Ngày nóng

Ngày nóng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Trót sinh một nơi, sống một nơi nên cứ nhớ nhớ thương thương đôi ba thứ người khác có thể cho là dớ dẩn.

Và rồi theo dòng ký ức đưa ta về mảnh đất ấy, khi mặt trời uể oải ngáp vặt liên tục sau một ngày quạt lửa cật lực, có thể ngửi thấy rất rõ mùi mồ hôi chua nồng của Phố trong cái nóng sỗ sàng của tháng sáu. Cảm giác ngột ngạt phía sau những chiếc cúc áo như chực bung ra

Đã xế chiều mà các thiếu nữ Hà thành vẫn còn lận kỹ nụ cười hồi môn phía sau lớp khẩu trang dày. Hình như nàng sợ cái nắng thô thiển kia sẽ chẳng ngượng ngùng mà giật phắt chút vốn liếng ít ỏi đó ra khỏi tay nàng. Sách vở nghỉ hè nên đường phố gần như chẳng còn thấy bóng xe đạp. Thế mà phố xá vẫn đặc quánh như mật ong rừng nguyên chất, nắng chiều sóng sánh như ánh mắt của những gã đàn ông trong buổi hò hẹn với bia trên vỉa hè.

Những cửa hiệu lộng lẫy vắng tanh, chẳng khác gì người đàn bà nạ dòng thích phô trương, ơn trời thân hình đã săn chắc hơn nhờ những buổi tập thẩm mỹ miệt mài theo giáo trình nước ngoài để giữ chồng. Ba ngấn cổ và đôi vành tai mỹ miều sực nức mùi thơm đồ hiệu nhưng hình như duyên đã hết nên chẳng thể nào nhen lại được ngọn lửa tình trong mắt ông chồng hào hoa người gốc phố vốn kén chọn mùi hương phấn thanh tao.

Xã hội - Ngày nóng

Đến giờ cơm chiều, các bà nội trợ dù cương quyết chốt giữ con đường đến trái tim của ông chồng ham chơi bằng nhiều món ngon khó cưỡng nhưng vẫn lờ phắt các món quay rán vì dễ ngán và khó ăn. Thế là nghĩ ngay đến việc mua tôm cá tươi từ sáng.

Ở Mỹ, muốn ăn tôm cá tươi nhiều khi là điệp vụ bất khả thi vì chợ giời, nơi duy nhất thỉnh thoảng có bán tôm cá tươi thường ở khá xa và khái niệm chợ cóc chợ tạm hình như không có trong từ điển. Chạy xe trên những con đường đông đúc, đôi khi bắt gặp vài chiếc xe tải mui trần bày hàng bên lề đường.

Hàng bán tùy theo mùa. Mùa đông có lạc luộc, hạt dẻ nướng, mùa hè có dâu tây, cam, cà chua, phong lan, và hay gặp nhất là dưa hấu. Các dịp lễ như ngày Tình nhân, ngày của Mẹ thường có thêm vài chiếc xe bán hoa tươi.

Anh chàng da đen ngồi vắt vẻo đọc tạp chí People trong chiếc ghế xếp sặc sỡ, bên cạnh là một hai chiếc xô đựng những bó hoa trong giấy bóng kính. Cứ 7 đến 10 USD một bó, tha hồ nâng lên đặt xuống săm soi. Không mua cũng chẳng sao, người bán cũng chẳng thèm chào mời chèo kéo khách, nhưng cứ đúng giá mà trả tiền.

Muốn đi chợ mua thức ăn chỉ có một cách duy nhất là vào siêu thị. Mặc dù biết thừa siêu thị chỉ có thịt cá đã sơ chế sẵn, đóng gói trong khay bọc nylon bên ngoài hoặc trong bao bì đông đá nhưng còn lựa chọn nào khác đâu.

Ngoài những sạp rau quả tươi non mỡ màng vì được xịt sáp bảo quản, đồ biển còn ngọ nguậy thường chỉ là những con tôm hùm bị buộc càng, khệnh khạng bò trong bể kính nhỏ cạnh quầy hải sản. Quá hiểu rõ tâm lý khách hàng nên siêu thị thường tiểu xảo làm rã đông cá tôm đông lạnh rồi bày trên đá lạnh cho giống đồ tươi. Thoạt nhìn chẳng phân biệt được nhưng nhìn kỹ biển giá mới thấy dòng chữ nhỏ "Previously frozen".

Các khu siêu thị sầm uất của người Tàu nhiều rau quả tươi hơn và giá cũng mềm hơn một chút, nhưng đồ biển quanh đi quẩn lại cũng chỉ một là tôm hùm hai là cá rô phi thịt nhạt hoét, mỗi con cỡ 8 lạng trở lên đang lờ đờ bơi trong bể. Mình có một đứa bạn người Mỹ, hai vợ chồng mua nhà mới 2 năm chưa khai trương bếp nấu, vì toàn ăn đồ đông lạnh nấu sẵn. Lúc nào muốn ăn cho vào microwave quay quay là xong.

Về Hà Nội thấy ngay sự khác. Thích ăn đồ tươi cứ việc ra chợ. Sáng sớm theo mẹ đi chợ, nhìn cá tung tăng bơi trong chậu, tôm nhảy tanh tách trên sàng, thùng đậu phụ còn bốc hơi khói mà thấy gần hai ngàn đô tiền vé cộng với 28giờ lơ lửng trên mây và vật vờ ở 3,4 sân bay cũng chẳng đến nỗi phí của giời.

Trót sinh một nơi, sống một nơi nên cứ nhớ nhớ thương thương đôi ba thứ người khác có thể cho là dớ dẩn. Chợ gần nhà mình, đa số các bà các cô đều thích mua hàng quen nên người bán hàng nắm rất rõ sở thích cũng như yêu cầu riêng của từng khách.

Sáng sớm đã oi thế này hôm nay chắc sẽ nóng lắm đây. Có khi mua con cá quả về nấu canh giấm ăn cho trôi cơm nhỉ. Hay đấy. Thế là tạt vào thăm chị hàng cá có khuôn mặt còn mặn mà như nước mắm cốt, hai bàn tay bợt bạt vì dầm nước lâu ngày. Vừa muốn kiêu, kiểu hàng em ngon nhất chợ vừa quyết không để khách ngúng nguẩy bỏ đi, chị hàng cá nhanh nhẹn lùa tay vào chậu vớt ra một con mình lẳn nhất, giơ lên đón ý khi khách còn đang phân vân. Kiên nhẫn chờ một cái gật đầu ưng ý rồi mới cân lên, mổ ruột cắt vây ngay tại chỗ.

Mặc dù biết thừa ai cũng được chị chàng áp dụng tiểu xảo này, nhưng sáng sớm mát mẻ ra chợ được chiều chuộng phục vụ tận tình như thế ai mà chẳng thích.

Hồng Thủy