Người chết trở về sau hơn 40 năm

Người chết trở về sau hơn 40 năm

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:44
0
Nhận được giấy báo tử, gia đình liệt sĩ Thuấn đã lập bàn thờ, nhờ nhà ngoại cảm tìm mộ về an táng. Nhưng rồi ông Thuấn bất ngờ xuất hiện.

Ông Nguyễn Viết Thuấn sinh năm 1951, quê quán ở thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ. Ông Nguyễn Viết Tuynh (sinh năm 1958), em trai ông Thuấn kể lại, sinh thời, hai cụ Nguyễn Viết Điểu và Nguyễn Thị Quý sinh được 6 người con (5 trai, 1 gái). Trong đó, anh Nguyễn Viết Thuấn là con trai cả.

Ngày 15/3/1971, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Thuấn lên đường nhập ngũ. Trong quá trình chiến đấu ở chiến trường miền Nam năm 1973, ông Thuấn bị một mảnh đạn của địch găm sau gáy, bị thương, phải điều trị dài ngày. Sau đó, ông được trả về đơn vị.

“Năm 1973, gia đình nhận được thư của ông Thuấn, lá thư do anh nhờ bạn viết hộ vì không biết chữ. Biết anh vẫn sống, vẫn khỏe mạnh, vẫn hăng say chiến đấu, bố mẹ tôi vui mừng chờ ngày chiến thắng, chờ ngày anh trở về…”, ông Tuynh tiếp chuyện.

Tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cả gia đình hồi hộp chờ ngày ông Thuấn trở về. Nhưng càng chờ, càng bặt tin… Đến ngày 20/12/1976, gia đình nhận được giấy báo tử của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Sơn Bình. Trong giấy ghi rõ: "Đồng chí Nguyễn Viết Thuấn, sinh năm 1951, nhập ngũ tháng 3/1971; cấp bậc Hạ sĩ, chức vụ Chiến sĩ, đơn vị ĐMT; nguyên quán: An Khánh, Hoài Đức, Hà Sơn Bình; hy sinh ngày 8/4/1975 tại mặt trận phía Nam trong quá trình chiến đấu. Đồng chí được xác nhận là Liệt sĩ, mai táng tại khu vực riêng của mặt trận".

Xã hội - Người chết trở về sau hơn 40 năm

Giấy báo tử của ông Thuấn, ghi rõ ông hy sinh ngày 8/4/1975.

Ngay sau đó, tang lễ ông Nguyễn Viết Thuấn được chính quyền địa phương, xóm làng và gia đình tổ chức trang trọng theo nghi thức tang lễ Liệt sĩ. Bàn thờ ông cũng được gia đình lập để thờ cúng. “Bố mẹ tôi nhận giấy báo tử trong niềm thất vọng và nỗi đau đớn vô hạn. Song các cụ cũng tự hào vì sự hy sinh anh dũng của con mình đã góp phần làm nên chiến thắng của toàn dân tộc. Điều trăn trở nhất của hai cụ là không biết thi hài của anh nằm ở khu vực nào để đưa về với quê cha đất tổ”, ông Tuynh kể.

Cũng theo ông Tuynh, thời điểm đó kinh tế còn khó khăn nên gia đình chỉ biết nghĩ mà chưa thể làm. Bố mẹ chỉ dựa vào những thông tin từ những người trở về để biết về sự hy sinh của anh, để biết anh đang nằm ở đâu.

“Mãi đến năm 1987 mẹ tôi qua đời, rồi đến năm 2000 bố tôi cũng mất. Lúc này, phần mộ anh tôi vẫn chưa được tìm thấy, các cụ ra đi khi tâm nguyện vẫn chưa thực hiện được. Sau năm 2000, kinh tế gia đình khá hơn. Chúng tôi tập trung vào việc tìm mộ anh để đưa anh về, thực hiện di nguyện dang dở của người quá cố. Chúng tôi hỏi những người cùng chiến đấu được người ta nói có thời điểm gặp anh Thuấn, có chiến đấu cùng nhưng chỉ được một thời gian rồi chuyển qua đơn vị khác, không biết anh ấy về đơn vị nào, hy sinh ra sao. Cho đến năm 2006, gia đình tôi biết đến phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm”, ông Tuynh kể tiếp.

Tháng 6/2006, qua lời giới thiệu, ông Tuynh tìm đến một nhà ngoại cảm ở đường Bưởi (quận Ba Đình, Hà Nội) để nhờ người này tìm phần mộ anh trai. Qua những thông tin mà gia đình cung cấp, nhà ngoại cảm này xác định ông Thuấn hy sinh ở một khu vực thuộc ấp Di Xá, Bình Long, Bình Phước. Thi hài nay đã được quy hoạch về một nghĩa trang rộng lớn ở tỉnh Bình Phước, do một người phụ nữ miền Bắc trông nom. Sau đó, nhà ngoại cảm vẽ chi tiết sơ đồ, vị trí phần mộ ông Nguyễn Viết Thuấn đang nằm.

Ngay sau đó, gia đình đã cầm sơ đồ này, nhờ một người đồng đội của ông Thuấn ở huyện Quốc Oai đi vào tỉnh Bình Phước để tìm. “Qua tìm hiểu về ngôi mộ do nhà ngoại cảm chỉ, bà quản trang cho biết đây là ngôi mộ vô danh, người nằm dưới là người Bắc nhưng không nhớ rõ là tỉnh nào. Những tình tiết đó cùng với sự chỉ bảo của nhà ngoại cảm, gia đình lúc đó đinh ninh rằng đó là phần mộ anh ruột mình và làm thủ tục xin chính quyền sở tại bốc phần mộ này về quê nhà”, ông Tuynh nhớ lại.

Xã hội - Người chết trở về sau hơn 40 năm (Hình 2).

Ông Thuấn bên phần mộ của mình được tìm bằng ngoại cảm. 

Từ đó, tên của liệt sĩ Nguyễn Viết Thuấn có trong nghĩa trang tưởng niệm của xã. Gia đình ông Tuynh tin chắc đã hoàn thành di nguyện của bố mẹ, đưa được anh về an nghỉ ở nơi chôn nhau cắt rốn. Ông ngày đêm hương khói, chăm sóc phần mộ đó cho đến khi chuyện thần kỳ xảy ra”, ông Tuynh kể.

Ngày 25/5/2013 (tức ngày 16/4 âm lịch), ông Nguyễn Viết Tuynh cùng họ hàng ở ngoài Bắc bỗng nhận được tin người anh cả - liệt sĩ Nguyễn Viết Thuấn vẫn còn sống, thậm chí còn khỏe mạnh và đã có vợ con ở trong miền Tây. Thông tin trên được một người dân tên Trần Văn Toán, quê ở Nam Định, đang làm thuê ở khu vực gần đình Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gửi về huyện Hoài Đức nhờ xác minh. Sau khi liên lạc và hẹn gặp được anh Toán, nghe anh kể về cuộc gặp gỡ với người đàn ông lạ quê gốc miền Bắc, hơn 40 năm chưa tìm được về quê hương, mọi người trong gia đình đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Theo lời anh Toán, đầu tháng 5, anh cùng bố vào An Giang dự đám cưới của cô em gái. Sau đó, anh Toán cùng bố đến chơi nhà thông gia. Nhà này lại ở gần nhà ông Thuấn cùng vợ và các con. Trong câu chuyện nói với nhau bên mâm rượu, ông thông gia có kể về một người quê ở miền Bắc nhưng không nhớ chính xác ở đâu nên liền cho mời người này đến ăn cơm, tiếp chuyện.

Khi đến nơi và hỏi chuyện, ông Thuấn cho biết, chỉ nhớ quê mình ở huyện Hoài Đức nhưng không nhớ chính xác ở xã nào, có bố tên là Nguyễn Viết Điểu, bác ruột là Nguyễn Viết Ngư, chú là Nguyễn Viết Lưu, em trai là Nguyễn Viết Tuynh…

Nghe ông Thuấn kể, anh Toán đã cẩn thận ghi chép đầy đủ những thông tin ông này cung cấp. Đồng thời ghi lại số điện thoại liên lạc, photo chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ tùy thân của ông Thuấn mang trở lại miền Bắc.

Ngay sau khi về quê, anh Toán quyết định mang theo những thông tin của ông Thuấn cung cấp đến công an huyện Hoài Đức để nhờ xác minh. Công an huyện Hoài Đức ngay sau đó đã gửi những thông tin này về UBND xã An Khánh kiểm tra. Từ những thông tin này, UBND xã An Khánh đã rà soát và phát hiện trùng khớp với hộ gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh ở thôn An Thọ. Từ đây, thông tin được báo về thôn và gia đình ông Tuynh.

Xã hội - Người chết trở về sau hơn 40 năm (Hình 3).

Anh em ông Thuấn ngày đoàn tụ.

Quá bất ngờ vì anh trai mình đã có giấy báo tử, đã tìm được phần mộ ở chiến trường và đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã an táng nhưng sau khi nghe anh Toán kể và cung cấp chứng cứ, hình ảnh chụp lại từ điện thoại, gia đình ông Tuynh khẳng định chắc chắn 90% đấy là anh trai mình.

Ông Tuynh điện vào hỏi thăm, hai bên cùng trò chuyện. Ông Thuấn nói đúng tên bố mẹ, tả về ngôi nhà ở quê một cách rõ ràng… khiến gia đình ông Tuynh ai nấy đều xúc động, không cầm được nước mắt. Ngay sáng hôm sau, ông Tuynh cùng ba người anh em và anh Toán bay vào miền Tây để tận mắt gặp người đàn ông kia, mong rằng đích thực đấy là anh trai mình.

Vài ngày sau, cả đoàn đến ngôi làng anh Toán chỉ dẫn. Ôtô chở mọi người dừng lại cách làng 100 m để mọi người đi bộ vào. “Tôi muốn vào nhà hàng xóm hỏi trước vài thông tin. Vừa bước vào tới sân, tôi chợt rùng mình khi thấy anh trai đang ngồi ở đó. Anh ấy cầm cái ghế và mời tôi ngồi. Tôi cảm ơn thì anh ấy nhận ra ngay giọng Bắc. Anh ấy hỏi: “Anh dzô đây có việc chi?”. Tôi nói vào đây muốn hỏi thông tin về một người gốc Bắc thất lạc để thông báo, tìm giúp. Lập tức, anh ấy chỉ vào mình và bảo: “Em nè! Chính em đây!”. Sau đó, anh ấy mời chúng tôi sang nhà để nói chuyện cho thoải mái”, ông Tuynh nhớ lại.

Sau đó, ông Thuấn lần lượt kể lại tên tuổi của những người thân trong gia đình mà ông nhớ. Ông Thuấn còn nhớ mang máng nhà mình trước đây có cái sân kho, bên trái có ngôi chùa, bên phải có ngôi đình, bên trong là nhà bác ruột… Nghe đến đây anh em liền ôm nhau khóc nức nở. Rồi ông Thuấn kể do ảnh hưởng của vết thương sọ não, trí nhớ kém, gia đình lại khó khăn, không biết chữ nên cứ loay hoay không thể nào tìm được đường về quê.

Theo ông Tuynh, sau khi đoàn tụ, gia đình, họ hàng sẽ cùng ngồi lại bàn bạc để cho vợ con ông Thuấn có điều kiện về với quê chồng. Đối với phần một liệt sĩ vô danh đang thờ cúng ở nghĩa trang xã nhà, gia đình ông Thuấn sẽ có trách nhiệm chăm sóc, thờ cúng chu tất.

Ông Nguyễn Viết Hướng (52 tuổi), phó chủ tịch xã An Khánh cũng xác nhận thông tin về sự việc. Sau khi đón ông Thuấn về quê, trực tiếp ông Hướng cũng đã xuống hỏi thăm, kiểm tra giấy tờ tùy thân. Ông Thuấn xuất trình đầy đủ giấy tờ lý lịch quân nhân, thẻ đoàn viên, thẻ hội cựu chiến binh, chứng minh thư nhân dân… Theo ông Hướng, xã cũng đã báo cáo sự việc lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội huyện để nắm rõ.

Theo Tiền Phong

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Bí ẩn sau tục 'nuôi người chết' của người H’Mông

Thứ 4, 29/05/2013 | 16:17
Có một lời đồn về người H’Mông ở Phù Yên, Sơn La, rằng, người chết được buộc đứng vào cột trước hiên nhà. Hằng ngày xác chết vẫn được người thân bón cơm và thức ăn như người đang sống. Đâu là thực hư của lời đồn này?

Chuyện buồn gia đình có 4 người chết vì ngộ độc bánh ngô

Thứ 4, 15/05/2013 | 09:40
Hiện tại, do nhu cầu sử dụng, ngoài món mèn mén (ngô xay đồ lên) là lương thực chính ăn thay cơm, ngày thường, bà con vẫn làm bánh để ăn.

Chuyện kể người đang sống làm 'chuyện ấy' với... linh hồn

Thứ 3, 28/05/2013 | 11:25
Liệu có tồn tại hiện tượng con người có những trải nghiệm tình dục với linh hồn.

Tục thờ linh hồn... người sống để cầu may

Thứ 5, 28/03/2013 | 14:49
Thờ cúng linh hồn của những người đã khuất là việc khá phổ biến trong đời sống tâm linh của nhiều dân tộc. Thế nhưng, đồng bào Vân Kiều ở một số huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị lại có một phong tục rất lạ lùng, đó là tục thờ... hồn sống của chính mình.

Bán linh hồn, móc hầu bao người độ lượng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Bộ dạng tàn tật, vẻ mặt đau yếu, khốn khổ của người ăn xin khiến nhiều người đi đường sẵn sàng rút hầu bao, nhưng cũng không ít người tỏ ra bức xúc vì cảm giác bị lừa gạt.