Nữ 'hiệp sĩ' giao thông gần 40 năm ăn sương nằm gió

Nữ 'hiệp sĩ' giao thông gần 40 năm ăn sương nằm gió

Thứ 3, 19/03/2013 | 22:25
0
Bà cụ thở dồn khi đứng lên ngồi xuống bơm bánh xe cho khách, công việc vá xe cũng khó khăn hơn với cái tuổi 79. Bà lại vừa trải qua một cơn bạo bệnh, nằm trên giường mấy tháng trời. Nhưng vì nhớ ngã tư đường ồn ào, nhớ cái nghề nuôi sống đàn con thơ gần 37 năm qua, bà lại đội mưa đội nắng, thức khuya vá xe kiếm tiền mưu sinh tự lo cho thân già.

Người vác tù và hàng tổng

Ròng rã 5 năm trời, bà Nguyễn Thị Giới xông xáo lao vào khó nhọc. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà tham gia điều tiết giao thông ở ngã tư đường Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu, một công việc mà mấy đứa con bà coi như vác tù và hàng tổng. Những nghĩa cử cao đẹp từ công việc thầm lặng, làm không vì mục đích vụ lợi của bà được các ngành chức năng và báo đài ghi nhận. Ngày 19/1/2012, bà Nguyễn Thị Giới được Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh VOV giao thông phối hợp với một doanh nghiệp trao tặng quà và danh hiệu hiệp sĩ giao thông cho bà để khích lệ tinh thần tình nguyện hiếm thấy của bà cụ ở tuổi thất thập cổ lai hy.

"Nhìn đường xá, xe cộ chật chội, mỗi người tham gia giao thông chỉ cần nhích mạnh một tý cũng xảy ra va quệt, tôi không dằn được sự bức bối và lo lắng chuyện thiên hạ. Không ai bắt, không ai nhờ, nhưng hễ thấy đường xá đông đúc, người nào cũng tranh đường để kịp giờ về nhà, rồi va quệt rồi cãi nhau, tôi thấy mình không thể ngồi yên. Sáu năm trước, giao lộ Lê Quang Định và Nguyễn Văn Đậu (quận Gò Vấp, TP.HCM) chưa có đèn tín hiệu nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, trời mưa người và xe di chuyển còn cực hơn nữa. Tôi nhìn mấy bà bầu, mấy đứa nhỏ học sinh mặt trắng bệch nhễ nhại mồ hôi, cầm lòng không được nên bỏ công việc lao ra đường điều tiết giao thông", bà Giới hồ hởi nói đến công việc của mình.

Theo bà Giới, khi bà đứng ra điều tiết giao thông, không phải ai cũng đi theo hướng dẫn của bà già. Nhiều người tỏ ra khó chịu, quát tháo bà nhưng ngay lập tức những người đi trên đường lên tiếng bảo vệ: "Bà già như vậy vẫn đứng ra điều tiết giao thông mà còn chửi người ta, biết điều thì im lặng đi theo hướng dẫn đi". Khi đó, bà rất hạnh phúc và thấy ý nghĩa của công việc mình làm được mọi người đồng tình, ủng hộ. Bà lặng lẽ làm công việc không sinh ra tiền nhưng mang về niềm vui trong hơn 5 năm trời, không cần chính quyền địa phương biết để khen thưởng, miễn sao thấy mình có ích thì bà vẫn cứ làm.

Xã hội - Nữ 'hiệp sĩ' giao thông gần 40 năm ăn sương nằm gió

Bà Giới và góc tiệm nghèo nàn

Hình ảnh bà cụ nhỏ thó, tóc bạc trắng cầm gậy tre điều tiết giao thông đã dần quen thuộc và làm sáng hơn cuộc sống đường phố vốn dĩ nhiều rắc rối. Bà con sống quanh giao lộ này, ngày nào không thấy bà cụ ra vá xe, không tham gia điều tiết giao thông thì biết ngay bà đã bị bệnh, mà không phải bệnh xoàng. Những khó khăn, bĩ cực của cuộc sống không đánh gục bà, nhưng tuổi già khiến bà không tiếp tục làm được công việc mình yêu thích. Sau 6 tháng nằm viện, nằm nhà chán chường, bà Giới nhớ góc đường với xe cộ đông đúc, với những người bạn già lang thang tối nào cũng đến trải tấm bạt nằm kề bà, tâm sự về những điều đã xa, về gia đình con cái, về quá khứ nhọc nhằn.

Sương gió vá xe ven đường

Bỏ qua vinh quang của cái danh hiệp sĩ đường phố, bà Giới lại về đúng với cái tuổi và cái nghề đã đeo đẳng bà 37 năm. Người nào tiếp xúc bà cũng đặt ra câu hỏi, sao không vá xe ngày mà lại vá xe ban đêm, sao không làm gì nhẹ nhàng hơn? Bà Giới chỉ cười nhẹ, trả lời chân thật: "Ban ngày đâu cạnh tranh lại mấy tiệm sửa xe lớn, đâu so bì được với mấy anh sửa xe trai trẻ. Khi đêm đến, cả đoạn đường chỉ còn lại bà cụ này, trước giúp người lỡ đường sau cũng vì miếng cơm manh áo. Vả lại, thân già ngày nào cũng ra đây để nhớ về ngày tháng có vợ có chồng bên góc đường nhỏ với mấy miếng vỏ xe".

Cực từ tấm bé, bất hạnh từ thuở mới bập bẹ tiếng mẹ tiếng cha, bà Giới xuôi từ Bắc vào Nam với thân phận kẻ ở đợ, người làm thuê cho những bậc trưởng giả. Sinh ra ở một miền quê nghèo Bắc Bộ, khi bà được ba tuổi cha mẹ đều mất, người thân bán bà cho mấy gia đình giàu có trên Hà Nội. Bà khó thể quên những ngày đông giá rét bị quở phạt, phải làm việc dưới cái rét căm căm để bù vào tiền đền mấy cái bát vỡ. Những ngày tháng mà cơn đói cái rét luôn chực chờ nuốt chửng con bé nhỏ xíu mồ côi.

Năm 1952, bà Giới theo nhà chủ vào miền Nam sinh sống nhưng cũng tại đây một lần nữa bà bị bỏ rơi giữa dòng đời nghiệt ngã. Không người thân thích, gia đình chủ đi định cư ở Mỹ, bà lay lắt nơi này sang nơi khác, hết làm mướn rồi ở đợ. Khoảng thời gian này, bà gặp chồng, người cùng cảnh ngộ làm thuê, không gia đình, cũng từ miền Bắc xuôi vào Nam. Tình đồng hương, cám cảnh cô đơn nên hai bạn trẻ sớm phải lòng nhau, không cần đám cưới, họ dọn về ở trọ chung với nhau rồi lo toan mưu sinh.

Mấy đứa con lần lượt ra đời, chồng bà bị bắt đi quân dịch, đàn con nheo nhóc chỉ trông chờ tiền đi lính của cha. Thấy cảnh nhà túng quẫn, chán nản cảnh máu chảy, chồng bà trốn lính, hai vợ chồng dắt díu nhau đến ở Gò Vấp, làm đủ thứ nghề để nuôi con. Hai vợ chồng nhận giặt ủi, vợ giặt chồng ủi tiền lãi cũng đủ nuôi con. Thế nhưng, chồng bà sớm ra đi sau một cơn bạo bệnh. Bà thân cò đeo mang đàn con thơ nheo nhóc giữa chợ đời, khiến không ít người đàn ông nghĩa hiệp muốn ra tay bảo bọc. Và, bà Giới đã chọn người chồng thứ hai là anh thợ vá xe ở ngã tư đường tại quận Gò Vấp, nay thành giao lộ Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu.  Hai vợ chồng phơi nắng phơi mưa nơi ngã tư đường kiếm cơm bằng nghề bơm vá xe. Thời điểm đó, vợ chồng bà chủ yếu bơm vá xe đạp, tiền kiếm được cũng ổn định, khách đến sửa nhiều.

Chẳng hiểu số phận hẩm hiu thế nào, người chồng thứ hai cũng chết sớm để bà bơ vơ bên đàn con nheo nhóc. Bà quyết tâm lấy nghề bơm vá xe của chồng nuôi con lớn khôn. Sức đàn bà yếu ớt, muốn vá xe cũng trầy trật, vậy mà, bà cũng chẳng dám lấy đắt hơn ngàn nào. Dường như ngày nào, bà Giới cũng có mặt ở ngã tư đường Nguyễn Văn Đậu, ban ngày không có nhiều khách, bà ăn qua loa bánh ngọt, trái cây cho đỡ đói, đông khách thì tự thưởng cho mình đĩa cơm bình dân. Ban ngày không có nhiều khách, bà chịu khổ thức đêm để kiếm thêm. Đêm xuống không mấy tiệm sửa xe còn hoạt động, những người đi chơi khuya hay công nhân tăng ca, chẳng may thủng lốp thì đã có bà cụ vui tính cứu nguy. Bà bỏ công bỏ sức để mong kiếm đồng tiền lương thiện, không phải ngửa tay xin tiền các con.

Khi trời chuyển sáng khoảng 2, 3h, khách thưa dần, bà thui thủi một mình căng tấm bạt che sương, trải cái ghế bố dài nằm ngủ. Không mùng, không chăn, bà co ro trong khoảng trời riêng của mình với bao bộn bề lo toan vào sáng hôm sau. Bà chân tình chia sẻ: "Nhà con cái cũng ở gần, muốn về lúc nào cũng được, nhưng tôi nghĩ, tụi nó vất vả cả ngày, chỉ trông mong vào giấc ngủ. Nếu tôi về lúc nửa đêm, chó sủa um trời, tụi nó lại thức giấc, hàng xóm phiền hà, già cả rồi mà để con cái, hàng xóm trách hờn thì nặng nề lắm, nên thôi. Tối nào tôi cũng nằm đây, có khách giờ nào làm giờ đó luôn.

Tối tối, mấy người bạn lang thang vừa trốn trại dưỡng lão ra cũng đến làm bạn với bà Giới. Mấy hôm trước khi tôi đến, bà kể: "Có một bà cụ buồn con buồn cháu bỏ nhà đi lang thang, vừa rồi bên trại dưỡng lão vừa đến mang về trại chăm sóc, rồi bà thầm nghĩ dù sao, tôi cũng hơn hẳn họ, có nghề nghiệp, sức khỏe vẫn còn dù chẳng bằng khi xưa, có con có cái khi nào đói xin chén cơm cũng được".

Bà Giới vẫn ngồi đó, hết bơm xe rồi vá, khi được một, hai ngàn đồng, gặp đứa cháu nội lại chìa ra cho nó ăn quà. Dù còn nợ tiền người ta hồi vay nợ chữa bệnh nhưng cuộc sống của bà vẫn lạc quan, đầy ắp tiếng cười, sống không muộn phiền, bận lòng con cháu.

Bất hạnh từ thuở nhỏ nhưng chưa bao giờ bà Giới thấy chán nản cuộc sống. Người ta vinh danh hiệp sĩ đường phố, bà thấy vui chứ không ỷ lại, huênh hoang với mấy người bạn đường phố. Góc đường Nguyễn Văn Đậu - Lê Quang Định vắng bà, ngày đó đường phố chật chội hơn, ngột ngạt hơn, như thiếu một làn gió trong lành giữa đường phố bon chen.

Ngọc Lài

Cụ bà 36 năm vá xe đêm giữa Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
36 năm qua, ngày nào người ta cũng thấy một người đàn bà làm nghề vá xe ở góc ngã tư Lê Công Định và Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Người đàn bà ấy giờ đã trở thành một cụ bà da nhăn nheo, tóc bạc trắng, khòm lưng nhưng vẫn cần mẫn ngồi bơm vá xe cho khách.

Đắng lòng cụ bà có cháu đánh chết nhân tình con dâu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Hơn một năm nhẫn nhịn trước búa rìu dư luận, trong một lần tức nước vỡ bờ, Nguyễn Văn Kiên (SN 1991, con trai chị V.) đã dùng gậy đánh chết gã nhân tình của mẹ mình.

Cụ bà sống qua hai thế kỷ chỉ nhờ lọ muối vừng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Hơn một trăm năm qua, mỗi bữa ăn của cụ chỉ dùng duy nhất một chén cơm nhỏ với lọ muối vừng đã làm sẵn. Và điều đặc biệt hơn nữa, ăn xong bao giờ cụ cũng ra giếng uống nước lã. Với khẩu phần ăn khác người như thế, nhưng cụ Hoàng Thị Mưu đã sống được qua 2 thế kỷ và đang là người có tuổi thọ lớn nhất trong vùng.

Cô dâu 15 tuổi chạy trốn đêm tân hôn với cụ ông 90

Thứ 3, 08/01/2013 | 11:23
Ngay trong đêm tân hôn, cô dâu đã khoá trái cửa phòng để ông chồng già không vào được và sau đó cố gắng trốn thoát về nhà bố mẹ đẻ