Lễ hội kỳ lạ với người quá cố ở Madagasca (kỳ 2)

Lễ hội kỳ lạ với người quá cố ở Madagasca (kỳ 2)

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Famadihana là một nghi lễ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, cụ thể là chăm sóc xác chết của ông bà cha mẹ đã qua đời. Thông thường Famadihana chỉ được tổ chức một lần sau khi người đó chết được 7 năm. Sau lễ Famadihana, xác chết sẽ không còn được ở bên người thân nữa mà sẽ một mình suốt phần đời còn lại.

Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ với từng gia đình. Nhiều truờng hợp cá biệt thời gian chờ đợi để đuợc thay xuơng lên tới 20 năm. Trong thời gian đó, nguời Madagasca tin rằng tổ tiên có thể nói chuyện với con cháu họ.

“Ngày hội” Famadihana

Để tổ chức được một buổi lễ Famadihana chuẩn mực, một gia đình cần đến hai năm để chuẩn bị, nhất là khi song song với việc thay xương cho ông bà còn phải làm nhà mới cho các cụ. Người dân Madagasca trước đây thường chôn cất người thân của họ cùng chung trong một ngôi mộ lớn. Đôi khi có đến 4 thế hệ dùng chung một ngôi mộ, thậm chí cả hàng xóm và người không máu mủ cũng chia sẻ phần không gian chật hẹp đó. Vì vậy đối khi việc cúng bái người thân của gia đình này gây ảnh hưởng tới gia đình khác, và lễ Famadihana là cơ hội để họ tách riêng phần mộ cho tổ tiên mình.

Việc xây cất một ngôi mộ mới thậm chí còn quan trọng hơn xây một ngôi nhà cho người sống. Họ phải làm lễ xin người âm đồng thời tham khảo những bô lão có tuổi và kinh nghiệm nhất để lo liệu sự việc. Trong nền văn hóa đó, thầy cúng đóng vai trò như những nhà chiêm tinh học. Họ sẽ được mời đến để xác định vị trí ngôi mộ ở đâu và thời gian thích hợp nhất để động thổ cũng như giờ hoàng đạo để di chuyển xác chết.

Ngày xây mộ đầu tiên rất quan trọng, thông thường thầy cúng sẽ được mời đến để khởi công và nam nhân lớn tuổi nhất trong gia đình con trưởng - sẽ đặt viên đá đầu tiên xuống. Người ta đổ rượu vào viên đá cầu cho việc xây cất được thuận lợi. Sau khi xây xong, con trưởng sẽ là người giữ chìa khóa của ngôi mộ mới, tuy nhiên đôi khi trọng trách này được chuyển giao cho thầy cúng, người sẽ dùng chiếc chìa khóa này để cảm nhận chính xác một số thứ quan trọng và báo cho gia chủ khi cần.

Cùng với việc xây mộ, gia đình người chết cũng bắt tay vào chuẩn bị cho nghi lễ Famadihana. Họ sẽ phải xin phép những gia đình khác trước khi khai quật mộ chung đồng thời xin giấy phép của chính quyền địa phương trong cả hai việc: đào mộ cũ và xây mộ mới.

Ngày diễn ra Famadihana đối với mỗi gia đình là một sự kiện trọng đại. Khách mời của gia đình thân nhân ít nhất cũng phải đến vài trăm. Đa phần là những gia đình cùng thờ chung mộ, bạn bè, hàng xóm láng giềng được mời đến dự lễ. Họ được thiết đãi ăn uống linh đình trong 3 ngày. Chính quyền thành phố tham dự với vai trò là người tuyên bố và giám sát việc khai quật mộ. Cha đạo cũng được mời đến những nghi lễ như vậy nếu gia đình cố nhân là người công giáo.

Sau khi cha đạo xin phước lành, người nhà sẽ mang cái xác chỉ còn xương lên mặt đất, dùng dây bện và vải lụa để nối các phần cơ thể lại với nhau. Có một quy định nghiêm ngặt trong việc sắp đặt vị trí của ông bà đã mất. Cha mẹ, vợ chồng được đặt cạnh nhau và cạnh đứa con nếu cháu qua đời khi chưa biết đi nhưng hai anh em hoặc hai anh em họ sẽ không được phép như vậy.

Việc khênh xác chết về nhà mới thuộc về những người đàn ông trong gia đình. Cái xác sau một vài giờ ngoài ánh nắng sẽ được đưa vào trại, nơi chúng được để ngay ngắn trên một chiếc bàn lớn trong 2 ngày tiếp theo. Luôn có 2 người túc trực bên cạnh thi thể để canh giữ và đảm bảo tính linh thiêng của nghi lễ. Xung quanh trại này còn có rất nhiều trại nhỏ khác được dựng lên cho khách khứa bạn bè dự tiệc chung vui cùng gia đình. Tiệc Famadihana luôn đầy ắp âm nhạc, tiếng cười tiếng nói, ồn ã trong suốt mấy ngày. Trẻ con thì chơi bóng, chơi bài, chơi domino... Người lớn thì nấu ăn, tiếp khách hoặc dự tiệc. Thức ăn bày la liệt trên những chiếc bàn xếp ở các căn lều.

Cho đến tận ngày nay, mặc dù được nhiều người cho là tập tục khá kỳ lạ, Famadihana vẫn là nét văn hóa độc đáo được Madagasca gìn giữ

Minh Nguyệt