“Dị nhân” viết thư pháp... trên hạt gạo

“Dị nhân” viết thư pháp... trên hạt gạo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Những nét chữ thư pháp như "phượng múa rồng bay" dưới bàn tay của người nghệ sĩ trên hạt gạo khiến bất cứ ai xem cũng phải trầm trồ thán phục. Chiếc bút nhọn đầu chấm ít mực múa lượn trong khoảng vài phút trên hạt gạo đã cho ra một kiệt tác từ 4 đến 6 chữ mà mắt thường có thể đọc một cách rõ ràng.

Người ta tự hỏi, có phải anh đang làm xiếc hay những trò biến hóa thật giả trong ảo thuật Việt Nam? Anh bảo, tất cả do bàn tay và khối óc con người, nghệ thuật không có khái niệm phù phiếm. Anh là nghệ sĩ Phú Thảo.

Lạ & Cười - “Dị nhân” viết thư pháp... trên hạt gạo

Nghệ sĩ Phú Thảo đang tập trung cao độ cho công việc của mình.

Luyện chữ siêu vi trên hạt gạo

Ngoài những khả năng thiên tài như cắt hình bóng nhanh nhất, ký họa chân dung nhanh nhất, nghệ sĩ Phú Thảo còn thể hiện tài năng của mình ở kỳ tài viết chữ trên hạt gạo, không phải chữ thông thường mà là thư pháp tuyệt đẹp. Cũng không phải chữ bình thường mà là chữ siêu vi, nhưng mắt thường con người bất cứ ai cũng có thể đọc được.

Anh không cần dùng kính lúp mà dùng mắt thường, đôi mắt của tuổi 40 vẫn còn tinh tường và sáng đến lạ. Mọi người hồi hộp chờ đợi một điều kì diệu ở con người. Và điều tưởng như không thể đã xảy ra. Trong vài phút, người xem thảng thốt khi đọc được những vần thơ rất Việt Nam trên hạt gạo: "Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ". Bất cứ một câu châm ngôn, một lời tâm niệm nào có ý nghĩa anh đều có thể viết trên thân một hạt gạo. Hay đơn giản hơn là tên của bạn, của người yêu bạn, Phú Thảo đều hoàn thành một cách xuất sắc và hoàn mỹ. Trước khi vẽ, anh dành 5 phút để định hình mọi vật. Anh vận dụng hết thảy các giác quan vào bộ não, trong đó, đầu và tay là chủ đạo.

Lạ & Cười - “Dị nhân” viết thư pháp... trên hạt gạo (Hình 2).

Những tấm hình bóng cắt dán đơn sơ thường được Phú Thảo mang theo trong những chuyến đi xê dịch.

Anh cho biết, để luyện được tuyệt chiêu này, anh đã phải khổ luyện hai năm trời. Trong hai năm ấy, anh đã vùi đầu vào trong phòng riêng để tập viết. Anh viết trên những thứ nhỏ nhất như hạt gạo, cây tăm, đá cuội. Lúc đầu chỉ những đường vạch chồng chéo, loang lổ trên vật siêu vi. Anh không từ bỏ, hàng ngày ngoài công việc chính là vẽ tranh sơn mài, anh dành ra một khoảng thời gian để múa bút. Viết chữ trên những vật nhỏ như vậy, đòi hỏi người viết phải tập trung cao độ, không chỉ đôi tay khéo léo mà còn phải có cái đầu kiên trì, suy tính và định hướng đường nét. Bởi khi viết, mắt mình không thể nhìn thấy được hạt gạo vì bút và các ngón tay đã che khuất, chỉ có thể định vị trên nhận thức của bộ não. Anh vẽ bằng trí óc chứ không phải vẽ bằng đôi tay. Và nếu vẽ lâu khoảng hơn 10 phút chưa xong đầu anh sẽ đau nhức, quay cuồng.

Nghệ sĩ xê dịch

Tôi biết anh đã lâu, nhưng chưa có dịp tiếp xúc. Hôm đó, tình cờ gặp anh ở hội chợ sách TP.HCM khi anh đang chăm chú vẽ kí họa cho các bạn trẻ. Tôi rất mừng, chào anh và tỏ ra khá ngạc nhiên còn anh cười to bảo rằng: "Đời nghệ sĩ xê dịch mà cô, có thể nói nó giống như cái nghề viết báo của cô vậy, hễ ở đâu có sự kiện, ở đâu có những điều lạ là ở đó có tôi".

Lạ & Cười - “Dị nhân” viết thư pháp... trên hạt gạo (Hình 3).

Tấm bảng ghi tóm tắt hơn 20 năm đam mê nghệ thuật của Phú Thảo.

Anh vẽ bằng bộ não và con mắt thôi còn cái tai vẫn có thể nghe và cái miệng vẫn trả lời được. Tôi nhận ra rằng, anh đang ngồi giữa một dàn nhạc sống, vây quanh là những chiếc loa thùng đánh rung tai trong khuôn viên hội chợ. Chẳng hề hấn gì với anh, người họa sĩ vẫn lặng yên, tập trung cao độ và anh có khả năng bỏ ngoài tai những âm thanh hỗn tạp ngoài đời. Vẽ xong một bức, anh lại lấy chiếc khăn rằn trên cổ lau mồ hôi. Vừa vẽ, anh vừa trả lời những câu hỏi của tôi một cách mạch lạc, súc tích.

Học ở trường đời

Phú Thảo tên thật là Đỗ Phú Sơn Tuyền, cha anh là nhà văn Mạc Tuyền quê ở Tầm Vu (Long An). Cha không cho anh theo nghề văn nhưng vốn dòng máu con nhà nghệ sĩ nên năm 1990, anh phiêu bạt giang hồ, lang thang ở những công viên, sở thú biểu diễn nghệ thuật cắt hình bóng kiếm kế sinh nhai. Anh học cắt hình bóng từ năm 14 tuổi. Rồi anh lại học cách vẽ chân dung, kí họa nhân vật đến viết thư pháp trên hạt gạo. Anh cho biết, anh không qua một trường lớp nào, anh có được những tài lẻ ấy đơn giản vì trường đời dạy cho anh.

Năm 2009, anh vinh dự được cắt hình bóng cho 14 tổng lãnh sự các nước trên thế giới tại TP.HCM. Họ rất cảm phục và trân trọng tinh thần mến khách và cái tài của người Việt Nam. Không những cắt nhanh, chính xác mà Phú Thảo còn có khả năng bịt mắt cắt hình bóng cho từ 2 đến 3 người trong vòng chưa đầy một phút. Còn vẽ tốc kí chân dung, anh cũng hoàn thành rất nhanh. Anh tự hào khoe rằng, ở đâu có triển lãm, hội chợ là ở đó có mặt anh. Một mình với con "ngựa sắt" cùng chiếc balô đựng vài ba bộ quần áo, những chiếc hộp nhỏ chứa đồ nghề là anh lên đường.

"Mình đi không phải vì kiếm miếng cơm, bởi cái nghề này không thể nuôi sống gia đình được. Mình đi vì niềm đam mê với nghệ thuật và dòng máu xê dịch không sao thay đổi được. Nếu cứ đặt ra bản hợp đồng kinh tế là vẽ bức này 5 ngàn, bức kia 10 ngàn thì không thể có nghệ thuật được. Khi mình đã nhận tiền của người ta, mình phải có trách nhiệm với đồng tiền ấy. Và vô tình mình làm mất đi sự trong sáng, hồn nhiên và bí ẩn của sáng tạo", Phú Thảo chia sẻ.

Hiện anh đang có một gia đình hạnh phúc với vợ và hai con trai. Anh bảo, anh không cho con mình theo con đường nghệ thuật. Trong gia đình, một người làm nghệ thuật đã khổ rồi. Ngày xưa, anh không chịu nghe lời ba, dấn thân theo cái nghiệp để rồi bỏ không được. Anh tự nhận về mình: "Nghệ thuật như tôi chỉ là thứ nghệ thuật đường phố, một trò chơi chỉ dành cho những gã phiêu lưu có máu giang hồ. Nó không thể nào nuôi sống bản thân và gia đình được". Tôi hỏi còn vợ anh thì sao? Anh bảo rằng, vợ anh đang có một tiệm tạp hóa nhỏ ở một cái chợ nhỏ gần nơi anh ở, đó mới là nguồn thu chính của gia đình anh.

“Tuyệt đỉnh của nghệ thuật siêu vi chữ”

Cái khó là bản thân hạt gạo rất trơn, không hút mực. Anh phải cân bằng và điều hòa đôi tay sao cho độ mạnh nhẹ hài hòa. Khi nào cần nhấn mạnh và khi nào thì bay bổng để không chỉ chữ viết trên hạt gạo được rõ ràng, đúng đường nét mà còn phải thổi cái hồn thể hiện trong nội dung câu chữ. Năm 2010, anh viết thư pháp trên một hạt gạo dòng chữ: "Một nghìn năm Thăng Long Hà Nội" được mọi người đánh giá tuyệt đỉnh của nghệ thuật siêu vi chữ. Anh nói với tôi rằng, anh không muốn làm người duy nhất đâu, anh mong nhiều bạn trẻ có thể làm được như anh vì đây không phải là việc cao siêu gì cả. Nếu yêu thích, có lòng kiên nhẫn thì ai cũng sẽ làm được. Anh tặng tôi chiếc đĩa CD, anh bảo trong ấy anh chia sẻ hết những kinh nghiệm anh có được về nghệ thuật cắt hình bóng, vẽ tranh, viết thư pháp.

Hoa Nguyên