Người 10 năm dựng lều... canh mộ không công

Người 10 năm dựng lều... canh mộ không công

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Ở một vùng quê của Nghệ An, nhắc đến Chương "vườn mồ" ai cũng kính nể bởi trong con người lão chưa có khái niệm sợ ma. Để chứng minh điều đó là hiện hữu, lão làm ngay trên đỉnh đồi một cái lều để tiện cho việc nấu ăn và ngủ nghỉ ở đấy.

Lão gàn ấy là ông Hồ Hoài Chương (SN 1947) trú tại xã Hậu Thành, Yên Thành (Nghệ An).

Xã hội - Người 10 năm dựng lều... canh mộ không công

Lão gàn Chương hơn 10 năm canh giấc ngủ cho những người đã khuất

Dựng lều canh vườn mồ

Đã hơn chục năm nay, lão quen với những đồi núi, rừng thông xanh ngút ngàn. Dưới những tán lá của rừng thông là những ngôi mộ, có cái hương khói còn nghi ngút, cũng có ngôi mộ người nhà đã bốc lên rồi chỉ còn vài cái ván hòm chưa phân hủy sót lại. Nhắc đến đây, ai cũng phát ớn, nhưng từ khi nhận trông coi khu rừng thông của xã Hậu Thành, ông Chương cũng nhận luôn trong coi những phần mộ ở đây. Theo lão gàn này, đó là một công việc làm phúc, làm đức giúp người quá cố được an giấc.

Xã Hậu Thành nằm cách trung tâm huyện không xa nhưng lại là một xã bán sơn địa, có đồng bằng và có cả đồi núi thấp. Muốn hỏi thăm nhà Chương “vườn mồ” không khó, bởi khi nhắc đến lão ai cũng trầm trồ thán phục. Cũng đúng thôi, bởi lão ăn ngủ cùng với đồi núi và những ngôi mộ của xã được chôn ở đây từ hơn 10 trước.

Trong vai người đi thắp hương cho người thân, chúng tôi đã có chuyến thị sát lều của lão Chương “vườn mồ”. Lều của lão nằm ngay trên đỉnh đồi, bốn bề ngút ngàn thông reo. Để thuận lợi cho việc trông coi rừng thông và vườn mồ, lão đã chọn đỉnh đồi làm nhà. Một vị trí đắc địa thuận lợi cho lão có thể nhìn ra tứ phía, quan sát mọi hoạt động xung quanh, nếu có người xâm phạm trái phép khu rừng thông hoặc có ai đó thả trâu bò trong rừng làm động đến các ngôi mộ. Mặc dù nhà lão cũng gần đó, nhưng lão thích được ăn, ở, ngủ, nghỉ trên đỉnh núi cho thoải mái. Gia đình, vợ con đã nhiều lần khuyên can nhưng mặc kệ, lão vẫn thích thế. Trước đây, lão còn hay về nhà để ăn uống, nhưng dần dà lão thấy thế là bất tiện nên lão thường đưa đồ ăn lên đây nấu và ở luôn đó luôn.

Nghĩa địa xã Hậu Thành nằm lọt thỏm giữa những khu rừng thông xanh bạt ngàn. Rừng thông đang mùa thu hoạch nhựa, bởi vậy sợ có nhiều người vào đây lấy trộm nhựa nên lão ở đây cũng thường xuyên hơn. Hơn nữa, lão sợ trâu bò của người dân thả rông vào húc mộ lên nên phải cẩn thận lắm để đuổi đi. Nhắc đến khu nghĩa địa mà lão trông coi, ai cũng khiếp sợ.

Khu vườn mồ xã Hậu Thành nơi lão trong coi cũng thế, vừa hoang vắng, quang cảnh xung quanh cây cối um tùm rậm rạp, không bóng người qua lại. Thế nhưng, nhiều năm nay lão thường xuyên ở trong rừng, có những hôm trời mưa gió, lão còn phải đi tuần tra kẻo có kẻ lạ xâm nhập rừng thông phá hoại.

Cứ như thế, cuộc sống của lão gàn trên đồi thông trôi qua hơn chục năm trời. Đến với công việc này, theo lão dường như là một cái duyên trời định. Nhà lão gần khu rừng thông, nơi chôn cất người chết ở đó, sống nhiều năm nay bên khu nghĩa địa hoang vu, lão không còn thấy cô đơn nữa. Lão yêu công việc này vì lão thấy vui. Khi UBND xã cần người trông nom, lão tự nguyện đến với công việc như là một cái nghề lão thích mà không ai bắt ép lão phải làm như thế.

"Lão gàn kỳ dị"

Nhà lão ở dưới chân núi, chúng tôi hỏi thì được người nhà cho biết, sáng nay lão có ghé qua nhà múc can nước lên để uống rồi ở lại lên trên đó luôn. Nghe bảo, muốn gặp lão cứ lên trên đỉnh đồi thấy có một cái lều là “nhà” của lão. Được chỉ dẫn, chúng tôi đã phải trèo hết con đồi dốc dựng đứng để tìm đến đại bản doanh của lão. Lão có dáng người gầy gò, khuôn mặt hồn hậu không ai nghĩ lão lại có một trái tim sắt đá đến thế. Tiếp xúc với lão, miệng lão không khi nào ngớt tiếng cười, cái đầu của lão với mái tóc muối tiêu lúc nào cũng lúng liếng với những câu chuyện lão vừa kể vừa cười rũ rượi.

Xã hội - Người 10 năm dựng lều... canh mộ không công (Hình 2).

Căn lều của lão gàn Chương “vườn mồ"

Lão kể: "Khu nghĩa địa này trước đây âm u và rậm rạp lắm. Khi con người chưa lên đây ở, rất nhiều thú rừng về đây. Sau này khi có chủ trương làm khu nghĩa địa, vì mùi hương khói nên thú rừng đã bỏ đi hết. Sau khi rừng thông ở đây phát triển xanh tốt, cần có người trông giữ, với lại khu nghĩa địa ở đây trâu bò cũng thường hay vào phá nên tôi kiêm luôn công việc này.

Vợ con nhiều lần can ngăn vì e ngại nhưng tôi bảo: Việc bảo vệ rừng cây, bảo vệ khu vườn mồ cũng là một công việc thú vị, mình nên làm. Ngoài ra, việc canh giữ “giấc ngủ” cho những người đã khuất cũng là một việc tích phúc đức cho con cháu. Lúc đầu, mọi người trong gia đình còn ngăn nhưng ý tôi đã quyết đành phải chiều ý theo tôi”, lão cho hay.

Giữa bốn bề là núi rừng bao phủ, ánh sáng mặt trời chỉ luồn qua những tán lá rừng yếu ớt, lão trông như một người rừng thực sự. Trong cái lều nhỏ khoảng 6 m2 nhưng lão có sẵn mọi dụng cụ, từ cái chăn, màn, chiếu, dao rựa cho đến cái nồi cơm, xoong để nấu thức ăn. Lão gắn bó với cái lều nhỏ này đã quen nên dần dà, lão ít khi về nhà. Từ chuyện sinh hoạt hằng ngày cho tới ăn uống lão xuề xòa không cần phải cầu kì, này nọ mất thời gian.

Có hôm người nhà mang cho lão nồi cá kho, cứ thế lão ăn được mấy ngày. Cơm gạo lão không lo, bởi ở một mình lão đưa một ít lên đây và thổi cơm ăn hai lần cho tiện. Củi thì đã có ở rừng cây rồi, ôm một ít lá thông khô, lão đã có ngay nồi cơm thơm phức.

Lời giải thích bình dị cho việc làm khác người

Ai cũng nói lão có trái tim thép bởi lão chẳng sợ gì cả. Nói như vậy không phải lão là người vô tâm hay gàn dở gì. Quả thật, tiếp xúc với lão mới thấy được lão là người sống có tình cảm, nhưng những việc làm của lão khiến nhiều người phải phát ớn. Sống trong khu nghĩa địa, những vật dụng của người chết ở vườn mồ sau khi người ta bốc mộ lên còn sót lại lão đều mang về. Lão gom lại thành kho lưu trữ và được lão coi như là một bộ sưu tập kỳ dị.

Xã hội - Người 10 năm dựng lều... canh mộ không công (Hình 3).

Những thứ ấy vốn là những vật dụng thường ngày của người sống như: Giày dép, ván hòm chưa phân hủy hết cho đến những trang sức còn sót lại. Khi chúng tôi thắc mắc những việc làm của lão, lão chỉ trả lời một câu gọn lỏn: "Những thứ ấy vốn là những vật dụng của người chết. Lúc đầu, tôi nhặt về bị vợ con nó chửi cho, bởi vậy tôi phải để một “kho riêng” ở trên này (lều nơi lão ở - PV). Lão giải thích, nếu tôi không dọn những thứ ấy vứt bừa bãi ra sẽ làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, có những đồ dùng còn tốt và còn có thể dùng được nếu cần tôi sẽ lấy dùng, chẳng có gì phải sợ cả”.

Nghĩa địa là nơi an nghỉ của những người đã khuất nên quanh năm hiu quạnh, hoang vắng và lạnh lẽo. Chỉ những khi có người chết, những dịp gần Tết Nguyên đán, người ta đi tảo mộ hay một vài người đi chăn trâu bò qua đây mới có người ra vào. Nhưng lão coi khu đồi thông nơi an nghỉ của người đã khuất như là ngôi nhà của mình.

Lão làm việc này, chuyện lương thưởng với lão không thành vấn đề, vì cộng tất cả các khoản trợ cấp chỉ vỏn vẹn 300.000 đồng. Nhưng theo lão giải thích, lão làm như vậy không phải vì cái tư lợi cá nhân mà muốn tích cái phúc, cái đức. Ý lão đã quyết, lão chỉ mong người đã khuất có được giây phút yên tĩnh, không bị quấy phá.

"Làm phúc cho đời"

Với một người bình thường, đi một mình ban ngày còn không dám, đừng nói là đi ban đêm trong khu nghĩa địa này. Thế mà khi đem chuyện này ra nói với lão Chương, lão gạt phắt đi: "Chuyện ma quỷ tôi cũng không khẳng định có hay không nhưng đây là nhiệm vụ mình đã nhận. Hơn nữa, giả sử có ma thật thì mình cũng chỉ canh giữ cho họ được yên giấc, mình không làm gì họ thì họ làm gì mình? Gia đình nhiều lần đã khuyên tôi đừng làm nữa nhưng tôi thấy việc này cũng thú vị, và cũng là việc làm phúc cho đời. Có những hôm, 2h sáng nghe tiếng động như là ai đó đang cưa trộm cây tôi cũng vác dao đi kiểm tra. Việc này đã quen với tôi từ lâu rồi", lão ung dung cho biết.

Phú Hậu - Lê Anh


Tag: Nghệ An