Cô ca sĩ bốc lửa và các cuộc tình si hào nhoáng

Cô ca sĩ bốc lửa và các cuộc tình si hào nhoáng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Năm 1973, người Sài Gòn xôn xao bàn tán về một vụ án mạng với nhiều tình tiết ly kỳ xảy ra giữa đêm khuya tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Hung thủ là nữ ca sĩ Trúc Thanh và nạn nhân là thiếu tá cảnh sát Nguyễn Ngọc Thơ đã chết thảm với 3 phát đạn được bắn ra từ chính khẩu súng của ông ta.

Không được xếp vào hàng nhan sắc, nhưng với một thân hình bốc lửa, cùng lối giao tiếp cởi mở, Trúc Thanh đã khiến không quan chức nhà binh của chế độ Sài Gòn cũ mê mệt

Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Hàm Tân là một đơn vị hành chánh cấp tỉnh với tên gọi Bình Tuy, trực thuộc lãnh thổ vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn. Lúc bấy giờ, theo quy định, mỗi tỉnh đều thành lập một Ty Thông tin, có hẳn một đài phát thanh làn sóng ngắn. Nhiệm vụ của cơ quan này, ngoài tuyên truyền, loan báo tin tức hàng ngày ra, đài còn xen kẽ những chương trình văn nghệ, phần lớn là "cây nhà lá vườn" ở địa phương. Tuy chỉ là một tỉnh nhỏ, nhưng Ty Thông tin Bình Tuy lại được hai nhạc sĩ tên tuổi lừng lẫy hợp tác: Nhạc sĩ Trúc Phương, ông vua của những tình khúc boléro và nhạc sĩ Hoàng Khải.

Xã hội - Cô ca sĩ bốc lửa và các cuộc tình si hào nhoáng

Chuyện tình cảm giữa các ca sỹ phòng trà và sỹ quan chế độ Sài Gòn cũ ngày xưa không phải là hiếm (ảnh minh họa)

Nghiệp cầm ca của học trò "cưng" nhạc sĩ Trúc Phương

Với tài năng thuộc loại hiếm có và tình yêu âm nhạc cháy bỏng trong tim, nhạc sĩ Trúc Phương cố tìm tòi tại nơi mình đang sống những giọng ca triển vọng để đào tạo thành những ca sĩ chuyên nghiệp. Nhạc sĩ Trúc Phương phát hiện được trong số học trò của ông, hai cô nữ sinh là hai chị em ruột: Đỗ Thị Hoàng Cung và Đỗ Thị Hoàng Viện có chất giọng khá hơn cả. Sau một thời gian luyện thanh và học căn bản nhạc lý, hai cô gái này bắt đầu nghiệp cầm ca từ những chương trình của đài phát thanh tỉnh Bình Tuy, với nghệ danh được thầy Trúc Phương, lấy chữ Trúc của mình, đặt cho. Người chị là Trúc Thanh và cô em là Trúc Ly.

Khi đã đủ lông, đủ cánh, Trúc Thanh bước lên sân khấu chuyên nghiệp từ những phòng trà ca nhạc ở Vũng Tàu, bằng những ca khúc mang nhịp điệu boléro. Một thời gian sau, cô tiến về Sài Gòn. Dù không tạo được danh tiếng như lớp ca sĩ đi trước: Minh Hiếu, Phương Dung, Hoàng Oanh…nhưng Trúc Thanh cũng có được một chỗ đứng trong làng ca nhạc Sài Gòn.

Trúc Thanh không được xếp vào hàng ngũ những ca sĩ nhan sắc, bù lại, cô có một thân hình bốc lửa với lối giao tiếp cởi mở, khiến không ít anh chàng chết mê, chết mệt nhất là đám quan chức nhà binh. Thế rồi, trong số những kẻ si tình đó, một viên thiếu tá bộ binh đã chinh phục được trái tim Trúc Thanh và họ thành vợ thành chồng. Sống với nhau có một mặt con thì viên thiếu tá này tử trận. Trúc Thanh lại chăn đơn, gối chiếc, từng đêm xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu với nỗi buồn vời vợi.

Chính thời gian này giọng hát của cô trở nên chín muồi, đạt đến đỉnh cao trong đời ca hát. Góa phụ Trúc Thanh càng đau buồn thì khuôn mặt càng quyến rũ, khiến số đàn ông đeo đuổi, săn đón cô còn đông hơn cả thời còn con gái. Nhưng thật tình thì ít, mà đám trai lơ, ham chuyện gió trăng thì nhiều. Trong số đó, có hai đối tượng mà Trúc Thanh đánh giá cao và quan tâm hơn cả. Thứ nhất là Đại tá Lộc, tùng làm việc tại Tổng Nha Cảnh sát, một con người có thừa quyền lực và tiền bạc. Ông này tuy lớn tuổi, nhưng còn rất phong độ. Ông Lộc tỏ ra rất hào phóng khi thường xuyên tặng cho Trúc Thanh nhiều món quà đắt tiền. Tiếc là ông Lộc đã có vợ và con cái. Ông ta không dám từ bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của tình yêu, mà chỉ muốn biến Trúc Thanh thành một thứ "phòng nhì". Dù không chấp nhận đề nghị của ông Lộc đưa ra, nhưng Trúc Thanh cũng không thẳng thừng từ chối, mà chỉ yêu cầu cho cô ta một thời gian để suy nghĩ, nhằm "câu giờ", khi chưa tìm được bến đỗ nào tốt hơn.

Nếu như, không có nhân vật thứ hai với những lời đường mật, làm cho trái tim của Trúc Thanh xao xuyến, có lẽ cô đã xiêu lòng trước tình yêu kèm theo những điều kiện béo bở của ông Lộc. Nhân vật đó là thiếu tá Nguyễn Ngọc Thơ, làm việc tại Nha Cảnh sát Đô Thành, một người còn trẻ, độc thân lại đẹp trai và hào hoa, phong nhã. Nói đúng ra, Thơ là một gã nổi tiếng trăng hoa trong giới ăn chơi của Sài Gòn dạo đó. Thuở đó, các đồng sự của ông Thơ mô tả ông là một tay "sát gái già". Trong tứ đổ tường, Nguyễn Ngọc Thơ đam mê hết ba thứ. Chỉ duy có nghiện hút thì chưa dám đụng tới.

Với đồng lương thiếu tá cảnh sát, nếu như sống đàng hoàng thì cũng chẳng đến nỗi nào. Đằng này, Nguyễn Ngọc Thơ hết rượu chè, gái gú lại lao vào cuộc đỏ đen như một con thiêu thân nên cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Để có tiền nướng vào các sòng bài, Thơ tìm đến những bà sồn sồn, dư tiền, dư của nhưng lại thiếu hơi trai để gạ gẫm với mục đích lừa tình, gạt tiền. Khi đã đạt được mục đích, và đã lộ nguyên hình một tên Sở Khanh. Nhiều bà quá cay cú vì mất cả chì, lẫn chài đã làm đơn thưa, gởi đến thượng cấp của Thơ. Nhưng rồi, người ta đều bỏ qua với lý do "chuyện quan hệ ngoài xã hội, không dính dáng đến công việc." Hơn nữa, không có bằng chứng cụ thể nên chẳng đi tới đâu.

Trước khi quyết định chung sống với Nguyễn Ngọc Thơ, Trúc Thanh cũng đã thông báo cho ông Lộc biết. Viên Đại tá già này còn nhẹ nhàng khuyên can: " Anh không có ý nói xấu thằng Thơ, nhưng anh khuyên em nên suy nghĩ thật kỹ. Thơ không phải là một người chồng tốt. "

Đắn đo mãi Trúc Thanh cũng không vượt qua được tiếng sét ái tình. Vốn nặng lòng mê tín, cô ta chỉ còn trông mong vào sự may rủi, và sự phò trợ của thần linh. Một buổi chiều, trong lúc đang ngồi nghe những lời đường mật của Thơ, Trúc Thanh nói: "Em sẵn sàng ăn đời, ở kiếp với anh với một điều kiện, anh phải ra lăng Ông Bà Chiểu phát nguyện lời thề độc với em." Đối với Thơ, chuyện đó quá dễ dàng, thề bao nhiêu lần mà chẳng được. Thơ hăng hái nhận lời và đòi thề ngay. Nhưng Trúc Thanh yêu cầu đúng giờ ngọ trưa mai, cả hai sẽ ra lăng cùng thề mới linh ứng. Thế là chiều đó, họ sắm sửa một ít vật, chuẩn bị cho lễ thành hôn chỉ bằng một lời thề.

Lời thề "xin chết vì súng đạn" của kẻ trăng hoa

Buổi trưa, tại Lăng ông bà Chiểu rất vắng vẻ. Chỉ có một vài ông bà thầy bói và mấy người buôn thúng, bán bưng ngồi ngủ gà, ngủ gật dưới bóng cây. Trong lăng chỉ có hai người là Thơ và Trúc Thanh. Họ đặt bông trái xuống bệ thờ, và sát vai nhau đứng chờ, trông rất hạnh phúc. Trúc Thanh nói với Thơ lần cuối trước khi tiến hành việc mà đối với cô là rất hệ trọng này: "Anh suy nghĩ thật kỹ lần chót đi. Anh có yêu em suốt đời không?" Nguyễn Ngọc Thơ trả lời rất hùng hồn: "Không yêu em suốt đời thì anh ra đây làm gì, bộ muốn giỡn mặt với thần thánh hả".

Khi đồng hồ chỉ đúng 12 giờ, mỗi người đốt một nén nhang cắm vào bát hương, rồi cùng chấp tay trước ngực khấn ước. Lời của Trúc Thanh: "Kính lạy đức Tả Quân linh thiêng chứng giám, con là Trúc Thanh, nguyện thề sẽ yêu thương và chung thủy trọn đời với chồng con là Nguyễn Ngọc Thơ. Nếu con đem lòng phụ bạc, xin đức Tả Quân cho con bị một cái chết không toàn thây!". Trúc Thanh thề xong, đến lượt Nguyễn Ngọc Thơ. Ông ta ngập ngừng một lát như để tìm một câu nào đó cho phù hợp với tính cách tráo trở của mình. Nghĩa là, cho dù không tin, nhưng ông ta cũng thấy hơi ngán. Cuối cùng, Nguyễn Ngọc Thơ cũng khấn những lời y như Trúc Thanh, chỉ khác câu chót "…Nếu con đem lòng phụ bạc vợ con, xin đức Tả Quân cho con chết vì súng đạn!". Có lẽ, tự đáy lòng, Thơ nghĩ mình là Thiếu tá Cảnh sát, đâu có phải xông pha trận mạc thì dễ gì đụng đến súng đạn.

Dường như chừng ấy vẫn chưa đủ, chiều hôm đó, Trúc Thanh lại một mình tìm đến Lăng Ông Bà Chiểu để dâng một ít lễ tạ và gửi gắm thêm cho đức Tả Quân những lời mà cô chỉ có thể nói một mình. Đợi tàn nửa cây nhang, Trúc Thanh quỳ xuống xin quẻ âm dương, và lòng vô cùng phấn khởi khi thấy hai thanh gỗ rơi xuống nền nhà, trước bệ thờ, một sấp, một ngửa. Điều này chứng tỏ lòng thành của cô đã được đức Tả Quân chứng giám.

Trúc Thanh phơi phới ra về, và tối hôm đó, họ đã đã tổ chức một bữa ăn linh đình tại nhà hàng- Tửu lầu Lê Lai. Nhưng là một tiệc cưới chỉ dành cho hai người.

Dương Tiêu

(Còn nữa)