Người anh hùng vác đạn đi bộ một vòng Trái đất

Người anh hùng vác đạn đi bộ một vòng Trái đất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
1
Ban tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn vừa trao tặng bằng kỷ lục Việt Nam: “Người chiến sỹ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với đoạn đường dài nhất” cho Anh hùng LLVT, đại tá Nguyễn Viết Sinh.

Tính toàn bộ quảng đường mà người anh hùng này đi bộ vác đạn và hàng hóa đúng bằng một vòng Trái đất. Đây quả là một kỷ lục phi thường khiến tên tuổi của vị anh hùng này giờ đây không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam.

Vinh quang anh lính gùi hàng

Sinh ra ở miền quê nghèo xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn (Nghệ An), từ nhỏ, Nguyễn Viết Sinh (SN 1940) đã thầm nhuần tinh thần cách mạng và nung nấu ý chí đánh giặc, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Năm 1961, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, chàng thanh niên đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Ngày ấy, khi đang cày ruộng thì nghe đài phát thanh của xã tuyển quân vào một đơn vị đặc biệt, ông đã lập tức xin đăng ký tòng quân.

Xã hội - Người anh hùng vác đạn đi bộ một vòng Trái đất

Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Sinh và vợ.

Ông từ biệt gia đình để lên đường vào quân ngũ. Gần một ngày đêm ngồi trên chiếc xe phủ bạt kín mít, ông và đồng đội đặt chân đến làng Ho, thuộc địa bàn xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ông được bổ sung vào Tiểu đoàn bộ binh 301, nhận nhiệm vụ tải hàng vào chiến trường miền Nam. Thời điểm ấy, quân ta vừa tiến vào Nam vừa mở đường, bởi vậy các phương tiện vận tải cơ giới không có. Vấn đề đặt ra lúc này là để vận chuyển súng đạn, thực phẩm tiếp viện cho miền Nam chỉ có một cách là gùi thồ bằng sức người. Người chiến sỹ giao liên phải băng rừng vượt suối hàng trăm km mới có thể chi viện kịp thời cho tiền tuyến.

Ngày ấy, với khẩu hiệu 1kg hàng là một đồng bào miền Nam đỡ đổ máu, một viên đạn là một kẻ thù, Nguyễn Viết Sinh cùng đồng đội đã vận chuyển hàng ngàn chuyến hàng bằng hình thức gùi, thồ, vác, vận chuyển bằng thuyền vào miền Nam. Trung bình mỗi ngày, gùi hàng trên lưng ông cứ nặng dần từ 15 kg và có lúc cao điểm ông có thể gùi được 75kg, nhiều hơn trọng lượng cơ thể ông lúc bấy giờ khoảng 20kg.

Điều đặc biệt là đối với những người bình thường, việc gùi 20-25kg trên lưng đã rất khó khăn để băng rừng vượt suối, nhưng anh lính trẻ Nguyễn Viết Sinh đã cõng trên lưng gấp đôi trọng lượng ấy. Có thời điểm, nhiệm vụ vận chuyển hàng trở nên cấp bách, như thời điểm cuối năm 1965, ông đã gùi đến 70 - 80kg với quãng đường đi dài 20km/ngày.

Ngày ấy, tiểu đội của Nguyễn Viết Sinh có 9 chiến sĩ và ông được phân công làm tiểu đội trưởng. Trong đó, hiệu suất làm việc của Nguyễn Viết Sinh bằng cả chục người cộng lại. Thậm chí, khi những anh em trong tiểu đội bị cơn sốt rét rừng hành hạ, ông vẫn đứng ra gắng gượng giải phóng nhanh hàng trên xe, nhằm tránh sự đánh phá của máy bay giặc.

Lúc mới bắt đầu gùi hàng, có lúc tưởng chừng không chịu nổi. Vai bị quai gùi thít chặt, đau ê ẩm nhưng lâu dần thành những vết chai và không còn thấy đau nữa. Còn quần áo thì suốt ngày đẫm mồ hôi và bị rách liên tục. “Hơn 4 năm gùi thồ hàng như vậy tôi cũng không nhớ rõ mình phải thay bao nhiêu đôi dép cao su, bao nhiêu đôi giày vải nữa”, anh hùng Nguyễn Viết Sinh tâm sự.

Trong quá trình gùi hàng, nhiệm vụ nặng nề bởi những thử thách rất lớn của tự nhiên và thời tiết. Những cơn mưa rừng bất chợt, nhưng đợt nắng gắt từ đại ngàn Trường Sơn đã thử thách rất lớn tính kiên nhẫn của những người gùi hàng như Nguyễn Viết Sinh. Mưa đã khổ, nhưng sau những cơn mưa rừng, cung đường lầy lội trơn trượt, vách núi dựng đứng là nỗi ám ảnh của những người lính gùi thồ hàng. Dù vậy, vượt qua bao khó khăn, cứ đều đặn mỗi ngày, ông cùng đồng đội vượt qua quãng đường 40km cả đi lẫn về để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đi bộ một vòng Trái đất

Trong công việc, với vai trò là tiểu đội trưởng, Nguyễn Viết Sinh và các đồng đội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và dẫn đầu trong nhiều đợt thi đua toàn ngành. Điều đánh chú ý là không lần nào, Nguyễn Viết Sinh để mất danh hiệu kiện tướng gùi thồ hàng cả. Hồi ấy, nghe danh người gùi hàng nổi tiếng chiến trường, rất nhiều nhà văn, nhà báo đã vào tận nơi để viết bài ca ngợi ông. Và trong các phong trào thi đua yêu nước, Nguyễn Viết Sinh đã trở thành một tấm gương điển hình trong thời kỳ kháng chiến.

Trong những năm liên tiếp sau đó, ông và các chiến sĩ trong tiểu đoàn đã vận chuyển được hàng trăm nghìn tấn lương thực, hàng hóa, đạn dược chi viện cho miền Nam. Mỗi ngày phải vượt hàng chục km đường rừng núi, trên lưng lúc nào cũng gùi hàng chục kg hàng hóa, đạn dược nhưng những chiến sỹ ấy chưa bao giờ nghỉ lấy một ngày, dù nắng hay mưa.

“Lúc đó, có ốm tôi cũng không dám nghỉ. Thậm chí nếu ai chẳng may bị sốt rét cũng động viên nhau cố gắng không nghỉ. Quần áo chúng tôi mặc hầu như không có lúc nào được khô ráo, không gặp mưa rừng thì mồ hôi cũng thấm ướt hết. Có những hôm trèo qua con dốc cao trong ngày rét căm căm mà người cứ tuôn mồ hôi ra như tắm. Đến đêm, quần áo chưa kịp khô thì lại đưa ra bờ suối giũ cho đỡ ngứa và bẩn rồi phơi lên cành cây. Phơi sương cả đêm, đến sáng mai thì vẫn chưa khô thì lại đem ra mặc tiếp”, ông Sinh nhớ lại.

Không ai nghĩ, một thanh niên gầy gò với trọng lượng chỉ hơn 50kg, nhưng đã làm được những điều tưởng chừng không thể. Đó là bảng thành tích: Năm 1962: Gùi 13.553kg hàng trên đoạn đường 10.196km; Năm 1963: Gùi 9.365kg hàng và khiêng 23 cáng thương; Năm 1964: Mang vác 11.445kg, thồ 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh trên đoạn đường 10.982km... 4 năm trèo đèo lội suối, quãng đường ông đi đúng bằng một vòng Trái đất. Ông vẫn luôn sẵn sàng để tiếp tục nhiệm vụ nhưng từ năm 1965, khi các phương tiện xe cơ giới bắt đầu thay sức người vận chuyển hàng vào miền Nam, việc thồ gùi hàng cũng chấm dứt.

Năm 1966, trong một đợt bị bom Mỹ thả, đơn vị ông bị thương 9 người, chết mất 4 người, ông cũng bị thương trong đợt đó, một ngày một đêm nằm trên võng, bom bi xuyên phổi, nách phải phẫu thuật. May mắn, bảy ngày sau khi thấy đau ông sờ vào đó thì vẫn còn viên bi đang nằm trong người nên lại phải mổ tiếp. Cũng trong năm đó, ông được chuyển lên phụ trách kho huyện Mường Nòng (Savannakhet - Lào).

Vì sự hy sinh và cống hiến lớn lao trong quá trình hoạt động, ngày 1/1/1967, Tiểu đội trưởng - Trung sĩ Nguyễn Viết Sinh đã vinh dự trở thành một trong ba người lính Trường Sơn đầu tiên được Bác Hồ ký quyết định công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND và được ra Hà Nội báo cáo điển hình.

“Với nguyện ước được gặp Bác, nên ngày đêm tôi không ngủ được. Hồi đó xe cộ chỉ ưu tiên cho vận tải súng đạn, lương thực, thực phẩm, không có chuyện ưu tiên cho người đi lĩnh thưởng. Từ ngã ba Đông Dương, tôi đi bộ 10 ngày đến trạm Cổng Trời thì nghe đài phát thanh đưa tin Hội nghị tuyên dương Anh hùng, tôi đành trở về đơn vị, tan giấc mơ được gặp Bác Hồ. Tôi không tiếc vì không được dự Hội nghị tuyên dương mà tiếc là không được gặp Bác Hồ, đó là điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời tôi”, ông Sinh tâm sự.

Trong cuốn Chân trần chí thép được xuất bản vào tháng 4/2010, Trung tá thủy quân lục chiến người Mỹ James G.Zumwalk khi viết về đường Hồ Chí Minh có đề cập: “Trước khi xe cơ giới có thể lưu thông trên đường mòn, gùi hàng là cách thức vận tải chính yếu. Nguyễn Viết Sinh có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45 - 50kg. Trong vòng bốn năm với 1.089 ngày làm việc, anh đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km - tương đương một vòng Trái đất theo đường xích đạo và mang theo một lượng hàng bằng với trọng lượng cơ thể”.

Kim Thoa