Đổ xô gom lá điều khô bán dù

Đổ xô gom lá điều khô bán dù "không biết để làm gì"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Gần 1 tháng nay, hàng ngàn người dân xã Gia Canh (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đổ xô thu gom lá điều khô để bán cho thương lái với giá từ 800 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đa số người dân đều không biết họ mua với mục đích gì.

Theo tìm hiểu của PV, sự việc người dân đổ xô thu gom lá điều khô bán cho các lái buôn bắt đầu diễn ra từ khi một số hộ dân thuộc các xã Gia Canh, Phú Vinh, Phú Lợi (thuộc huyện Định Quán) đứng ra tổ chức thu mua không hạn chế số lượng với giá 500 đồng/kg. Sau đó, giá lá điều được nâng lên từ 800 - 1.000 đồng/kg.

Xã hội - Đổ xô gom lá điều khô bán dù 'không biết để làm gì'

Người dân đổ xô đi thu gom lá điều khô

Ráo riết tận thu lá điều khô

Ngày 29/11, PV báo Người Đưa Tin có mặt ở các xã Gia Canh, Phú Vinh, Phú Lợi để tìm hiểu sự việc kỳ lạ diễn ra thời gian gần đây. Tại đây, PV gặp nhiều trẻ em, tay xách theo những chiếc bao tải, lang thang khắp các vườn điều rộng bao la để thu gom lá. Sau khi chất đầy một vài bao tải, những em này tập kết lá ở gần nhà mình rồi đem đi bán cho một "đầu nậu" trên địa bàn. Tiết lộ với PV, em Nguyễn Văn Tâm (11 tuổi, ngụ xã Gia Canh), cho hay: "Em tranh thủ những buổi nghỉ học đi gom lá điều khô cũng kiếm được khoảng 20 đồng/ngày. Nhiều bạn khác làm siêng có thể kiếm được từ 40 - 50 ngàn đồng/ngày".

Đứng cạnh Tâm, nhiều em khác cho biết, công việc thu gom lá điều khô rất nhẹ nhàng, ít mất sức. Những bạn nào biết cách làm có thể kiếm được 60 ngàn đồng/ngày. Em Lê Thị Thủy (13 tuổi, ngụ huyện Định Quán), cho hay: "Bọn trẻ tụi em đi thu gom chủ yếu để phụ thêm thu nhập cho gia đình, chứ công việc này chủ yếu dành cho người lớn. Mỗi ngày, bố mẹ tụi em thu gom kiếm được từ 100 - 150 ngàn đồng".

Theo tìm hiểu của PV, cuối tháng 10 - 12 là thời điểm điều vào mùa rụng lá. Các năm trước đây, người dân trồng điều chỉ biết để cho lá mục rũ rồi bón cho cây. Năm nay, bất ngờ có nhiều thương lái thu mua lá điều khô nên tranh thủ thu gom bán lấy tiền. Ông Hồ Minh Hiếu (54 tuổi, ngụ huyện Định Quán) cho biết, thời gian này đang rảnh rỗi, sẵn có một "nguồn lợi" như thế nên ông và người dân cũng "chớp lấy" kiếm thêm. Nhiều nhà gom mỗi ngày đến mấy xe công nông lá điều khô. Ngoài các đầu nậu ở Gia Canh, các mối thu mua ở các xã lân cận cũng ồ ạt đến gom hàng.

Không giấu giếm chuyện đi thu gom lá điều khô với PV, chị Vũ Thị Hiệu (33 tuổi, ngụ xã Gia Canh) tiết lộ: "Thời gian đầu, tôi thấy có người đi thu gom lá điều khô để bán nên thấy rất lạ. Thấy họ mua thì mình cũng gom lá rồi mang đi bán. Tôi chỉ cố gắng kiếm thật nhiều lá chứ không có thời gian tìm hiểu họ mua lá để làm gì. Hiện, mỗi ngày tôi có thể thu gom được gần 60kg lá điều khô. Hết trong vườn nhà thì sang rẫy của người khác xin đem bán".

Dò hỏi nhiều người dân địa phương về các thương lái hiện đang tổ chức thu mua lá điều khô, PV nắm được thông tin về anh Ngô Kỳ Thịnh (ngụ xã Gia Canh) hiện là đầu nậu thu mua lớn nhất huyện Định Quán. Trao đổi với PV, anh Thịnh cho biết, mỗi ngày anh mua được từ 7-8 tấn lá khô, với giá từ 800 - 1.000 đồng/kg. Sau đó, anh sơ chế bằng cách phun nước, ủ đến khi mục để một công ty tại TP.HCM xuống thu mua ép thành khối đưa đi tiêu thụ. Hiện anh Thịnh đã thu gom được 70 tấn lá điều khô nhưng vẫn chưa thể xuất hàng vì phía thương lái ở TP.HCM vẫn chưa đến lấy.

Không biết dùng vào mục đích gì?

Theo tìm hiểu của PV, những ngày qua, các xã tại huyện Định Quán xôn xao vì lá điều khô. Tuy nhiên, ngay cả người bán và người mua cũng không biết số hàng hóa đó được dùng vào mục đích gì. Hiện tại, một nghịch lý đang diễn ra tại các địa phương là người dân đổ xô thu gom lá điều khô để bán cho thương lái. Còn các thương lái thì mặc sức mua vào chất hàng đống khắp nơi nhưng chưa thấy các công ty ở TP.HCM xuống nhận hàng.

Theo anh Ngô Kỳ Thịnh, anh chỉ đứng ra làm trung gian thu mua giùm người khác nên cũng không biết lá điều khô tiêu thụ ở đâu và mục đích sử dụng là gì. Anh cũng không biết tên công ty thu mua, chỉ nghe nói mua về rồi đưa xuống cảng Vũng Tàu xuất khẩu sang nước ngoài làm phân bón. PV hỏi một số thương lái thu gom mua lá điều khô tại huyện Định Quán thì được những người này cho biết: "Lúc đầu chúng tôi không kinh doanh dịch vụ này, chỉ đến khi có người đến đặt hàng thì mới tổ chức thu gom lá điều khô bán lại cho họ. Chúng tôi chỉ biết vậy, chứ không được họ cho cung cấp thông tin gì thêm. Chắc họ cũng mua về làm phân bón". Khi chúng tôi đặt giả thiết các thương lái không lên lấy hàng, người này liền trả lời: "Nếu họ không lên lấy hàng thì mình ủ phân rồi mang ra bón cho cây ở rẫy".

Ghi nhận tại nhiều điểm thu mua lá điều khô tại các xã Gia Canh, Phú Vinh, Phú Lợi, PV chứng kiến những bao tải nén chặt lá điều chất thành đống cao ngất. Cạnh đó là hàng đống lá vụn đang được ủ chờ phân hủy. Chủ một điểm thu mua lá điều khô tên Hiền tại xã Phú Vinh cho biết: "Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua hơn 5 tấn lá, ủ mục nát để chờ một người ở TP.HCM đã đặt hàng đến chở đi tiêu thụ. Hiện tôi còn hợp đồng thu mua lá điều khô cho người này thêm 15 tấn nữa". Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi những người đặt hàng là ai, họ mua để làm gì, bà Hiền từ chối không trả lời.

Thời gian vừa qua, việc thu mua lá điều khô đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn. Những người không có công ăn việc làm, không có rẫy thì đi "săn lùng" gom lá điều khô về bán kiếm tiền. Những hộ dân có rẫy điều thì ngày đêm phải cho người ráng sức canh giữ lá điều khô vì cho rằng đó là tài sản có giá trị. Bà Nguyễn Thị Chút (56 tuổi, ngụ huyện Định Quán) tỏ vẻ ái ngại: "Gần một tháng trở lại đây, người lạ xuất hiện và gom trộm lá điều khô rất nhiều. Thấy tôi thì họ xin, mình không cho thì họ bỏ đi và chốc lát lại quay trở lại tìm mọi cách để thâm nhập vườn điều tìm cách thu gom. Hiện tôi chỉ sợ khi không trực tiếp canh giữ vườn điều được thì họ gom lá khô rồi tiện tay bẻ luôn cành tươi".

Đại diện UBND xã Gia Canh cho biết, chính quyền địa phương thời gian qua đã tổ chức tìm hiểu hiện tượng người dân địa phương tổ chức gom lá điều khô đem bán cho các thương lái trên địa bàn. Tuy nhiên, xã không thể can thiệp được mà chỉ khuyến cáo người dân đừng nên bán lá điều khô gây mất chất dinh dưỡng cho cây điều trong quá trình sinh trưởng. Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Dòn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Định Quán cho hay, hiện địa phương đang phối hợp với các cơ quan an ninh để làm rõ mục đích thu mua lá điều khô và những tác động của việc này với đời sống người dân. Hiện tại, việc thu mua lá điều khô trước mắt chưa gây những tác động cụ thể nhưng có thể kéo theo các hệ lụy như người dân hám lợi sẽ chặt lá điều non, xanh đem bán; nguồn dinh dưỡng cho cây trồng sẽ cạn kiệt.

Thu mua nhiều loại lá khác

Ghi nhận thực tế tại các xã ở huyện Định Quán, người dân ngoài việc thu gom lá điều khô, còn tổ chức thu gom nhiều loại lá cây khô khác như: Lá mít, lá nhãn, chôm chôm, sim... hiện đang trồng trên địa bàn. Tuy mỗi kg lá khô loại này giá khá thấp, chỉ 500 đồng/kg nhưng vẫn thu hút khá nhiều người gom lá đi bán. Bà Nguyễn Thị Dòn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Định Quán cho biết: "Thời gian qua, tại địa phương không chỉ có hiện tượng thu mua lá điều một cách bất thường mà thỉnh thoảng còn xuất hiện tình trạng mua lá, rễ của các cây khác để bán cho thương lái, gây hoang mang trong nhân dân".

Phạm Phúc