Gia cầm nhập lậu 'tung hoành' khắp chợ đầu mối

Gia cầm nhập lậu 'tung hoành' khắp chợ đầu mối

Thứ 7, 06/07/2013 | 09:08
0
Sau nhiều biện pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình hình nhập lậu gia cầm vào Thủ đô Hà Nội, các lực lượng chức năng hiện vẫn rất đau đầu với bài toán kiểm soát nguồn thực phẩm này.

Gia cầm nhập lậu vẫn còn ... "đất diễn"

Phóng viên Nguoiduatin.vn có mặt tại chợ Hải Bối (chợ đầu mối gia cầm tại Đông Anh) vào 4h30 sáng và nhận thấy không khí mua - bán gia cầm không nguồn gốc vẫn nhộn nhịp như thường. Vẫn là những chiếc xe chở gia cầm tới, lui mà gần như không có sự kiểm soát của các chốt đặt ngay cổng.

Những chủ buôn gà lẫn tiểu thương vẫn vô tư trao đổi, mua bán mà không có lấy một phương tiện bảo hộ tối thiểu. So với hai tháng trước đây, khi cả nước phải đối mặt với dịch cúm cả ở trong và ngoài nước thì tình hình hiện giờ cũng không có gì khác trước.

Xã hội - Gia cầm nhập lậu 'tung hoành' khắp chợ đầu mối

Rất khó để xác định gà nội địa và gà nhập lậu tại các chợ đầu mối gia cầm (hình ảnh tại chợ Hà Vĩ)

Một chủ hàng tên H. cho biết: "Tất cả hàng, chúng tôi nhập về đều là từ các trang trại ở Bắc Giang hoặc các tỉnh lân cận nên rất đảm bảo về chất lượng".

Ông H. nói tiếp: "Trước kia dịch cúm xảy ra, chúng tôi vẫn đổ mối cho các tiểu thương lấy hàng vào bán trong nội đô. Trong suốt thời gian đó, không thấy trường hợp nào bị mắc cúm cả. Vì vậy, anh cứ yên tâm mà lấy hàng, chúng tôi đảm bảo về chất lượng, trước còn không sao nói gì đến bây giờ".

Giá gia cầm bán tại chợ này cũng không biến động nhiều so với cách đây hai tháng. Giá trung bình chỉ dao động từ 50.000 đồng cho tới 60.000 đồng/kg với những gà thông thường.

Trong khi đó, tình hình kiểm soát gia cầm tại chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín) có vẻ được thắt chặt hơn khi mà tất cả các xe chở gia cầm ra, vào chợ đều phải xuất trình giấy tờ cho các chốt kiểm dịch trước cổng chợ.

Thậm chí, việc mua bán cũng được thắt chặt hơn nhiều, đến nỗi chị Th. một tiểu thương chuyên nhập gia cầm ở chợ Hà Vĩ cũng phải than thở: "Trước đây, tôi vẫn thường xuyên đến chợ lấy hàng và công việc khá thuận lợi. Thường thì tôi lấy hàng vào ban ngày và không vướng nhiều các thủ tục. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mọi việc có vẻ khó khăn hơn khi cả người bán và người mua đều phải đăng ký việc ra vào chợ.

Hiện nay để tiện hơn trong việc mua bán, tôi thường xuyên phải lấy hàng vào ban đêm. Vì vào khoảng thời gian đó, việc kiểm soát có vẻ đỡ gắt gao hơn ban ngày".

Tuy nhiên, theo như tìm hiểu của PV, gia cầm bán tại chợ này không phải hoàn toàn là gia cầm "sạch". Bởi lẽ, giá gia cầm ở đây thậm chí còn rẻ hơn nhiều so với giá bán tại chợ Hải Bối. Có loại gà như gà Tam Hoàng chỉ bán với giá 45.000 đồng/kg. Với giá cả như vậy, thật khó mà tin rằng những loại gia cầm này được nuôi ở những trang trại uy tín và được đảm bảo về chất lượng như lời các tiểu thương quảng cáo.

Vẫn khó kiểm soát

Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Như Mai (Phó giám đốc sở Công Thương Hà Nội, Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) trong hội nghị sơ kết 6 tháng về ngăn chặn gia cầm lậu không rõ nguồn gốc, mới diễn ra cuối tháng 6 vừa qua.

Theo bà Mai, hình thức chủ yếu được các đầu nậu gia cầm sử dụng để lách luật, qua mặt các cơ quan kiểm dịch là trà trộn giữa gà lậu với gà nội địa và quay vòng giấy kiểm dịch để vận chuyển gà vào thành phố một cách hợp pháp, hoặc là giết mổ gà trước khi đưa vào tiêu thụ khiến cho lực lượng kiểm tra gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc.

Thực tế việc kiểm tra, giám sát tại các chợ đầu mối gia cầm ở Hà Nội không giống nhau. Như phản ánh ở trên, tình hình kiểm tra ở chợ đầu mối Hải Bối có phần lỏng lẻo hơn so với tại chợ Hà Vĩ. Cho nên, nhiều tiểu thương để "né" những thủ tục, sẵn sàng chuyển mối sang nhập gia cầm tại chợ Hải Bối. Việc luân chuyển nguồn hàng như vậy không phải là hiếm và bây giờ mới diễn ra.

Theo những câu chuyện mà chúng tôi biết được thì các tiểu thương nhập hàng đều không nhất thiết phải theo một mối nhất định. Hàng ngày họ sẽ khảo giá cả và chất lượng gia cầm tại các chợ khác nhau để nắm tình hình. Nếu giá cả chênh lệch nhiều, họ sẽ nhập hàng thành nhiều đợt và ở nhiều chợ khác nhau. Làm như vậy vừa giữ được mối hàng truyền thống và cũng như tạo ra những mối hàng mới. Chính vì vậy mà việc kiểm soát càng trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, các chủ hàng còn rất nhiều "chiêu" khác để "qua mặt" lực lượng chức năng như xé lẻ nguồn hàng hay làm các trạm trung chuyển gia cầm tại gia. Bằng cách như vậy gia cầm vừa được hợp thức hóa, vừa được đảm bảo chất lượng là gà nội địa.

Trong tình hình kiểm soát gia cầm tại các cửa khẩu biên giới vẫn diễn ra phức tạp và gà từ Trung Quốc vẫn được tuồn vào Việt Nam bằng nhiều hình thức thì việc kiểm soát nguồn hàng ngay từ các cửa khẩu là mục tiêu quan trọng. Hơn nữa hiện nay, tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến cho công tác kiểm tra, kiểm soát thêm phần phức tạp.

Mới đây nhất, ngày 28/6 lãnh đạo bệnh viện 121 (Cần Thơ) đã xác nhận một bệnh nhân tên Thanh (quê ở Hậu Giang) đã tử vong do nhiễm vi rút cúm H5N1. Trong khi đó Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Thanh Dân cũng xác nhận, trên địa bàn tỉnh có ba trường hợp bị nhiễm loại vi rút này và ba người này hiện đang được điều trị tại TP. Hồ Chí Minh. Với diễn biến phức tạp của việc nhập lậu gia cầm như hiện nay, thật khó có thể xác định hậu quả nếu dịch cúm bùng phát trở lại.

Phạm Thiệu

Xử lý dứt điểm tồn tại ở chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc

Thứ 5, 27/06/2013 | 13:46
Phó chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo huyện Thường Tín và các cơ quan liên quan quản lý tốt việc kinh doanh, buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vỹ, đảm bảo an toàn môi trường, giảm lây nhiễm dịch cúm.

Gia cầm nhập lậu lách lệnh cấm, 'tung tăng' giữa phố

Thứ 3, 23/04/2013 | 14:17
Trong khi các cơ quan chức năng đang sử dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng gà nhập lậu có khả năng nhiễm vi -rút H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn có một lượng lớn gia cầm ngang nhiên tuồn sâu vào trong nội địa.

Nhập lậu gia cầm: Coi nhẹ mạng sống bản thân

Thứ 2, 15/04/2013 | 09:15
Trước nguy cơ xâm nhập của virus H7N9 vào nước ta, điều cần thiết lúc này là ngoài việc kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì những người vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc cũng cần cảnh tỉnh để không làm hại bản thân mình và đồng loại do có thể bị nhiễm virus này từ gia cầm.