Chuyện tình của NSND Tường Vy

Chuyện tình của NSND Tường Vy

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Cả đời khát khao, kiếm tìm hạnh phúc, nhưng “bến đỗ” cuối cùng, an lành và hạnh phúc nhất đối với cô lại chính là Trung tâm nghệ thuật tình thương.

Trước khi NSND Tường Vy vào bộ đội, cô đã có mối tình thật đẹp và lãng mạn với anh phụ trách công tác thiếu nhi. Anh ấy đánh đàn măng-đô-lin rất hay, lại sáng tác giỏi. Tình yêu đẹp và lãng mạn. Gia đình hai bên cũng đã qua lại đặt vấn đề cho các con tìm hiểu. Sau khi cô vào bộ đội, anh ấy đi học Hải quân ở Trung Quốc. Hai người tạm xa nhau trong lời hẹn ước mai sau. Chính trong thời gian học y tá, rồi tập kết ra Bắc, về công tác ở Bệnh viện Quân đội 108, Tường Vy đã sáng tác bài hát “Quê hương anh là biển cả” để thể hiện nỗi nhớ của mình.

Xã hội - Chuyện tình của NSND Tường Vy

NSND Tường Vy dạy đàn tại trung tâm tình thương

Yêu thương là thế nhưng sự xa cách đúng là một thử thách khó khăn. Sau khi được nhận về đoàn văn công của Tổng cục Chính trị, trái tim Tường Vy đã rung động trước một người nhạc sĩ, từng thử giọng cho cô. Tình yêu nảy nở trong tâm hồn của hai con người đồng điệu. Nhưng đơn vị quy định, dưới 23 tuổi thì chưa được yêu, chưa được kết hôn, để dành tuổi thanh xuân phục vụ cách mạng. Lúc đó, Tường Vy lại chỉ mới 18 tuổi. Vì vậy, hai người đã không thể đến với nhau.

Cuối cùng hạnh phúc riêng cũng đã đến gõ cửa trái tim Tường Vy khi cô nhận lời cầu hôn của một nhạc sỹ. Cuộc hôn nhân kéo dài tới 20 năm rồi bay đi theo gió do 2 người dần mất đi tiếng nói chung. NSND Tường Vy tâm sự, chồng cô rất tốt, rất yêu thương vợ con và ủng hộ hết mình cho nghề nghiệp của vợ. Thế nhưng, hai người như hai dòng sông, chảy bên cạnh nhau nhưng không bao giờ gặp nhau được.

Và trái tim ấm nóng của Tường Vi đã tìm được một “bến đỗ” an lành và hạnh phúc. Cô dồn hết tất cả tâm nguyệ̣n cho 3 Trung tâm Nghệ thuật Tình thương ở Hà Nội, Quảng Nam và Đà Nẵng với 240 trẻ em có số phận bất hạnh.

Cô cho biết, từ trung tâm này, nhiều em đã trở thành những tài năng âm nhạc, như Hà Chương (khiếm thị) tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Quốc gia VN; Hoàng Mạnh Cường (khiếm thị); ca sĩ Hoài Phương nhóm “Mặt trời đỏ” hay Khánh Thi sau này trở thành “nữ hoàng dance sport”; Phương Thu, Giáng Son đã từng được trung tâm giúp đỡ khi còn chập chững bước vào con đường nghệ thuật; Thanh Lan, Hương Giang đã thành những cô giáo dạy piano có uy tín; Quang Vinh, Thu Phương đang tu nghiệp tại Trung Quốc…

Để duy trì và có được thành công sau khi mở 3 trung tâm, gần 20 năm nay, NSND Tường Vy đã phải trải qua không ít “cửa ải”. Cô từng bán chó Nhật, bán nhẫn, đi biểu diễn nhiều nơi kiếm tiền ươm mầm cho những tài năng tương lai của đất nước. Những lúc khó khăn, trắc trở, NSND Tường Vy thường nghĩ tới Bác và chắp tay cầu. Có người bảo cô làm việc này để được nổi tiếng. Nhưng với cô, sự nổi tiếng đã quá đủ rồi. Cô chỉ muốn đem tình thương, tất cả những gì tốt đẹp nhất đến với trẻ em thiếu thốn tình cảm.

Gần 20 năm nay, NSND Tường Vy bị căn bệnh tiểu đường hành hạ. Nhiều lúc cơn đau chợt đến, tưởng chừng đánh gục bà. Nhưng bà vẫn cắn răng, nén cơn đau, tự tiêm thuốc cho mình, tập thể dục để vượt lên dốc đứng của số phận.

Giọng hát làm vị tướng Lào mê đắm

Tiếng hát của Tường Vy đã vượt qua biên giới và làm mềm lòng biết bao người, trong đó có không ít những người ngoại quốc nổi tiếng. Chính trung tướng Coong Le, khi còn là đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Dù 3 của Hoàng Thân Suvanafuma đã “thầm thương trộm nhớ” và viết cho bà biết bao nhiêu thư tình. Những bức thư tình chân thật chứa đựng nỗi si mê cháy bỏng của một người chinh chiến: “Tường Vy ơi, giọng em đẹp như vàng. Mấy ngày hôm nay, anh đi lên chùa cầu nguyện cho giọng hát của em đẹp mãi mãi. Anh cầu nguyện cho anh trở thành người bạn đời của em”. “Tường Vy ơi, mỗi khi giọng hát của em cất lên, lính của anh nhảy khỏi chiến hào và múa Lăm Vông”.

Suốt trong 2 năm liền, kể từ ngày biết bà, mê giọng hát của bà, ông đã viết bao nhiêu bức thư tình mà không được bà hồi âm. Tường Vy không biết tiếng Lào, nên những bức thư đó giống như bất kỳ sự hâm mộ nào. Tướng Coong Le lại không nghĩ vậy. Ông luôn chạy đến đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào để nhờ cậy với mong muốn làm sao có được Tường Vy. Một vị Tướng trong quân đội đã hỏi Tường Vy ý của cô thế nào. Tường Vy trả lời: “Coong Le là một người yêu nước, không phải là nhà cách mạng. Em chỉ giữ mối quan hệ hữu nghị vậy thôi”.

Anh Văn