Kiều nữ “viễn chinh”

Kiều nữ “viễn chinh”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Hàng trăm ngàn cô gái các tỉnh, thành miền Tây khu vực đồng bằng sông Cửu Long suốt nhiều năm nay phải "viễn chinh" khắp nơi kiếm sống. Sài Gòn thì không kể làm gì. Từ Sài Gòn nhộn nhịp các cô em, con cháu lên Tây Nguyên, ra miền Trung, dong tuốt tới Hà Nội.

Chẳng ngại vùng Tây Bắc xa xôi đâu đâu cũng có thể gặp những phụ nữ miền Tây làm kiếm sống trong các lĩnh vực nhạy cảm như: massage, bia ôm, phòng trà, vũ trường, karaoke.

Họ còn có mặt ở những nơi tương tự tại Campuchia, Singapore, Trung Quốc, Lào. Miền Tây cũng là nơi có số phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nhiều nhất nước. Tôi từng gặp không ít cán bộ, lãnh đạo một số ngành địa phương ở các tỉnh miền Tây, họ đều có chung nỗi buồn về thực trạng gái miền Tây đi khắp nơi kiếm sống bằng những thứ nghề nhạy cảm tại những chỗ thiếu ánh sáng thừa bóng tối.

Người mạnh miệng hơn thì gọi đó là "sự hổ thẹn địa phương" khi đi đến đâu cũng gặp "gái quê mình" lưu lạc trong những chốn đó. Cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn ở các tỉnh, thành của các vùng miền khác thường than thở về những phức tạp trên địa bàn họ phụ trách do các cô gái miền Tây "đổ bộ" về quá nhiều.

Tại TPHCM, nơi có đến 25.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: nhà hàng, khách sạn, vũ trường, massage... số lượng nhân viên nữ từ các tỉnh miền Tây luôn chiếm đa số. Hơn thế, có nơi gần như 100% nhân viên nữ là người cùng một xã, huyện quê gốc ở tận miền Tây. Nguyên nhân là do lúc đầu chỉ vài người đi làm, kiếm trên dưới 10 triệu đồng/tháng, đây là thu nhập "trong mơ" đối với những gia đình nghèo khó tại miền sông nước Cửu Long.

Ở quê, những cô gái học vấn không quá trung học cơ sở làm sao kiếm được số tiền nằm mơ cũng khó thấy như vậy nếu không thể thoát được cảnh lội ruộng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm mướn chỉ 20 - 30 ngàn đồng/ngày. Đó là chưa kể đến sự bấp bênh, bữa có bữa không của nghề nông. Rồi biết bao nghịch cảnh ốm đau, nợ nần, mất mùa, ma chay, cưới hỏi ở các gia đình nghèo cần đến tiền nhưng không thể có.

Trong lúc đó, vài cô gái lìa xứ "đi làm ăn xa" trở về quần là áo lượt, vòng vàng đeo đỏ tay; thậm chí còn có tiền chữa bệnh cho cha mẹ, nuôi em ăn học, xây nhà cho gia đình. Hình ảnh "cô Thắm về làng" là sự hấp dẫn không thể cưỡng lại của gái quê nhà nghèo, học ít. Thế là lần lượt các cô em, các cháu gái thi nhau "lên đường viễn chinh" tứ xứ. Ai đang có chuyện buồn gia đình, dở dang tình cảm, nợ nần đòi gay gắt thì chân đi ly quê bước càng nhanh hơn. Rồi hiện tượng "đi làm ăn xa" từ ấp này sang ấp nọ, từ xã này qua làng khác lan rộng rất nhanh.

Thế kỷ 21 mới vừa đi qua gần thập niên đầu tiên, nhiều xóm làng miền Tây ít còn những cô gái chưa chồng, không còn cảnh trai làng tối tối ôm đàn vọng cổ đến nhà người đẹp ca sáu câu mùi mẫn, hát hò điệu lý huê tình phương Nam dưới trăng thanh gió mát.

Đã có khoảng 100 ngàn cuộc hôn nhân giữa những cô dâu Việt Nam với chú rể Đài Loan. Hàng chục ngàn trường hợp tương tự giữa các cô gái Việt với chồng Singapore, Malaysia. Mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày có vài chục đến cả trăm cô gái xếp hàng trước Lãnh sự quán Hàn Quốc trên đường Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) chờ làm thủ tục kết hôn với các ông chồng Hàn Quốc. Báo chí trong, ngoài nước cũng từng có bài viết về các cô dâu Việt Nam bị ngược đãi, trưng bày như hàng hóa, bị lừa bán vào động mại dâm ở các nước châu Á, sau khi xuất cảnh qua đường hôn nhân. Trên 80% đều có quê quán ở các tỉnh miền Tây.

Nhiều khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore đã vô tình hội ngộ với các "nữ đồng hương" trong các dịch vụ massage, karaoke nơi đất khách quê người. Họ đều có chung cảm xúc vui mừng vì gặp đồng hương, sau đó là nỗi buồn nhẹ nhàng xâm chiếm trong lòng vì "nghịch cảnh" của các cô gái Việt. Lúc đầu cứ tưởng người Trung Quốc, Thái Lan... nên khách xổ tiếng Anh; các nàng cũng tưởng khách đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, nên cái gì không nói tiếng Anh được thì dùng tay chỉ trỏ. Đến lúc các nàng đùa giỡn nhau, gọi nhau "Lý ơi, Yến ơi" các ông khách mới ngã ngửa. Rồi còn biết bao nghịch cảnh của các cô gái miền Tây lấy chồng xa, hoặc "làm ăn xa" không tiện kể ra.

Cuối tháng 11/2007, khi đường dây gái gọi Superbowl bị phát hiện từ TPHCM, thì một lần nữa quê quán miền Tây của những cô gái liên quan được nhắc đến một cách đau lòng bậc sinh thành, nhục nhã tổ tiên.

Tại sao các cô gái miền Tây phải truân chuyên như vậy? Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa từ kinh tế.

Miền Tây luôn được ca ngợi là vùng đất trù phú, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, "gạo trắng, nước trong". Thế nhưng miền Tây đã không theo kịp tốc độ phát triển chung của đất nước, sông nuớc chằng chịt hấp dẫn khách du lịch đến rồi đi, nhưng kém sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Từ đó dần dần tụt hậu so với nhiều vùng miền khác trên lãnh thổ Tổ quốc.

Đa số dân sống bằng nông nghiệp, nếu không có biện pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế thì không thể thịnh vượng được. Từ đó, tỷ lệ dân nghèo ngày càng tăng. Đã nghèo thì khó có điều kiện lo ăn học. Học vấn thấp, dĩ nhiên không thể có việc làm ổn định, thu nhập khá được. Vì thế, như một tất yếu, các cô gái chỉ còn cách "viễn chinh cầu thực".

Một khách bia mời cô phục vụ quán 116.

- Kiều nữ... uống với anh 50 % nghen!

- Em hỏng dám là kiều nữ đâu!... Em chỉ là lục bình trôi sông, trôi rạch!

Nghe sao mà nức nở, tội nghiệp vậy.

Để khỏi phiền, cũng chẳng nỡ làm bậc sinh thành của cô tiếp viên tôi bắt gọi bằng tía buồn, tạm gọi cô này là cô Một.

Rồi cô Một kể, từ buổi con tôm lên ngôi, kế đến là nhà máy công nghiệp mọc trên rạch cạn, rạch sâu thì lục bình đã xa vắng. Xa quê vì nhà không còn ruộng nhưng lục bình với bông màu tím cứ trôi hoài trong nỗi nhớ, trong giấc mơ của cô nơi nhà trọ.

Cô Một cho biết, ba cô là con trai út của gia đình đông bà con dòng họ. Mà út thì giàu ăn, nghèo chịu với trọng trách giữ nhà tộc thờ cúng ông bà, mỗi năm tính sơ thôi, có đến hơn chục cái giỗ thân tộc, đó là chưa kể đi đám của xóm giềng. Danh mục ngày giỗ tổ tiên được ba cô khắc vô cánh của bằng gỗ để nhớ. Năm cô Một lên 10 tuổi, nhà thờ tộc cháy, ba cô không lấy gì hết, chỉ gò lưng vác cánh cửa có khắc ngày tháng giỗ từng người trong gia đình thân tộc chạy ra ngoài tránh lửa. Câu chuyện bi hài này dạy mấy chị em cô Một nhớ đời, giỗ tổ tông không được quên. Vì quên giỗ người trong họ là làm ăn ngóc đầu không nổi.

Cô Một xa quê năm 20 tuổi, thoáng chốc mà đã 5 năm. Những mảnh vỡ của thời gian cứ tự nhiên, cứ vô tình lăn qua đời kiều nữ "viễn chinh cầu thực", nhịp sống quay cuồng, vội vã tại quán bia, quán rượu nhưng không bao giờ cô nguôi nổi nhớ nhà. Bánh xe đô thị đưa cô đi, đi mãi, nhưng ít có chuyến xe đưa cô hồi hương về quê ăn giỗ. Ít gặp mặt bà con, cô sợ lắm nghịch cảnh yêu nhầm người trong họ phải mang tội loạn luân.

Nguyễn Thiên