Nghề rong ruổi cùng... người lạ trong ngày Tết

Nghề rong ruổi cùng... người lạ trong ngày Tết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Không phải là bác sỹ, bộ đội hay công an... nhưng họ cũng không được hưởng trọn niềm vui của ba ngày Tết thiêng liêng cùng người thân.

Trong lúc mọi người đang quây quần sum họp bên mâm cơm năm mới thì họ vẫn phải bôn ba tất tả trên dặm dài, giữa những người xa lạ đến từ "bốn bể năm châu". Họ là những người làm hướng dẫn viên du lịch, lái xe theo tour.

Ăn Tết trên những cung đường

Theo thống kê của các đơn vị lữ hành, vào mỗi dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, lượng khách trong nước và quốc tế thường tăng từ 30% đến 40% so với bình thường. Những địa điểm quen thuộc cho du khách nước ngoài là những khu vực có các sản phẩm du lịch có sự đa dạng về cảnh quan gắn liền với các hoạt động văn hóa. Đồng nghĩa với nó là các hướng dẫn viên du lịch cũng phải "chu du" cùng "thượng đế" ở xứ lạ.

Lê Duy Hiếu, nhân viên công ty du lịch Red tour cho biết: "Trong những năm gần đây, Tết là một trong những thời kỳ cao điểm về dịch vụ du lịch. Các đơn vị lữ hành lớn và uy tín đều phải lên kế hoạch giữ chân hướng dẫn viên, đặt dịch vụ từ trước cũng như đàm phán với các đối tác vận chuyển, khách sạn, nhà hàng để có mức giá tốt nhất nhưng vẫn phải đảm bảo được chất lượng cam kết với khách hàng. Những năm gần đây, khách hàng sử dụng dịch vụ du lịch Tết không chỉ là khách nước ngoài mà các gia đình có điều kiện ở Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiền đăng ký tour du lịch cho cả gia đình ngày Tết".

Xã hội - Nghề rong ruổi cùng... người lạ trong ngày Tết

Du khách nước ngoài đến Việt Nam dịp Tết

Theo chia sẻ của những người quản lý tour thì như một thông lệ, vào những ngày cuối năm âm lịch và đặc biệt vào những ngày đầu năm mới, các công ty lữ hành thường trả phí hướng dẫn cao hơn ngày thường. Công ty giàu mạnh thì trả gấp đôi, bình bình cũng cộng thêm trăm ngàn đồng một ngày gọi là "quan tâm" đến hướng dẫn viên làm việc trong ngày "lễ trọng" của năm. Phần lớn hướng dẫn viên đều muốn được ở nhà ăn Tết với gia đình, nhưng khi có tour, những ai được phân công đều sẵn sàng nhận tour bởi sự gắn bó và trách nhiệm với công việc và công ty.

Lê Duy Hiếu chia sẻ: "Việc dẫn tour ngày Tết ở Việt Nam có rất nhiều khó khăn so với dẫn tour vào dịp Tết ở nước ngoài. Tết dương lịch nếu đi tour nước ngoài như Thái Lan, Hồng Kông, Singapore hay những tour xa như châu Âu, Mỹ... du khách sẽ được chứng kiến không khí đón tết tràn ngập khắp nơi, từ đường phố cho đến các siêu thị, trung tâm mua sắm, cộng thêm rất nhiều lễ hội, diễu hành trên đường phố thu hút rất đông người tham dự. Trong khi đó ở Việt Nam, Tết đồng nghĩa với việc quán xá, khách sạn, khu vực vui chơi, mua sắm đóng cửa nghỉ Tết. Chính vì thế dẫn tour ngày Tết ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc tìm chỗ ăn nghỉ cho khách".

Chị Nguyễn Quỳnh Trang, hướng dẫn viên một công ty du lịch có trụ sở ở Đê La Thành, Hà Nội tâm sự: "Khách nước ngoài đến du lịch Việt Nam vào dịp Tết chủ yếu họ muốn hiểu về văn hóa người Việt Nam. Tuy nhiên điều này lại cực kỳ khó thực hiện vào dịp Tết. Bởi các gia đình người Việt coi trọng sự sum vầy, tính thân mật của dòng tộc. Họ cũng không thích sự xuất hiện của người lạ trong nhà vào sáng mùng một. Các hàng quán thì đóng cửa, khách du lịch muốn ăn tô phở hay các món ăn để tận hưởng được hương vị Việt Nam cũng là một điều khó khăn".

Cùng với những hướng dẫn viên, những người lái xe cho các tour du lịch trong nước cũng thường phải chịu cảnh ăn tết xa nhà. Anh Nguyễn Tiến Hoàng, lái xe của một hãng du lịch tại Hà Nội chia sẻ: "Nếu năm nay mà tiếp tục phải lái xe đi tour ngày Tết thì đã là năm thứ 6 tôi không biết hương vị ngày tết bên người thân. Tôi vẫn còn nhớ như in đêm giao thừa lần đầu tiên phải ăn tết trên những cung đường cùng khách du lịch Hàn Quốc. Lúc mọi người rộn ràng chờ đợi giây phút thiêng liêng tiễn năm cũ đón năm mới bên mâm lễ cúng đất trời, đón ông vải về ăn Tết thì cả đoàn đang di chuyển vào Huế. Lúc đó nghe điện thoại của vợ hỏi thăm, nhắc nhở lái xe an toàn, tôi đã khóc vì nhớ nhà. Sáng mùng một, khách và hướng dẫn viên đi tham quan, còn lái xe chỉ biết làm bạn với màn hình tivi hoặc nghe đài để cảm nhận hương vị Tết trên mọi miền Tổ quốc".

Tình người trong ngày Tết

Có lẽ cảnh cô đơn giữa lúc đất trời giao thoa là điều không tránh khỏi với bất cứ ai đón Tết xa nhà. Nhưng theo các hướng dẫn viên và các tài xế chạy theo tour thì họ sợ nhất là du khách bất ngờ gặp tai nạn hay ốm đau trong chuyến đi.

Quỳnh Trang kể lại: "Vào dịp Tết Canh dần, công ty tôi có tổ chức một tour cho du khách Pháp thăm quan du lịch ở đảo Cát Bà, Hải Phòng. Cả đoàn tổ chức đón giao thừa trong sâm banh và tiệc buffet. Cuộc vui vẫn chưa tàn thì bất ngờ có du khách bị đau vật vã. Ngay lúc đó chúng tôi phải đưa du khách đi cấp cứu. Đón xe taxi cũng khó nên chúng tôi phải dùng chính xe chở du khách đưa bệnh nhân đi viện. Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nhưng may mắn là được cấp cứu kịp thời. Giao thừa năm đó tôi phải đón xuân sang trong bệnh viện cùng du khách".

Tưng bừng đón giao thừa cùng "thượng đế" hay chào xuân trong bệnh viện thì đến sáng mùng một, họ vẫn phải đeo thẻ hướng dẫn viên tiếp tục lên đường. Hai bên đường vắng vẻ, điểm tham quan cũng buồn hiu. Có một điều khách du lịch nước ngoài rất muốn được trải nghiệm mà hướng dẫn viên khó lòng thực hiện được, đó là xin người dân cho khách vào thăm nhà trong ngày Tết.

Phong tục tập quán người Việt mình không có "mục" tiếp "khách giữa trời" như thế vào ngày mùng một, nhất là rơi đúng vào trường hợp "xông đất" đầu năm. Trong khi đó, hướng dẫn viên cũng ngại xông đất bất đắc dĩ nhà người lạ, lại sợ bị chủ nhà lắc đầu, vẫy tay xua đuổi thì coi như xui xẻo... cả năm. Nhưng nếu bản thân lắc đầu trước yêu cầu của "thượng đế" thì lo "thượng đế" không vui hoặc có suy nghĩ không tốt về lòng hiếu khách của dân mình. Những hướng dẫn viên luôn mong muốn ngành du lịch sẽ tổ chức thêm "điểm" thăm gia đình Việt Nam ăn Tết trong chương trình. Đó là điều mà nhiều du khách nước ngoài muốn được trải nghiệm.

Mặc dù gặp phải không ít khó khăn khi dẫn tour ngày Tết, nhưng giữa không khí thiêng liêng của một năm, những hướng dẫn viên du lịch cũng có nhiều kỷ niệm khó quên với "thượng đế". Hiếu tâm sự: "Một lần dẫn tour Bắc Kinh - Thượng Hải vào dịp Tết cho một đoàn Việt Nam, tôi đặc biệt chú ý đến hai mẹ con tham gia tour. Cô con gái làm việc ở một tổ chức phi chính phủ và bận tối ngày, Tết năm đó, tranh thủ nghỉ phép, cô đã đưa mẹ đi chơi Trung Quốc. Qua nhiều lần nói chuyện và tiếp xúc, tôi được biết người mẹ mắc một căn bệnh nan y. Bà không còn nhiều thời gian nữa nên chuyến đi có thể coi là thỏa ước nguyện cuối. Khi nghe được câu chuyện của người con gái, suốt chuyến đi tôi luôn lưu ý đến sức khỏe của bà. Nhưng bà lại là người không hề kêu mệt mỏi suốt hành trình. Lạ thay, sau chuyến đi bà còn khỏe hẳn lên, da dẻ hồng hào và gương mặt rạng rỡ.

Hướng dẫn viên du lịch là nghề mang lại niềm vui cho người khác và chính những hành khách như trên cũng làm cho mình tin tưởng và gắn bó với nghề hơn. Những câu chuyện của hai mẹ con làm mình không còn cảm giác cô đơn, lạnh lẽo khi đón Tết ở xứ người".

Hiếu chia sẻ: "Thực sự đến giờ tôi cũng chẳng nhớ được là mình đã có bao nhiêu cái Tết không sum họp cùng gia đình vì công việc. Những năm đầu cả nhà cũng hay nói là làm cả năm chứ mấy ngày Tết còn làm ăn gì nữa nhưng dần dần mọi người đều hiểu về tính chất đặc thù công việc nên tôi nhận được sự cảm thông và chia sẻ nhiều của người thân. Những cuộc điện thoại với những lời chúc giản dị nhưng đầy sự quan tâm làm ấm lòng chúng tôi hơn trong ngày Tết".

Đỗ Thơm