Mạc Can chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành nhà văn

Mạc Can chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành nhà văn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Từng ước mơ thành anh hề xiếc, họa sĩ... nhưng chưa khi nào Mạc Can nghĩ sẽ trở thành nhà văn.

Cách đây gần 40 năm, Mạc Can đã một lần được ra Hà Nội để biểu diễn cùng đoàn nghệ thuật của TP.HCM. Ngày ấy, khán giả xếp hàng đến xem đông lắm. Nghệ sỹ xiếc Mạc Can được khán giả miền Bắc ái mộ trên lĩnh vực… diễn trò. Đúng 20 năm sau (năm 2005), Mạc Can lại trở ra Hà Nội để nhận giải A của Hội Nhà văn với tác phẩm "Tấm ván phóng dao" của mình.

Xã hội - Mạc Can chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành nhà văn

Nhà văn Mạc Can và NSƯT Hồ Kiểng

“Cuộc đời thật lạ kỳ. Thuở nhỏ, tui mơ ước trở thành một anh hề xiếc tài năng. Giấc mơ vụn vặt ấy, cho đến bây giờ có thể nói là không thành rồi. Sau đó, tui mong trở thành họa sỹ, vì tính mình hay quan sát, hay suy nghĩ, mà chữ thì ít quá không nói hết được suy nghĩ của mình… Mỗi thứ tui đều ước thành hiện thực, nhưng riêng giấc mơ trở thành… nhà văn thì tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Thế mà nó lại trở thành một hiện thực đẹp như giấc mơ. Lần ấy, ngồi sau xe của nhà văn Hồ Anh Thái, tôi đem điều đó nói với ông. Ông Thái cười rồi bảo tôi: “Đời vốn là như thế mà…”. Với tôi, hai chữ “nhà văn” là cả một sự kính trọng đến… e ngại, mình chỉ dám “kính nhi viễn chi” mà thôi…” – Nhà văn Mạc Can tâm sự.

Tác phẩm “Con cua màu rêu” kể về một người nghệ sỹ ảo tưởng, chuyên vẽ tranh và khắc phù điêu. Ông này nghĩ rằng mình đã là thiên tài. Thế nhưng, những tác phẩm của ông mang ra ngoài chợ chẳng ai mua cả. Bà vợ của ông vốn là một người phụ nữ buôn bán cua ngoài chợ. Để có lãi cao, thay vì cột những con cua bằng những chiếc dây trói bình thường, bà cột chúng bằng những sợi dây vải đã ngâm nước, trét thêm bùn vào cho nặng hơn… Bà nuôi chồng bằng những đồng tiền “bất chính” như thế, để ông chuyên tâm sáng tác.

Nhưng có một con cua yêu quái không chịu chuyện này, đã đưa ra lời nguyền: Bà vợ gian dối sẽ phải chịu hình phạt nào đó thì những bức tranh của ông chồng sáng tác ra mới có người mua. Đêm, người chồng mộng mị thấy mình toàn ăn nằm với một con cua cái, đến mức suy kiệt về sinh lực… Cho đến khi người nghệ sỹ sắp lìa cõi đời, con cua yêu quái mới hiện lên thành một ẩn sĩ giữa chợ, gặp bà vợ bán cua và bảo: “để cứu chồng, người vợ bán cua phải chịu hình phạt không được bán gian trá cho đến hết thời gian làm ăn điêu ngoa…”. Kết cục ấy có thể khiến nhiều người chưng hửng, vì… lãng xẹt.

Nhưng với Mạc Can, ông không muốn người đọc bị hấp dẫn bởi yếu tố tò mò và hiếu kỳ. Ông muốn nói với độc giả, rằng những nghệ sỹ chân chính, họ rất nghèo. Họ có thể sống bằng tấm lòng bảo trợ của những người hảo tâm nhưng các nhà bảo trợ đừng bao giờ dùng những đồng tiền bất chính để “trả công” cho nghệ thuật. Nghệ thuật không cần những thứ như thế.

Văn chương Mạc Can bình dân như đời ông vậy. Đó là thứ văn chương dành cho số đông con người. Nó đứng sang một bên, không chung hàng, chung lối với những thứ văn chương chỉ được chi chút về giọng điệu, về hình thức… Những tác phẩm của Mạc Can thể hiện rõ nét sự tôn trọng của người viết với người đọc. Nó là cuộc trò chuyện giữa người viết với độc giả, thông qua một trung gian, ấy là ngôn từ… Người ta khen văn Mạc Can đơn giản, dễ hiểu, dễ gần, không có những từ “đánh đố” người đọc, không có sự trau chuốt, rắc rối như lối hành văn của những “văn sỹ trẻ” đương đại.

Gọi các ký tự là... “bé chữ”

Mạc Can cho biết: “Trước khi viết, bao giờ tôi cũng có cuốn từ điển trước mặt, để mà tra nghĩa những từ mà tôi không hiểu, không biết. Tôi thường viết về đêm, nhưng không phải viết một mình. Tôi vừa viết, vừa trò chuyện với những con chữ của mình…”. Hỏi rõ ra mới hiểu, Mạc Can không gọi những ký tự ấy một cách “xách mé” là con chữ, cái chữ, hay từ ngữ, ngôn ngữ. Ông gọi chúng là các… bé chữ. Rồi, rất nhẹ nhàng, Mạc Can thổ lộ: “Mỗi một lần lúng túng trước việc dùng một “bé chữ” này, đặt ở đâu cho hợp, đặt nó đứng chỗ nào cho chính xác, ông phải nói lên thành lời: “Bé à, ta xin phép hôm nay chưa dùng đến bé, nên đặt tạm con ra đứng ở chỗ này. Dịp khác, lúc khác bác sẽ dùng các con nha…”. Với ngần ấy tác phẩm, Mạc Can chắc phải nhắc hàng vạn, hàng triệu lời xin lỗi chân thành, mộc mạc. “Thói quen” lạ lùng, khó hiểu ấy, trong làng văn, có lẽ chỉ mình Mạc Can mà thôi.

Đăng Văn - Hà Hưng