Lão nông “hô biến” gốc cây thành tác phẩm nghệ thuật

Lão nông “hô biến” gốc cây thành tác phẩm nghệ thuật

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Những khúc gỗ, rễ cây xù xì, không hình dạng, vô hồn được ông gọt giũa tỉ mỉ, cẩn thận để rồi hóa thành những tác phẩm có giá trị trước sự ngưỡng mộ của nhiều người. Đó chính là biệt tài của lão nông dân Nguyễn Quang Tế (SN 1942) xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Sự đam mê khác người

Căn nhà nhỏ của ông Tế ngày càng chật chội hơn vì những bức tượng gỗ với hình hài kỳ dị được ông đặt ở mọi ngóc ngách. Không những vậy, những vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của gia đình như chiếc hộp đựng tăm, cái khay đựng chén, chiếc tủ cho đến những bức tượng về người thân như: Người cha, người vợ đều được ông gọt giũa một cách công phu. Ông Tế quan niệm mỗi tác phẩm nghệ thuật có giá trị phải gắn liền với cuộc sống đời thường và mang ý nghĩa lịch sử dân tộc, đất nước.

Cái duyên đưa ông Tế đến với “nghệ thuật gọt giũa” gỗ thật tình cờ. Cái ngày còn làm cán bộ của ngành thủy lợi, ông thường đi khắp nơi từ đồng bằng đến vùng núi. Qua những lần đi đo, ông thấy những khúc cây lạ với hình dáng ngộ nghĩnh, hình thù kỳ lạ. Từ đó ông nghĩ: Phải biến nó thành vật có ý nghĩa, có thể dùng được.

Cuối năm 1974 tác phẩm đầu tay với hình ảnh mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo (khắc họa một phần tuổi thơ ông) được hoàn thành. Mãi đến năm 1990, ông Tế mới bắt đầu làm một cách chuyên nghiệp bất chấp sự phản đối của gia đình. Mỗi lần lên rừng, đi chơi hay ra vườn gặp những khúc gỗ tre, cây bạch đàn, cây mít, gốc cây phi lao… có hình thù đặc biệt là ông liền xin, có khi mua cho bằng được.

Lạ & Cười - Lão nông “hô biến” gốc cây thành tác phẩm nghệ thuật

Ông Tế bên tác phẩm của mình

Những tác phẩm của ông đều mang những suy tư, băn khoăn với đời. Có khi là bài học về cách làm người, về đối nhân xử thế, có khi lại là những những nhân vật, hình ảnh liên quan đến lịch sử của đất nước. Bức tượng con đại bàng với kiểu cười há miệng đắc chí đang cưỡi trên con chó kêu trời cho ta suy nghĩ: Mình mạnh nhưng còn kẻ khác mạnh và khôn hơn, do vậy sống phải biết người, biết ta. Đó là quy luật cuộc sống mà ông muốn chia sẻ.

Bình thường mỗi tác phẩm được ông làm chỉ mất mấy tiếng đồng hồ. Nhưng cũng có những tác phẩm ông phải làm cả tuần, có khi kéo dài cả tháng mới vừa ý. “Nhiều lần đang ăn cơm, bỗng có ý tưởng lóe lên, tôi liền chạy vào nhà lôi gốc cây để làm lại. Đối với tôi những đứa con được sinh ra trong hoàn cảnh như vậy đẹp và có ý nghĩa hơn những tác phẩm khác”, ông Tế bộc bạch.

Là một người yêu lịch sử nước nhà nên trong mỗi tác phẩm ông luôn gửi gắm vào đó tình yêu đất nước. Điển hình nhất là tác phẩm mẹ Nguyễn Thị Thứ được ông hoàn thành năm 2004. Sau khi đọc xong bài báo viết về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tôi đã rơi nước mắt. Ngay ngày hôm sau tôi bắt tay vào làm bức tượng Mẹ. Bức tượng được làm bằng gỗ mít tạc hình ảnh người phụ nữ khắc khổ đeo 11 khăn tang cho những người con của mình.

Điều đặc biệt ở chỗ ông đã khéo léo để 9 chiếc khăn tang trên tay phải của bức tượng, 9 chiếc khăn kết thành bông hoa huệ tượng trương cho tấm lòng của mẹ Thứ sẵn sàng dâng hiến những đứa con do mình đứt ruột sinh ra cho dân tộc. Một chiếc khăn được chít trên đầu, chiếc còn lại để bên tay trái cho đứa cháu ngoại của mẹ. Chiếc khăn bên tay trái gần rơi vì sức mẹ đã gần kiệt.

Bức tượng về mẹ Thứ được ông đặt trên chiếc tủ cao như tấm lòng của mình đối với người mẹ Việt Nam anh hùng. Khi tác phẩm được làm xong đã có nhiều người ngỏ ý mua nhưng ông từ chối

Ngồi góc vườn... tạo kiệt tác

Vì ham mê công việc nên ông thường xuyên bị vợ con than phiền. “Nhiều lúc trốn vợ con, tôi ngồi nơi góc vườn lại có những sáng kiến hay hơn ngồi nơi sạch sẽ, thoáng mát”, ông hóm hỉnh tâm sự. Sinh được chín người con thì bảy người con đã yên bề gia thất, chỉ còn hai người con út đang học đại học. Cuộc sống vật chất, cơm, áo, gạo, tiền có thể làm cho ông trông già đi so với tuổi nhưng lòng yêu nghề, say mê với loại hình nghệ thuật, yêu lịch sử vẫn nồng cháy trong ông.

Ông đặc biệt dành thời gian vào những tác phẩm nói về hình ảnh đất nước, anh bộ đội cụ Hồ, cô dân quân du kích. Bức tượng Hồ Chủ Tịch ngồi trên đài hoa sen trong trận chiến Việt Bắc được ông làm cẩn thận trong gần một năm bằng sự tâm huyết của mình. Những tác phẩm đó ông không bán mà chỉ muốn tặng lại cho viện bảo tàng, khu di tích. Đó là tình cảm chân thành của một lão nông chất phát muốn cho thế hệ sau hiểu rõ về lịch sử đất nước.

Cứ vào những dịp lễ hội lớn hay cắm trại là căn nhà nhỏ của ông lại nhộn nhịp hơn bởi các đoàn học sinh kéo đến để mượn tượng để trưng bày. Ông luôn tự hào về điều đó và càng cố gắng làm ra những bức tượng gỗ “độc” và đẹp hơn nữa để mọi người cùng được ngắm.

Kim Long