Chuyện người tù tri ân vị chánh án chưa từng gặp mặt

Chuyện người tù tri ân vị chánh án chưa từng gặp mặt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Sau hành trình gần 30 năm đi tìm công lý, dù đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", bà Hoàng Thị Hoan vẫn đau đáu một nỗi niềm: Ghi ơn vị chánh án đã đưa ánh sáng công lý đến cho bà.

"Họa vô đơn chí"

Bà Hoa năm nay 77 tuổi, sống trong căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn ở TP. Huế. Hàng ngày bà kiếm sống nhờ việc bán vài cây bút bi tại góc đường gần nhà.

Bà Hoan kể, từ người cán bộ gương mẫu của viện Điều tra lâm nghiệp (bộ Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm cũ) công tác tại Hà Nội, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, năm 1976, bà cùng gia đình vào vùng kinh tế mới tỉnh Bình Trị Thiên làm kế toán tại ban Kinh tế mới. Làm việc tại đây chưa đầy nửa năm thì tai họa ập xuống, bà Hoan bị cáo buộc tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình điều tra, suốt 2 năm trời, bà bị bắt tạm giam nhiều lần, nhưng bà vẫn kiên quyết không nhận tội.

Năm 1978, cơ quan tư pháp tỉnh Bình Trị Thiên cho rằng bà tham ô tài sản lên tới 25 tấn gạo và tuyên phạt bà 6 năm tù nhưng tạm tha về để sinh con. Cũng năm 1978, Chính phủ có quyết định đổi tiền. Lúc này, bà Hoan có 3 con lợn to, bà đành đem bán để lấy tiền đi đổi cho được giá, nhưng khổ nỗi là bà không đổi được tiền do sổ hộ khẩu của bà đã bị thu giữ. Thế là bà Hoan mất oan ba con lợn. Ba năm sau (năm 1981) bà Hoan bị buộc phải thi hành án để lại 5 đứa con thơ.

Pháp luật - Chuyện người tù tri ân vị chánh án chưa từng gặp mặt

Bà Hoan cho PV xem tờ báo ghi lời tri ân của mình với vị ân nhân

"Đi tù được mấy tháng thì 4 đứa con thất thểu đi bộ mấy chục km đến thăm, nhìn từ xa, tôi thấy trên đầu các con đều quấn tang trắng, tôi giật mình hỏi nội hay ngoại chết rứa mà đeo tang?. Lúc này mấy đứa mới òa khóc cho biết chị cả của chúng đã chết do ốm đau mà không có tiền chữa trị. Lúc chết, chị có dặn các em là đừng nói với mẹ để mẹ yên tâm cải tạo. Hôm đó cũng chính là 100 ngày của chị nên mấy đứa quấn khăn trắng và không giấu được", bà Hoan vừa gạt nước mắt vừa kể.

Nghe tin con chết, lòng bà Hoan quặn thắt, ngất ngay tại chỗ. Nỗi đau con chết chưa nguôi ngoai thì chồng bà Hoan đến thăm và dò hỏi: "Hoan ơi, mi tham ô nhiều rứa, bây giờ mi giấu tiền ở mô hay mi gửi ai để tôi đến lấy về nuôi con. Bây giờ tài sản trong gia đình người ta thu hết rồi". Nghe đến đây bà Hoan càng uất hận hơn và chỉ vào mặt chồng: "Ông mà nói như rứa nữa là từ này đừng có thăm tôi, tôi không tham ô, người ta vu oan cho tôi thôi". Ngay sau đó, chồng bà Hoan đâm đơn ra tòa xin ly hôn và tái hôn với người khác, để lại 4 đứa con sống lay lắt tự nuôi nhau.

Người quản giáo tốt bụng

Năm 1985, bà Hoan được trả lại tự do. Không công ăn việc làm, chồng đã lấy vợ khác, bầy con thì nheo nhóc thất học, tủi cực, nhiều lần bà tìm đến cái chết. Nhưng rồi bà nghĩ không thể chết được vì còn các con, còn nỗi oan khiên của bản thân chưa được gột rửa. Thế là, ngay khi viếng mộ con về, bà bắt đầu viết lá đơn kêu oan, đặt viên gạch đầu tiên cho hành trình gần 30 năm đi tìm công lý.

Ngày bà Hoan ra tù cũng là lúc đứa con gái thứ hai của bà tên Huyền bước sang tuổi đôi mươi. Biết Huyền là cô gái đảm đang, chịu thương chịu khó nên năm 1989, anh Nguyễn Thanh Bình - người quản giáo năm xưa nhiệt tình giúp đỡ bà Hoan cải tạo - đã mang trầu cau đến xin hỏi cưới Huyền. Ngặt một nỗi, lúc bấy giờ anh Bình đang là chiến sỹ công an, việc anh lấy con gái của tội phạm là điều khó chấp nhận được. Cực chẳng đã, anh Bình đành phải xin ra khỏi ngành, về làm nghề chạy xe ôm để kiếm sống.

Về phía Huyền, do gia cảnh khó khăn, năm 1986, chị được ưu tiên đi lao động xuất khẩu ở Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi xét lại lý lịch, thấy ghi mẹ đẻ mới ra tù nên bị cắt tiêu chuẩn. Thế là cơ hội đổi đời lại một lần nữa tắt lịm. Nỗi đau của bà Hoan như nhân lên gấp đôi. Bà luôn cảm thấy có lỗi với với các con nên càng nung nấu quyết tâm để giải oan cho chính mình.

Sau khi ra tù, hàng ngày, bà Hoan lang thang khắp TP.Huế để bán vé số lấy tiền nuôi con, phần còn lại, bà dành dụm mua giấy bút để làm đơn cũng như làm lộ phí tìm đến các cơ quan tư pháp địa phương và trung ương kêu oan. Tuy nhiên, qua hàng chục năm, hàng nghìn lá đơn của bà vẫn không có hồi âm và nếu có thì người ta cũng cho rằng không có căn cứ để giải quyết đơn kêu oan của bà. Không nản chí, bà tiếp tục cuộc hành trình kêu oan cũng như gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền.

Đến năm 1991, nhận thấy đơn kêu oan của bà Hoan là có căn cứ để xem xét lại nên ủy ban thẩm phán TANDTC đã hủy các bản án của hai cấp tòa trước đây, yêu cầu điều tra lại từ đầu toàn bộ vụ án.

Pháp luật - Chuyện người tù tri ân vị chánh án chưa từng gặp mặt (Hình 2).

Tri ân người chưa gặp mặt

Kết quả điều tra lại cho thấy hầu hết các hóa đơn chứng từ quan trọng nhất buộc tội bà Hoan trước đây là giả mạo, không phải chữ ký và chữ viết của bà Hoan. Tuy nhiên các cơ quan tư pháp vẫn buộc bà Hoan phải chịu trách nhiệm về 187 hộp sữa. Chính vì thế năm 1995, tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bà Hoan 6 tháng tù về tội tham ô. Như vậy với bản án này, bà Hoan đã ngồi tù thừa 5 năm 6 tháng!

Bà Hoan tâm sự: "Tuy kết quả xét xử này cũng chưa được thỏa lòng nhưng cũng làm tôi phần nào mát dạ để tiếp tục hành trình đi tìm công lý. Ngày 15/9/1996, bà Hoan được nhận số tiền 44 triệu đồng (tương đương 12 tấn gạo). Đây là số tiền được tòa án tuyên trả lại cho bà vì trước đây cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành án quá mức, thu giữ toàn bộ tài sản của gia đình bà.

Sau khi nhận lại tài sản, bà Hoan viết một bức tâm thư gửi nguyên Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương - người mà bà tri ân suốt cả cuộc đời. Trong lá thư có đoạn: "Hôm nay là ngày tôi mừng nhất mà cũng khổ tâm nhất, giờ phút phòng thi hành án trả lại số tiền từ tài sản bị tịch thu cách đây 20 năm. Tuy không được là bao nhưng ý nghĩa là chân lý, lẽ phải đã dần trở về với tôi, sự thật và lẽ phải trở lại thì tôi cũng đã mất hết cả hạnh phúc riêng tư, sự nghiệp, không riêng của chính mình mà còn kéo theo một đàn con, đứa chết đã yên phận, 4 đứa sống còn lại cũng lay lắt vì vụ án của mẹ. Bác ơi! Tôi nói thế nào cho hết với tất cả tình thương của bác dành cho mẹ con tôi. Nếu không gặp được bác lúc đó thì mẹ con tôi chỉ có chết hết, vì đứa nào cũng đồng ý chết".

Năm 2008, khi nghe đài Truyền hình thông báo tin buồn ông Trịnh Hồng Dương từ trần, lòng bà quặn đau như chính người thân trong gia đình mất. Sáng sớm hôm sau, bà đến TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế chờ xin bằng được tờ báo viết về lễ tang của cố Chánh án Trịnh Hồng Dương mà nước mắt không ngừng rơi.

Vừa nói bà lục tìm và đưa chúng tôi xem tờ báo với những lời tri ân ông Trịnh Hồng Dương với những tâm sự da diết: "Trời ơi! Tôi - Hoan định xong việc rồi sẽ tìm đến ông xin tạ ơn! Ai ngờ ông đã ra đi. Trời ơi! Không còn cơ hội nào nữa rồi chỉ còn có thể thắp nén hương! Trời ơi! Sao ông Dương ra đi sớm rứa! Tôi thật ân hận vì chưa được gặp ông để tạ ơn ông. Ông thông cảm cho tôi đang sống một cuộc đời cay đắng lắm".

Năm 1996, thấy được những nỗi đau và bi kịch cuộc đời của bà Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có buổi đối thoại trực tiếp với bà Hoan. Trong cuộc đối thoại này, vị Chủ tịch tỉnh ngỏ ý muốn tạo điều kiện để làm chế độ cho bà về mất sức. Nghe vậy, bà Hoan liền mời ông Chủ tịch ra giữa sân UBND tỉnh thi đấu vật với bà xem ông Chủ tịch có thắng được không mà bảo bà là mất sức (?!). Năm 1997, bà chính thức nhận được sổ hưu trí.

Như vậy thêm một lần nữa lòng bà Hoan ấm lại vì những oan khiên, đau khổ của bà đã được bù đắp phần nào. Giờ đây, bà chỉ canh cánh một nỗi niềm là gần 2.000 nghìn ngày bị "đi tù thừa" của bà, không một cơ quan nào có thể trả lại được cho bà.

Trần Quyết


Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Bắt giữ đối tượng đốt 4 xe máy trên xe đặc chủng của CSGT

Thứ 2, 29/04/2024 | 08:30
Người đàn ông vi phạm nồng độ cồn đã tự ý trèo lên thùng xe tải chuyên dụng của CSGT và đốt chiếc xe máy của mình. Ngọn lửa bùng phát, lan sang các phương tiện khác.

Huế: Nam thanh niên tông vào CSGT khi bị dừng xe để kiểm tra

Thứ 2, 29/04/2024 | 06:05
Khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, Phạm Ngọc An đã bất ngờ tông thẳng xe máy vào người trung tá Minh khiến chiến sĩ này bị thương phải nhập viện.

Bắt đối tượng đánh người thương tích rồi trốn nã

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:55
Sau khi biết mình bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Cố ý gây thương tích, Nguyễn Dương Tùng đã bỏ trốn nhưng không thoát khỏi sự vây bắt của lực lượng công an.

Tiết lộ về kẻ cầm đầu trang web phát tán 19 triệu nội dung đồi trụy

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:45
Nhóm đối tượng do Vinh cầm đầu trực tiếp điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" với hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu.

Thông tin mới vụ cô gái chết khô trên sofa: Ô tô biến mất, sim bị tháo

Chủ nhật, 28/04/2024 | 15:21
Liên quan tới vụ việc cô gái chết khô trên sofa khu căn hộ cao cấp ở Hà Nội, cơ quan chức năng vừa thông tin thêm một số tình tiết quan trọng.
     
Nổi bật trong ngày

Hành trình lật mặt kẻ thủ ác vụ án sát hại người tại Đồng Nai

Chủ nhật, 28/04/2024 | 09:08
Đối tượng ra tay giết người tình là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai: Bắt giữ đối tượng đốt 4 xe máy trên xe đặc chủng của CSGT

Thứ 2, 29/04/2024 | 08:30
Người đàn ông vi phạm nồng độ cồn đã tự ý trèo lên thùng xe tải chuyên dụng của CSGT và đốt chiếc xe máy của mình. Ngọn lửa bùng phát, lan sang các phương tiện khác.

Lâm Đồng: Bắt giám đốc trốn truy nã 22 năm

Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:22
Sau 22 năm trốn lệnh truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phạm Văn Bộ đã thay tên đổi họ, làm giám đốc 3 công ty trước khi bị công an bắt giữ.