Nghệ thuật thẩm âm độc nhất trong giới nghệ sỹ Hà thành

Nghệ thuật thẩm âm độc nhất trong giới nghệ sỹ Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Nghệ sỹ Tiến Đạt nổi tiếng với những vai diễn phản diện trên màn ảnh nhưng có một thú vui khác, làm anh nổi tiếng không kém, đó là nghệ thuật thẩm âm thanh.

"Chơi" âm thanh phải "tỉnh"

Cụ thân sinh ra Tiến Đạt chẳng phải ai xa lạ mà chính là nghệ nhân Tiến Thành, gắn với nghề may nổi tiếng những thập niên 40 - 50 của thế kỷ trước. Năm 1995, Tiến Đạt mới bắt đầu nhận sự truyền dạy nghề may từ thân sinh... Có nghĩa là nghề gia truyền của gia đình, nghề đang làm chẳng liên quan gì tới cái thú thẩm âm thanh của Tiến Đạt. Thế nhưng, Tiến Đạt lại được giới nghệ sỹ Hà thành tôn vinh là nghệ sỹ sành điệu nhất, có nghệ thuật thẩm âm độc nhất.

Xã hội - Nghệ thuật thẩm âm độc nhất trong giới nghệ sỹ Hà thành

NSƯT Tiến Đạt và vợ.

Thực ra, cái nghiệp thẩm âm cũng mang lại cho cuộc sống của gia đình Tiến Đạt nhiều thứ. Có thêm thu nhập, có niềm vui để làm nhiều việc khác. Tiến Đạt kể, lúc đầu, thú thẩm âm "ngốn" của anh khá nhiều tiền bạc và thời gian. Nhưng vì đã đam mê nên không thể bỏ. Anh quan niệm thú chơi này không chấp nhận những tâm hồn cằn cỗi, một khi đã bật âm thanh lên đồng nghĩa với việc mang niềm vui đến cho cả gia đình. Vì suy nghĩ đó mà Tiến Đạt trở thành tay chơi âm thanh cừ khôi trong giới nghệ sỹ.

Tiếp xúc với Tiến Đạt, chúng tôi thấy anh là một tay chơi âm thanh khá "tỉnh". Tiến Đạt cười mà rằng, nhận xét đó cũ rồi, bây giờ người ta thêm cho tôi từ tinh quái nữa. Tiến Đạt phân tích, muốn "chơi" âm thanh "tỉnh", cần phải có khả năng kiềm chế ham muốn ích kỷ của bản thân, giữ sự cân bằng cho tâm hồn, cho cuộc sống.

Nghệ sỹ Tiến Đạt phân tích, muốn thẩm âm chuẩn, tốt thì dàn âm cũng phải chuẩn. Dàn âm chuẩn thì rất đắt tiền. Trước đây, mua được catset Nhật bãi đã tốt lắm rồi, giờ thì người ta dùng dàn âm thanh "xịn" của Mỹ. Tiến Đạt bắt đầu chơi âm thanh từ năm 1982. Đó là thời kỳ cả đất nước còn đang khó khăn và gia đình anh cũng không phải ngoại lệ. Do kinh tế không dư dả nên anh chơi rón rén bằng cách mua dần từng bộ phận, từng chi tiết.

Khởi nghiệp thẩm âm bằng một cái đầu CD Akai 46D và đắp chiếu để đấy. 4 tháng sau anh tậu thêm bộ amply TK- 140X, sau cùng mới là bộ loa AR4. Khi dàn âm thanh đã đủ, công việc thẩm âm được bắt đầu. Mọi thứ đều bắt nguồn nghệ thuật. Anh thường nói vui với mọi người: "Tôi không phải là người nóng vội đến mức bán cả bộ salon đang ngồi, chấp nhận ngồi đất và cho rằng đó là cách ngồi thú vị của Nhật Bản để mua dàn âm thanh. Tôi nghe âm thanh xong, tôi thấy mình tỉnh táo chứ không mê muội".

Xã hội - Nghệ thuật thẩm âm độc nhất trong giới nghệ sỹ Hà thành (Hình 2).

Làm quen với âm thanh từ nhỏ

Thời thơ ấu, khi đó gia đình NSƯT Tiến Đạt ở 48 Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh đã quen với âm thanh của các buổi khiêu vũ vào các chiều thứ 7 hàng tuần. Nhà anh là điểm đến của bạn bè hai cụ thân sinh có cùng sở thích khiêu vũ. Đấy là thời hưng thịnh của loại đĩa than 78 (78 vòng/phút - PV), anh có nhiệm vụ là người thay kim cho đĩa. Từ đài đĩa đó, đã phát ra những âm thanh mê hoặc của những nhạc phẩm nổi tiếng dành cho điệu nhảy van, tango, cha cha cha... và nó ngấm vào anh lúc nào chẳng biết.

Anh kể: "Cha tôi và bạn của ông đã giảng giải cho tôi nghe về âm thanh, về nhạc lý. Cứ vừa nghe, vừa học, nó ngấm dần từ vào tâm hồn tôi". Cho đến một ngày, anh đam mê âm thanh đó đến quặn thắt, thiếu nó, anh thấy nhớ như con nghiện thèm thuốc vậy. Nhìn anh nâng niu từng bộ loa camac 3.2 đến amply belcanto e.One, bộ đĩa than VPI aries spasmới thấy hết nghệ thuật thẩm âm của anh công phu đến mức nào. Bận rộn hay thư thả, anh đều tìm mọi cách có thể để nghe nhạc. Thực sự rảnh rỗi, Tiến Đạt mày mò lên mạng, tìm những người cùng sở thích để trao đổi thông tin cũng như cách phối ghép thế nào cho âm thanh hay và hiệu quả.

Anh tâm sự: "Phối ghép không theo một chuẩn mực nào mà người chơi trực tiếp tham gia sáng tạo phối ghép để cho ra sản phẩm cuối cùng thì mới là nghệ thuật và thứ âm thanh mang thương hiệu của chính mình. Đó mới là cái thú, cái nghệ thuật riêng biệt mà không thể giống ai.". Theo dõi cách Tiến Đạt thẩm âm, người ta thấy, anh không thiên theo chủ nghĩa nghe nhìn hay chơi âm thanh mang tính sưu tập như lớp trẻ bây giờ mà với anh quan trọng là sản phẩm mình dùng cho ra âm thanh thế nào.

Anh say sưa kể về kho báu của mình với hình dáng, đặc tính vô cùng sinh động. Từ bộ loa có dáng hình cục mịch nhưng cho ra sản phẩm âm thanh vô cùng tuyệt vời cho ra đời những đĩa than có giá tương đối cao, khoảng 150 USD - 200 USD/đĩa. Và như vậy, nó đòi hỏi người thẩm âm sự khó tính, cầu kỳ. Tiến Đạt vẫn yêu cái thú chơi đó vô cùng. Vì với Tiến Đạt, âm thanh không chỉ mang niềm vui mà còn đem đến lợi ích kinh tế, góp phần làm tâm hồn người đàn ông tươi mới.

Hạnh phúc với cô "lớp trưởng gương mẫu"

Nói về người bạn đời của mình giọng anh đầy hứng khởi pha chút xúc động rưng rưng. Anh chị vốn là bạn học cùng lớp diễn viên trường Sân khấu Việt Nam khóa 68 - 71. Vợ anh là lớp trưởng kịch nói. Anh nuôi dưỡng và phát triển thú thẩm âm cũng từ người thầy. Chu Ngọc - người trực tiếp giảng dậy môn tâm lý biểu diễn. Thầy có phương pháp giảng dạy độc đáo, không diễn mẫu mà chỉ tập trung vào phân tích tâm lý nhận vật để sinh viên tự bật ra hành động, khả năng biểu đạt cảm xúc từ âm thanh. Chị cũng cảm thụ âm thanh rất tốt, nhạc sân khẩu nổi lên là diễn như lên đồng. Và, chỉ dừng lại ở đó chứ không đam mê như anh. Tiến Đạt nói: "Cái thú của mình, được vợ ủng hộ thì gì bằng...".

Anh kể thêm: Khóa học ở trường Sân khấu ngày ấy, nhiều nam thanh ấn tượng về chị - một lớp trưởng rất gương mẫu, chịu khó, cầu toàn và có phần hơi "bôn". Song, anh là người may mắn có được chị trong cuộc sống thường ngày của mình.

Ngày ra trường, anh chị được phân về công tác tại Quảng Ninh và cũng và tại đây tình yêu giữa họ nảy nở. Cùng là dân gốc Hà Nội lại chung hoàn cảnh xa nhà nên những đùm bọc, giúp đỡ nhau thời ấy đã bước đầu dệt nên mối lương duyên giản dị mà chân thành của anh chị. Thời bấy giờ cả đất nước chìm trong khó khăn nhưng cuộc sống của một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như chị cũng chưa bao giờ gặp phải cảnh vất vả xách từng xô nước từ dưới chân đồi lên lưng đồi để tắm. Dần dà từ những sự giúp đỡ rất giản dị mà thiết thực ấy của anh khiến hai người xích lại gần nhau hơn. Sau 2 năm ở Quảng Ninh chị chuyển về Tổng cục Xây dựng kinh tế, tình yêu của hai người điểm thêm một chút lãng mạn qua những cánh thư và sự gặp nhau ở sự thẩm thấu từ những bản nhạc hay.

Năm 1974, chị chuyển công tác về đoàn kịch Trung Ương tại Hà Nội còn anh vẫn công tác ở Quảng Ninh và hai người lại tiếp tục được nếm trải dư vị của vợ chồng ngâu cho đến năm 1978 họ chính thức nên duyên vợ chồng. Cuộc sống thời bao cấp, khó khăn, thiếu thốn nhiều bề nhưng chị vẫn tạo điều kiện cho anh chơi âm thanh. Anh vẫn dành dụm tiền mua đĩa, mua đầu đĩa bên cạnh sự chịu đựng rất đáng yêu của vợ. Có những kỷ niệm, anh không thể quên. Anh muốn mua một đĩa âm thanh cối, số tiền đó chị dành 2 tháng trời, định để may bộ quần áo tươm tất để mặc. Chị nhường cho anh. Âm thanh đó thẩm thấu tâm hồn đến da diết.

Với anh, chính đức hy sinh cao cả của người vợ hiền không những trói chân anh đến suốt cuộc đời với chị mà còn quấn chặt chị vào những âm thanh đam mê của anh. Anh khẳng định, để được giới nghệ sỹ "tôn vinh" là người tinh quái về thẩm âm, công đó phần lớn thuộc về chị.

Tuệ Linh