Hà Nội thêm 9 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết

Hà Nội thêm 9 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Bên cạnh các điểm bán hàng bình ổn giá đang hoạt động, Sở công thương Hà Nội còn bố trí thêm 9 trung tâm thương mại bán hàng bình ổn cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại buổi họp báo giới thiệu chương trình trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá, phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 cho biết: Hà Nội sẽ tổ chức 9 Trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá tại 9 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. Đây là hoạt động thực hiện chương trình đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp phục vụ nông dân và công nhân, người thu nhập thấp trong dịp Tết, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Như vậy, bên cạnh các điểm bán hàng bình ổn giá vẫn đang hoạt động hiện nay còn có thêm 9 trung tâm thương mại nữa bán hàng bình ổn cho người dân.

Chương trình bán hàng bình ổn lưu động này sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 18/1/2012 (tức từ 16 đến 25 tháng Chạp). Các trung tâm thương mại bán hàng lưu động được đặt tại các địa điểm sau: Công viên hồ Đền Lừ, P. Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); phố Thân Nhân Trung, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn); Trung tâm Thể dục thể thao Thanh Trì (huyện Thanh Trì); Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Gia Lâm mặt đường 5 (huyện Gia Lâm); Sân vận động thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ); Nhà Văn hóa huyện Ba Vì, thị trấn Tây Đằng (Ba Vì), xã Kim Đường (Phúc Thọ); Trung tâm TDTT (Thạch Thất).

Những trung tâm này sẽ bán những sản phẩm thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, điện, điện tử, đồ gia dụng, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, sản phẩm làng nghề, đặc sản các vùng miền.

Xã hội - Hà Nội thêm 9 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết

Người dân ngoại thành Hà Nội sắm Tết.

Ông Lê Hồng Thăng, giám đốc sở Công Thương Hà Nội cho biết, kinh phí để tổ chức Trung tâm bán hàng lưu động Tết này khoảng 11 tỷ đồng. Cũng theo ông Thăng, với các chương trình bình ổn giá, ngân sách của Hà Nội đã ứng ra hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như sự tin tưởng của người dân. Vì thế, lần này thực hiện trung tâm bán hàng lưu động bình ổn giá phải giữ được mối liên hệ giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh với người tiêu dùng, tạo nên sự tin tưởng với người dân. Đặc biệt, dịp lễ Tết nhu cầu của người dân tăng thì điều đó lại càng cần được đẩy mạnh.

Bên cạnh 9 điểm bán hàng lưu động, những điểm bán hàng bình ổn vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình. Về nguồn hàng bình ổn giá, theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã hoàn tất việc chuẩn bị nguồn hàng.

Trong dịp Tết, nhiều doanh nghiệp cam kết không tăng giá hàng hóa. Nguồn hàng dự trữ của nhiều doanh nghiệp tăng gấp 2 - 3 lần so với Tết năm ngoái. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn chuẩn bị 900 tấn gạo, Công ty Vissan đã chuẩn bị hơn 9.000 tấn thịt, thực phẩm chế biến và rau củ quả... Co.opMart đã dự trữ 24.000 tấn hàng thiết yếu, tương đương 2.800 tỷ đồng, tăng 3 - 5 lần so với sản lượng được giao. Công ty TNHH một thành viên Lương thực TP. HCM chuẩn bị 4.350 tấn hàng.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, đại diện Công ty cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cũng cho biết: "Hàng bình ổn giá đã cập nhật về siêu thị đầy đủ để đảm bảo cung cấp cho người dân. Giá của các mặt hàng này được bán theo đúng giá duyệt của Bộ Tài chính. Hàng bình ổn vẫn bán ra cho dân. Hiện vẫn bán 9 nhóm hàng gồm: Trứng, thịt gà, thịt lợn, gạo, dầu ăn, rau, đường, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh. Thực hiện từ tháng 7 cho đến hết tháng 3, và Tết vẫn nằm trong chương trình đó.

Dự kiến ngày giáp Tết thì người dân đi mua hàng nhiều vì lúc đó họ mới có thưởng Tết và các nguồn thu nhập khác. Thời điểm sau ngày 23 tháng Chạp là thời điểm bán nhiều. Dự đoán mặt hàng dầu ăn sẽ được tiêu thụ mạnh vì có giá thấp hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường".

Lý Huế