“Kẻ cơ hội” và “thảm họa thần tượng” vào đề thi

“Kẻ cơ hội” và “thảm họa thần tượng” vào đề thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Đề thi đại học (ĐH) môn Văn khối C liên quan “kẻ cơ hội” đã tạo ra xúc cảm trái ngược nhau của thí sinh.

Kết thúc ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 2, hầu hết các bạn thí sinh tỏ ra khá hồ hởi trước đề thi không quá khó và bám sát chương trình thực tế. Bất ngờ nhất của đề thi khối C năm nay là môn Văn với một câu hỏi khá thú vị về thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều giáo viên môn Văn nhận định, đề thi Văn rất hay nhưng chưa thực sự phù hợp với các bạn thí sinh mới tốt nghiệp THPT.

Xã hội - “Kẻ cơ hội” và “thảm họa thần tượng” vào đề thi

Nhiều thí sinh tỏ rõ sự lo âu trước bài thi môn Văn của mình (Ảnh: Bảo Lâm)

Luận bàn về “kẻ cơ hội”

Đề thi ĐH môn Văn khối C năm nay được đánh giá khá ấn tượng. Trong đó câu hỏi 3 điểm gây nhiều chú ý với thí sinh nhất: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn nên lập nên thành tựu". Tuy là câu hỏi 3 điểm nhưng dễ nhận thấy, nhiều bạn đầu tư khá nhiều thời gian cho câu hỏi này, do hào hứng.

Ngay sau kết thúc môn thi Văn khối C đã có rất nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ những quan điểm trái chiều về đề thi. Nhiều độc giả ủng hộ đề thi này vì câu hỏi hoàn toàn có lý, nêu ra một vấn đề thực tế trong xã hội. “Em thấy đề thi Văn năm nay rất hay và bất ngờ. Em làm bài chưa được sâu nhưng em rất hứng thú và thoải mái với đề bài này”, bạn Lan, một thí sinh thi vào ĐH KHXH&NV Hà Nội bày tỏ.

Một giáo viên chuyên môn Văn trường THPT Trần Phú (Hà Nội) chia sẻ: “Từ trước đến nay, việc ra đề thi trong kỳ thi ĐH đều rất tẻ nhạt và chán ngắt, chủ yếu dựa trên sách giáo khoa. Vì vậy, học sinh càng ngày càng chán ghét học môn Văn, tỷ lệ thi vào khối C, D ngày càng ít dần. Tuy nhiên, đề thi của ĐH năm nay đã đi theo một hướng hoàn toàn mới và được các em ủng hộ”.

Bạn Dương Thị Lan, thí sinh dự thi trường ĐH KHXH&NV Hà Nội chia sẻ: “Em đã hoàn thành khá tốt bài thi môn Văn, đề thi không quá khó. Những dạng đề này em đã được ôn tập kỹ ở trường. Riêng câu hỏi 3 điểm liên quan cảm nghĩ về câu “kẻ cơ hội nôn nóng thành tích, người chân chính tạo nên thành tựu” em mất nhiều thời gian nhất”.

Với tâm trạng phấn khởi sau khi rời khỏi phòng thi, Hùng - thí sinh thi vào khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Em rất thích câu 2 nghị luận xã hội với đề bài viết về “kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn nên lập nên thành tựu”, em nghĩ đề thi nói về thói đua đòi chạy theo thành tích trong xã hội hiện nay. Người ta có thể làm tất cả mọi thứ để có thể đạt được mục đích, đạt được địa vị cao mà không bằng thực lực của mình. Những kẻ cơ hội đó trong xã hội này ngày càng nhiều khiến cho cuộc sống bị đảo lộn nhiều giá trị chân lí. Với bài làm hôm nay em nghĩ mình đạt được 8 đến 9 điểm”.

Tại ĐH Thương mại, theo đánh giá của thí sinh, đề Văn khối C bình thường, bám sát chương trình ôn tập. Chỉ có câu 1 gây bất ngờ cho thí sinh khi đưa vào tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và câu 2 nghị luận xã hội chủ đề tương đối khó. Riêng câu 2, cách ra đề khiến nhiều thí sinh khó hình dung là sẽ viết gì”.

Bạn Hoàng Thị Thơm (trường THPT Triệu Sơn I - Thanh Hóa) nhận xét: “Đề ra khá bất ngờ và khó hơn năm ngoái. Khi đọc đề, nhiều bạn trong phòng em kêu khó và dài. Em chỉ thừa 5 phút để xem lại toàn bộ bài, em nghĩ mình làm được 80%”.

Tuy nhiên, với đề thi văn khối C mà được đánh giá là thực tế thì lại khiến không ít bạn thí sinh sửng sốt và khó xử lý. Tại Hội đồng thi trường THPT Cầu Giấy, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng lo lắng. Em Đạt cho hay: “Em làm hết bài nhưng còn câu hỏi về “kẻ cơ hội, người chân chính” em làm hơi chán. Em chỉ hy vọng mình được 6 điểm”.

Còn bạn Mai Hoa, thí sinh năm đầu tiên của ĐH Quốc Gia Hà Nội với vẻ mặt nhăn nhó: “Lúc đọc đề, em thấy rất dễ nhưng khi làm thì bị trục trặc một số kiến thức, nhất là câu hỏi về “kẻ cơ hội…”, vì thực tế em không biết phải làm như thế nào cho đúng. Em rất băn khoăn trước câu hỏi này, bởi lẽ tất nhiên câu kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn nên lập nên thành tựu hoàn toàn đúng rồi nhưng để biện luận thì không hề đơn giản”.

Đề thi “thực tế” nhưng không... thực tế

Nhận định về đề thi Văn, một giảng viên khoa Văn (ĐHKHXH&NV Hà Nội) cho biết: “Nội dung và hình thức đề thi như năm nay là hay, phù hợp. Không có có câu hỏi đánh đố học sinh nhưng có câu phân loại nên dễ đạt được điểm cao. Cách ra đề vài năm gần đây đã bám sát với thực tiễn xã hội. Đây là cải cách lớn của ngành giáo dục trong cách ra đề thi Văn”.

Ngay trong chiều 9/7, trao đổi với PV Người đưa tin, PGS Văn Như Cương cũng khá bất ngờ khi xem đề thi môn Văn khối C trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay. Theo PGS Cương, cách ra đề Văn khá hay và bám sát với thực tiễn xã hội. Đặc biệt câu hỏi thể hiện được cái thẳng, cái thật của ngành giáo dục khi nhắc về “kẻ cơ hội, người chân chính”.

“Ở đây, đề thi nói đến thành tựu chứ không nhắc đến thành tích. Vì nhắc đến thành tích người ta sẽ nghĩ ngay đến “bệnh thành tích” - một thực tế đang diễn ra trong nghành giáo dục. Còn nói về “kẻ cơ hội” thì rất rộng, đó có thể là cơ hội chính trị, chủ nghĩa cơ hội, luôn luôn nghĩ đến mục đích. Như vậy thì đề thi này sẽ làm khó thí sinh, bởi các em sẽ khó lấy dẫn chứng, khó lấy ví dụ thực tiễn”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.

Cùng cảm nhận với đề thi năm nay, cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên có thâm niên dạy và luyện ôn thi môn Văn cho học sinh trường THPT Lê Văn Hưu (Đô Lương - Nghệ An) bày tỏ: “Một đề thi gắn liền với thực tế đời sống xã hội rất thú vị. Tuy nhiên, ngay sau thi kết thúc môn thi, tôi đã nhận được ý kiến hai chiều từ các em học sinh. Đề thi này có tới hai câu hỏi khó, một câu cảm nhận và một câu trình bày suy nghĩ, sẽ tốn rất nhiều thời gian suy nghĩ làm bài. Đặc biệt lại càng khó trong cách suy luận vấn đề đối với học sinh mới tốt nghiệp THPT. Tôi nghĩ, nếu muốn làm được bài tốt và có chiều sâu thì phải là em có sự trải nghiệm và có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về xã hội hiện nay. Vì vậy có thể thấy, đề thi môn Văn khối C năm nay rất thực tế với các vấn đề xã hội nhưng cũng chưa thực tế đối với kiến thức của các em thí sinh”.

Theo thầy Định Văn Thiện, nguyên phó chủ nhiệm khoa Văn (ĐH Sư phạm Hà Nội): Đề ra sát với chương trình phổ thông, không rơi vào tình trạng chung chung. Khuynh hướng ra đề như vậy giúp cho học sinh phải học kỹ lưỡng, không thể có cảm nhận chung chung. Đề khối C có câu 3b yêu cầu “cảm nhận về hai đoạn thơ” là yêu cầu rất chung chung, học sinh sẽ khó làm, không biết là so sánh hay cảm nhận từng đoạn. Hai đoạn thơ thuộc 2 bài thơ mà cảm hứng cụ thể ở từng bài không giống nhau. Tương tư cảm hứng chủ đạo là tình yêu đôi lứa, trong khi đó “Đây thôn Vĩ Dạ” cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ của thi sĩ đối với thôn Vĩ, còn câu nghị luận chính trị xã hội rất hay, phù hợp với thực tế không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội.

Nhiều giáo viên cũng đánh giá đề thi Văn rất hay và bám sát chương trình, tạo sự hứng thú cho thí sinh. Cô Lê Thị Mai, giáo viên dạy Văn Trường THPT Trí Đức (Hà Nội) đánh giá: “Điểm hay của đề thi năm nay đó là ngoài kiến thức ở sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh có kiến thức thực tiễn. Câu 1 có mục đích kiểm tra kiến thức giáo khoa, câu 2 kiểm tra khả năng diễn đạt và cảm thụ văn chương. Riêng câu nghị luận xã hội chỉ cần thí sinh học kỹ các dạng đề mẫu của giáo viên là có thể làm tốt”.

Cao Tuân