“Hà Nội không vội được đâu!”

“Hà Nội không vội được đâu!”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
(Nguoiduatin) Chuyện kẹt xe, tắc đường ở Hà Nội đã không lạ. Nó đã xuất hiện cách đây cả mấy chục năm trước và ít nhất là “sử sách” còn ghi lại thì cũng từ cái thủa nhà báo Dương Phương Vinh của báo Tiền Phong còn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp.

Vinh đã nhờ “lộc” kẹt xe mà “rinh” về cái Giải nhất cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong với truyện ngắn Tắc đường. Giờ thì Vinh đã không còn… trẻ nữa nhưng đường thì vẫn tắc, ngày càng tắc và hoàn toàn có thể sẽ còn tắc đến khi báo Tiền phong mở cuộc thi mới có tên là Tác phẩm tuổi … cao. Nó như đã trở thành một điều tất yếu của Thủ đô ngàn năm văn hiến mà từ xa xưa đã mang trên mình cái tên đầy tính... giao thông: Thăng Long - Rồng bay.

Xã hội - “Hà Nội không vội được đâu!”

Tắc đường đang trở thành vấn nạn của đô thị

Bây giờ thì chuyện kẹt xe, tắc dường không còn chỉ nằm ở các trang viết văn chương, các bài báo hay là các bản báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hay Bộ Giao thông Vận tải nữa mà đã đi vào … văn học dân gian.

Ở lĩnh vực này, ca dao, tục ngữ, thành ngữ lại một lần nữa phát huy thế mạnh bởi sự ngắn gọn, xúc tích, dễ đọc và dễ thuộc.

Những câu ca dao, tục ngữ dạng này thường được trưng ở một vị trí hết sức thời thượng và sinh động: Phần đuôi của xe ô tô đủ các loại. Nếu chú ý, bạn sẽ có thể dọc thấy những câu rát ngắn gọn như: “Cứ từ từ”, “Khoan khoan này khoan”, “Đừng hôn em” cho đến những câu cảnh báo có phần rắc rối như “Nếu bạn đọc được những dòng chữ này nghĩa là bạn đã ở quá gần”.

Không dừng ở những ngôn ngữ thiếu tính “văn chương” như trên, những lời nhắc nhở nhiều khi còn rất giàu vần vèo, nhạc điệu thi ca như “Hà Nội không vội được đâu”, rồi “Hà Nội mà vội là toi” hay “Nếu điều đó xảy ra, cả hai ta đều khổ”. Thậm chí có những lời nhắc nhở nghe như lời người yêu nhắn nhủ người yêu: “Mình ơi hãy tránh ta ra/ Bởi chưng gần gũi hai ta cùng… rầu.

Một lần uống bia bàn chuyện phí giao thông và tắc đường Hà Nội, người viết bài này nghe được một triết lý rất … “dân biết, dân bàn”: “Hà Nội mà thiếu tắc đường/ Như ủy ban phường không chỗ… tiếp dân.

Biến thua thành thắng, biến nhược điểm thảnh ưu điểm là sự độc đáo của người Hà Nội. Tắc đường nhiều khi trở thành phao cứu sinh cho không ít trường hợp như đi họp muộn, đi làm về muộn, đến lớp muộn…

Lý do gì thì có thể không bỏ qua nhưng tắc đường thì OK. Bởi ai cũng từng bị tắc đường và hiểu rõ tắc đường là điều bất khả kháng. Nó thuộc loại chúng bay vào không có đường ra.

Đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chuyện xảy ra xung quanh việc tắc đường. Đã có trẻ em chết trên đường cấp cứu vì bị tắc đường.

Đã có tài xế tắc xi trở thành bà đỡ bất dắc dĩ vì sản phụ đẻ trên xe bởi tắc đường. Đã có cả những đám cưới khóc dở mếu dở bởi nạn tắc đường. Đã có cả những linh hồn người chết suýt lỡ chuyến đò âm phủ vì tắc đường…

Nhưng buồn thay, tắc đường giờ đây trở thành tất yếu đến mức có lẽ người dân Hà Nội sẽ ngạc nhiên, thậm chí thảng thốt nếu bỗng một hôm nào đó đường thông, hè thoáng.

Vâng, nếu không có những cái chết thương tâm vì tắc đường của bệnh nhân trên xe cấp cứu.

Nếu không có sản phụ quằn quại đẻ rơi trên taxi. Nếu không có những em bé hớt hải đến trường vì muộn học.

Nếu không và nếu không có những bi kịch do tắc dường gây ra thì biết đâu, tắc đường chả phải là nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bùi Hoàng Tám