Giao Linh: Vừa đi hát vừa... bán phở

Giao Linh: Vừa đi hát vừa... bán phở

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Nổi tiếng với những nhạc phẩm buồn, Giao Linh đã gieo vào lòng khán giả bao sầu nhớ. Người mê đắm các ca khúc Màu tím păngxê, Phượng buồn, Thầm kín, Mười năm tái ngộ... đã gọi chị mỹ danh "Nữ hoàng sầu muộn".

Chị tự nhận mình may mắn trong con đường nghệ thuật và sau hơn 35 đi hát vẫn còn được khán giả thương nhiều. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến, phần thưởng vô giá với người nghệ sỹ.

Xã hội - Giao Linh: Vừa đi hát vừa... bán phở

Ca sĩ Giao Linh thời còn trẻ

Ngã rẽ cuộc đời may mắn

Tôi đã nghe Giao Linh hát những bản tình ca buồn từ thuở còn dùng băng cat-set rồi sau này là đĩa hình. Tiếng hát của chị nhẹ nhàng, sầu buồn ru tâm hồn người nghe vào mộng ảo. Tiếng hát ấy, 35 năm về trước và bây giờ vẫn vậy, buồn da diết. Bao năm qua rồi, nhưng với khán giả yêu thích nhạc xưa, khi nghe “Màu tím păng-xê”, “Mười năm tái ngộ”... vẫn muốn nghe chính giọng Giao Linh. Những ca khúc này hợp với chị như thể nhạc sỹ "đóng giày" cho Giao Linh.

Nhiều năm rồi, tình cảm khán giả dành cho Giao Linh vẫn nồng nàn như thuở Sài Gòn xưa nơi chị hát trong các quán bar, phòng trà. Thời ấy, Giao Linh mới vào nghề, hát bằng cả tâm hồn thiếu nữ, gieo nỗi buồn vào những con người mang tâm hồn nhạy cảm, nay vẫn nỗi buồn ấy lại được trải qua những thăng trầm, trải nghiệm cuộc sống đưa người nghe hoài vọng một thời xa vắng. Chị hạnh phúc khi được trở về nước hát cho những khán giả đã cổ vũ một ca sỹ Giao Linh từ khi mới chập chững vào nghề.

Ngược lại thời gian, Giao Linh nhớ về ngày còn là cô gái tên thật là Nguyễn Thị Sinh mới bước vào nghề ca hát. Chị sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình có 7 anh chị em, nhưng không có ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cả. Từ nhỏ, Giao Linh rất đam mê ca hát. Năm 1966, trong một buổi giao lưu văn nghệ, tình cờ chị gặp nhạc sĩ Thu Hồ. Khi nghe giọng hát của Giao Linh, nhạc sỹ này nói: "Ngày mai lên hãng Continental thử giọng". Cũng thật may mắn, và đầy bất ngờ, chị được ký hợp đồng thâu đĩa độc quyền 3 năm với hãng này.

Giao Linh kể lại, ngày xưa khi còn chưa đi hát trên sân khấu lớn, có người bạn thân đã khuyên chị: "Nếu có đi hát hãy lấy tên Giao Linh, nghệ danh này sẽ gặp nhiều may mắn đấy. Thế là tôi đã lấy nghệ danh ấy cho đến nay". Từ khi đi hát, đôi mắt mênh mông buồn ấy đã gắn với những tình khúc buồn khiến người nghe phải bâng khuâng, xao xuyến. Chính vì lẽ đó, trong nỗi nhớ tình buồn, khắc khoải gọi tên người xưa, ai đó trong số khán giả ruột của Giao Linh đã dành cho chị cái "danh hiệu" thật buồn: "Nữ hoàng sầu muộn".

Sài Gòn trước năm 1975 được ví là hòn ngọc Viễn Đông, các phòng trà ca nhạc, tụ điểm giải trí lấp lánh ánh đèn màu. Giao Linh tâm sự: "Hồi trước, tôi đi hát cũng chạy hết phòng trà này đến phòng trà khác, một tối hát ở 3-4 phòng trà khác nhau. Với các ca sỹ mới bây giờ cũng chạy như vậy thôi, nhưng ngày ấy chạy show bằng xe gắn máy và đường không tắc như bây giờ. Ngày xưa, Sài Gòn đâu có đông dữ như bây giờ, chạy loáng cái là đến tụ điểm khác, giờ thì không chạy nổi vì tắc đường".

Ngày xưa ấy, một đêm Giao Linh đã chạy 6 tụ điểm ca nhạc, chạy đến Chợ Lớn luôn, mỗi nơi hát 3 bài rồi lại chạy. Một thời gian dài, Giao Linh ở bên Mỹ không có chuyện chạy show như vậy, nhưng trở về Việt Nam bây giờ thấy không khí cũng như xưa. "Nếu đi cùng các đoàn hát ra tỉnh, một đêm tôi cũng chạy show 3 nơi, từ điểm này qua điểm kia cách nhau nửa tiếng. Chẳng hạn tôi đi Đà Lạt, hát ở Đà Lạt xong chạy xuống Di Linh, rồi về qua Bảo Lộc. Đời sống âm nhạc rất vui. Đi tới các nơi, tôi thấy khán giả còn thương nghệ sỹ nên thấy vui lắm. Mới đây, trong chương trình "Trở lại chốn xưa" Giao Linh thấy mình còn may mắn bởi khán giả còn thương mình, thấy vui lắm", chị nói.

Vừa hát vừa bán phở

Nhớ lại những năm trước đây, khi còn sống tại Sài Gòn, Giao Linh thường xuyên phụ giúp mẹ bán phở. Nhưng cô con gái người bán phở lại yêu đắm đuối ánh đèn sân khấu, những tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, những bó hoa tặng cho ca sỹ. ánh đèn sân khấu như có một sức hút vô hình nào đó quyến rũ cô bé Sinh thuở ấy.

Xã hội - Giao Linh: Vừa đi hát vừa... bán phở (Hình 2).

Ca sĩ Giao Linh hiện nay

Giao Linh nhớ lại: "Nhiều khi dậy sớm phụ mẹ bán phở mà tôi cứ ngân nga hát. Tôi hát một cách say mê như mình đang ở những cuộc sinh hoạt văn nghệ, hay những cuộc biểu diễn văn nghệ của trường lớp". Ngày ấy, trong số những khách đến ăn phở quán nhà Giao Linh cũng có những người để ý, yêu mến giọng hát của cô bé Sinh hồn nhiên, nhí nhảnh để rồi mong một ngày được nghe giọng ca ấy trên những sân khấu chuyên nghiệp của Sài Gòn.

Hoàn cảnh của những ca sỹ trước những năm 1975 đa phần là khó khăn, vì chẳng ai muốn theo kiếp cầm ca, "xướng ca vô loài" mà xã hội khi ấy không mấy coi trọng. Như Thanh Thúy vì nghèo khổ, mẹ đau ốm nặng, em còn nhỏ mà phải dấn thân vào chốn phòng trà ca nhạc, còn Giao Linh hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn là điểm chung của thời ấy. "Ba má Giao Linh là người nhập cư, ba chị người Phủ Lý (Hà Nam), má người Quảng Bình dắt díu nhau nhập cư tại Sài Gòn. Chị lớn lên trong một gia đình không khá giả gì nhưng ba má cũng cố gắng làm để con có một đời sống thoải mái".

Trước đây, khi ở Canada gia đình Giao Linh cũng có tiệm phở. Mở tiệm bán phở là nghề gia truyền của gia đình nghệ sỹ Giao Linh. Từ hồi tôi lớn lên, má đã có tiệm phở, các anh chị em tôi đã gắn bó với tiệm phở mấy chục năm rồi. Tiệm phở của gia đình Giao Linh ở phố Nguyễn Kim cũng khá nổi tiếng, sau này bà để lại tiệm phở cho con dâu và cùng gia đình sang định cư tại Canada.

Ba má Giao Linh đều mất ở nước ngoài hết. Mấy cô em gái lại tiếp tục nghề của má, mở tiệm phở tại Canada. Quán phở của chị em Giao Linh khá nổi tiếng tại Toroto. Cứ đến thành phố này, gặp người Việt Nam nào hỏi tiệm phở của chị em Giao Linh ai cũng biết. Có khách ở NewYork sang, không biết đường gặp người Việt hỏi thăm cũng đến được tiệm phở. Đây là nghề chính để nuôi sống gia đình Giao Linh.

Khi sang định cư ở nước ngoài, cuộc sống của Giao Linh cũng gặp khó khăn nhiều. Đầu tiên, chị cũng phải tìm việc làm. "Tôi may mắn có nghề hát nên tiếp tục đi hát, nhưng mấy người em phải đi làm ở xưởng với mức lương ba cọc ba đồng. Mấy chị em bàn với nhau, tiếp tục nghề của má kinh doanh hàng ăn và cũng nổi tiếng". Về Việt Nam, Giao Linh cũng đã mở quán phở... nhưng rồi vì nhiều người còn yêu mến giọng hát của "Nữ hoàng sầu muộn" nên chị đã không kham nổi việc kinh doanh, Giao Linh dẹp quán phở để tập trung cho âm nhạc.

May mắn đến với cô con gái của người bán phở, một gia đình chẳng có chút gì liên quan đến nghệ thuật, ấy là khi cô bé Sinh đi hát và được "chấm điểm". Trong sâu thẳm tâm hồn của Giao Linh, chị vẫn thầm nhắc và biết ơn đến hai người cho chị cuộc sống ngày hôm nay. Một là người mẹ chắt chiu từng đồng tiền lẻ, thức khuya, dậy sớm đong những vất vả bằng những bát phở để nuôi lớn và cho chị đi học. Thứ hai là những người thầy, nhạc sỹ Thu Hồ, nhạc sỹ Nguyễn Văn Long đã làm nhịp cầu nối đưa chị đến với khán giả để được yêu mến cho đến bây giờ.

Chị tâm sự: "Tôi lớn lên trong tình thương của gia đình dù không giàu có nhưng nghĩ mình lớn rồi phải một tay phụ giúp gia đình. Tôi có năng khiếu ca hát, nhạc sỹ Nguyễn Văn Long cho đi hát, lăng- xê để nổi danh. Ngày ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản đi hát để có tiền đưa phụ thêm cho gia đình. Nhưng năm tháng trôi đi, giờ đây được khán giả đón nhận nhất là khi đã có tuổi thì tôi càng biết ơn các thầy nhiều lắm".

Vương Hà

Kỳ sau: Mang nỗi niềm riêng đành tránh xa miền tình ái