Doanh nghiệp nghỉ bán xăng A95 mặc dân bức xúc

Doanh nghiệp nghỉ bán xăng A95 mặc dân bức xúc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Nhiều người đi xe tay ga "xịn", xế hộp hạng sang phải đổ xăng A95 tại TP.HCM hết sức bất bình vì nhiều nơi bỗng dưng nghỉ bán mà không giải thích lý do.

Một tháng trở lại đây, tình trạng nhiều cây xăng ở TP.HCM thông báo xăng A95 hết hàng hoặc viện cớ nhân viên ít và khuyên người dân chuyển sang mua xăng A92 khá phổ biến. Thậm chí nhiều cây xăng bỏ hẳn trụ bơm xăng A95. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc.

Anh Nguyễn Hoài Nam (quận 1, TP.HCM) sử dụng chiếc xe Vespa LX nhập nguyên chiếc làm phương tiện đi lại. Vì tài liệu của hãng xe tay ga cao cấp này khuyến cáo nên sử dụng xăng A95 nên anh thường xuyên chọn mua loại xăng này. Tuy nhiên, mới đây khi có việc đến quận Phú Nhuận, anh vào đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu 194 của công ty Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Tây Nam trên đường Hoàng Văn Thụ hỏi mua xăng A95. Các nhân viên đều lắc đầu bảo hết xăng không bán. Anh Nam hỏi thêm về lý do tại sao không nhập xăng A95 về bán thì nhân viên không trả lời và khuyên nên đổ xăng A92 vì hai loại này như nhau.

Xã hội - Doanh nghiệp nghỉ bán xăng A95 mặc dân bức xúc(Ảnh minh họa)

Nhiều người dân TP.HCM cũng phản ánh 3 tuần gần đây việc mua xăng A95 trở nên khó khăn hơn. Những chủ xe đã quen dùng xăng A95 thì phải vòng vo nhiều tuyến phố may mắn mới tìm được cây xăng có bán xăng A95. Còn với những người chẳng may để xe cạn sạch xăng thì đành chịu cửa hàng xăng dầu bán cho xăng A92 cũng tốt lắm rồi.

Chị Phương Hoa (quận Thủ Đức, TP.HCM) phản ánh, khi chị đi mua xăng A95 rất khó khăn. Nhiều khi tìm đến cửa hàng có cột bán xăng A95 không treo biển hết xăng nhưng nhân viên cũng không bán loại xăng này với lý do thiếu người phục vụ. Họ còn đang phải phụ trách cột bán xăng A92. Nhiều người dân cùng chung bức xúc vì trước đây việc mua xăng A95 rất dễ dàng, thậm chí khi cột bơm xăng A92 đông quá, nhiều người bỏ sang mua xăng A95 cũng được đáp ứng ngay. Không hiểu vì sao, những tuần gần đây việc mua xăng A95 lại khó khăn đến vậy?

Trước thắc mắc của người dân và dư luận yêu cầu cần một lời giải thích về việc không bán xăng A95, một chủ cửa hàng cho biết: Từ khi chuyển sang làm đại lý cho một công ty mới thì công ty này không nhập xăng A95 nên không có hàng để bán. Về nguyên nhân nhiều cây xăng cùng hết hàng A95, ông này cho rằng có thể do xăng A95 hao hụt lớn, trong khi mức hoa hồng các doanh nghiệp đầu mối chiết khấu thấp nên nhiều đại lý không mặn mà bán nữa.

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, bên cạnh đó, các công ty còn phải có khối lượng dự trữ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì lẽ đó, không công ty nào khẳng định không nhập xăng A95. Tuy nhiên, giám đốc một công ty đầu mối cũng thừa nhận sức tiêu thụ xăng A95 ở các đại lý hiện rất chậm, hàng tồn nhiều. Giá xăng 95 nhập khá cao nên một số đầu mối đang bị đứt nguồn tạm thời. Có đầu mối nhập đến mấy ngàn mét khối nhưng mấy tháng sau chưa bán hết. A95 là loại xăng khá nhẹ, để lâu khả năng bay hơi cao, hao hụt nhiều nên một số cửa hàng hạn chế nhập. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm loại xăng này trên thị trường.

Đại diện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý nhà máy Dung Quất, cho biết hiện sản lượng xăng A95 cung ứng ra thị trường khoảng 60.000 m3/tháng, trong khi đó sản lượng xăng A92 lên tới 250.000 m3/tháng. Công suất của nhà máy Dung Quất đối với mặt hàng xăng A95 có thể lên đến 150.00m3, gần gấp ba hiện nay. Tuy nhiên, do thị trường chỉ tiêu thụ ở mức trên nên nhà máy chưa dám nâng công suất.

Thực trạng khan hiếm xăng A95 hiện nay khá phổ biến tại TP.HCM, còn với Hà Nội và một số thành phố lớn vẫn chưa thấy khách hàng phàn nàn chuyện này. Trước thực tế này, đại diện sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ cử đội quản lý thị trường kiểm tra ngay tình trạng này và có ý kiến chính thức. Đại diện sở Công Thương cũng cho rằng, việc doanh nghiệp tạm ngừng bán một mặt hàng về nguyên tắc phải có báo cáo lên sở, giải thích lý do vì sao không bán, chứ không thể tùy tiện cắt giảm gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Đây cũng là một câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử trong kinh doanh. Khi cần đảm bảo lợi ích thì hô hào người tiêu dùng chia sẻ, ủng hộ nhưng khi thấy lợi nhuận bị thâm hụt sẵn sàng cắt bỏ mặt hàng bỏ mặc người dân khó khăn, khổ sở. Không lẽ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bất chấp đến lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng?

Mai Nguyễn