Chuyện

Chuyện "lớp VIP" ở trường học công

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Theo tính toán của nhiều người, để có được một phòng học VIP như vậy, chi phí đầu tư không dưới 300 triệu đồng.

Những ngày qua, Hà Nội xôn xao về việc một trường tiểu học công lập trên địa bàn xây dựng lớp học tương tác với chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng. Trong lớp học VIP đó được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như sàn nhà ốp gỗ, bảng tương tác hơn 100 triệu đồng… Tất cả chi phí đó đều do phụ huynh tự nguyện đóng góp. Sự ra đời của lớp học "bất thường" này thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nhiều chuyên gia về giáo dục kịch liệt phản đối mô hình này trong các trường công lập, coi đó là sự phản cảm và vi phạm quyền bình đẳng trong giáo dục.

Xã hội - Chuyện 'lớp VIP' ở trường học công

Trẻ cần được học trong môi trường hòa đồng, không có sự phân biệt... đẳng cấp

Hãy ra trường tư mà mở lớp VIP!

Thời gian qua, báo Người đưa tin nhận được thông tin từ một số phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội) về việc trường này xuất hiện loại hình lớp học mới: Lớp học tương tác. Theo đánh giá của phụ huynh thì lớp học này nổi bật hơn tất cả các lớp học khác bởi hệ thống thiết bị hạng sang. Toàn bộ sàn nhà được ốp bằng gỗ, bàn ghế của học sinh và cô giáo được thay đổi toàn bộ. Thiết bị dạy học của một lớp VIP này gồm có máy vi tính, máy chiếu, bảng tương tác, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án, tích hợp sẵn thư viện tài nguyên và các công cụ hỗ trợ giảng dạy tiên tiến khác.

Nếu tất cả những hệ thống thiết bị tiên tiến hiện đại này được đầu tư đồng bộ trong các trường tiểu học là điều không ai có thể bàn cãi và sẽ nhận được sự ủng hộ từ các bậc phụ huynh. Điều đáng nói là lớp học "VIP" ấy lại được sinh ra trong một trường công lập bởi các phụ huynh tự đóng góp. Dư luận có nhiều phản ứng trái chiều về hiện tượng giáo dục mới này. Cũng có người đồng tình vì đó là nhu cầu chính đáng của con em họ. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ sự phản đối với mô hình lớp học tương tác, bởi như vậy sẽ là bất bình đẳng trong giáo dục ngay trong trường công lập, thậm chí là phản cảm, phản giáo dục.

Anh Trần Trung Kiên (Thanh Xuân - Hà Nội) cho rằng, sẽ không có ai bàn nếu đây là trường tư. Nhưng rõ ràng đây là một trường công lập, nguồn vốn do ngân sách Nhà nước với mục đích là phổ cập giáo dục toàn dân. "Vẫn căn phòng ấy, mảnh đất ấy, các thầy cô giáo ấy… tiền lương giáo viên lấy từ ngân sách Nhà nước hay nói cách khác là từ người dân đóng thuế, vậy sao lại đi phục vụ một nhóm người như vậy? Hãy ra trường tư để mở lớp VIP, cô giáo VIP, phương tiện VIP. Chúng ta hãy nghĩ xem trong một ngôi trường đó hàng ngày con trẻ đi học ở những lớp "không VIP" sẽ nhìn về cái lớp VIP ấy như thế nào?", anh Kiên bức xúc chia sẻ.

Cô Thủy, phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi không hợp tác với báo chí. Cô Thủy đã không đưa ra câu trả lời liên quan đến việc xuất hiện lớp "VIP" trong trường công lập.

Trao đổi với PV Người đưa tin, một lãnh đạo Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, hoàn toàn không có chủ trương từ sở về việc thí điểm xây dựng các lớp tương tác ở các trường trên địa bàn. Vị này nói thêm, có thể trong xu thế xã hội hóa giáo dục, nhiều phụ huynh tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng lớp học tốt hơn cho con em mình, trong trường hợp này có thể đầu tư hơi quá. Cá nhân vị lãnh đạo này cũng không đồng tình việc xây dựng những lớp VIP như vậy trong các trường công lập và hứa sẽ kiểm tra mô hình này.

Tư thục hóa trường công?

Vấn đề giáo dục luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Vì thê,ë sau khi có thông tin xuất hiện mô hình lớp học tương tác tại trường tiểu học Nguyễn Trãi với kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với các chuyên gia giáo dục, văn hóa, những nhà quản lý giáo dục về vấn đề này. Đa phần đều cho rằng, việc đầu tư cho giáo dục là việc cần thiết và nên làm, tuy nhiên không nên vì thế mà làm mất bình đẳng trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học.

GS.VS. Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ GD trả lời Người đưa tin cho biết, chúng ta quy định học sinh mặc đồng phục để không phân biệt giàu nghèo, để trẻ con dù gia đình có điều kiện hay không có điều kiện, dù bên ngoài xã hội ăn mặc rất đắt tiền nhưng khi bước vào môi trường giáo dục thì bình đẳng như nhau. Kể cả việc cho học sinh ăn chung bữa trưa cũng nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các em. Việc trong một trường công lập có sự phân biệt giữa lớp nhiều tiền và lớp ít tiền là điều không nên, như thế sẽ rất phản cảm và phản giáo dục. Cựu bộ trưởng GD&ĐT còn cho rằng, tư tưởng tiến bộ của nhân loại là học sinh được bình đẳng trong giáo dục, tức là bình đẳng về cơ hội. Đời sống người dân khá hơn nên phải tiến theo hướng tiến bộ chứ không nên đi theo hướng phản tiến bộ như vậy. Bình đẳng nói chung và bình đẳng trong giáo dục chính là một nội hàm của dân chủ.

"Bây giờ ở trong trường công lập lại sinh ra những lớp đặc biệt, khác biệt như vậy là bất bình đẳng và đi ngược lại với xu thế bình đẳng, dân chủ của nhân loại. Vào trường học mà có sự phân biệt về giàu nghèo như vậy là không ổn, phản cảm và phản giáo dục. Phòng GD & ĐT quận Thanh Xuân cần xem xét lại điều này", nguyên bộ trưởng Bộ GD &ĐT cho biết.

Cùng quan điểm với G.S Phạm Minh Hạc, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, mong muốn cho con em mình được học tốt hơn, giáo dục trong môi trường hiện đại hơn, với điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất là nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu đóng tiền để xây dựng một lớp học hiện đại, theo dạng "VIP" trong trường công là điều cực kỳ phản cảm.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đó không phải là lớp học tương tác mà thực chất là lớp học tư thục nhưng cơ sở giảng dạy và lương giáo viên là do Nhà nước trả. Rõ ràng xã hội đã hình thành nhu cầu trường tư thục do một số phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt mong muốn con em mình được học trong môi trường tốt. Vì thế Bộ GD & ĐT cũng nên tạo điều kiện cho việc hình thành hệ thống trường tư thục để giảm áp lực cho trường công lập. Hiện nay có tình trạng là dưới chiêu bài "xã hội hóa giáo dục" để những người giàu tư thục hóa trường công.

"Sự tồn tại giữa lớp "VIP" với lớp thường trong môi trường giáo dục công như vậy thì sẽ xảy ra tình trạng thầy cô giáo sẽ dành những ưu tiên hơn cho lớp VIP mà xao nhãng lớp thường. Tôi cho rằng như thế sẽ phản cảm và phản giáo dục rất lớn, trong khi chúng ta đang hô hào giáo dục các cháu sống quan tâm, yêu thương và chia sẻ. Chuyện đó là không nên, là phản giáo dục", ông Quốc chia sẻ.

Đành rằng việc đầu tư cho con em được học trong môi trường cơ sở vật chất tốt nhất là điều cần thiết, đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lợi nhất. Tuy nhiên, đầu tư hàng trăm triệu đồng vào một lớp học ở trường công như thế này lại là câu chuyện khác. Nếu có điều kiện thì có thể cho con học tại các trường tư thục, trường quốc tế với điều kiện tốt nhất có thể thay vì "tư thục hóa trường công" như vậy. Nếu mô hình này được chấp nhận, được nhân rộng trong trường công thì vô tình sẽ tạo cho lớp trẻ tính phân cấp, ích kỷ và chưa chắc đã tốt về mặt giáo dục.

"Chả khác nào dạy các em phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp"

"Thử tưởng tượng trong trường tiểu học đã có sự phân biệt như vậy, đã tồn tại giữa lớp giàu, lớp nghèo như vậy là phản giáo dục. Như thế chả khác nào dạy con em mình phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp? Xã hội càng tiến bộ thì quyền được bình đẳng về giáo dục, về học tập là cực kỳ quan trọng, điều này đã được pháp luật bảo hộ. Chuyện phụ huynh góp tiền để xây dựng phòng học hàng trăm triệu cho con em mình được học tốt hơn ở các trường tư là bình thường, có thể chấp nhận được, nhưng nếu ở trường công lập thì không thể được", ông Dương Trung Quốc nêu ý kiến.

Hà Khê