Những ngư dân thức dậy lúc 0 giờ (Kỳ 1)

Những ngư dân thức dậy lúc 0 giờ (Kỳ 1)

Thứ 5, 06/06/2013 | 10:32
0
Dẫu đã nghe, đã đọc nhiều về nỗi vất vả của ngư dân khi bám biển mưu sinh nhưng khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ, tôi mới hiểu thế nào là "hồn treo cột buồm"...

"Đi biển đêm" là cụm từ được sử dụng thường xuyên ở làng chài Phú Hài, khu phố 2 (Phan Thiết, Bình Thuận), nằm ngày chân núi Poshalnư - vùng ven biển Mũi Né. Người dân ở đây chỉ sống bằng nghề đánh cá và buôn bán hải sản. Với một số người, việc dậy lúc nửa đêm là một "cực hình", nhưng với những ngư dân này thì việc mưu sinh của họ bắt đầu từ khi gà vẫn chưa cất tiếng gáy đã trở nên bình thường.

Đi biển đêm từ lúc... 7 tuổi

Ông Trần Văn Hòa, ngư dân ở làng chài Phú Hài, cho biết, dân ở đây đi biển quanh năm, trừ những ngày sóng lớn hay có bão thì họ ở nhà, những ngày còn lại là họ theo thuyền lênh đênh trên biển đánh cá. May mắn là khi chúng tôi ra biển, gặp tàu của ông vừa cập bến. Ông Hòa cho biết, tàu của ông vừa ở ngoài biển 20 ngày để đánh bắt hải sản. Ông chưa kịp dứt lời thì nhưng thương lái đã ào xuống chọn cá, tôm, mực để thu mua, khiến cho cả một vùng biển rất nhộn nhịp.

Ở làng chài Phú Hài này có nhiều gia đình đã 6 - 7 đời làm ngư dân. Với những người sống bám biển như họ thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra khơi hay không. Có thuyền đánh cá chuẩn bị sẵn sàng ra khơi trong vòng một tháng, trang bị đủ đồ ăn, thức uống, ắc  - quy chiếu sáng, radio thì có thông báo bão sắp về đất liền, vậy là chuyến đi phải dừng lại, đợi bão tan. Có hai hình thức đánh cá, đó là những gia đình khá giả hơn, trang bị được thuyền to ra khơi đánh cá nhiều ngày liền, số tiền thu được từ việc đánh cũng ổn định và nhiều hơn. Những ngư dân còn lại mưu sinh bằng những thuyền thúng nhỏ, hàng ngày họ phải dậy từ 0h để đưa thuyền ra khơi đánh cá, câu mực. Họ làm việc cho đến khi hoàng hôn ló rạng phía chân trời và xoay thuyền về, đổ nhưng mẻ cá tươi ngon cho người bán buôn ngay trên biển, kiếm thu nhập để nuôi sống gia đình.

Lạ & Cười - Những ngư dân thức dậy lúc 0 giờ (Kỳ 1)

Anh Trần Văn Mạnh - một ngư dân làng chài Phú Hài cho chúng tôi biết: "Vì sinh ra và lớn lên ở làng chài nên những đứa trẻ từ bảy tuổi đã biết giúp đỡ bố mẹ, những ngày không phải tới trường, chúng còn được theo bố ra khơi để học cách đánh cá. Vì là trẻ con làng chài nên sức khỏe của chúng cũng dẻo dai hơn, chúng ít bị ốm vặt, đêm khuya thấy cha mẹ "lục tục" dậy chuẩn bị đồ đi biển, chúng cũng tự giác dậy đánh răng, rửa mặt để theo ra khơi. Vì bận mưu sinh nên mang tiếng là sống gần thành phố Phan Thiết nhưng nhiều khi những đứa trẻ ấy không biết đến giải trí. Lâu rồi thành quen, chúng lớn lên, lại trở thành những ngư dân rắn rỏi như cha, ông chúng".

Ông Hòa cho biết thêm, ngoài thời tiết ra thì những ngư dân thức dậy từ nửa đêm đánh cá... theo lịch trăng. Để đánh bắt được cá lớn, họ thường chuẩn bị lá dừa tươi và lưới để dụ cá theo. Những đàn cá ngoài biển ấy thường bị ánh sáng "nhân tạo" từ những chiếc đèn chùm trên tàu thu hút và đi theo bóng mát của lá dừa tươi nên nhiều đêm cả thuyền đánh cá gần 10 người làm không hết việc. Tuy nhiên vào những ngày có trăng (từ ngày 12 đến ngày 16 âm lịch), là những ngày trăng tròn, thì việc đánh cá này trở nên khó khăn, bởi ánh trăng sáng vằng vặc soi xuống biển, cá không phân biệt được đâu là trăng, đâu là đèn trên tàu nên chúng tản mát khắp nơi, rất khó đánh bắt. Vì thế thời điểm này, ngư dân làng chài Phú Hài được nghỉ ngơi, chờ đến lúc trăng xế lại rong ruổi cùng nhau ra biển.

Anh Lê Vinh - làng chài Phú Hài cho biết: "Đàn ông đi biển rất vất vả, họ chỉ có mặt ở đất liền vào những ngày bão và giữa tháng lúc trăng sáng nhất. Mưu sinh từ lúc nửa đêm, nhưng họ chưa bao giờ phàn nàn về sự vất vả, bởi từ khi sinh ra, họ đã được dạy như thế rồi. Cả đời bám biển tuy không phải giàu có nhưng những ngư dân ấy biết hy sinh những niềm vui cá nhân riêng để lênh đênh trên biển. Da ai cũng sạm đi vì nắng, gió. Tuy nhiên, họ có niềm vui là lao động để giúp kinh tế gia đình bớt khó khăn hơn".

Tuần trăng mật giữa biển khơi

Những thuyền đánh cá lớn ở ngoài khơi cả tháng, khi nào thuyền đầy khoang, họ mới đưa thuyền vào, chuyển cá cho những lái buôn đường dài. Còn đa phần ngư dân làng chài Phú Hài trông chờ vào những chiếc thuyền thúng nhỏ, hàng ngày ra khơi vào lúc 1h và vào bờ lúc 7h. Cả gia đình những ngư dân ấy chỉ trông vào "lộc" của những chuyến đánh bắt ấy. Họ làm đủ nghề liên quan đến biển, từ lưới chài, lưới chã đến câu mực, câu ghẹ, tôm... Mỗi sáng, bãi biển lại nhộn nhịp những tiếng mua bán.

Nhiều hôm, chợ hải sản họp ngay bãi biển, sau những phút nghỉ ngơi, ngư dân làng chài Phú Hài lại chuẩn bị nước ngọt, đá lạnh, thực phẩm để chuẩn bị cho những ngày ra khơi tiếp theo. Với họ, đi biển là cách rèn luyện sức khỏe tốt nhất. Anh Quang - khu phố 2 cho biết: "Nhiều hôm bão về, ngồi trong nhà mà tôi sốt ruột lắm, nhớ biển, nhớ sóng. Đi biển nhiều quen rồi, ngồi ở nhà không chịu được".

Vừa đưa tay thu lưới, anh Ngô Văn Dương - làng chài Phú Hài cho biết: "Yêu biển đến nỗi, sau khi cưới vợ xong, tôi rủ cô ấy ra biển để... trăng mật. Gọi là trăng mật thế thôi, chứ chúng tôi chỉ ngồi thuyền thúng, ra ngoài khơi để cô ấy biết công việc của tôi là thế nào, vì vợ tôi quê Phú Yên, chưa hiểu nhiều về công việc của những người đánh cá. Hàng ngày thức dậy từ lúc 12h đêm để ra biển cũng quen rồi, có lần giữa tháng trời có trăng, ở nhà mà trằn trọc mãi không ngủ được...".

Làng chài Phú Hài nằm ngay sát bờ biển, ở trong nhà, những người dân nơi đây vẫn nghe được những tiếng sóng rì rào. Trẻ con vùng biển dạn dĩ hơn bất kỳ những đứa trẻ ở vùng khác, do đi nhiều nắng biển nên da của chúng lúc nào cũng đen nhẻm, không chỉ khát nước ngọt, những đứa trẻ nơi đây còn khát những thú vui giản dị như đồ chơi, phim ảnh... Có lẽ, những người dân nơi đây chấp nhận những tháng ngày vất vả ngoài biển khơi để mong rằng, họ sẽ đổi được những tiếng cười giòn tan của con trẻ khi cha mẹ, thỉnh thoảng mua về được con búp bê hay chiếc xe tăng đồ chơi hiện đại.                                  

Nghề đi biển đã ngấm vào máu

Anh Trần Văn Mạnh tâm sự: "Với người đi biển, đặc thù là phải làm việc từ lúc nửa đêm nên chúng tôi coi đó là chuyện bình thường, từ bao đời nay cái nếp ở làng chài này là thế. Có thời gian, tôi thấy đi biển mệt quá nên đã chuyển sang nghề kinh doanh khác, nhưng chỉ được một thời gian, nỗi nhớ biển lại quay quắt nên tôi lại về... làm ngư dân. Nghề đi biển, có lẽ đã ngấm vào máu dân làng chài, nên không ai muốn dứt ra nữa...".

Lạc Thành

(Còn nữa)

Cơ cực mưu sinh giữa tiết trời đổ lửa

Thứ 4, 29/05/2013 | 08:22
Giữa cái nắng đến cháy da, cháy thịt, trên nhiều nẻo phố trên Hà Nội không hiếm gặp những người lao động nghèo vẫn miệt mài làm việc.

Thạc sĩ bằng đỏ về quê phụ xe, bán hàng mưu sinh

Chủ nhật, 26/05/2013 | 07:30
Kinh tế suy thoái kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng của các cử nhân, thạc sĩ. Nhiều người sở hữu bằng đỏ nhưng vẫn lận đận khi xin việc, mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi, nhưng rồi vẫn hoàn thất nghiệp, phải về quê mưu sinh bằng các nghề khác nhau

Độc đáo làng chài trên cao nguyên

Thứ 2, 01/04/2013 | 08:17
Công trình thủy điện, thủy nông Ayun Hạ hoàn thành năm 1994, nằm trên địa bàn 2 huyện Chư Sê và Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Với diện tích mặt nước 37 km2, công trình vĩ đại, tuyệt đẹp này không chỉ khiến Gia Lai trở thành vựa lúa của Tây Nguyên, nó còn giúp hàng ngàn nông dân mưu sinh, thoát nghèo bằng nghề đánh bắt cá.

Tuổi thơ bất hảo của giang hồ nhí ở “đình làng”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Nghèo khó lại thiếu sự dạy dỗ nên trộm cắp trở thành “nghề ” của “Lãng tử Lê Lam”.