Cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong ký ức của em trai

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong ký ức của em trai

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Hẹn nhiều lần, chúng tôi cũng đã gặp được nhà giáo nhân dân Đặng Xuân Đỉnh nguyên hiệu trưởng trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội, là em trai của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Trong cuộc nói chuyện, ông Đặng Xuân Đỉnh chủ yếu chỉ kể những câu "chuyện nhà" về người anh trai nổi tiếng.

Bị giam lỏng vẫn hoạt động cách mạng

Nhà giáo Đặng Xuân Đỉnh mở đầu câu chuyện về cố Tổng Bí thư Trường Chinh: "Năm nay tôi đã 92 tuổi, nếu còn sống, anh tôi 104 tuổi". Rồi ông nói tiếp, trước Cách mạng tháng Tám 1945, nước ta là nước thuộc địa nửa phong kiến, dưới sự bảo hộ của Pháp. Chúng thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Trường Chinh bị thực dân Pháp bắt và kết án 12 năm tù vì tội làm chính trị, chống lại chính quyền bảo hộ ở nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội).

Nhà giáo Đặng Xuân Đỉnh cho biết: Trước khi thực dân Pháp đày Trường Chinh (Tên thật là Đặng Xuân Khu) lên Sơn La, nơi có tiếng là rừng thiêng nước độc, gia đình ông vẫn được vào thăm. Khi gặp nhau, Trường Chinh mặc bộ áo quần nhà tù, thân thể gầy còm, da bọc xương, chỉ có đôi mắt là tinh anh, hé miệng cười một cách kín đáo.

Thăm Trường Chinh lần đó có mẹ và toàn bộ anh chị em. Đặc biệt, còn có bà Nguyễn Thị Minh là vợ Trường Chinh bồng theo con trai đầu lòng là Đặng Xuân Kỳ. Trước khi vào thăm, chiếc làn tre đựng quà bị lính Tây khám xét rất kĩ. Hoa quả đều bị chúng dùng dao cắt đôi để kiểm tra, chúng lấy từng chiếc kẹo ra săm soi kĩ càng. Bà Minh cố đẩy đứa con trai qua ô cửa nhỏ để Trường Chinh bế và thơm. Cả gia đình không ai cầm nổi nước mắt khi chứng kiến cảnh tượng ấy.

Trong khi Trường Chinh bị tù đày ở Sơn La thì thực dân Pháp bắt gia đình phải bồi hoàn học bổng cho ông vì trước đó ông đã học gần kết thúc ba năm trường cao đẳng thương mại của chúng. Cha ông viết đơn khiếu nại với lý do "tôi không vay mượn các ông, yêu cầu các ông trả tự do cho con tôi, để nó đi làm trả nợ cho các ông". Nhận được đơn khiếu nại, chúng dọa tịch thu gia sản, cả nhà như ngồi trên đống lửa nhưng may mắn là không biết sao, tự nhiên chúng lại bỏ qua chuyện đó.

Xã hội - Cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong ký ức của em trai

Tổng Bí thư Trường Chinh và phu nhân.

Năm 1936, Chính phủ mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền, dưới chính thể Cộng hòa Pháp, Trường Chinh được giảm án và sau đó được trả tự do. Thời gian đó, nhà giáo Xuân Đỉnh đang theo học tại trường kỹ nghệ Hải Phòng, được phép về thăm anh trai.

Qua chuyện trò, Trường Chinh nói: "Anh bị quản thúc ở quê rồi! ". Ông nói: “Thế thì buồn quá nhỉ?”. Trường Chinh liền khẳng khái trả lời: "Anh sẽ lên Hà Nội, hôm nào em lên đường xuống Hải Phòng anh sẽ đi cùng". Sáng hôm ấy, hai anh em đi xe khách lên Nam Định, rồi vào ga Nam Định lên xe lửa xuống Hà Nội. Tiền trong túi lúc đó rất ít nên chỉ mua được một chiếc bánh mì rồi chia đôi mỗi người một nửa. Đến bây giờ, đối với ông một nửa bánh mì chia cùng người anh như vẫn còn nguyên trong kí ức.

Khi xuống tàu từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội), hai anh em chia tay nhau, Xuân Đỉnh chuyển tàu xuống Hải Phòng. Đề phòng chuyện bất trắc, Trường Chinh đến trình diện tại phủ thống sứ Bắc Kỳ với lý do: "Các ông quản thúc tôi ở quê, vậy tôi lấy gì mà sống, tôi không có ruộng đất và cũng không biết làm ruộng. Vì vậy, tôi lên Hà Nội để dạy học kiếm sống".

Thực tình Trường Chinh có dạy học nhưng làm báo là chính để tuyên truyền cho cách mạng. Tờ báo đầu tiên là tờ Tin Tức, sau đó đến tờ Đời Nay. Bọn chúng gây khó khăn cho ông rất nhiều, nhiều cột báo bị kiểm duyệt chặt chẽ xóa trắng nhiều dòng đến mức phải đóng cửa. Trường Chinh lại tìm cách ra tờ báo mới với tên chủ nhiệm, chủ bút khác. Bên cạnh các tờ báo tiếng Việt còn có các tờ báo tiếng Pháp như tờ Elé Teravaial, Hasen Klemet đỡ bị kiểm duyệt hơn nhưng lại ít người đọc.

Những lần vào sinh ra tử

Trong giai đoạn Trường Chinh mới sống ở Hà Nội, cuộc sống của người dân thuộc địa rất ngặt nghèo. Nước Việt Nam vẫn bị chia thành ba miền Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Trung Kỳ. Người dân muốn đi từ miền này sang miền khác phải có giấy căn cước dán ảnh và điểm chỉ. Kể về giai đoạn này ông Xuân Đỉnh cho biết: "Tôi tham gia tổ chức đoàn thể quần chúng từ năm 1937 nên cũng hiểu được thực dân Pháp đối xử với người dân Việt Nam chúng ta như thế nào".

Sau khi tốt nghiệp, Xuân Đỉnh vào làm việc ở nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) cùng ba bạn học là người Pháp, công việc như nhau nhưng tiền lương của họ gấp sáu lần của ông. Có lần viên cai Pháp nói với những đồng nghiệp người Pháp của ông: "Từ nay, chúng mày không được phép quan hệ với chúng nó (người Việt) nữa". Ông bức xúc nói thẳng vào mặt chúng: "Thế là đã rọ, các ông phân biệt đối xử là thế đấy. Khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái ở đâu?".


Xã hội - Cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong ký ức của em trai (Hình 2).

Đồng chí Trường Chinh gần gũi với người dân.

Năm 1940, Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp sụp đổ, chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra. Từ đó, chính quyền thực dân ra sức đàn áp cách mạng và người dân. Chúng tăng cường khủng bố những người yêu nước. Tòa án của chúng kết án tử hình vắng mặt Trường Chinh. Năm 1942 chúng bắt được Hoàng Văn Thụ và hành quyết tại ngoại ô Hà Nội. Cùng lúc đó, ở hai đầu cầu Long Biên chúng dán ảnh Trường Chinh và treo giải rất cao cho ai bắt được Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Trước tình hình đó, Xuân Đỉnh báo tin cho mọi người trong gia đình ai nấy đều lo lắng cho an nguy của Trường Chinh. Có một lần Trường Chinh sang Gia Lâm định ở lại với em trai vài ngày. Xuân Đỉnh nghe tin ấy hết sức vui mừng nhưng bọn cẩm Tây ở bốt Gia Lâm đã đánh hơi thấy, thế là Trường Chinh lại phải ngay lập tức bí mật rời Gia Lâm về quê. Nhưng ngay ở quê, tất cả những mối liên hệ của Trường Chinh cũng bị theo dõi chặt chẽ, một lần nữa Trường Chinh đành phải rời quê sang Thái Bình tá túc tại nhà ông Kim cuối thôn Tả Hành.

Cùng thời điểm đó, chánh mật thám Tây lai ở Nam Định và tri huyện Vũ Tiên (Thái Bình) khám xét tất cả những nơi chúng nghi ngờ. Chúng khám xét kĩ nhà bà Đôi (mẹ kế Trường Chinh) ở đầu thôn. Chúng dùng đèn pin rọi vào từng ngõ ngách, chúng soi vào chum ngô, chum lạc, trèo lên cót thóc lục soát. Rất may chúng không chia thành hai cánh sục sạo từ hai phía của thôn. Nếu chúng làm vậy thì có lẽ Trường Chinh không thể nào thoát được.

Tất cả mọi việc xảy ra Xuân Đỉnh đều báo cho gia đình và giục cha mẹ bàn cách đưa anh mình trốn đi nơi khác. ông đề nghị được gặp anh trai và báo cho đường dây liên lạc của Khu ủy Bắc kỳ để cho người đến đón Trường Chinh đi. Đường dây liên lạc cử một đồng chí nữ tên Mỹ đóng vai cháu bà Đôi từ Tiên Hưng Yên về thăm cô. Sau này gặp lại ông Xuân Đỉnh được bà Mỹ cho biếtT: "Chuyến đi vất vả lắm! Phải chui bờ, luồn bụi, đường đi ngoắt nghéo, phải sang Hưng Yên, rồi mới sang Từ Sơn (Bắc Ninh)”.

Từ đó trở đi, anh em ông thường xuyên gặp nhau ở làng Cổ Mễ gần trường học nghề ở Đáp Cầu (Bắc Ninh) nơi mà ông dạy học. Lương ông được 23 đồng (tiền Đông Dương) nhưng mỗi lần gặp anh trai, ông đều san sẻ. Cho đến khi Cách mạng thành công, anh em có điều kiện gần nhau nhiều hơn. Tuy Trường Chinh cũng bận trăm công nghìn việc nhưng hai anh em thường xuyên gặp nhau, tâm sự về chuyện công việc, chuyện gia đình, chuyện riêng tư.

Kết thúc câu chuyện với PV, ông Xuân Đỉnh nhấp ngụm trà rồi vừa cười sảng khoái vừa nói: "Bây giờ nghĩ lại thấy mình cũng dở, tất cả cũng là do cái tật khí khái truyền thống truyền lại từ gia đình nhà nho. Bạn bè tôi thường nói anh em chúng tôi yêu quý anh vì anh có “cái ô” to thế mà không sử dụng. Có lẽ tôi quen sử dụng cái ô nhỏ bé của mình rồi. Tôi không thể làm khác được, và tôi thanh thản vào đời".

Huy Linh - Đinh Ly