Có BHYT vẫn điêu đứng khi viện phí tăng

Có BHYT vẫn điêu đứng khi viện phí tăng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
– Dù đã được hỗ trợ từ BHYT, bà Kiển cùng gia đình đã rất khó khăn để xoay tiền 3 lần chạy thận mỗi tuần. Khi nghe tin viện phí tăng bà đành ngậm ngùi “chắc phải chịu thôi, giờ biết thế nào được”, vừa nói bà vừa nắm chắc tờ 200.000 còn lại trong tay, giọng nghẹn ngào.

Theo Bộ Y tế, việc tăng viện phí lần này sẽ không ảnh hưởng đến 53 triệu người (62% dân số cả nước) đã có thẻ BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế, người có thẻ BHYT chỉ phải chi trả từ 5-20% (tùy theo từng đối tượng) tổng chi phí điều trị, khám chữa bệnh. Việc tăng viện phí sẽ khiến tổng chi phí điều trị của mỗi người tăng, theo đó số tiền của 5-20% kia vì thế mà đội lên theo.

Với những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người hàng năm trời nằm viện và phải sử dụng đến thẻ BHYT thì số tiền trên không phải là nhỏ. Họ cũng lâm vào tình trạng khóc dở, mếu dở nếu nhiều khoản viện phí tăng cao gấp hàng chục lần.

Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai

Bà Hoàng Thị Kiển (Xóm Sau Da, Đội 2, phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) đang cặm cụi soát lại số tiền ít ỏi sau khi thanh toán chi phí chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Bà Kiển năm nay đã hơn 60 tuổi, dáng người nhỏ thó, làn da sạm đen vì nửa đời người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. 6 năm trở lại đây, tuần nào bà cũng phải đến Bệnh viện Bạch Mai 3 lần để chạy thận.

Chi phí mỗi lần chạy thận hết 406.583 đồng, bà Kiển phải chi trả 5% (133.000 đồng). Một tháng, bà phải lo được ít nhất 2.000.000 để đi lại và chữa bệnh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà đành trông cậy vào khoản hỗ trợ từ BHYT, sự giúp đỡ của anh em họ hàng và một số khoản vay ngân hàng để dồn tiền mỗi lần đi chạy thận.

Với tình trạng hiện tại dù được hỗ trợ từ BHYT, bà Kiển cùng gia đình đã rất khó khăn để xoay tiền chăm lo sức khỏe. Khi nghe tin viện phí sẽ tăng bà đành ngậm ngùi “chắc phải chịu thôi, giờ thắc mắc với ai được” – vừa nói tay bà vừa nắm chắc tờ 200.000 còn lại trong tay, giọng nghẹn ngào.

Bệnh nhân Hoàng Văn Thương (Quảng Ninh), hiện đang điều trị nội trú tại phòng 313, khoa Hemophilia của Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TƯ, cũng không giấu nổi nỗi lo lắng khi gần đây các phương tiện truyền thông liên tiếp cập nhật về tin Bộ y tế sẽ tăng viện phí trong thời gian tới.

Là bệnh nhân mắc chứng rối loạn đông máu di truyền (một căn bệnh hiểm nghèo và mất rất nhiều chi phí để chữa trị), anh Thương đã phải nằm điều trị suốt 4 năm liền tại viện Huyết học. Vốn chỉ làm nông nghiệp, để có tiền cho anh chữa bệnh, gia đình anh đã phải vay mượn khắp nơi và bán tất cả những gì có giá trị trong gia đình.

Anh Hoàng Văn Thương trên giường bệnh. Anh phải phẫu thuật cắt bỏ một phần cánh tay do máu tụ đông thành u ở phía trong

Vì quanh năm phải nằm viện nên anh Thương cũng tham gia đóng BHYT. Bên cạnh sự hỗ trợ của BHYT, số tiền 5% mà anh phải trả cho bệnh viện lên tới 3.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, tiền sinh hoạt, ăn uống, tiền thẻ người nhà hàng tháng… cũng xấp xỉ 4.000.000 đồng. Số tiền gần chục triệu một tháng ấy quả là không hề nhỏ với một gia đình nông dân vốn đã khánh kiệt vì bệnh tật. Và nếu, con số ấy lại tăng thêm nhiều lần sau khi điều chỉnh giá viện phí thì không hiểu gia đình anh sẽ phải đối mặt thế nào?

Anh Thương cho biết, đã nhiều lần anh bỏ về và mặc cho số phận để chờ chết. Nhưng khi về nhà, thấy con trai đau đớn, máu chảy không ngừng ở các vết thương hở hoặc sưng to trong cơ, tính mạng mong manh… cha anh lại vội vay tiền đưa con lên viện để truyền dịch và nằm điều trị dài ngày.

Anh mắc chứng bệnh máu khó đông, khi máu chảy trong cơ thể tạo thành các u nhỏ hoặc khi chảy qua vết thương hở cần được tức thì truyền dịch, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Căn bệnh của anh chẳng thể chữa khỏi mà chỉ có thể thuyên giảm và đeo đẳng đến hết đời. Anh thường xuyên lâm và o tình trạng bế tắc và túng quẫn mỗi lần nghĩ đến số phận và sức khỏe của mình.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng triệu triệu đối tượng bệnh nhân mắc bệnh khó khăn hiểm nghèo luôn “trung thành” với dịch vụ khám chữa bệnh theo BHYT. Không thể hoàn toàn khẳng định, đợt tăng viện phí này không ảnh hưởng đến những đối tượng này. Với mức viện phí cũ họ đã rất khốn đốn, giờ đây thêm quy định tăng phí dịch vụ, họ cũng cũng điêu đứng chẳng kém những người không có thẻ.

Phạm Hạnh