Lạ lùng nghề 'săn' vàng rơi trên... biển

Lạ lùng nghề 'săn' vàng rơi trên... biển

Thứ 7, 02/03/2013 | 20:01
0
Nhóm mấy người đàn ông gầy còm, đen đúa, cào ngang cào dọc, hướng cái túi được may bằng lưới theo từng đợt sóng trên bãi cát dài trong sự tò mò của du khách tắm biển.

Chốc lát, họ lại cuộn lưới và tỉ mỉ quan sát, rồi thất vọng thả lưới, tiếp tục kéo vài vòng cho cát vào đầy túi. Nhìn dáng điệu mệt mỏi, nhiều người thắc mắc họ tìm gì mà cực nhọc và bí ẩn vậy?

"Săn" vàng trên biển

Hòa lẫn vào dòng người nô nức vui đùa trên bãi Trước ở biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bốn người đàn ông nhỏ thó, dán mắt xuống chiếc máy rà kim loại tự chế, bỏ mặc bao xô bồ và những ánh mắt nhìn dò xét. Xa xa, một, hai người khác đánh lẻ, cặm cụi kéo từng túi lưới nặng trịch cát biển. Tiếp cận và trò chuyện với họ thật khó khăn. Hình như, họ muốn giữ lại bí mật, không muốn nhiều người đổ xô làm nghề giống họ.

Dụng cụ "săn" vàng của họ có thể ví như chiếc vợt lưới bắt cá nhưng được trang bị thêm một vành kim loại có ép nam châm. Anh Nguyễn Văn Quang (ngụ phường 12, TP. Vũng Tàu), một trong số những người làm nghề lạ lùng này cho biết: "Dụng cụ rà tìm này, chúng tôi đã cải tiến nhiều. Trước đây, chỉ bao gồm một chiếc gậy dài gắn thêm cái dĩa có đường kính hơn gang tay. Chiếc dĩa này được gắn thiết bị phát ra tín hiệu phát hiện kim loại. Loại máy rà tìm đó chỉ dùng được khi mặt cát khô. Dụng cụ mới có thể dùng khi mặt cát ngập nước.

Xã hội - Lạ lùng nghề 'săn' vàng rơi trên... biển

Những thợ săn vàng bãi biển đang thử vận may trong ánh nhìn nghi ngại của du khách

Trước đây, những người "săn" vàng phải thức dậy từ sáng tinh mơ hoặc đợi khi trời tối, thưa người, đặc biệt thủy triều xuống, còn trơ mặt cát thì mới đem máy ra dò tìm. Người tìm di chuyển cái dĩa qua lại trên mặt cát, thỉnh thoảng nghe tiếng kêu tít tít, thì dừng lại dùng vá, tay bới cát thành một lỗ rồi tiếp tục đưa cái dĩa rà tới, rà lui đến khi tìm thấy kim loại mới ngưng.

Một số người theo nghề "săn" vàng ở bãi Trước và bãi Sau biển TP. Vũng Tàu cho biết: "Trước đây, do điều kiện dụng cụ chưa được cải tiến nên những người "săn" vàng ra biển từ sớm, khi gió biển còn lồng lộng mang đầy hơi ẩm, gieo cái lạnh đến thấu xương. Nay nhờ sáng chế mới, họ có thể làm việc bất kỳ lúc nào dù trời nắng hay trời mưa, thủy triều lên hoặc hạ. Thế nhưng, cái nghề trông chờ vào sự may rủi ấy vẫn còn lắm những nhọc nhằn. Ngâm chân trong nước biển từ ngày này sang này khác, những vết nứt do nước biển ăn rát buốt, cát nhét vào vết thương đau đến thấu xương. Vậy mà, họ vẫn cặm cụi kéo lê cái lưới trên mặt cát hứng những đợt sóng mang hy vọng có chứa của rơi lọt vào tấm lưới dân nghèo".

Sống nhờ của... rơi

Nghề "săn" vàng rơi trên bãi tắm ở TP.Vũng Tàu xuất hiện từ khoảng 9-10 năm nay. Nhưng ít người biết đến và cũng không mấy ai mặn mà với công việc dựa vào hên xui may rủi. Theo anh Nguyễn Văn Quang, mấy năm trước, chỉ có khoảng 1-2 người làm nghề này, về sau, những người khác cứ ngỡ dễ kiếm ăn nên cũng chen chân vào làm thử. Người nào may mắn đãi được của rơi thì cứ luyến tiếc, ngày nào cũng tay xách nách mang dụng cụ ra biển tìm vận may, còn một số vừa nhen nhóm làm nghề đã chán nản ngay khi không thấy cái lợi nào chắc chắn.

Anh Nguyễn Văn Quang tâm sự: "Chúng tôi cũng hiểu nghề này bắt đầu từ sự ngẫu nhiên. Hơn 10 năm trước, một anh bán cá viên chiên trên bãi biển thấy trường hợp một phụ nữ tắm biển làm rơi mất bông tai. Thấy người phụ nữ này loay hoay tìm kiếm trong vô vọng, anh ta nghĩ đến việc sóng biển sẽ đánh những trang sức, đồ dùng này dạt vào bãi tắm và khi thủy triều rút nó sẽ lẫn sâu trong mấy lớp cát sóng đưa vào bờ. Không biết lúc đó, anh này "săn" của rơi bằng cách nào nhưng khi truyền đến anh Quang, nghề đã được trang bị dụng cụ đàng hoàng. Cứ vậy, người này bày cách cho người khác nhặt của rơi. Họ đổ xô ra biển, đánh cược với may rủi".

Xã hội - Lạ lùng nghề 'săn' vàng rơi trên... biển (Hình 2).

Những thợ săn vàng bãi biển đang thử vận may trong ánh nhìn nghi ngại của du khách

Qua tìm hiểu, PV Người Đưa Tin được biết, những người làm nghề "săn" vàng ở biển, chủ yếu đến từ những miền quê nghèo của xứ Quảng Ngãi. Họ tìm đến TP.Vũng Tàu lập nghiệp với đủ thứ nghề, người thì bán hàng rong, người buôn ve chai đem những kinh nghiệm góp nhặt được vận dụng vào nghề mới. Nhiều người xác định lấy nghề này để kiếm thêm trong những khoảng thời gian rảnh rỗi.

Mấy năm trước, du khách còn mang trang sức khi tắm biển, bị sóng nước đánh đứt, tuột ra, sóng đánh theo cát dạt vào, người "săn" vàng rơi từng đãi được bông tai con nít, dây lắc, dây chuyền, nhẫn... Vận may ấy dường như ngày càng hiếm hoi, người đi tắm biển cẩn thận hơn, không dễ đánh rơi trang sức. Từ đó, người đãi vàng trên bãi biển cũng kiêm luôn việc kiếm thuê của rơi cho du khách. Thoáng thấy du khách tắm biển hớt hơ hớt hải tìm kiếm trang sức, đồ vật quý giá, nhóm người làm nghề đãi vàng liền cắt cử một người phụ nữ luống tuổi xuống hỏi han, ngỏ lời mời khách thuê đội đãi vàng để hy vọng tìm thấy của đã mất.

Nếu đội tìm kiếm được đồ vật, họ sẽ đưa ra giá nhận thù lao, không cao nhưng đủ để họ có bữa cơm đạm bạc. Khi thiếu may mắn, dù họ bỏ ra mấy tiếng đồng hồ xới tung lớp cát và hứng trọn từng đợt sóng xô vào bờ mà vẫn phải lắc đầu xin lỗi và không nhận thù lao từ khách hàng. Khách hàng chán nản ra về, họ vẫn kiên trì tiếp tục tìm, nếu may mắn nhặt được họ sẽ chia phần. Hết ngày làm, họ lại ai về nhà nấy, đợi chờ một ngày mới với những hi vọng mong manh.

Nhìn nước da đen nhẻm của mấy người làm nghề "săn" vàng rơi, ai cũng hiểu họ phải cực nhọc lắm mới tìm được vài món trang sức. Anh Lâm Thanh Hồng (ngụ phường 12, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: "Tôi làm cái nghề khác thường này cũng gần 5 năm. Tuy nhiên, cũng chỉ làm khi không có việc, không còn kế sinh nhai nào tốt hơn. Nếu nói, "sống được" bằng nghề này, tôi không dám chắc, ngoài những sáng thức dậy từ rất sớm để ra bãi biển tìm vận may, thì khoảng thời gian còn lại, tôi đi làm thợ hồ, kèm thêm nhặt ve chai. Vợ tôi không lanh lẹ như người ta nên ở nhà trông con, mong mỏi vào mấy đồng lương còm cỏi và hy vọng mỗi ngày tôi đều tìm thấy cái gì đó quý giá trên bãi biển Vũng Tàu".

Sau những tâm tư buồn, anh Lâm Thanh Hồng hướng mắt ra phía biển, nhìn những ngọn sóng nhấp nhô, anh nói thêm: "Tôi biết nhiều người nghĩ chúng tôi lười biếng, tìm ra bãi biển này, bới móc từng lớp cát để ăn may vào những vật dụng mà du khách đánh rơi. Nhưng chúng tôi nghĩ khác, chúng tôi cũng phải đổ mồ hôi, máu để có được miếng ăn từ cái nghề không phải ngẫu nhiên và dễ dàng làm được. Để có được thành quả lao động, chúng tôi cũng vò đầu bứt tóc, tìm cách cải tiến máy móc. Hơn nữa, khi có du khách cần giúp đỡ tìm kiếm đồ bị sóng đánh tuột mất, chúng tôi sẵn sàng làm mà không bao giờ có suy nghĩ ém nhẹm để làm của riêng".

Những đôi bông tai con nít, mấy sợi lắc, dây chuyền trang sức mỏng tang... có thể nuôi sống một gia đình nghèo trong vòng hai tuần. Vì vậy, họ có cái lý để đeo bám cái nghề mà người đời thấy lạ lùng này. Phần nữa, ai cũng thích cảm giác tìm thấy, nhặt được một vật quý giá đã mất đi tưởng chừng không có hy vọng gặp lại giữa biển khơi mênh mông. Một số người lẳng lặng bỏ vàng vừa tìm thấy vào túi rồi chạy ù té về nhà khoe với vợ con. Một bữa cơm đầy đủ cá, thịt với cơm trắng thơm lừng có được từ những điều vô vọng của người đánh rơi nhưng dường như quá đỗi hạnh phúc với kẻ nghèo".

Không mấy thiện cảm với đội tìm của rơi

Du khách Nguyễn Minh Thắng (TP.HCM) cho biết: “Tôi không mấy thiện cảm với người làm nghề "săn" vàng trên bãi biển này. Nhiều người cũng nhận định giống tôi, đây là nghề sống trên nỗi đau mất mát của người khác, mặc dù những người bị mất của cũng đã cố gắng kiếm tìm vật rơi”.

Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Lạ lùng chàng mù ăn xin thích làm từ thiện

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Anh còn đi học lớp tẩm quất để phục vụ miễn phí cho người có H.

Lạ lùng xưởng sản xuất súng “gia công”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
Ở thành phố Cebu của Philippin có một nơi rất đặc biệt được gọi với cái tên “Wucheng”. Điều đặc biệt của Wucheng chính là ở chỗ đây là nơi sản xuất và chế tạo súng “gia công” lớn nhất thế giới,

Lạ lùng quán bar hút khách bởi văn hóa... chửi bới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Nằm bên bờ biển thành phố du lịch Cullera gần Valencia (Tây Ban Nha), quán bar Casa Pocho thu hút rất đông khách ghé thăm bởi văn hóa chửi bới lạ lùng.

Ngôi đền cổ phát lộ nhiều hiện vật lạ lùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Ngày 9/12, sau khi tiến hành khai quật ngôi đền cổ bị vùi lấp trong cát hàng trăn năm tại thôn Tiến Thành, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đã phát hiện thêm một số bộ phận kiến trúc cổ cùng với các hiện vật bằng chất liệu sành sứ có niên đại thời Nguyễn.

Lạ lùng, làng quê nghèo xây “nhà lầu” cho gia súc ở

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Trong khi cái ăn, các mặc còn thiếu thốn, thì người nông dân ở địa phương này... xây “nhà lầu” cho gia súc ở.