Khám, chữa bệnh giá... “trên trời”

Khám, chữa bệnh giá... “trên trời”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Nắm bắt tâm lý bệnh nhân vì muốn khám bệnh nhanh, không phải chờ đợi như ở bệnh viện công nên nhiều phòng khám tư đã sử dụng "chiêu" bệnh nhẹ nhưng "phán" thành bệnh nặng để bán thuốc với giá “cắt cổ”.

Bệnh nhẹ "phán"...nặng

Thời gian qua, Đường dây nóng của tòa soạn nhận được phản ánh của không ít bệnh nhân về việc các phòng khám tư, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc khám bệnh qua quýt nhưng chẩn đoán bệnh "siêu nặng" và đưa ra phác đồ điều trị đắt đỏ khiến bệnh nhân méo mặt.

Sổ khám bệnh và xét nghiệm của chị Nhung tại phòng khám đa khoa trên đường Giải Phóng, Hà Nội

Phần lớn những ý kiến phản ánh, các phòng khám được giới thiệu là do bác sĩ Trung Quốc, bác sĩ tư nhân mở đều chỉ nhằm vào mục đích bán thuốc với giá cao. Hầu hết những phòng khám này đều quảng cáo hiện đại, nhưng thực tế trang thiết bị ở đây đều được đầu tư rất sơ sài. Mục đích chính của những phòng khám nay là để... bán thuốc với giá rất cao, hưởng lợi nhuận.

Theo phản ánh của chị Phạm Thu Nhung (22 tuổi, ngõ Mai Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau khi khám tại một phòng khám đa khoa nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Giải Phóng- Hà Nội, chị phát hoảng vì số tiền điều trị mà bác sĩ đưa ra.

Chị Nhung cho biết: "Tôi mới sinh con được 4 tháng, thấy âm đạo đau, khó chịu, tôi đã tìm đến phòng khám đa khoa này để khám. Bác sĩ chỉ định tôi siêu âm, nội soi và chẩn đoán tôi viêm loét cổ tử cung độ 1 và phải điều trị đốt cổ tử cung (một dạng dùng máy nội soi điều trị) 10 đợt mới khỏi dứt điểm. Số tiền khám và siêu âm xét nghiệm chỉ ngót nghét 1 triệu đồng nhưng bác sĩ quả quyết bệnh của tôi phải tiến hành điều trị đốt cổ tử cung mỗi lần 4,8 triệu đồng. Mới nhẩm tính, tôi đã thấy hoảng vì cả đợt điều trị lên tới 50-60 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc uống. Chưa dừng lại ở đấy, bác sĩ còn bảo tôi phải làm thêm xét nghiệm vì họ nghi... ung thư"?!

Giá...trên trời

Chị Nhung bức xúc nói với PV: "Dù có người phiên dịch nhưng kết quả (siêu âm, nội soi) mà chúng tôi nhận được toàn là chữ Trung Quốc. Chỉ một vài xét nghiệm khác mới có tiếng Việt. Đem câu chuyện kể lại với người thân, tôi được tư vấn đến Bệnh viện phụ sản Trung ương khám. Tại đây, các bác sĩ đã làm xét nghiệm và chẩn đoán tôi chỉ bị một vết xước ở âm đạo (một dạng nấm âm đạo thông thường) và phải đốt nấm âm đạo một lần là khỏi.

Toàn bộ số tiền trong đợt điều trị là 1,5 triệu đồng. Tiền đốt nấm âm đạo chỉ mất 300.000 đồng. Thế mới biết giá khám, điều trị bệnh của phòng khám tư quá... tùy hứng. So sánh giá khám, điều trị bệnh tại bệnh viện công với giá mà phòng khám trên đường Giải Phóng đưa ra thì chênh lệch tới hơn... 40 lần".

Anh Nguyên Văn Hải (35 tuổi, Mê Linh, Hà Nội) cho biết: Tôi lấy vợ muộn và đến nay vẫn chưa có con. Sau một thời gian, tôi cũng nghĩ mình có vấn đề cần đi khám. Đầu tháng 5, tôi đến phòng khám T.G (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi được bác sĩ khám và chẩn đoán chất lượng tinh trùng yếu do thận khí bất túc....

Ttôi đề nghị bác sĩ xét nghiệm tổng thể nhưng vị bác sĩ thông qua cô phiên dịch trả lời: "Kết quả chẩn đoán đã chính xác, dù có đi xét nghiệm cũng sẽ thấy tinh trùng yếu. Điều quan trọng là uống thuốc tốt thì tinh trùng sẽ được củng cố. Thuốc này giúp bổ thận, tăng khả năng sinh lý. Ban đầu uống 1 tháng, kiểm tra thấy tiến triển sẽ tiếp tục uống thêm 20 ngày thuốc nữa. Giá thuốc có 2 loại: 200.000 đồng và 300.000 đồng/ngày. Thuốc 300.000 đồng thì hiệu quả nhanh hơn và xác suất có con rất cao. Vị bác sĩ còn bảo rằng: Nếu muốn sinh con gái, con trai thì bác sĩ cho tôi uống thêm một loại thuốc khác là có thể điều chỉnh".

Theo phản ánh của anh Hải, khi nghe giá thuốc 300.000 đồng/ngày, anh Hải cáo lỗi rằng không mang theo đủ tiền, anh xin về nhà lấy thêm rồi sẽ quay lại mua thuốc nhưng cô phiên dịch nói: "Nếu có tiền thì anh lấy đủ một tháng luôn, không thì đặt cọc một ít tiền để làm thuốc trước".

Tại phòng khám H.D. (gần bến xe Hà Đông, quận Hà Đông, Hà Nội) giá thuốc còn khiến bệnh nhân... sốc. Một bệnh nhân cũng mắc chứng bệnh giống anh Hải, sau khi khám, bác sĩ bảo bệnh này rất phức tạp, nếu không chạy chữa kịp thời sẽ gây biến chứng về sau, "nhẹ thì vô sinh, còn nặng sẽ gây ra ung thư". Theo "phán quyết" của vị bác sĩ ở đây thì bệnh nhân phải điều trị một đợt thuốc 15 ngày, sau đó mới dùng thêm loại thuốc khác. Giá thuốc từ 490- 690.000 đồng/ngày. Còn tại phòng khám đông y trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bệnh nhân Nguyễn Văn Linh bị chứng mụn cóc, giá thuốc được đưa ra là 250.000 đồng/ngày, phải điều trị liên tục trong 10 ngày mới đảm bảo khỏi bệnh.

Danh y hóa danh hão!

Theo Phòng quản lý hành nghề Y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Tính đến ngày 31/12/2010, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 15 phòng chẩn trị y học cổ truyền có bác sĩ Trung Quốc tham gia khám, chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh không có đăng ký phác đồ điều trị, các loại thuốc sử dụng với Sở Y tế Hà Nội.

Trao đổi với TS. Lý Ngọc Kính- nguyên Vụ trưởng Vụ Điều trị khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Các phòng khám được quảng cáo có bác sĩ người Trung Quốc, đặc biệt phòng khám Đông y đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá lâu, 5-7 năm trước. Các cơ quan chức năng kiểm tra một số phòng khám này thì phát hiện không ít "danh y" thực chất chỉ là "danh y"... rởm (đã có nhiều vụ khui ra, "danh y" chỉ là những dân thường bên Trung Quốc, không bằng cấp chuyên môn gì cả, không đăng ký giấy phép hành nghề tại Việt Nam).

Cũng theo TS.Kính, lương y được phép bán thuốc theo thang tại phòng chẩn trị y học cổ truyền, nhưng nếu bán thuốc gia truyền, cao đơn hoàn tán (thuốc đã bào chế sẵn) thì phải đăng ký có sản xuất loại thuốc đó với Sở Y tế và thuốc này chỉ để bán ngay tại phòng chẩn trị, không được lưu hành rộng rãi ra bên ngoài. Lương y không được phép kê đơn thuốc tân dược. Còn những loại thuốc y học cổ truyền khác, nếu có số đăng ký, thì thuốc phải có giấy phép lưu hành của Bộ Y tế. Các phòng khám y học cổ truyền trong nước, nếu quảng cáo khám chữa bệnh, thì phải được Sở Y tế địa phương duyệt nội dung; nếu phòng chẩn trị có yếu tố người nước ngoài thì do Bộ Y tế duyệt nội dung quảng cáo.

Việc các phòng khám đông y quảng cáo có bác sĩ Trung Quốc ngày càng nở rộ là do công tác quản lý lĩnh vực này có chiều hướng quá tải hoặc bị buông lỏng. Cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả các phòng khám đông y được quảng bá có người nước ngoài, xem lại đội ngũ thực tế khám chữa bệnh tại những nơi này; giá bán thuốc cho người bệnh... để tránh tình trạng người bệnh "tiền mất tật mang".

N.Giang - H.Mai