Chuyện về loại đá quý dùng làm cờ trong Lăng Bác

Chuyện về loại đá quý dùng làm cờ trong Lăng Bác

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Loại đá quý được chọn làm cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong Lăng Bác là đá Hồng Ngọc được khai thác từ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

PV Báo Nguoiduatin.vn đã tìm về mảnh đất nơi có loại đá quý này để "mục sở thị" công trường khai thác đá năm xưa và nghe người chỉ huy công tác khai thác đá kể lại những tháng ngày vượt khó mới thấy được tình cảm sâu sắc của người dân nơi đây dành cho vị lãnh tụ kính yêu...

Hồng Ngọc, vốn là vật báu của thiên nhiên vùng đất Bá Thước tỉnh Thanh Hóa. Nhân dân nơi đây tự hào quê mình có loại đá màu hồng tươi như màu cờ Tổ quốc, để nghìn năm không phai màu sắc. Nhiều người còn liên tưởng cho rằng: Chính truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của xứ sở này, máu của bao thế hệ anh hùng ngã xuống vì sự trường tồn của đất nước đã tô đậm thêm cho màu hồng thiêng liêng của loại đá quý này.

Đá đặc biệt cho nhiệm vụ đặc biệt

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân và dân ta, Mỹ buộc chấp nhận ký hiệp định Paris rút quân về nước. Miền Bắc không còn phải chịu cảnh ném bom đánh phá nên công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái khởi động lại. Công việc thi công được xúc tiến nhanh nhằm đáp ứng tấm lòng mong mỏi của hàng triệu đồng bào muốn vào Lăng viếng Bác.

Xã hội - Chuyện về loại đá quý dùng làm cờ trong Lăng BácĐá Hồng Ngọc, loại đá được dùng để làm hai lá cờ trong Lăng bác được lấy từ vùng đất này.

Đến đầu năm 1974, các vật quý để làm vật liệu xây dựng Lăng Bác từ mọi miền quê hương trên Tổ quốc được hội tụ về Thủ đô Hà Nội, mang theo tình cảm yêu mến của đồng bào cả nước với Bác Hồ.

Trong các vật liệu thiết yếu để xây dựng Lăng chỉ duy nhất chưa tìm được loại đá có màu sắc hồng giống màu cờ. Khi những hạng mục của công trình Lăng Bác đã gần hoàn tất nhưng việc tìm kiếm đá có màu sắc như mong muốn chưa đem lại kết quả, thì một loại đá đỏ ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa được tìm thấy và đưa ra thử nghiệm cho kết quả không phù hợp.

Khi đó, các chuyên gia Liên Xô hứa tặng cho Việt Nam đá nhuộm có màu hồng tươi để thay thế, nhưng khiếm khuyết lớn của loài đá nhuộm này là tuổi thọ chỉ giữ được khoảng 30 năm.

Bằng niềm tin về sự giàu có của thiên nhiên Việt Nam và tấm lòng kính yêu đối với Bác, để tìm được loại đá đặc biệt, nhiều đoàn địa chất đã không quản nắng mưa, âm thầm đi vào rừng vắng, rong ruổi nhiều tháng trời ở nhiều địa phương để tìm kiếm.

Cuối cùng, Đoàn địa chất số 47 thuộc Cục bản đồ báo tin vui là đã tìm thấy được loại đá như ý muốn. Đá Hồng Ngọc ở Bá Thước, Thanh Hóa được nhanh chóng lấy mẫu đưa ra, màu sắc hồng tươi của đá đã thuyết phục được những chuyên gia khó tính nhất.

Bá Thước là mảnh đất phía Tây tỉnh Thanh Hóa, nơi có truyền thống anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc. Hơn 500 năm trước, nơi đây từng là chỗ đóng quân, là căn cứ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Vùng đất này đã in dấu chân của các bậc anh hùng như Lê Lợi, Nguyễn Trãi...

Đồng bào nơi đây còn kể cho nhiều thế hệ con cháu nghe về câu chuyện gắn liền với những ngày tháng gian khổ nhưng hào hùng ở buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trong đó có câu chuyện nhắc đến một thời hùng tráng của nghĩa quân Lam Sơn gắn liền với địa danh nổi tiếng Núi Đèn (ngọn núi cao thuộc xã Điện Hạ - nơi có đá Hồng Ngọc).

Theo đó, trên ngọn núi này hơn 500 năm trước, nghĩa quân Lam Sơn chọn làm chỗ đóng quân. Mỗi lần, khi đoàn quân chiến thắng trở về, họ thắp một ngọn đèn lớn trên đỉnh núi báo tin thắng trận cho nhân dân khắp bản làng xa gần biết đến.

Khi nhìn thấy ánh đèn, nhân dân trong vùng vui mừng khôn xiết, khắp các thôn bản mở hội mừng chiến thắng. Nhưng có một lần khi đoàn quân Lam Sơn xuất trận đến ngày trở về người dân không được nhìn thấy ánh đèn báo tin chiến thắng từ trên ngọn núi này thắp lên.

Lúc đó tất cả ngầm hiểu được chuyến xuất trận lần này đã bị thất bại. Một không khí buồn thảm nhanh chóng bao trùm lên các thôn bản xa gần và kể từ lần đó, ở xứ sở này người dân không còn được nhìn thấy ánh đèn báo tin thắng trận từ ngọn núi cao kia nữa.

Nhằm ghi nhớ kỷ niệm về ánh đèn báo tin thắng trận cùng với một thời hùng tráng của nghĩa quân Lam Sơn, đồng bào đã đặt tên cho ngọn núi này là Núi Đèn.

Kể từ đó, ký ức về Núi Đèn cùng với hai người anh hùng dân tộc Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng nghĩa quân Lam Sơn luôn được người dân khắc ghi để giáo dục tinh thần yêu nước cho con cháu.

Tiếp nối truyền thống lịch sử, trong thời đại Hồ Chí Minh, huyện Bá Thước là địa bàn chiến lược quan trọng giữ vị trí kết nối vùng giải phóng Thanh - Nghệ (hậu phương góp công quan trọng tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ) với mặt trận Điện Biên.

Chính mảnh đất anh hùng - nơi còn ghi dấu chân đoàn voi ra trận của Lê Lợi năm nào, hình ảnh oai hùng của đoàn quân Tây Tiến, của các anh chị dân công mở đường vượt núi để vận tải lương thực cho mặt trận Điện Biên chính là mảnh đất có loại đá quý vinh dự được chọn để làm cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong lăng Bác Hồ.

Quà tặng của tạo hóa

Đá Hồng Ngọc đóng góp xây lăng Bác Hồ được lấy từ thung Kenrai (cổ hươu), nằm trên đồi Chợ Phét, thuộc làng Duồng, xã Điện Hạ, huyện Bá Thước.

Người dân bản địa gọi bằng cái tên dân giã là đá "Gan Trâu" bắt nguồn từ sắc đá hồng tươi như màu máu. Từ khi báu vật của quê hương được lấy để chế tác làm cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong Lăng Bác, đồng bào tự hào gọi với cái tên đẹp là đá Hồng Ngọc.

Xã hội - Chuyện về loại đá quý dùng làm cờ trong Lăng Bác (Hình 2).

Để được "mục sở thị" công trường khai thác đá năm xưa, từ thị trấn Bá Thước chúng tôi phải đi bằng xe máy mất một tiếng đồng hồ mới vào tới Ủy ban nhân dân xã Điện Hạ, từ đây phải trải qua một chuyến đi bộ theo triền núi hơn một tiếng nữa mới đến được tận nơi.

Đồi Chợ Phét trước là khu rừng rậm nay chỉ còn là vùng đất trồng cây lâm nghiệp của người dân, chỉ duy nhất trên đỉnh đồi còn sót lại một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi - chứng tích của thời gian năm xưa vẫn sừng sững tỏa bóng. Đồi Chợ Phét có độ cao trung bình, khoảng 300mét nhưng khá dốc.

Công trường khai thác đá Hồng Ngọc năm xưa nằm ở vị trí lưng chừng đồi. Hiện trường nơi từng cung cấp 300mét khối đá tương đương 450 tấn đóng góp cho công trình xây dựng Lăng Bác Hồ giờ chỉ còn sót lại rải rác một số ít tảng đá nằm lộ thiên thuộc cùng loại với đá Hồng Ngọc.

Thoáng nhìn qua những tảng đá này trông chúng giống với nhiều tảng đá mà có thể bắt gặp bất cứ đâu trên Tổ quốc Việt Nam bởi màu đen xù xì bên ngoài. Nhưng chỉ cần đưa tay xoa mạnh lên đá làm mất đi lớp rêu, bụi phong hóa phủ kín bên ngoài, như một phép màu diệu kỳ, màu sắc của đá từ chỗ đen sì bỗng lộ rõ màu hồng tươi.

Theo các nhà địa chất học, đá Hồng Ngọc Bá Thước là đá thạch anh tái kết tinh từ lòng đất phun ra, thành phần gồm nhiều hợp chất của nhiều nguyên tố kim loại nhưng trong đó hàm lượng sắt lớn nó quyết định tới màu sắc hồng tươi của đá

Ngày ấy, đá Hồng Ngọc được lấy mẫu đem sang Liên Xô nhờ kiểm nghiệm, sau khi phân tích, các chuyên gia của nước bạn khẳng định chắc chắn rằng màu sắc của đá Hồng Ngọc tồn tại tới nghìn năm sau vẫn không phai. Độ cứng của đá gấp đến hai ba lần các loại đá thông thường khác.

Đá Hồng Ngọc là kết quả của hoạt động địa chất đặc biệt mà rất hiếm nơi nào trên Trái đất may mắn có được.

Niềm vinh hạnh lớn

Khi có tin đá Hồng Ngọc của quê mình được chọn làm cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong công trình Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, người dân Bá Thước ai cũng hết sức vui mừng. Ông Trước Phúc Chủ (người dân tộc Mường ở làng Duồng, xã Điện Hạ, huyện Bá Thước) - người chỉ huy công trường khai thác đá năm xưa khẳng định đầy tự hào: "Công trình Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh là công trình lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn, hai lá cờ Đảng và cờ Tổ Quốc trong Lăng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy đá Hồng Ngọc được chọn là niềm vinh hạnh lớn cho Bá Thước!".

Như Hải

(Còn nữa)