Ban nhạc ba thế hệ từ thiện vang danh miền Tây

Ban nhạc ba thế hệ từ thiện vang danh miền Tây

Thứ 7, 08/06/2013 | 20:14
0
Để các hoạt động từ thiện xã hội của mình có hiệu quả hơn, thầy giáo Nguyễn Duy Trảng đã cho ra đời một ban nhạc ba thế hệ. Sự độc đáo của ban nhạc không chỉ để mọi người được thưởng thức giai điệu các nhạc cụ từ lâu bị lãng quên mà còn cảm phục nhiều tấm lòng bởi mục đích cao đẹp...

Cuộc đời kỳ lạ của ông giáo già

Tìm đến ấp chợ Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), gặp thầy giáo Nguyễn Duy Trảng, PV thêm lần nữa thấu hiểu về hình ảnh một người thầy đã dành tình yêu thương cả cuộc đời cho học trò. Sinh ra trong một gia đình ba thế hệ làm nghề giáo, thầy giáo Trảng luôn xem việc "trồng người" là lý tưởng sống của đời mình. Tốt nghiệp sư phạm ở Sài Gòn năm 1964, ông từng là giáo viên Pháp văn và âm nhạc của trường THCS Mỹ Thạnh (huyện Giồng Trôm). Sau nhiều năm công tác, ông được đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng của này giai đoạn 1973-1977.

Nhân vật - Ban nhạc ba thế hệ từ thiện vang danh miền Tây

Thầy giáo Nguyễn Duy Trảng kể lại chặng đường làm từ thiện

Sau khi về hưu, thầy Trảng làm nghề bán thuốc Tây. Không chỉ vậy, thầy còn đồng hành sáng lập ra hội Khuyến học xã Mỹ Thạnh, thành lập trung tâm Học tập cộng đồng với tư cách là uỷ viên thường trực, nhằm giúp đỡ những học sinh nghèo thất học, những người lớn cơ nhỡ xoá mù chữ. Song song với công tác khuyến học, ông còn là Phó chủ tịch phân hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo xã Mỹ Thạnh. Để có kinh phí phục vụ cho các hoạt động của hội Khuyến học cũng như hội Chữ thập đỏ, ông đã lặn lội tìm kiếm sự đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, bạn bè, kể cả các học trò thành đạt trong và ngoài nước. Bản thân ông, hàng năm cũng đóng góp một khoản tiền lớn cho nhà trường để khuyến học.

Đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học vì lí do khó khăn hay bệnh tật, thầy giáo Trảng lại đồng hành cùng chiếc xe Cup 50 cũ kĩ đến tận nhà để vận động, thuyết phục, hỗ trợ vật chất, nhằm tạo điều kiện cho các em trở lại trường. Bên cạnh đó, để những người dân nghèo sống bằng sức lao động của mình, thầy giáo Trảng còn đích thân vận động, mở nhiều lớp học dạy nghề. Xuất phát từ nhu cầu cưới hỏi, tiệc tùng ngày càng gia tăng, ông lặn lội mời kĩ sư về dạy cho người dân về công tác an toàn thực phẩm và kĩ thuật nấu nướng, nhằm tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Ngoài ra, ông còn mở nhiều lớp học nghề khác như tin học, kĩ thuật cấy ghép hoa kiểng, trồng cây ca cao, nuôi ong, kĩ thuật điện gia dụng,…

Dù đã qua tuổi 70, sức khoẻ có phần thuyên giảm nhưng thầy Trảng vẫn chưa một ngày ngưng nghỉ những công việc vốn là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì tình thương yêu dành cho thế hệ học trò và là trách nhiệm của những người đi trước, thầy Trảng âm thầm bước đi bên cạnh những mảnh đời bất hạnh mà chưa một lần dừng lại hay cảm thấy mệt mỏi. Tình yêu thương bao la ấy khiến người dân nơi đây vô cùng cảm phục. Chúng tôi không thể giấu được sự ngạc nhiên, bởi trong vòng bán kính 10 km, nhiều người thấy bóng thầy từ xa đã khoanh tay chào với sự biết ơn vô hạn. "Tôi chẳng thấy đó là những việc làm lớn lao gì, đó chỉ là trách nhiệm mà ai cũng phải làm. Cho đến bây giờ, trong tôi vẫn còn cái tâm hoạt động vì lợi ích của mọi người", thầy Trảng tâm sự.

Nhân vật - Ban nhạc ba thế hệ từ thiện vang danh miền Tây (Hình 2).

Thầy giáo Nguyễn Duy Trảng hát vang những ca khúc của mình

Độc đáo ban nhạc ba thế hệ

Không chỉ đam mê công tác từ thiện, nhắc đến thầy giáo Trảng thì không thể không nói đến âm nhạc. Bởi với ông, ở mỗi giai đoạn, môi trường làm việc khác nhau, âm nhạc luôn là công cụ đắc lực phục vụ cho công tác tuyên truyền. Chính vì lí do này, ông đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm như: Yêu đời yêu người, Thắp sáng ước mơ, Ngang qua trường cũ, Giọt máu tình thương,… nhằm phục vụ cho công việc kêu gọi làm từ thiện mà không màng để được nổi tiếng hay vụ lợi.

Ông chia sẻ: "Tôi đến với âm nhạc không được trọn vẹn, mặc dù có niềm đam mê và biết chơi đàn ghi ta từ năm lớp 6. Dù đang học dở trường Quốc gia Âm nhạc nhưng vì mọi người trong gia đình muốn tôi nối nghiệp nghề giáo từ thời ông bà nên tôi đành gác lại niềm đam mê để học sư phạm. Đó chính là lí do mà cho tới bây giờ, đôi lúc tôi cảm thấy nuối tiếc vì mình không được “trau dồi đúng mức về những kiến thức âm nhạc".

Bao nhiêu năm gắn bó với nghề trồng người và các công tác từ thiện, thầy giáo Trảng  vẫn luôn nuôi hi vọng và thai nghén trong lòng thành lập một ban nhạc đàn dây nhằm trình diễn giai điệu từ những cây đàn và nhạc cụ mà từ lâu gần như đã bị lãng quên. Không để những ý tưởng của mình nằm dài trên trang giấy, ông đã lập kế hoạch tập hợp thêm một số người bạn "cùng chí hướng" và cho ra đời ban nhạc Ba thế hệ của thầy giáo Trảng đã ra đời vào tháng 5/2008. Nhắc lại sự ra đời ban nhạc này, thầy Trảng tâm sự: "Tôi thấy ngày nay các bạn trẻ bị cuốn trong vòng xoáy của nhạc cụ điện tử, nhạc hip hop, nhạc trẻ,… mà vắng dần hình ảnh những cây đàn dây. Đồng thời, tôi luôn mong muốn việc thành lập ban nhạc nhằm phục vụ tốt cho các buổi diễn kêu gọi làm từ thiện".

Lần đầu tiên, mọi người được thưởng thức tiếng đàn ghi ta tha thiết, trầm bổng, hoà cùng giai điệu đàn măng-đô-lin réo rắt, xen lẫn những tiếng gõ nhịp nhàng, bài bản của ba thế hệ đã làm nên những cung bậc âm thanh độc đáo vui tai và đong đầy tình cảm. Ba thế hệ trong ban nhạc ấy không ai khác mà chính là những thầy giáo tóc đã ngả màu bụi phấn, một thế hệ "đưa đò" tiếp theo cũng đã tứ tuần và một thế hệ trẻ là các học sinh thuộc "U20" đang đong đầy sức sống. Tất cả những con người ấy đều xuất thân từ mái trường THCS Mỹ Thạnh ghép lại cùng hoà tấu một bản nhạc mà trong đó nhạc cụ chủ yếu là những cây đàn cổ xưa.

Với những bài hoà tấu thuộc dòng nhạc kháng chiến và những bản nhạc nước ngoài, ngay khi ra đời, ban nhạc đã nhiều lần tham gia biểu diễn trong các ngày lễ kỉ niệm và các buổi diễn kêu gọi công tác từ thiện. Những ai đã một lần được thưởng thức qua phần trình diễn của ban nhạc, nhất là những khán giả có tuổi đều trầm trồ khen ngợi và đánh giá cao tính nghệ thuật độc đáo của nó. Ban nhạc với ba thế hệ xuất phát từ tình yêu âm nhạc truyền thống và tấm lòng vì xã hội đã mang đến cho mọi người những bản nhạc vui tươi, sinh động, mang lại nhiều xúc cảm cho người xem. Xuất phát từ mục đích cao đẹp ấy, ban nhạc Ba thế hệ của thầy giáo Trảng đã được người dân khắp các tỉnh miền Tây biết đến và vô cùng cảm phục về tình người sâu sắc của ban nhạc dành cho mọi người. Và ở đó, nét đẹp về tình cảm thầy trò cũng là một điểm nhấn như những nốt nhạc đầy ý nghĩa.

Dấu ấn trong sự nghiệp trồng người

Thầy Nguyễn Duy Trảng tham gia công tác khuyến học từ năm 1997 đến nay. Thầy đã có nhiều đóng góp, với những thành tích nổi bật trong công tác vận động tấm lòng đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Với những công lao to lớn ấy, thầy Trảng đã vinh dự nhận được Huy chương "Vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em" năm 2008, hai bằng khen của UBND tỉnh, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục năm 2011 của Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo…

Thơ Trịnh

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Ban nhạc rock điện tử Pitch Tuner của Đức sắp đến Việt Nam

Chủ nhật, 31/03/2013 | 10:39
Nhóm nhạc đến từ Berlin sẽ góp mặt vào sự kiện âm nhạc điện tử lớn nhất năm - Ngày hội âm thanh Hà Nội 2013 - diễn ra vào 12 và 13/4 tới.

Ban nhạc Westlife trong vòng vây fan Việt

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Bốn thành viên của ban nhạc Westlife (Ireland) đã đặt chân đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 16h chiều nay 30/9, trong sự chào đón của đông đảo fans hâm mộ tại Việt Nam.

Bản nhạc vàng duy nhất được lưu hành sau giải phóng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Sau ngày miền Nam giải phóng, hầu như tất cả các bản “nhạc vàng” được sáng tác ở Sài Gòn trước đó đều bị cấm lưu hành. Chỉ duy nhất có một bài hát viết về tình yêu nam nữ được phép lưu hành, đó là bài “Hoa sứ nhà nàng”.