Gặp người có lối thư pháp độc tôn

Gặp người có lối thư pháp độc tôn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Trong cuộc đời sáng tác của mình, thư pháp họa của Viên Ngộ không chỉ mang đến giá trị thưởng thức mà còn giúp cảm hóa con người.

Đến với thư pháp chữ Việt, Viên Ngộ không chỉ mang đến người xem sự trải nghiệm huyền bí trong các tác phẩm mà ông còn mang đến cho người xem một phong cách mới lạ, độc đáo - phong cách họa chữ nên tranh (thư pháp họa).

Lạ & Cười - Gặp người có lối thư pháp độc tôn

Nhà thư pháp Viên Ngộ bên tác phẩm độc đáo của mình

Độc đáo viết thư pháp thành hình tượng

Có xem kĩ thư pháp họa của Viên Ngộ, mọi người mới thấy được những nét độc đáo trong những tác phẩm của ông. Nó không giống như các bức thư pháp thông thường mà là một sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và chữ viết. Những đường nét đầy sáng tạo mà lại uyển chuyển kỳ diệu được tác giả liên kết bằng chữ Việt thật tinh tế và sâu lắng biết bao.

Ông bảo: “Việc dùng chữ từ ý tưởng để viết thành hình tượng là cả một quá trình của sự hình dung và sáng tạo. Khi viết tên một nhân vật nào đó, dù có nổi tiếng hay không cũng phải có thời gian tìm hiểu con người ấy ra sao, tính nết của họ thế nào và thông qua các cuộc nói chuyện để tìm cảm xúc trình bày trong thư pháp nhằm khắc họa đúng nhất về nhân vật ấy. Như vậy mới tạo được bức thư pháp họa vừa đẹp vừa có hồn mà lại mang ý nghĩa cuộc sống của con người”.

Để thực hiện được điều này, Viên Ngộ phải tìm được cái tốt của mỗi người để vẽ, hầu hết phát huy được tính chân thiện mỹ trong con người để cho người xem đọc được, hiểu và cảm được. Ông cho biết: “Có nhiều đêm bỗng nhiên nảy ra ý tưởng, từ trên giường tôi bật dậy, lấy bút vẽ nghuệch ngoạc ra giấy (nháp) để lưu lại ý tưởng. Mình cũng có tuổi rồi Nếu không nháp lại ngay từ lúc đó thì rất rễ đánh mất ý tưởng hay. Có nhiều tác phẩm tôi không phải dùng một ý tưởng không thôi đâu, phải dùng nhiều ý tưởng để lắp ghép, kết hợp chúng với nhau mới thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Vậy nên, tôi luôn luôn có sẵn những tờ giấy nháp và cây viết chì đặt ở đầu giường, khi nào ý tưởng nảy sinh thì viết ngay vô đó, rồi thực hiện viết hoàn chỉnh sau”.

Kể lại những kỷ niệm viết chữ (thư pháp họa) cho nhân vật, nhà thư pháp họa Viên Ngộ kể lại: “Mới đây, có cô tên là Diệp Vy đang bị sốc về cậu con trai của mình vì tính ương ngạnh, khó bảo của nó đã đến nhờ tôi viết cho một chữ nhằm cảm hóa. Tôi phải nghĩ rất nhiều, mất 4 đêm trăn trở mới nảy ra ý tưởng và đã hình thành chữ Diệp Vy theo biểu tượng cây đèn thần. Nó thể hiện niềm hy vọng của người mẹ (Diệp Vy) sẽ chiếu soi, cảm hóa cái tâm của cậu con khó bảo đó. Biểu tượng cây đèn thần ấy đã có tác dụng, sau khi viết cho Diệp Vy vài tháng, cậu con trai của cô ấy dần dần ôn hòa với mọi người hơn, dễ bảo hơn rất nhiều.

Lối thư pháp độc tôn

Thư pháp họa là nối viết chữ mới có hình tượng tạo cảm xúc chứ không phải chữ đơn thuần như thư pháp truyền thống. Thế nên, những họa sĩ có xu hướng thương mại không thể len lỏi vào hàng ngũ những người họa thư pháp được, bởi tốn nhiều thời gian mà thu nhập không tương xứng. Người xem phải chiêm nghiệm khi thấy cảnh núi cao trong bức tranh Bình An”, thấy trăng, mây và thuyền buồm để minh họa cho chữ Quê Hương... Người xem rất thích thư pháp họa chữ Ơn Thầy của Viên Ngộ, trong đó có hình tượng người đưa đò qua sông, có cánh buồm căng gió lướt nhanh trên sóng nước. Để tạo sự hài hòa, Viên Ngộ cũng đặt luôn một vài câu thơ do ông tự sáng tác.

Một điểm đặc biệt trong thư pháp họa của Viên Ngộ là ông không dùng hai màu trắng - đen cổ điển, mà sử dụng giấy màu, mực màu để họa. Ông bảo: “Tôi không chạy theo đời thường dễ tính, mà bắt người xem phải suy nghĩ, nghiền ngẫm bức tranh để từ đó cảm được mà hiểu ra ý nghĩa của nó. Về kỹ thuật có thể còn non kém nhưng về ý tưởng thì phải đạt trình độ cao thì con chữ mới nhiều ý nghĩa.

Nhà thư pháp Viên Ngộ thổ lộ: “Người viết thư pháp họa phải biết phối hợp tới 7 môn nghệ thuật (họa, thơ, triết lý, võ thuật, nhạc) thì bức tranh mới đạt đến đỉnh điểm của nghệ thuật thư pháp. Tất cả những bức thư pháp họa ông viết đều phải có tiến trình nhất định, không có chữ nào ông viết nhanh hơn một tuần. Cách viết chữ của ông có vẻ kỳ quái nhất trong giới viết thư pháp ở nước ta. Ông cho hay: “Khi viết thư pháp họa tôi thường phải nín thở, xuống tấn để giữ thăng bằng, có thế mới có thể viết mạnh hơn, con chữ thanh thoát, có hồn hơn. Đó là một cách thiền, thiền làm nên tứ để viết, lúc đó con chữ sẽ nhẹ đi rất nhiều khi vẽ.

Đến với thư pháp nhờ cơ duyên

Năm 1995, cơ duyên và sự may mắn đã đến với Viên Ngộ. Trong lần đi xem triển lãm đầu tiên tại Thiền viện Vạn Hạnh, ông có những xúc cảm khi được chiêm ngưỡng nhiều bức thư pháp điêu luyện của tác giả. Từ đó, ông bắt đầu đam mê và tìm hiểu rất nhiều về thư pháp nhưng không thích theo đường lối thư pháp cũ. Ông giác ngộ: “Thư pháp phải là chữ viết độc đáo, gây ấn tượng mạnh và cho người xem sự tốt lành trong chính con chữ mình viết ra”. Bằng suy nghĩ ấy, năm 2001, ông bắt đầu tự chiêm nghiệm, tự học để bước chân vào con đường thư pháp.

Đăng Văn – Hà Hưng