học viên với mục đích quảng bá, bảo tồn cho loại hình nghệ thuật đang có nguy cơ bị mai một trong đời sống hiện đại.

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật say mê và không biết mệt mỏi nhiều khi khiến chị quên đi chính mình. Đối với chị, chèo chính là cuộc sống, là bản thân cũng như là mục đích sống của cuộc đời chị. Khi được hỏi về những vai diễn thành công nhất, chính chị cũng ngỡ ngàng một lúc. Trong suốt nghiệp diễn, chị đã từng đóng hàng trăm vai diễn từ chính diện cho đến phản diện, từ nhân vật hề cho đến nhân vật bi, từ hát chính cho đến lồng tiếng cho các nghệ sĩ trẻ...

Khán giả một thời không thể quên với các nhân vật trong các vở chèo do chị đóng vai như: Mây (trong Người tốt năm 65), Hòe (trong Thuở ấy Hà Đông), bà Hai (trong Tình xưa đã mất)... Đó là những vai diễn đã làm nên tên tuổi của nghệ sĩ Minh Kết trong lòng khán giả yêu nghệ thuật chèo. Và cũng chính những vai diễn đó đã mang về cho nữ nghệ sĩ cả tá huy chương trong những hội diễn hay các cuộc thi do tỉnh Hà Tây (cũ) tổ chức.

Chị về công tác tại đoàn chèo Hà Nội được hai năm thì dứt áo về quê. Nhưng tình yêu nghệ thuật thì không bao giờ dứt trong lòng người nữ nghệ sĩ đã gắn bó 42 năm trong nghề. Các cụ dạy rằng "sinh nghề tử nghiệp", câu này không sai với chị. Cho đến bây giờ, chị vẫn cộng tác với Nhà hát múa rối Trung ương, hát trong những vở diễn rối phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dân gian của công chúng.

Từ khi về nghỉ hưu, chị đã mở quán bán trà đá ngay dưới gốc cây trong khuôn viên Nhà văn hóa Hà Đông. Câu chuyện này làm chúng tôi hết sức hiếu kì. Không hiểu một nghệ sĩ đã từng đi lưu diễn nước ngoài như cơm bữa, lại công tác lâu năm trong ngành, đời sống chẳng lẽ phải góp nhặt từng đồng bằng nghề bán trà đá hay sao?

Hỏi về vấn đề này, chị cười hóm hỉnh: "Ban đầu, mình ngại lắm. Sợ mọi người không hiểu lại bảo tham đến từng đồng tiền lẻ. Nhưng nhà có ba mẹ con, hai đứa thì đi từ sáng đến tối mới về, nhà lúc nào cũng vắng tanh vắng ngắt, mình buồn ra ngồi bán cho vui… Con cái không cho mình bán vì sợ điều tiếng nhưng mình có làm gì đâu mà sợ. Cốt là cho đỡ buồn".

Xã hội - Chuyện lạ về nữ nghệ sĩ chèo nổi danh mở quán trà đá (Hình 2).

Minh Kết trong một vai diễn

Niềm đam mê cống hiến

Dù không còn công tác ở nhà hát chèo Hà Nội nữa nhưng chị vẫn không thể nào từ bỏ được tình yêu với nghề. Chị cho biết, cứ vào mùa lễ hội là hầu như không bao giờ ở nhà. Chị được mời đi diễn ở rất nhiều nơi, từ hội hè, đình đám đến các chùa chiền, miếu mạo. Hễ ở đâu mời là chị đi, không ngại đường sá xa xôi, không ngại tuổi tác, chị đến với quần chúng như một sự thôi thúc bên trong, của niềm đam mê hát và được hát. Khán giả thì nói rằng, chị được trời phú cho chất giọng, dù đã có tuổi mà vẫn khỏe, vẫn dẻo dai, tiếng hát vẫn đi vào lòng người.

Nhân dân khắp nơi biết tiếng chị, yêu giọng hát không bao giờ bị lão hóa của chị và thế là đủ. Những trái tim kết nối với trái tim. Chị đến với những trái tim chân thành và hát cho họ bằng cả niềm yêu thương và sự tự hào. Đối với người nghệ sĩ, còn hạnh phúc nào hơn khi được công chúng nhớ tới mình, nhắc nhở đến mình khi mỗi mùa hội đến.

Chị cũng tâm sự: "Mình đi hát là để thỏa cái chí, được sống lại thời ngày xưa, chứ đâu phải chạy sô kiếm tiền. Mình diễn cho nhà chùa, cho các đền chủ yếu làm từ tâm là chính. Còn tiền bồi dưỡng thì tùy tâm, anh em trong đoàn không bao giờ đòi hỏi". Những dự định của chị còn rất nhiều và cũng bề bộn, ngổn ngang. Những chuyến lưu diễn về các miền quê, những buổi hướng dẫn cho anh chị em trẻ mới vào nghề, những buổi diễn cho các lễ hội, các giá cô đồng, những buổi ngâm thơ... tất cả làm cuộc sống của người nghệ sĩ thêm ý nghĩa.

Gặp chị ngoài đời không ai nghĩ khuôn mặt trẻ trung ấy đã xấp xỉ lục tuần. Thời gian tuy đã phần nào in dấu trên khuôn mặt nhưng nói chuyện nghề với chị lúc nào cũng thấy toát lên khát vọng của tuổi trẻ, tình yêu chèo không bao giờ tắt và luôn rực cháy ngọn lửa nhiệt huyết. Tình yêu đó được truyền cho cả thế hệ kế cận. Cô con gái tuy không theo nghiệp của mẹ nhưng cũng đam mê nghệ thuật và học ngành thanh nhạc. Cô cháu gái thì học nhạc cụ dân tộc và cả hai đều là sinh viên của học viện âm nhạc quốc gia.

Chị trải lòng: "Đã xác định theo nghệ thuật, nhất là nghệ thuật dân tộc phải chịu khổ, chịu khó. Nếu mình chăm chỉ gieo trồng những "hạt mầm" hi vọng bằng tình yêu và sự chân thành thì "quả ngọt" rồi sẽ đến với mình như một lẽ công bằng của tạo hóa".

Phạm Thiệu