Chàng thanh niên câm điếc trở về sau gần 3.000 ngày lưu lạc

Chàng thanh niên câm điếc trở về sau gần 3.000 ngày lưu lạc

Chủ nhật, 17/03/2013 | 20:59
0
Đây là một cái kết có hậu đối với chàng thanh niên 28 tuổi Đồng Thế Hiệu và gia đình của anh.

Như chưa hề có cuộc chia ly

Khi PV tìm về thôn Khê Khẩu, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, Hải Dương, người dân ở đây vẫn còn chưa hết xôn xao bàn tán về chuyện trở về đầy kỳ lạ của anh Đồng Thế Hiệu, sinh năm 1986, bị câm điếc bẩm sinh sau 8 năm "mất tích".

Anh trở về đúng lúc các cuộc tìm kiếm của gia đình tưởng chừng đã rơi vào tuyệt vọng. Những ngày này, không khí trong gia đình ông bà Đồng Thế Liệu và Nguyễn Thị Dung (57 tuổi) trở nên nhộn nhịp khác thường.

Hàng xóm láng giềng, bà con cô bác, bạn bè nghe tin đã liên tục gọi điện, đến nhà chia vui. Bà Dung không thể nào quên được giây phút đặc biệt đó, vào sáng sớm 7/3, khi chiếc xe ô tô bảy chỗ xuất phát từ tỉnh Thái Bình đỗ xịch ngay trước cổng nhà. Chắc mọi người muốn tránh gây sốc cho ông bà nên cố tình bố trí người bước xuống xe đầu tiên là ông Đồng Thế Hoàn (người chú ruột của Hiệu), tiếp đến là những người đã giúp đỡ gia đình đưa Hiệu trở về nhà.

Khi nhìn thấy "núm ruột" của mình xuất hiện, bà Nguyễn Thị Dung lặng đi, không thốt nổi nên lời. Trong hai hàng nước mắt, phải thật lâu sau bà mới lắp bắp kêu lên thành tiếng: "Con ơi...". Bà ôm ấp, vuốt ve từng sợi tóc của đứa con trai đã sớm phải chịu nhiều thiệt thòi từ khi mới lọt lòng. Còn ông Liệu thì cứ đứng ngây người nhìn con. Khi cơn xúc động đã dâng lên đến đỉnh điểm, ông nhào đến ôm chầm lấy con trai, khóc tu tu như một đứa trẻ.

Xã hội - Chàng thanh niên câm điếc trở về sau gần 3.000 ngày lưu lạc

Anh Đồng Thế Hiệu và mẹ trong ngày đoàn tụ.

Có mặt chứng kiến giây phút đoàn tụ đó, chỉ có nhà báo Nguyễn Khánh Linh, đang công tác tại Thái Bình, một trong những người đã giúp đỡ rất nhiệt tình để chàng thanh niên bất hạnh này tìm được đường về nhà là thấu hiểu tâm trạng của Hiệu lúc này.

Sau 8 năm vạ vật ở vườn hoa Thái Bình, ăn cơm bờ, ngủ bụi, lúc ốm đau, không người thuốc thang, chăm sóc, lại thường bị đám ma cô đánh cho bầm dập... đã khiến Hiệu chưa thể quen ngay với không khí xung quanh. Anh ngồi như "phỗng" nơi bàn uống nước, cười với mọi người. Thi thoảng, anh lại đưa ánh mắt thẫn thờ, nhìn vu vơ về phía xa xăm.

Luôn là đứa con ngoan dù bị khiếm khuyết

Ông Liệu cho biết, vợ chồng ông làm nghề nông, lấy nhau và sinh được ba người con, Hiệu là con thứ hai, chị gái và em trai đều đã lập gia đình. "Thằng Hiệu sinh ra bụ bẫm, kháu khỉnh là thế nhưng mãi vẫn chẳng bập bẹ học nói như những đứa trẻ xung quanh. Mới đầu, vợ chồng tôi cũng chỉ nghĩ cháu nó chậm nói nhưng khi Hiệu lên ba, gọi cũng chẳng thấy có phản ứng nên vợ chồng tôi mới tá hỏa ôm con đi khám từ bệnh viện huyện, đến viện tỉnh, rồi bệnh viện Nhi trung ương.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận cháu bị câm điếc bẩm sinh, sẽ không nghe, không nói được. Không còn hy vọng gì, vợ chồng tôi mới ôm con trở về. Chúng tôi luôn động viên nhau, cố gắng chăm con cho tốt, sau này y học tiến bộ, biết đâu sẽ có thể chữa được căn bệnh  này...", ông Liệu giãi bày.

Xã hội - Chàng thanh niên câm điếc trở về sau gần 3.000 ngày lưu lạc (Hình 2).

Vườn hoa Lê Quý Đôn, Thái Bình, nơi anh Hiệu từng chọn làm chốn nương thân.

Trò chuyện với PV, bà Dung cho biết, anh Đồng Thế Hiệu luôn là đứa con ngoan. Tuy không được đi học nhưng anh rất "sáng dạ", chỉ cần nhìn ai làm việc gì là anh có thể "bắt chước" làm giống y hệt. Từ dọn dẹp nhà cửa, trông em cho bố mẹ đi làm và sau này là đi làm thuê, làm mướn, kiếm tiền phụ giúp gia đình, việc gì anh làm cũng tốt.

"Năm 2003, một lần vợ chồng tôi dẫn mấy chị em nó ra Hà Nội thăm người thân, lớ ngớ thế nào thằng Hiệu lại bị lạc...", bà Nguyễn Thị Dung dừng lời như để nén cơn xúc động. Phải một lúc lâu sau, bà mới tiếp tục câu chuyện: "Hồi đó gia đình tôi còn khó khăn nhưng vẫn phải vay mượn xuôi ngược để đi tìm con nhưng đều bặt vô âm tín".

Cũng trong ngày gặp gỡ đó, mọi người đã được nghe Đồng Thế Hiệu "kể" lại gần 3000 ngày lưu lạc nơi đất khách quê người qua "phiên dịch" của người chú Đồng Thế Hoàn. Ông Hoàn cho biết: "Từ ngày Hiệu "mất tích", anh chị tôi và mọi người trong gia đình đã rất nỗ lực tìm kiếm nhưng vô vọng".

Để giúp đỡ anh chị mình, ông cũng đã bỏ nhiều công sức đi tìm Hiệu từ nhiều năm nay. Nghe người ta mách, ông đã nhiều lần lang thang tìm cháu ở Thái Bình nhưng không gặp.

Đi đến đâu, ông cũng để lại thông tin, số điện thoại, mong ai gặp Hiệu thì gọi điện báo giúp. Mọi manh mối tưởng như đã chấm hết, thì bất ngờ ông nhận được điện thoại của nhà báo Khánh Linh nói rất có thể chàng thanh niên câm điếc mà anh biết chính là người cháu mà ông Hoàn đang tìm kiếm. Và một cuộc kết nối giữa gia đình và một số người tốt bụng ở Thái Bình được thực hiện đã giúp đưa chàng trai này trở về gia đình vào ngày 7/3 vừa qua.                                 

Nghi vấn "người lang thang" đã có vợ con

Theo lời ông Hoàn thì tuy đã tìm được gia đình nhưng trong Hiệu hình như vẫn còn có điều gì vướng mắc, một niềm vui chưa trọn vẹn. Qua những gì mà Hiệu ra hiệu, ông láng máng nhận ra rằng hình như cháu ông đã có vợ con ở Xuân Trường, Nam Định. Vì thế, hiện gia đình đã gọi điện cho anh Linh và những người bạn nhờ tìm hiểu giúp. Theo những gì mà nhà báo Khánh Linh cung cấp thì anh Hiệu thường qua lại với một người phụ nữ bị tật một bên chân ở huyện Xuân Trường và người phụ nữ này có đứa con nhỏ khoảng 3-4 tuổi. Nhưng hiện vẫn chưa chắc chắn, đó có phải là vợ con của anh Hiệu hay không?

Minh Lý

Tìm 'tên tuổi' cho 6.000 đồng đội Trung đoàn Tu Vũ anh hùng

Thứ 2, 04/02/2013 | 14:40
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng ký ức về những năm tháng hoa lửa vẫn chưa một lần phai nhạt trong tâm thức những người lính năm nào. Đâu đó trên khắp đất Việt thân yêu, hình ảnh những cựu binh lăn lộn nơi núi cao vực thẳm tìm "tên tuổi" cho đồng đội vẫn tạc vào sử sách biểu tượng cao đẹp của người lính cụ Hồ. Đối với Trung đoàn 88 anh hùng, gần 30 năm nay, một cựu binh tuổi ngoại bát tuần vẫn lặng lẽ vào Nam ra Bắc, đi khắp các chiến trường để tìm lại danh sách những đồng đội đã hi sinh trong trận chiến thần thánh của dân tộc. Đó chính là ông Ong Thế Huệ, nguyên Chính ủy Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 lừng danh.

Anh em đoàn tụ sau 70 năm "bặt vô âm tín"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Sau khi thoát khỏi "địa ngục trần gian", sống sót qua lò sát sinh kinh hoàng của phát xít Đức, hai anh em người Ba Lan đã cố gắng tìm kiếm tung tích của nhau nhưng đều vô vọng. Tuy nhiên, sau hơn 70 năm "bặt vô âm tín", họ đã tìm được nhau qua thông tin đọc được trên một cuốn hồi ký.

Cô gái bị xăm quái vật về đoàn tụ gia đình đón Tết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Cuối tuần này, cô gái bị xăm quái vật Nguyễn Thị G. (SN 1991, quê ở xã Nghi Diên Nghi Lộc Nghệ An) sẽ về quê đoàn tụ, đón Tết cùng gia đình.

Hơn 100 năm tù cho băng nhóm đòi nợ thuê

Thứ 2, 25/02/2013 | 09:27
Đáp ứng nhu cầu thu hồi nợ của các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, đòi nợ thuê,... gần đây nổi lên khá nhiều và đang là ẩn hoạ khôn lường.