Để làng hương Cao không lao đao vào mùa Tết

Để làng hương Cao không lao đao vào mùa Tết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đến làng làm hương xạ thôn Cao (hay còn gọi là Cao Thôn, xã Bảo Khê, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) vào những ngày này, nhà nào nhà nấy tấp nập, nhộn nhịp chuẩn bị hương phục vụ cho ngày Tết. Hương phơi kín sân nhà, ngoài ngõ, ra tận sườn đê.

"Thầy lang" làm hương

Người thôn Cao tự hào ví mỗi ông chủ làm hương là một "thầy lang". Bao đời nay, từng thế hệ thợ thôn Cao thường truyền nhau rằng: Trước khi biết cách pha chế nguyên liệu làm hương phải học cách nhận biết được thành phần và công dụng của các vị thuốc Bắc, phải thông thạo nó như lòng bàn tay. Cùng với nó là sự kỳ công của người thợ để làm ra nén hương thơm.

Cái hay của nghề làm hương là mỗi "ông lang" có cách "bắt thuốc" riêng của mình, người nào bắt giỏi thì làm ra loại hương thơm đặc biệt, có chất lượng cao mà tốn ít nhiên liệu. "Ông lang" nào "bắt" chưa chắc tay thì mẻ hương làm ra vừa tốn hương liệu, vừa lãi ít. Sự khác nhau trong cách "bắt thuốc" của từng "thầy lang" mang đến sự phong phú, đặc sắc về mùi hương của hương thôn Cao. Chính từ sự cầu kỳ, chau truốt từng li từng tí mà hương Cao Thôn bao giờ cũng đảm bảo từ chất lượng đến hình thức.

Sự kiện - Để làng hương Cao không lao đao vào mùa Tết

Phơi hương chuẩn bị hàng phục vụ ngày Tết.

Theo các cụ cao tuổi ở thôn, muốn hương thơm, giữ được mùi phụ thuộc vào sự tinh xảo, sáng tạo cũng như sự hiểu biết về dược tính của từng loại hương liệu do chính các ông chủ "sáng tạo" nên. Vì thế mà cùng từ các cây thuốc Bắc như trầm, ngâu, huỳnh đàn, hồi, quế, thục, tùng, trắc, nhục đậu... nhưng không phải "thầy lang" nào cũng tạo được hương thơm giống nhau.

Tài nghệ của các "ông lang" thể hiện ở sự khác nhau ấy. Với những "cao nhân" của thôn Cao thì, đi trên đường làng, ngửi mùi thơm là "đọc ra vị" và biết đó là hương của nhà ai.

Hỏi về bí quyết, các cụ cho hay: Hàng ngày, các ông chủ xưởng thường đợi cánh thợ về nhà hết mới đem dụng cụ, đồ nghề để pha chế hương liệu. Hôm nào ông chủ muốn phát mẻ hương đặc biệt thì người đó không bao giờ nói ra miệng mà cứ lẳng lặng để cánh thợ vào se như mọi ngày. Chỉ có thợ lâu năm, lành nghề, tinh ý mới thấy được mùi đặc biệt của mẻ hương hôm đó nhưng cũng chưa chắc biết có những thứ thuốc gì. Đó chính là cái tài và bí quyết của mỗi "ông lang" thôn Cao.

Trước kia, người dân thôn Cao vốn sống bằng nghề buôn thuyền đinh. Quanh năm ngày tháng, người này nối tiếp người kia lênh đênh khắp các cửa sông, cửa biển từ Nam chí Bắc buôn đi bán đủ mặt hàng. Đến những năm cuối thế kỷ XIX, bà Đào Thị Khương - một người con gái nết na, tài đảm ở thôn Cao lấy chồng Trung Quốc, học được cách làm hương xạ và truyền nghề lại cho con cháu trong dòng họ của mình. Về sau này, nghề buôn thuyền vất vả và ngày càng mai một nên người dân thôn Cao dần chuyển sang sản xuất hương. Đến năm 2004, thôn Cao chính thức được hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng công nhận làng nghề hương xạ Cao Thôn.

Anh Phạm Ngọc Thỉnh - nhà có 4 đời làm hương cho biết, người xưa vẫn dùng từ nén để chỉ nén vàng nén bạc nên cách gọi nén cũng là thể hiện hương thơm đáng giá như bạc, vàng. Mỗi nén hương thơm khi thắp lên vừa thể hiện ý nguyện tâm linh mong ông bà tổ tiên chứng giám cho tấm lòng thành của con cháu, vừa thể hiện sự chính tâm của mỗi người. Những ước nguyện và tấm lòng thành của chúng sinh được người dân thôn Cao vận dụng và thể hiện rõ nét nhất khi làm ra sản phẩm hương vòng.

Một dây hương bao giờ cũng có 12 vòng, con số này được các bác thợ lành nghề lâu năm lý giải: Đó là xuất phát từ việc nghiên cứu kinh dịch, con người bao giờ cũng thích số chẵn, nên không thể lấy con số 11 hay 13 hoặc con số khác, hơn nữa con số 12 mang nhiều ý nghĩa tượng trưng như 12 con giáp, 12 tháng trong năm...

Điều thú vị là các loại hương vòng đều có kích cỡ đường kính cụ thể và mỗi con số lại mang một ý nghĩa sâu xa khác nhau, thể hiện ước nguyện của con người. Loại hương vòng thắp trong vòng 12 tiếng bao giờ cũng có đường kính 10,4cm, ứng với thước đo là "cung đại an"; loại hương thắp 24 giờ có đường kính là 14,2 cm và loại hương thắp trong vòng 72 giờ thường có đường kính là 21,5cm rơi vào "cung lộc". Cuối cùng là loại hương thắp trong một tháng, nhất định phải có đường kính 54cm, ứng với số đo này là sự may mắn.

Lao đao vì tin đồn hương... làm mù mắt

Các thế hệ đi trước thường truyền lại cho con cháu rằng: Người làm hương không bao giờ được làm sai, làm ẩu, làm hương giả, hương kém chất lượng. Mỗi mẻ hương làm ra, ông chủ phải cẩn thận đốt thử để kiểm tra độ bén lửa, độ cháy và mùi thơm.

Hương thôn Cao nổi tiếng xưa nay có mùi thơm đặc trưng mà các nơi làm hương khác không có được. Đó là mùi thơm nhẹ mà thanh, lan tỏa từ từ và để lại mùi thơm lâu. Chính vì vậy hương thôn Cao được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng và đến bây giờ sản phẩm của làng đã có mặt ở hầu hết 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Sự kiện - Để làng hương Cao không lao đao vào mùa Tết (Hình 2).

Một người thợ đang làm hương.

Công nghệ sản xuất hương đơn giản, dụng cụ có thể tự tạo hoặc mua sắm không tốn kém, nguyên liệu làm hương từ thảo mộc, vốn sản xuất cũng không đòi hỏi lớn lắm, thế nhưng không phải ai cũng có "duyên" với nghề này. Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công.

Các công đoạn đòi hỏi sự chú tâm của người thợ với các thao tác phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới được như ý. Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phải phơi từ hai đến ba ngày. Người thợ lâu năm trong nghề kiêng kỵ nhất là đưa hương qua lửa, vì như thế hương sẽ bị mất mùi. Sự chu đáo, nghiêm khắc của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên thương hiệu của hương Cao Thôn.

Người thực sự sống bằng nghề làm hương chỉ có thể là người ở Cao Thôn. Một số gia đình làm ăn phát đạt đã ra thành phố mở các hiệu buôn bán hương nổi tiếng một thời như Quảng Thái, Vạn Hoa, Đồng Phát (Hà Đông, Hà Nội), Hồng Phúc (Huế), Đồng An Xương (Sài Gòn), Đồng An Mỹ (Hải Dương)... Nhưng hiện nay thành danh nhất vẫn là ông Đào Đức Cơ chủ cơ sở sản xuất hương Thế Hưng ở phố Nguyễn Thiệp (Hà Nội). Mỗi ngày, xưởng của ông Cơ cung cấp hàng tấn hương ra thị trường. Ngoài ra, ông Cơ còn làm hương đen xuất khẩu sang Ấn Độ và sắp tới là một số nước châu Á khác.

Anh Nguyễn Văn Hải - trưởng thôn Cao Thôn cho biết, trong khi một số làng nghề khác đang loay hoay tìm hướng duy trì và phát triển nghề truyền thống thì sản phẩm hương Cao Thôn đang ngày càng chinh phục được thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, làng nghề thôn Cao cũng đang đối mặt với những khó khăn.

Thời gian gần đây đã rộ lên thông tin người thôn Cao làm hương tẩm hóa chất rất độc, có thể gây mù mắt. Theo thông tin mà PV thu thập được, có không ít hộ đã dùng hóa chất tẩm ướp để nén hương khi đốt sẽ quăn lại. Tìm hiểu quy trình sản xuất hương, chúng tôi được biết, không ít cơ sở có "công nghệ" làm hương thơm nhờ được nhuộm và ngâm với một hóa chất đặc biệt. Ngay cả chủ cơ sở cũng không biết đó là chất gì, chỉ biết là một chất lỏng, có màu đỏ đục, như màu nhớt, mùi khét và hắc, rất khó chịu.

Trước đây muốn làm hương đậu tàn (tức là hương sau khi cháy xong, tàn hương có vòng uốn cong) cần phơi ra nắng từ sáng đến chiều. Nếu đang phơi mà trời đổ mưa thì coi như hỏng mẻ hương đó, phải làm lại từ đầu. Còn bây giờ, làm hương chỉ cần ngâm hóa chất đó vào, ngâm bao lâu và như thế nào tùy vào mỗi nhà sẽ được tàn vòng như ý muốn.

Thế nhưng, theo các "lão làng" thôn Cao, thì việc sản xuất hương dùng hóa chất chỉ là hiện tượng "con sâu làm giàu nồi canh", việc làm hương như vậy là do thị trường chứ không phải do người làm muốn là được. Nhiều người làm hương chân chính cũng cảm thấy buồn khi làng nghề truyền thống hàng trăm năm bị mang tiếng "buôn gian, bán lận".

Thanh Hòa - Lê Tuấn