ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Đôi khi chính quyền địa phương cố tình làm sai

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Đôi khi chính quyền địa phương cố tình làm sai

Thứ 2, 10/06/2013 | 09:34
0
Vấn đề bức xúc trong quản lý, giải quyết các chính sách về đất đai tại nhiều địa phương đang có những bất cập khiến người dân không đồng tình. Đây cũng chính là nguyên nhân gây khiếu kiện đông người, vượt cấp, phức tạp và kéo dài.

> Những vụ cưỡng chế đất đai 'từ trên trời rơi xuống'

Nhìn nhận vấn đề này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Điều này có lỗi của cán bộ cấp cơ sở, cố tình làm sai, không đứng về phía dân...

Luật sư - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Đôi khi chính quyền địa phương cố tình làm sai

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh trả lời PV báo điện tử Người đưa tin.

Chưa nhận thông báo đã tiến hành thu hồi, cưỡng chế

Thưa bà, những năm gần đây vấn đề tập trung đông người khiếu kiện vượt cấp về đất đai luôn là "điểm nóng" bà nghĩ sao về thực tế này?

Vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm một tỉ lệ rất lớn trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu liên quan tới vấn đề giải phóng mặt bằng, bồi thường đất đai khi tiến hành thu hồi. Và tạo ra sự bức xúc trong nhân dân đôi khi xuất phát từ việc cố ý làm trái của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, cơ sở.

Nghĩa là, có những trường hợp chính quyền cơ sở làm sai, không đứng về phía người dân bị thu hồi đất mà (thậm chí) bắt tay với chủ đầu tư gây nên thiệt thòi cho dân?

Điều này đúng là có thực! Trong quá trình tiếp cận đơn thư của dân liên quan đến vấn đề đất đai, tôi nhận thấy rằng có những dự án thu hồi đất có dấu hiệu chính quyền các cấp và chủ đầu tư có sự phối hợp và nhiều khi chưa quan tâm tới lợi ích của nhân dân địa phương. Có những trường hợp tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế bản thân người dân còn chưa nhận được những quyết định thông báo nhưng chính quyền đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Những chuyện này thì thực tiễn tôi đã  nhận nhiều đơn thư kiến nghị. Nhiều trường hợp tôi lại đề nghị UBND cấp đó, hoặc UBND cấp cao hơn, cấp tỉnh, thậm chí gửi đến các cơ quan bộ, ngành trung ương để có  ý kiến chỉ đạo giải quyết giúp nhân dân địa phương.

Rõ ràng, nhiều dự án có khiếu kiện, có sự chỉ đạo của cấp trên nhưng cán bộ cấp cơ sở vẫn bỏ qua vì quyền lợi của bản thân, của nhà đầu tư. Phải chăng vì lợi ích nhóm mà quyền lợi của người dân bị xâm phạm?

Nếu nói lợi ích nhóm tôi cũng chưa khẳng định. Bởi vì có những dự án theo quy trình thì từ khâu quy hoạch cho đến khi triển khai dự án phải có thông tin cho người dân, người dân cũng phải có ý kiến vào dự án đó. Nhưng nhiều khi có dự án mà người dân không biết và chỉ đến khi chính quyền họp thông báo để thu hồi đất người dân mới hay mình thuộc diện bị lấy đất. Vì thế, có những trường hợp thu hồi đất vào diện tích nhà ở của người dân nhiều thế hệ đã từng sinh sống thì họ không chấp nhận. Thực tế này dẫn đến chuyện tranh chấp và phản ứng lại quyết định của chính quyền. Rất nhiều vụ việc nổi cộm trong thời gian qua, cũng liên quan đến chuyện như thế.

Luật cũng còn những sơ hở

Như thế có thể nói rằng chính quyền cơ sở, cán bộ cơ sở không làm hết trách nhiệm của mình hoặc luật Đất đai còn nhiều bất cập để người nào cũng có thể lợi dụng làm lợi cho mình?

Điều này có nhiều nguyên nhân, cũng có phần trong quy định của luật còn sơ hở. Luật Đất đai quy định thu hồi đất trong dự án phát triển kinh tế xã hội có sự thoả thuận với người dân. Vì thế rất nhiều chủ đầu tư lợi dụng cơ hội này để bắt tay với chính quyền các cấp, được sự ủng hộ của chính quyền các cấp, nhiều khi là khách quan nhưng có khi là sự liên kết nhằm tạo ra những “đặc quyền” riêng. Thực tế có những việc mình khẳng định được qua mối quan hệ của người thân quen, bạn bè, gia đình nên cán bộ cơ sở tạo thuận lợi cho chủ đầu tư.

Theo bà, với những địa phương để tình trạng cán bộ cơ sở nhũng nhiễu gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài việc quy trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu như thế nào?

Những trường hợp có nguyên nhân từ cán bộ chính quyền các cấp thì chúng ta cũng có biện pháp xử lý. Có trường hợp cần thì giải quyết bằng mặt hành chính, thậm chí hình sự nữa. Vừa qua cũng có nhiều trường hợp đã xử lý hình sự với cán bộ nhân dân các cấp khi vi phạm vấn đề quản lý đất đai trong quá trình hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng mà điển hình như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng).

Vậy theo bà khi sửa đổi luật Đất đai, các cơ quan cần làm gì để hạn chế bất cập này?

Vừa qua dự thảo luật Đất đai đã tìm những vấn đề này, và ngay cả trong Hiến pháp các cơ quan cũng tính tới vấn đề thu hồi đất phải quan tâm đến ý kiến của người dân. Nhiều ý kiến các chuyên gia không muốn đưa vấn đề thu hồi đất trong những trường hợp phát triển kinh tế xã hội. Nhiều người cho rằng, việc thu hồi đất ấy phải có quy định cụ thể chứ không phải chỉ cần có ý kiến chung chung đồng ý và không phải thu hồi mà mua đổi lại theo giá thị trường.

Bên cạnh đó, tôi cũng đã từng trao đổi với bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường nên để cho người dân có quyền góp vốn sử dụng đất vào dự án, thay vì bị thu hồi. Trường hợp đó thì đã có thực tiễn ở những dự án trồng cao su rồi nên người dân rất phấn khởi bởi lẽ những dự án đó góp phần phát triển kinh tế xã hội. Người dân có việc làm còn chủ đầu tư thì bớt được phần vốn mà cũng  bớt nảy sinh chuyện tranh chấp đất đai. Đây cũng là giải pháp mà bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ghi nhận việc này là tốt và đưa vào dự án luật Đất đai sửa đổi.

Xin cảm ơn bà.

My Lan (thực hiện)

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Cải chính về trích dẫn ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Khá

Thứ 4, 15/05/2013 | 15:42
Ban biên tập và phóng viên báo Người đưa tin xin nói lại cho rõ về bài báo "Khoa trương mục đích cá nhân chốn linh thiêng, sẽ phải chịu phán xét”.

Nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết: 'Mất ghế thì có gì đáng sợ đâu'

Thứ 6, 15/03/2013 | 15:43
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, sinh năm 1948, nguyên là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII của tỉnh Lạng Sơn, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Phước làm trái với quy chế hoạt động của ĐBQH

Thứ 7, 23/02/2013 | 10:54
Việc một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sử dụng blog cá nhân để "mắng mỏ" một đại biểu đồng nhiệm khác là điều chưa có tiền lệ nào trong lịch sử Quốc hội nước ta.