Hàng nghìn giấy báo vi phạm giao thông bị phớt lờ

Hàng nghìn giấy báo vi phạm giao thông bị phớt lờ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
“Bên cạnh sự tự giác, tự ý thức thì các lực lượng đảm bảo giao thông sẽ xử lý quyết liệt và nghiêm túc tất cả những vi phạm và tăng cường tuyên truyền để nâng cao văn hóa tham gia giao thông của người dân nhằm giảm thiểu tai nạn và tắc nghẽn giao thông”, đại tá Nguyễn Duy Ngọc, trưởng phòng CSGT (Công An Hà Nội) nhấn mạnh.

Hàng nghìn giấy báo vi phạm bị phớt lờ

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm giảm ùn tắc như lắp các cầu vượt, cầu cạn, cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố… Sau một loạt các giải pháp trên, theo thống kê của phòng cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội), số lượng các điểm ùn tắc đã giảm từ 124 điểm xuống còn 67 điểm. Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Duy Ngọc, trưởng phòng CSGT, CA Hà Nội thì quan trọng nhất vẫn là ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân.

Xã hội - Hàng nghìn giấy báo vi phạm giao thông bị phớt lờ

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc trao đổi với PV báo ĐS&PL

Một trong những biện pháp được cơ quan chức năng đưa ra nhằm tìm kiếm sự phối hợp trong việc tuyên truyền giáo dục người vi phạm giao thông là gửi giấy thông báo vi phạm về nơi công tác. Theo Thông tư 38 của Bộ Công an quy định, CSGT sẽ chuyển giấy thông báo về công an xã, phường, thị trấn, cơ quan này có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm, hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục. Sau đó nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo. Trường hợp người vi phạm không có địa chỉ cư trú, công tác, học tập thì chuyển trả lại thông báo vi phạm đó cho CSGT.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, trưởng phòng CSGT (Công an Hà Nội) cho biết thời gian qua đã gửi đi 55.000 thông báo cán bộ, học sinh vi phạm Luật giao thông về công an xã, phường, thị trấn, trường học, song chỉ có 3,8% thông báo được phản hồi. Trong số 400 giấy báo gửi tới các trường học, chỉ có 100 giấy được phản hồi.

"Số lượng thông báo có phản hồi thấp cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu rất hạn chế. Chúng tôi đề nghị các cơ quan cần có phản hồi, thông báo kỷ luật người dưới quyền vi phạm giao thông. Nếu không có sự tham gia của toàn dân thì việc giải quyết các vi phạm an toàn giao thông rất khó khăn", ông Ngọc cho biết.

Theo đại tá Ngọc, chính ý thức tham gia văn hóa giao thông của người dân kém mà biểu hiện đầu tiên là không chấp hành luật lệ giao thông. Chính vì thế mà không ít người sau khi vi phạm còn có các hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ gia tăng trong thời gian qua.

Xử lý cương quyết

Nhiều ý kiến cho rằng, các lực lượng CSGT cần phải xử lý mạnh tay và cương quyết hơn nữa việc các phương tiện dùng còi, bấm còi không đúng quy định. Khi ngã tư “đông như kiến” chưa thể nhích được, taxi, xe buýt đã bấm còi inh ỏi. Lái xe tải, xe buýt và xe khách dùng còi hơi công suất lớn quá nhiều, gây kinh hoàng trên đường phố.

Chị Hoàng Thị Khánh, nhân viên truyền thông tại Hà Nội cho rằng: “Văn hóa tham gia giao thông ở Hà Nội thể hiện sự thấp kém, tùy tiện không chỉ ở hành động chen lấn, không chấp hành luật lệ giao thông mà còn ở hành vi sử dụng còi tùy tiện. Tôi đã chứng kiến một học sinh lưu thông trên đoạn đường ở thị trấn Văn Điển, Thanh Trì (Hà Nội) bị ngã do giật mình bởi tiếng còi xe tải. Ngay sau đó, chiếc xe đã chèn làm em học sinh tử vong ngay dưới gầm bánh xe. Việc sử dụng và bấm còi to thực sự là một “hành vi” giết người”.

Chị Khánh cũng cho biết: “Tôi từng ở Huế một thời gian tôi thấy người dân ở đây ít khi sử dụng còi xe bừa bãi như ở Hà Nội. Ở Huế có quy định là không được dùng coi hơi trong thành phố, và họ làm được. Các thành phố khác cũng nên coi việc dùng còi hơi vô tội vạ là một “tội” cần phạt nghiêm, các cơ quan quản lý như công ty xe buýt, xe khách và vận tại cần phải bị kiểm tra kỹ xe, nếu lắp đặt còi hơi thì rút lưu hành, mới có thể trả lại môi trường ít tiếng ồn được”.

“Mỗi khi ra đường tôi cảm thấy rất là dị ứng với tiếng còi xe, xe lớn bóp còi lớn, xe nhỏ bóp còi nhỏ, thậm chí tiếng còi còn được "độ" lên với một âm thanh to hơn. Có nhiều người chẳng hiểu họ bóp còi để làm gì, đường thì kẹt cứng có đi được đâu mà đằng sau cứ bóp còi inh ỏi. Tôi cũng từng đi nước ngoài nhiều, đường họ cũng kẹt như mình nhưng chẳng nghe thấy một tiếng còi nào cả, phải chẳng người Việt không những "khoe" còi mà còn "khoe" cả cái văn hóa giao thông chẳng ra đâu vào đâu”, chị Khánh bức xúc.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết: “Việc nhiều người tham gia giao thông thiếu văn hóa, sử dụng còi hơi không đúng quy định trong thành phố đã gây bức xúc trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm về về bấm còi, rú ga liên tục, sử dụng còi hơi, tự lắp đặt các loại còi không đúng quy định. Đặc biệt thời gian qua, cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Những hoạt động của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của người dân khu vực. Chắc chắn, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt hơn những trường hợp sử dụng còi, bấm còi tùy tiện trong thành phố”.

Thời gian qua, đội CSGT số 2, phòng CSGT, công an Hà Nội đã phát hiện đã phát hiện ô tô bạc tỷ Acura có biển số đẹp là 30P - 6688 được làm giả hết sức tinh vi. Cùng với đó, một số xe ôtô có giá trị lớn bị phát hiện là làm giả biển kiếm soát đỏ của bộ đội và biển xanh của cơ quan nhà nước. Theo đại tá Nguyễn Duy Ngọc, trưởng phòng CSGT, công an Hà Nội: “Khi phát hiện các xe có dấu hiệu làm giả biển kiếm soát siêu đẹp, biển xanh, biển quân sự, chúng tôi sẽ xử lý triệt để”.

Đỗ Thơm