Đường “lập thân” gian khổ của nữ kiếm thủ lừng danh

Đường “lập thân” gian khổ của nữ kiếm thủ lừng danh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Hơn 10 năm trước, Nguyễn Thị Tươi đã được biết đến như một "niềm hy vọng" của làng bóng chuyền trẻ nước nhà.

Ngã rẽ cho sự thành công

Chưa biết gì về đấu kiếm, Tươi được các chuyên gia chọn tập ở môn kiếm chém. Khi bước vào môn đấu kiếm, cơ thể chị hứng chịu hàng chục vết thương do luyện tập. Xót con, bố mẹ khuyên chị bỏ nghề đao kiếm để theo học ngành y, nhưng niềm đam mê quá lớn khiến Tươi kiên định với nghiệp mình đã chọn. Làm quen với môn đối kháng mới lạ ở Việt Nam, cô gái quê Thái Bình này gặp khá nhiều bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, chị cũng dần thích nghi để có tên trong đội tuyển tham dự SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam. Ở lần tham dự này, các cô gái kiếm chém Việt Nam giành HCV đồng đội. Nhưng lúc này Nguyễn Thị Tươi chỉ đóng vai trò dự bị.

Sau SEA Games 22 ít lâu, Tươi bắt đầu chuyển sang tập môn kiếm liễu. Chị chia sẻ: "Do tập sau các đồng đội nên tôi thường thua trong các trận đấu tập". Có lần, Tươi khóc ngay tại sàn, có khi còn bỏ cơm vì đấu thua đồng đội. Sau đó, cô suy nghĩ rất nhiều vì sao mình khổ luyện mà không thể giành chiến thắng. Từ đó, Tươi lao vào luyện tập để hoàn thiện lối đánh và tập các tuyệt chiêu của mình.

Sau 1 năm 6 tháng tập kiếm liễu, chị tham dự SEA Games 23 ở Philippines năm 2005 và giành được chiếc HCĐ cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu quốc tế. Đến năm 2008, kỳ tích đã đến trong cuộc đời cô gái đầy khát vọng này khi chị thi đấu xuất sắc để giành HCV cá nhân nội dung kiếm liễu nữ tại Giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á được tổ chức ở Brunei. Ngay sau đó, chị cùng đồng đội đoạt luôn chiếc HCV đồng đội kiếm liễu.

Nghe/Xem - Đường “lập thân” gian khổ của nữ kiếm thủ lừng danh

Nguyễn Thị Tươi hiện nay được coi là nữ kiếm thủ hàng đầu Việt Nam

Nhưng trước đó năm 2007 tại SEA Games 24 trên đất Thái, là những ngày buồn nhất trong sự nghiệp đấu kiếm của chị. Năm đó, mặc dù được chuẩn bị rất tốt với sự hướng dẫn của chuyên gia người Trung Quốc Long Vĩnh Viêm, nhưng nội dung kiếm liễu của Việt Nam ra về tay trắng. Không đạt được dù một chiếc HCĐ, chị và các đồng đội rất tủi thân. Chị chia sẻ: "Tôi và các đồng đội chỉ biết ôm nhau khóác khi nhìn các đồng môn giành hết HCV đến HCB".

Năm 2010, trở lại với Giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á, Nguyễn Thị Tươi tiếp tục khẳng định đẳng cấp khi bảo vệ thành công chiếc HCV kiếm liễu mà chị đã giành được. Bên cạnh đó, Tươi hoàn thành cú đúp khi cùng đồng đội mang về cho đoàn Việt Nam thêm chiếc HCV đồng đội. Trên đà thành công, khi SEA Games 26 năm 2011 tổ chức tại Indonesia, môn đấu kiếm được đưa vào thi đấu, Nguyễn Thị Tươi đã đánh bại người đồng đội Lê Thị Bích để giành HCV.

Sau đó, họ cùng nhau giành luôn HCV đồng đội kiếm liễu nữ ở kỳ SEA Games này. Chị chia sẻ: "Đó là những giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời vì mình đã gặt hái được thành quả sau những ngày tháng rèn luyện vất vả".

Sự trở lại của kiếm thủ lừng danh

SEA Games 26 năm 2011, Tươi nhận được ý kiến của các chuyên gia khuyên cô nên tiến hành phẫu thuật để điều trị dứt điểm vết thương gối phải. Nhưng chị quyết định không mổ mà tạm thời ngưng tập luyện để vết thương hồi phục.

Chuẩn bị cho Giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á, cô gái 28 tuổi này chỉ có hơn 4 tuần để tập luyện. Do nghỉ dài ngày sau chấn thương, Tươi khá vất vả để lấy lại thể lực. Có lúc, chị phát sốt vì tập luyện quá sức và phải truyền nước để hồi phục. Được chuyên gia người Nga hỗ trợ về chuyên môn, với những bài tập bổ trợ, chị nhanh chóng lấy lại phong độ.

Chị tâm sự: "Tôi biết tôi đã nghỉ một thời gian khá dài, vì thế chỉ còn cách tập luyện thật tốt thì mới thi đấu thành công tại giải". Bởi vậy ngoài giờ tập với chuyên gia, chị tập thêm vào các buổi tối để mau chóng có trạng thái tốt nhất sẵn sàng cho giải đấu.

Nghe/Xem - Đường “lập thân” gian khổ của nữ kiếm thủ lừng danh (Hình 2).

Nguyễn Thị Tươi trên đỉnh vinh quang

Thi đấu khá thành công ở vòng bảng và vòng loại trực tiếp, chị giành vé vào bán kết khi chiến thắng Hoài Thu tại tứ kết. Ở trận bán kết chị gặp Lê Thị Bích, đây là cặp bán kết tái hiện lại trận chung kết SEA Games 26 trên đất Indonesia. Không mất nhiều thời gian, Nguyễn Thị Tươi đã đánh bại người đồng đội để giành vé vào trận chung kết. Bước vào trận chung kết với kinh nghiệm hơn hẳn, Nguyễn Thị Tươi thi đấu vượt trội so với người đàn em Nguyễn Thị Nguyệt để giành chiến thắng chung cuộc 15-5, mang về chiếc HCV đầu tiên ở Giải đấu kiếm vô địch Đông Nam Á năm 2012 cho đoàn Việt Nam.

Mạnh mẽ quyết liệt trên sàn đấu nhưng khi bước lên bục nhận chiếc HCV Giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á, trên gương mặt tay kiếm Nguyễn Thị Tươi cũng xuất hiện những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Tay kiếm quê Thái Bình chia sẻ: "Giành được tấm HCV đầu tiên cho Tổ quốc tại giải đấu được tổ chức trên sân nhà, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc và tự hào".

Với phong độ hiện tại của các tay kiếm Việt Nam ở nội dung kiếm liễu nữ, Nguyễn Thị Tươi cùng các đồng đội đang tràn trề hy vọng sẽ tiếp tục giành về cho đoàn chủ nhà HCV nội dung đồng đội tại Giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á ở những ngày thi đấu tiếp theo. Với những tay kiếm kỳ cựu như Nguyễn Thị Tươi, Lê Thị Bích, Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyễn Thị Nguyệt, Việt Nam 1 dễ dàng vượt qua các tay kiếm trẻ của Việt Nam 2 với tỷ số 45/19 để giành quyền vào chung kết.

Ở chung kết nội dung đồng đội nữ kiếm liễu, không vất vả như các đồng đội nam, Việt Nam 1 đã chứng tỏ đẳng cấp vượt trội so với những cô gái Singapore. Các nhà đương kim vô địch SEA Games 26 đã có trận đấu khá dễ dàng khi thi đấu trên cơ đối thủ và kết thúc trận đấu với tỉ số 45-31 để kết thúc ngày thi đấu thành công của chủ nhà Việt Nam bằng tấm HCV.

Với cú đúp HCV tại Giải đấu kiếm vô địch Đông Nam Á năm 2012, Nguyễn Thị Tươi nâng tổng số HCV của mình giành được tại các giải đấu hàng đầu khu vực Đông Nam Á lên con số 8. Đây là thành tích khiến chị trở thành kiếm thủ giành được tổng số HCV nhiều thứ 2 của đấu kiếm Việt Nam sau kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung ở nội dung kiếm chém nữ. Với thành tích đó, chắc phải rất lâu mới có người vượt qua số huy chương mà Tươi giành được. Bản lĩnh của Nguyễn Thị tươi tại đấu trường quốc tế chính là tấm gương và chỗ dựa cho các tay kiếm trẻ của Việt Nam noi theo.

10 năm theo sự nghiệp đấu kiếm với rất nhiều huy chương mang về cho Tổ quốc, đấu kiếm là niềm đam mê của cô gái 28 tuổi này. Chị tâm sự: "Những lúc buồn, tức giận hay ghét một ai đó, tôi chỉ muốn mang kiếm lên sàn để tập luyện. Khi đó, mọi buồn phiền vơi đi hết khiến tôi giải tỏa tâm lý". Những người truyền cho Tươi nghị lực và sức mạnh để cô có thể vượt qua những lúc gian khó nhất chính là bố mẹ chị. Tươi chia sẻ rằng, mỗi lúc khó khăn chị đều nghĩ về gia đình để vững vàng ý chí đương đầu với những thử thách.

Mai Phong