Mưu sinh nơi phố cổ Hội An

Mưu sinh nơi phố cổ Hội An

Thứ 3, 08/01/2013 | 08:40
0
Lần đầu tiên đặt chân vào phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), có lẽ điều khiến tôi ấn tượng nhất lại là hình ảnh những chiếc ghe nhỏ đang xuôi ngược trên sông Thu Bồn. Và nếu không tìm hiểu, hẳn mọi người nghĩ rằng đó là những ghe đang làm nghề bủa cá. Thực ra, đó ghe của những người bán hàng trên sông...

"Quanh năm buôn bán ở mom sông"

Dạo một vòng phố cổ Hội An rồi men theo dọc sông Thu Bồn uốn lượn, chúng tôi đã có dịp được "mục sở thị" "nhà nổi" của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thái (50 tuổi). Gọi là "nhà nổi" chứ thực chất đó là một chiếc ghe mà vợ chồng ông sử dụng để buôn bán. Ông Thái tâm sự: "Vợ chồng tôi buôn bán trên sông này cũng chòm chèm chục năm rồi. Chìm nổi trên sông, quanh năm sống cùng con nước lớn nước ròng, với vợ chồng tôi, chiếc ghe này giờ còn gắn bó hơn căn nhà cấp 4 mà hai  vợ chồng đang sở hữu ở trên cạn".

Lạ & Cười - Mưu sinh nơi phố cổ Hội An

Những tấm bưu thiếp mà du khách làm tặng vợ chồng ông Thái.

Theo lời kể của ông Thái, vợ chồng ông chuyên bán mỳ Quảng phục vụ du khách tham quan Hội An. Tối đến, vợ và hai đứa con nhỏ rời ghe về nhà ngủ, còn ông ở lại trông nom "nhà nổi" của mình. Ghe của vợ chồng ông Thái chỉ xếp được vài chiếc ghế nhựa và hai chiếc ghế gỗ, ước chừng chỉ đủ cho 8-10 khách. Ghe hàng của vợ chồng ông Thái  bán đủ món đặc sản của Quảng Nam là hoành thánh chiên giòn, món cao lầu và mỳ Quảng. Ông bảo với tôi rằng: "Vào Hội An mà không nếm thử một trong những món này thì chưa được gọi là biết về Hội An đâu".

Ngồi trên ghe, thưởng thức món mỳ Quảng do chính tay ông Thái làm, chúng tôi cũng có dịp được nghe ông chia sẻ về hoàn cảnh gia đình cũng như những phận người mưu sinh trên sông Thu Bồn. Ông Thái bộc bạch: "Cậu con trai mới sinh, chưa đầy 8 tháng. Cô con gái 7 tuổi rồi. Vợ chồng tôi sinh con muộn. Hàng ngày, bán hàng trên ghe, cả nhà quây quần, rau cháo có nhau. Tối đến, 3 mẹ con lại lên cạn, quay về nhà ngủ. Căn nhà cấp bốn lụp xụp thôi, cũng chẳng có đồ đạc gì đáng giá cả".

"Nhà nổi" đặc biệt của vợ chồng ông Thái là chiếc ghe đã cũ kỹ, che chắn tứ bề nhưng vẫn gọn gàng và dành một lối nhỏ để khách lên xuống. Ông Thái bảo rằng, ngày mùa đông, ế ẩm lắm nhưng cũng bán được vài chục tô mỳ. Nhưng, đó chính là thời gian để hai vợ chồng cùng nhau chăm con. Thời điểm đó, vợ chồng tôi thay nhau lên bờ, đua con đi thăm thú, dạy con đi xe đạp. Thú thực, sau những ngày dập dềnh theo con nước ngược xuôi, vợ chồng đưa con lên bờ, chúng tôi khá bỡ ngỡ.  Mình đã trót bỡ ngỡ rồi thì phải cố gắng chăm cho con không giống mình. Vì mục tiêu đó mà vợ chồng tôi vẫn thay nhau lên bờ với con thường xuyên.

Ngày trước, ông Thái sống bằng nghề chài lưới, nhưng sau mấy lần bị sóng đánh chìm thuyền ngay gần Cửa Đại thì hết vốn, không còn tiền để mua lưới nữa. Sẵn có nghề nấu nướng, vợ chồng ông Thái quyết định bám trụ dọc sông Thu Bồn mưu sinh bằng ghe hàng nhỏ. Ông Thái rầu rĩ nói, nhiều khách đến ăn cám cảnh trước vợ chồng già vẫn chăm con mọn nên có người không lấy lại tiền thừa, và mỗi lần trở lại Hội An họ đều đến với quán của vợ chồng ông. Họ đến ăn một phần vì hương vị đặc biệt của những món ăn tại quán, nhưng một phần cũng muốn chia sẻ, ủng hộ với đôi vợ chồng lam lũ, mến khách. Nói đến đây, ông Thái hồ hởi: "Nhiều du khách đến đây còn làm bưu thiếp cảm ơn dành tặng cho vợ chồng tôi đấy".

Không chỉ riêng vợ chồng ông Thái, dọc sông Thu Bồn có rất nhiều ghe neo đậu bán hàng ăn phục vụ khách du lịch. Ngay kế bên "nhà nổi" của ông Thái là ghe hàng của chị  Thó. Gia đình chị sống ở bên kia bờ sông Thu Bồn, vì cuộc sống bên ấy khó khăn nên anh chị mang theo hai đứa con nhỏ qua bên này sông bán hàng mưu sinh. Chị Thó cho biết, trước đây bố mẹ chị cũng là dân chài lưới. Bươn chải trên sông một thời gian thì sức khoẻ của bố ngày càng yếu, bố mẹ quyết định lên bờ. Tuy nhiên, vợ chồng chị vốn quen với sông nước, quen với sự dập dềnh của từng cơn sóng, vẫn còn trẻ nên quyết định quay lại với sông. "Có lẽ do tôi sinh ra ở trên sông nên có sự gắn bó đặc biệt với dòng sông này, biết sống trên sông nước là khổ nhưng ở riết rồi cũng quen, bây giờ mà xa sông thì nhớ lắm", chị Thó chia sẻ. Chiếc ghe là nơi trú ngụ của hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Chị Thó nói với chúng tôi rằng: "Trên bờ dù khó khăn cũng không cực như ở đây, sống với sông nước cực lắm. Chỉ tội, trên bờ không có nghề gì để kiếm sống nên đành bám trụ ở đây mà thôi"...

Lạ & Cười - Mưu sinh nơi phố cổ Hội An (Hình 2).

Những vị khách "Tây" ghé quán ông Thái uống nước, nghỉ chân.

Thân già đợi khách

Chúng tôi đến Hội An vào một ngày nắng. Đang đi dạo Phố cổ thì có đến bốn cụ già với chiếc nón lá trên tay ngồi dưới bến sông vẫy gọi: "Đi thuyền ngắm ngư dân quăng lưới các cô chú ơi, chụp hình đẹp lắm đấy!". Chúng tôi nghe thấy thế, bỗng dừng lại tò mò: "Giờ này đã 12h trưa mà vẫn có người dân đánh cá hả các bác?". Các cụ nói: "Có chứ sao không, quăng suốt ngày thôi, các chú đi xem chúng tôi chở đi, không xa lắm đâu", một cụ già đon đả chạy lại giới thiệu.

Chúng tôi bước lên thuyền của cụ trong khi các đồng nghiệp là những cụ già tóc cũng đã hai mùa mưa nắng tháo dây giúp. Gương mặt nhợt nhạt, cụ cho biết: "Các cô chú là lượt khách đầu tiên trong ngày mở hàng cho tôi đấy! Đã hai ngày nay ốm nên tôi phải nằm ở nhà, hôm nay khỏe một chút, ra đây chạy thuyền để kiếm thêm ít đồng mà lo miếng ăn cho hai thân già với hai đứa cháu".

Tìm hiểu về gia cảnh của cụ, chúng tôi được biết: Cụ tên là Nhàn ở Cẩm Kim, TP.Hội An. Nhà cụ có bốn người mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Theo cụ kể, đứa con trai đầu, trong một lần đi quăng lưới đã bị té, đuối nước. Đứa con thứ hai lớn khôn rồi lên đất liền sống, lấy vợ, sau đó gia đình lục đục, chán nản nó bỏ đi miền Nam để hai đứa con thơ dại cho thân già lo lắng.

Chiếc thuyền nhỏ ngày xưa là phương tiện đánh cá sinh nhai cho cả gia đình cụ, giờ được vay mượn tiền sửa sang lại để đón khách đi tham quan. "Chiếc thuyền này, tôi vay mượn tới 5 triệu đồng để sửa lại đẹp hơn, khách mới đi. Trước đó, nó cũ nát chẳng có khách nào muốn đi cả. Giờ cuộc sống hai thân già và hai đứa trẻ, mỗi ngày đều trông chờ vào tôi, ông nhà trước đi biển giờ già đau yếu nên nằm suốt. Tôi chỉ lo được miếng cơm cho hai đứa cháu thôi. Chúng không được đi học, chẳng biết bao giờ mới được đi học nữa...", cụ Nhàn nói, tay dụi đôi mắt đỏ hoe tự lúc nào.

Theo quan sát của chúng tôi, trên bến sông Thu Bồn có hơn hai mươi chiếc thuyền đợi đón khách. Gần nửa trong số chủ thuyền là các cụ bà tuổi đã ngả xế chiều, vì sức lực không còn đủ để ra khơi đánh bắt cá ngoài biển lớn nên quay về bến sông đợi khách, chở họ tham quan. Mỗi ngày, các cụ ra sông, đợi khách từ sớm 6h sáng đến 7h tối mới về. Cụ Nhàn tâm sự: "Các công ty du lịch hoạt động đưa đón khách nhiều, còn chúng tôi chỉ có một chiếc thuyền nhỏ nên chỉ biết trông chờ và khách lẻ là chính. Nếu may mắn thì mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn để lo được mấy lon gạo, con cá. Còn ngày nào ế thì chịu đói chứ sao. Những khi ngày rằm Phố cổ, chúng tôi lại kiếm thêm được ít tiền khi cho khách thuê chèo thuyền thả hoa đăng".

Trên đầu nguồn sông Thu Bồn vẫn có những thân già cặm cụi mưu sinh bất kỳ thời gian nào trong ngày và công việc cũng khác biệt - đó là quăng lưới, không phải để bắt cá mà tạo khung cảnh đẹp cho khách du lịch chụp hình. Ít nhất các cụ cũng đã có kinh nghiệm 10 năm làm công việc này rồi đấy. Theo chia sẻ của cụ Nhàn, mỗi ngày may mắn có khách thì quăng khoảng 10 lượt, khách du lịch chụp ảnh thấy đẹp thì cho mấy chục ngàn đồng, các cụ chia nhau. Còn ngày mưa dầm, ế khách hoặc họ đi luôn thì ngày đó không có tiền để mua mấy kg gạo về nhà. Quanh năm sống đều nhờ cả vào dòng sông, cực lắm, chúng tôi chỉ mong ước có ruộng đất để trồng cây mà sinh sống thôi, cụ Nhàn nói.

Mỗi ngày vài chuyến đò ngang, khách dần ít đi vì cầu mới đã được xây lên, điều đó cũng đồng nghĩa với nguồn mưu sinh của cụ Nhàn ngày một ít đi và cuộc sống càng thêm phần khó khăn. Mỗi buổi chiều, sau khi chuyến đò cuối cùng cập bến, cụ bà ấy lại lúi húi trên chiếc thuyền bé nhỏ. Cụ dọn dẹp, lên bờ đi mua đồ cho chồng, cháu rồi đêm đêm làm bạn với tiếng vỗ ì oạp của sóng, mùi tanh nồng của bùn sông Thu Bồn.                   

Phương Thu

Tục ăn bốc, đi chân đất của bộ tộc dưới chân đèo Prenn

Chủ nhật, 30/12/2012 | 10:57
Cả gia đình đi chân đất, quây quần bên những thó cơm nhỏ trong tình trạng không đũa, không bát, không mâm, họ chẳng cần rửa tay mà vẫn bốc cơm ăn ngon lành!

Quán lạ, món mới ăn tết Tây

Thứ 7, 29/12/2012 | 15:29
Không gian thoải mái, dịch vụ mới lạ, những bữa ăn ngon… là lựa chọn thích hợp cho không khí gia đình sum họp trong dịp tết Tây.

Tục để ngực trần giữa đại ngàn Tây Nguyên

Thứ 2, 07/01/2013 | 14:07
Có lẽ nhiều người sẽ giật mình đến nóng mắt khi ngỡ ngàng bắt gặp những bầu ngực không che đậy giữa đại ngàn. Nhưng đối với người dân Tây Nguyên, đó là vẻ đẹp không theo một quy chuẩn nào, mà nó hồn nhiên như cây cỏ, trong sáng lạ kỳ.

Phong cảnh 'kiểu Tây' chụp được ở Việt Nam

Thứ 2, 07/01/2013 | 11:05
Trên khắp Việt Nam, thi thoảng ta bắt gặp nhưng cảnh sắc như ở nơi xa lắm, không giống những hình ảnh quen thuộc ta thường thấy. Bạn biết là những nơi nào không?