Ký sự nâng cấp đời xe (kỳ 3)

Ký sự nâng cấp đời xe (kỳ 3)

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Sau khi lấy xe về, món đầu tiên tôi nâng cấp là bộ đèn xe. Do thường xuyên lái xe đi đêm nên đối với tôi bộ đèn xe là món quan trọng nhất và cần phải làm đầu tiên.

Bài 3: Nâng cấp hệ thống đèn cho xe

Loại đèn mà tôi chọn là loại HID Bi Xenon có dùng Projector. Thành phần cơ bản của một bộ đèn kiểu này như sau:

Phần 1 là bộ thấu kính chính (Projector): Bộ thấu kính này là loại tôi dùng cho hộc đèn chính nên có 2 thành phần, phần [1.a] là bộ thấu kính chính. Ngoài ra bên trong nó có thêm một bộ phận là màn trập [1.b], bộ màn trập này dùng để gom ánh sáng lại khi chạy ở chế độ cốt, khi nào chuyển công tắc sang pha thì nó sẽ mở ra hết –> ánh sáng sẽ đi xa hơn. Với đèn dùng cho hộc sương mù thì không có loại màn trập này.

Phần 2 là phần bao bên ngoài của thấu kính.

Phần 3 là bóng Xenon, bóng Xenon là loại bóng không tim, nó hoạt động dựa trên sự phóng điện. Khi có một nguồn điện cực cao truyền vào thì giữa 2 điện cực sẽ có sự phóng điện. Chính vì hoạt động theo nguyên lý này nên ánh sáng của bóng Xenon rất rất sáng (ngang với sét đánh, mặt trời hoặc hồ quang điện).

Phần 4 là bộ Ballast, vì bóng Xenon cần có nguồn điện cực cao như bên trên nên nhiệm vụ của bộ này là dùng để kích điện áp lên đủ mức cần thiết (trên 25 ngàn vol).

Nhờ đã có kinh nghiệm nâng cấp đèn cho chiếc trước nên lần này tôi quyết tâm phải làm sao cho… sáng hơn nữa. Sau khi nghiên cứu thì đây là bộ tôi chọn:

Hộc đèn cốt: Bi-Xenon bóng Phillips, thấu kính projector MerS, Ballast Hella.

Đèn sương mù: Bóng Phillips, thấu kính projector Acura, Ballast… Trung Quốc (do đèn sương mù nằm ở vị trí rất thấp bên dưới xe, gắn ballast đắt tiền không chịu nổi mưa gió).

Đèn pha: Thay bóng Phillips X-tremePower + 80%

Khi gắn Xenon thì việc gắn thấu kính là điều bắt buộc nếu muốn có chất lượng chiếu sáng tốt nhất. Bộ thấu kính sẽ có nhiệm vụ hội tụ ánh sáng lại, vì bóng Xenon rất sáng nên nếu chỉ thay bóng thì ánh sáng sẽ tỏa ra không theo luồng, gây chói mắt cho xe đối diện và độ chiếu xa mất đi tác dụng rất nhiều.

Điểm chính của hệ thống đèn này là ở bộ đèn cốt sẽ được chuyển san Bi-Xenon, bộ projector này có màn chập bên trong nên chỉ với bộ này thì đã bao gồm luôn 2 chức năng cốt và pha với tầm nhìn rất ấn tượng. Với hệ thống này thì gần như đã đủ cho xe có tầm nhìn rất xa, kết hợp thêm với bộ thấu kính của hộc đèn sương mù thì đi đêm gần như sáng trưng như ban ngày. Do đó ở hộc đèn pha tôi quyết định không gắn tiếp thấu kính nữa mà chỉ thay bộ bóng của Phillips.

Kế hoạch là vậy và bắt đầu nhờ người bạn đặt hàng (người bạn này là chuyên gia về nâng cấp hệ thống ánh sáng cho xe, tay nghề rất tốt. Sau khoảng hơn 1 tuần thì hàng về.

Đèn sương mù → Xenon + Projector Acura + Ballast Trung Quốc

Đầu tiên là khoét lỗ lắp đặt bộ thấu kính vào vị trí đèn sương mù. Do vị trí này hãng chỉ thiết kế để gắn đèn Halogen (không có thấu kính) nên vị trí khá nhỏ. Với bộ thấu kính dài cả gang tay thì nó cấn lên một đoạn thép bên trong, đoạn thép này thật ra không có tác dụng gì hết, nhưng mà để giải quyết thì không đơn giản. May là bạn tui đã làm cho rất nhiều xe rồi nên đã có kinh nghiệm.

Đây là vị trí của bộ thấu kính sau khi đã được cố định đúng vị trí. Ta có thể thấy là đuôi của thấu kính (chỗ cái gạch trắng nằm khuất sau phần thép hình tam giác) phía sau, đó là đoạn phải xử lý.

Bắt đầu đi dây

Do đèn xenon không đơn giản chỉ gắn vào là sáng mà phải qua một bộ ballast để kích điện thế lên nên quá trình đi dây và câu điện khá phức tạp.

Đây là nút bấm đèn sương mù bên trong. Để lắp đúng bộ nút này cũng mệt mỏi vì nó có đến 6 chân khác nhau, phải dùng đồng hồ đo cho từng dây vào đúng từng chân, nếu mà đi sai thì cầu chì sẽ hỏng.

Đây là bộ cầu chì của xe

Xong bộ đèn sương mù

Đèn cốt → Bi-Xenon + Projector MerS + Ballast Hella

Đây là “linh hồn” của toàn hệ thống chiếu sáng nên việc xử lý cũng mệt mỏi nhất. Đầu tiên thợ phải tháo toàn bộ hệ thống đèn của xe ra, dùng máy sấy thổi hơi nóng để tách phần kính và hộc đèn. Sau đó xác định vị trí và lắp bộ Projector vào. Cố định vị trí và bắt đầu đi dây, gắn ballast lên xe và quá trình canh chỉnh. Tất cả các công đoạn xử lý phải làm thật kỹ vì nếu không khéo thì đèn sẽ không kín và dẫn đến khi đi mưa sẽ có hơi nước.

Đây là cụm đèn trước khi làm

Đây là kết quả sau khi hoàn tất (thấu kính nằm bên hộc trái)

Còn đèn pha thì dễ vì không dùng Ballast và thấu kính, chỉ đơn giản đặt mua bóng và gắn vào.

Ngoài ra thì tôi còn đổi thêm bộ đèn demi sang dạng đèn led có ánh sáng trắng và sáng hơn. Bộ đèn này có tổng cộng 9 bóng led nhỏ màu trắng bên trong, nên khi sáng nó sẽ tạo cảm giác lung linh giống… kim cương.

Test thử bộ đèn

Vậy là cơ bản xong hệ thống đèn. Tối xách xe đi thử thì sáng trưng trời đất. Một tuần sau khi lắp xong bộ đèn này, tôi có chuyến đi Đà Lạt, khởi hàng lúc 7h tối, đến khoảng gần 1h đêm thì đến Đà Lạt, toàn bộ thời gian là chạy đêm nhưng vì hệ thống đèn chiếu cực sáng và xa nên chạy rất khỏe. Và cũng nhờ bộ thấu kính nên tuy sáng nhưng lại không làm chói mắt xe đối diện, an toàn hơn nhiều.

Kỳ sau: Nội thất và hệ thống âm thanh.

Nguyễn Ngọc Hiếu

(Tác giả hiện là giám đốc số của Tập đoàn Ringer, Thụy Sỹ)