Đầu năm, mệt nhoài vì làm “trợ lý rượu” cho sếp

Đầu năm, mệt nhoài vì làm “trợ lý rượu” cho sếp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Dịp đầu năm, các cơ quan, công ty đều liên hoan chúc tụng. Đây cũng là thời điểm các "trợ lý rượu" mệt nhoài với những bữa nhậu xuyên thời gian bởi vai trò làm "chân gỗ" đỡ rượu cho sếp.

Nghề không được... xưng danh

Thấp thoáng trên bàn nhậu, những thanh niên trẻ nhiệt tình uống cạn hết ly này đến ly khác. Liên tục có những câu nói hài hước, liên tục bắt tay, họ đôi lúc khiến người đi qua lầm tưởng là một nhân vật quan trọng trên bàn tiệc. Hỏi ra mới hay, họ chỉ là "chân gỗ" chuyên làm nhiệm vụ tiếp rượu với khách thay cho những vị sếp có tửu lượng không cao. Họ làm việc âm thầm và tận tụy, không một ai đặt "chức danh" cho họ. Tuy nhiên, nhiều người đã coi công việc của họ như một trợ lý và gọi họ một cách hài hước là "trợ lý rượu" của sếp.

Lạ & Cười - Đầu năm, mệt nhoài vì làm “trợ lý rượu” cho sếp

Ảnh minh họa

Minh Kiên, tốt nghiệp ngành Xã hội học, Đại học Công đoàn. Được nhận bằng từ tháng 6 /2011 nhưng sau 3 tháng vật lộn tìm tòi không có được một công việc phù hợp với chuyên ngành học của mình, Kiên tìm đến một công ty in ấn ở Cầu Giấy làm nhân viên kinh doanh ở đó. Công việc hàng ngày của Kiên là đi giao hàng kiêm thêm PR để thu hút khách cho công ty.

Trong thời gian làm việc, Kiên vô tình bị phát hiện khả năng uống rượu vô đối qua một lần liên hoan với mọi người trong công ty. Từ đóỏ, thỉnh thoảng Kiên lại được giám đốc ưu ái cho đi nhậu cùng mỗi khi sếp đi gặp khách hàng. Số lần đi gặp khách cùng với giám đốc của Kiên ngày càng tăng. Kiên chểnh mảng trong công việc chính của mình tại công ty hơn, nhiều buổi phải nghỉ làm vì tối hôm trước đi uống rượu với khách của giám đốc quá khuya.

Nhân viên trong công ty có phần ghen tỵ với Kiên vì dù chểnh mảng trong công việc hàng ngày như thế nhưng cuối tháng Kiên vẫn được nhận lương như bình thường. Sau vài tháng, Kiên vắng mặt trong giờ hành chính đều đều mà tần suất được giám đốc nhắc tên lại nhiều hơn nên mọi người trong công ty không còn tỵ nạnh với công việc của Kiên nữa. Thay vào đó, họ đặt cho Kiên một chức danh mới: "Trợ lý rượu" của sếp.

Khác với Kiên, Mạnh Trường lại chủ động tìm đến với các sếp để học hỏi kinh nghiệm... làm sếp. Từ khi còn là sinh viên Đại học Xây dựng, Trường đã được một người đàn anh chỉ giáo: "Muốn được sếp yêu quý sau này thì phải biết "văn hóa uống" để đôi lúc còn giúp sếp đối ngoại. Vậy là Trường cũng mon men tới công việc "trợ lý rượu" qua mai mối của người đàn anh. Năm học cuối, Trường vừa đi thực tập làm đồ án tốt nghiệp, vừa đi làm cho một công ty xây dựng có tiếng ở Hà Nội.

Với tính cách hòa đồng, lại thông minh, nhanh nhạy và có khả năng thích nghi cao nên chỉ trong thời gian thực tập, Trường đã được cả công ty xây dựng nơi Trường thực tập bầu làm "trợ lý rượu" cho sếp. Không chỉ thế, sếp còn hứa sẽ nhận Trường vào làm chính thức ngay sau khi Trường cầm tấm bằng tốt nghiệp. Vậy là một công đôi việc, Trường không phải lo khoản đầu ra sau khi tốt nghiệp, lại có thêm kinh nghiệm ngoại giao và nhiều mối quan hệ sau mỗi lần cùng sếp đi tiếp khách trên bàn nhậu.

Uống được rượu là có hết!?

Kiên chia sẻ: "Công việc của một nhân viên kinh doanh không phù hợp với ngành học khiến mình gặp nhiều khó khăn về mặt chạy theo doanh số. Khi doanh số không đủ thì cuối tháng không những bị trừ lương mà còn bị phạt nữa. Đằng này, cứ uống được là có hết: Có lương, có tiền bo thêm của sếp lại được gặp gỡ giao lưu với rất nhiều người. Vì bản thân uống được rượu nên mình thấy công việc này nhàn hơn nhiều công việc khác".

Quan điểm của Trường cũng khá giống với Kiên. Trường cho biết thêm: "Đi uống rượu với sếp đôi khi thấy được... "oai". Mình thường xuyên được ngồi cùng bàn, cụng chén, bắt tay với tổng giám đốc nọ, tổng giám đốc kia. Nhiều khi mình về kể với bọn bạn, đứa nào cũng tròn mắt ngạc nhiên và rất thèm được như mình".

Do đặc trưng của công việc nên thu nhập của các "trợ lý rượu" cũng khá đặc biệt. Ngoài phần lương cứng được trả như các nhân viên khác, "trợ lý rượu" của sếp còn được hưởng phần trăm theo những hợp đồng mà nhờ có những buổi gặp gỡ trên bàn rượu sếp có được. Ngoài ra, như tâm sự của Kiên và Trường thì làm "trợ lý rượu" cho sếp cũng được rất nhiều: Được nhàn hơn trong công việc chính, được sếp ưu ái, được gặp gỡ giao lưu với rất nhiều người và quan trọng nhất là có được những mối quan hệ mới, là lợi thế cho công việc của bản thân trong tương lai.

Tuy nhiên, nghề nào cũng có những “vất vả” riêng và như lời của Kiên thì đó là một sự trả giá. Kiên kể: "Có những lần gặp khách có tửu lượng nặng ký, sếp đã cáo lui rồi nhưng mình là "chân gỗ" của sếp nên vẫn phải chiều khách. Ra khỏi bàn nhậu thì đồng hồ đã điểm 2h sáng. Về đến phòng trọ là lăn ra ngủ, sáng hôm sau không thể nhấc mình dậy tới công ty được”.

Công việc... “ nhạy cảm”

Làm "trợ lý rượu" cho sếp là một công việc rất nhạy cảm và không phải ai biết uống rượu đều có thể làm được. "Biết uống rượu nhưng phải có nghệ thuật, phải tỉnh táo và khôn khéo, linh hoạt trong cách ứng xử. Có như vậy, sếp mới tin tưởng cho đi tiếp khách cùng để học hỏi kinh nghiệm", Trường cho biết.

Thu Dương