“Người lính” đặc biệt vùng hải đảo

“Người lính” đặc biệt vùng hải đảo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Khi các em môn văn chưa hỏi hết câu, em môn toán lại níu gấu áo nhờ thầy chỉ. Đang trình bày bài cho lớp 2, các em lớp 5 lại chống cằm ngồi chờ. Tôi cứ ám ảnh mãi câu chuyện dạy chữ của thầy Đỗ Hồng Lộc tại ngôi trường dạy ghép ở đảo hòn Giang (xã Tiên Hải, TX. Hà Tiên, Kiên Giang). Một mình thầy Lộc gần 30 năm qua vẫn đánh vật với những lớp học đặc biệt, giữa chốn đảo mênh mông biển nước.

Hi sinh tuổi xanh

Điểm trường tiểu học Tiên Hải của hòn Giang nằm chênh vênh ở mạn nam đảo, ngay sát bờ biển. Đã hẹn trước đó, thầy Đỗ Hồng Lộc (giáo viên duy nhất của ngôi trường 12 học sinh) phấn chấn, cùng học trò đứng đợi đón tôi ngay trước khuôn viên trường. Tôi cảm nhận được tình cảm chân thành mà thầy trò xứ đảo này dành cho khách. Ở đây, bất cứ ai đến cũng đều nhận được tình cảm nồng nhiệt như thế. Thầy Lộc bảo, họa hoằn lắm mới có khách phương xa lạc chân đến đảo, nên thường thì khách một nhà cũng là của mọi nhà. Người lên ở đầu đảo, cuối đảo đã biết, họ đến xem, thăm hỏi thân mật như người nhà.

Trong gian phòng không thể mộc mạc hơn, mà nhà trường tận dụng cho thầy ở, tôi cảm động và nhớ mãi cảnh thầy bối rối, vì không biết lấy gì tiếp khách. Thầy cho biết, ở đây mọi thứ đều ngóng chờ ở đảo hòn Tre lớn, muốn có cái ăn cũng phải chuẩn bị từ trước đó rất lâu. Và cách duy nhất là gửi những ghe thuyền đưa hàng ra đảo mà thôi. Công việc dạy dỗ đám trẻ luôn bận bịu, lúc nào rỗi lắm thầy mới bỏ công đi một chuyến mua nào là gạo, muối, bột ngọt và những đồ dùng cần thiết chuẩn bị cho mấy tuần liền. Thầy cho biết, khó khăn là vậy, nhưng chốn đảo này đã gắn bó với thầy đến nay ngót nghét cũng đã 27 năm với nghề gõ đầu trẻ rồi.

Thầy tâm sự, cái duyên đến với chốn đảo xa xôi này cũng vì cái tâm. Quê mãi tận đất liền, ngày đi học thầy ao ước được đến những nơi khó khăn nhất để góp phần nhỏ sức mình, mang cái chữ đến với vùng đồng bào thiếu chữ. Những năm sau đổi mới ít ai biết, cách đất liền hơn tiếng đồng hồ chạy đò về phía Tây Nam vẫn có một quần đảo, nhiều con em ngày ngày trông ngóng giáo viên mang cái chữ từ đất liền ra.

Năm 1981, sau khi tốt nghiệp THPT, vùng đảo hòn Tre thiếu hụt giáo viên, thầy Lộc tình nguyện xung phong ra đảo. Hòn Tre ngày đó khó khăn bội phần, tháng chỉ có một vài chuyến đò từ đất liền đưa khách và chở lương thực ra. Vừa thiếu thốn, lại xa đất liền, nên chẳng ai dại gì mà ngược ra đảo. Nếu không chết vì đói thì cũng không sống nổi vì buồn, thầy Lộc nhớ lại. Vậy mà bất chấp tất cả thầy đã khoác ba lô, mấy cuốn sách cũ và vài bộ quần áo ra đảo, duy với suy nghĩ mộc mạc: "Thấy con em thiếu chữ mình thương quá".

Xã hội - “Người lính” đặc biệt vùng hải đảo

Tác giả cùng thầy trò bên ngôi trường đặc biệt ở đảo hòn Đước (xã Tiên Hải)

Quyết gieo mầm chữ

Thầy vẫn còn nhớ như in những ngày đầu lên đảo hòn Giang, khó khăn không kể xiết. Hòn đảo của 30 năm trước lóp ngóp mấy mái nhà lá lụp xụp chứ không phải hàng nghìn dân và tàu bè xăm xắp như bây giờ. Nước ngọt là cái cần nhất, nhưng cả quần đảo không có. Người dân phải vào đất liền cách hàng chục km, hoặc sang những hòn đảo bên Campuchia xin. Tranh thủ những ngày rảnh rỗi thầy lại theo ghe cào lưới, lục tục mang can, thùng sang đong về dùng.

"Để có nước, tôi phải dậy từ lúc 4h sáng, đi nhờ ghe thuyền người ta, phải mất cả ngày trời mới đong được mấy can nước về. Nếu lỡ chuyến coi như tháng đó chết khát", thầy Lộc lật ký ức hồi mới ra đảo. Những tháng năm sau đổi mới, đồng lương ít ỏi, ăn cũng không no. Nói như thầy thì, lúc đó phải đánh vật với 2 thứ là cái ăn và dạy chữ. Những đồng nghiệp cùng ra công tác với thầy ngày đó, một thời gian sau không chịu được sự khắc nghiệt và khó khăn thiếu thốn, hoặc là chuyển vùng công tác hoặc bỏ nghề, chỉ còn thầy Lộc bám trụ lại được cho đến tận ngày nay.

Với đặc thù riêng, nhà trường chỉ mở những lớp theo nhu cầu của con em trên đảo mà thôi. Ngoài điểm trường chính là đảo hòn Tre, thì mỗi đảo lân cận nhà trường đều mở thêm những điểm trường nhỏ. Tại những điểm trường đó, việc gieo chữ vì thế cũng gian nan nhất, vì thường không đủ học sinh cho tất cả các khối. Năm có học sinh lớp 2, thì thiếu lớp 1, có lớp 4 thì hụt lớp 5.

Bên cạnh đó, mỗi lớp chỉ 1- 2 em nên đành phải đào tạo theo lớp ghép để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của các em. Với kinh nghiệm của mình, từ ngày về đảo thầy Lộc đã được phân dạy với chương trình lớp ghép, ghép bậc hai , ghép bậc ba.

Hiện nay đối với điểm trường đảo hòn Giang, thầy vẫn đứng lớp ghép bậc ba, gồm ba lớp 2, 3 và 5 với tổng số tất cả 12 em học sinh. Hiện trường không mở lớp 1 và 4, vì năm nay trên đảo không có con em ở độ tuổi này. Nói như thầy, thì quanh đi quẩn lại mấy nóc nhà trên đảo, thầy có thể tính được số lượng học sinh mỗi năm và số lớp nên mở.

Thầy bảo, tâm huyết thì bản thân không thiếu nhưng chỉ sợ thiếu học sinh. Trong số 12 em đó lỡ cha mẹ chuyển về đất liền, hay cuộc sống khó khăn quá, các em nghỉ hẳn thì nhà trường hụt lớp. "Hiện tại có 3 lớp vậy chứ, đùng cái một vài em nghỉ học rơi vào một lớp nào đó thì, khối đó coi như không còn. Vì lớp ở đây đồng nghĩa với một khối và khối đó cũng vỏn vẹn một vài em mà thôi", thầy Lộc cho biết. Như thế, đối với một giáo viên dạy lớp ghép phải thay đổi chương trình liên tục cho phù hợp. Bên cạnh đó, cá nhân giáo viên buộc phải tự trang bị kiến thức tổng hợp tất cả các môn, từ văn, toán, lịch sử, đạo đức... Và đặc biệt phải có chuyên môn cao, kinh nghiệm dày thì một lúc mới có thể cáng đáng 2- 3 lớp ngay trong một phòng học.

Lớp học của thầy Lộc bao giờ cũng có 2 bảng, đầu và cuối lớp. Bảng đầu lớp dành dạy chương trình lớp 5, bảng cuối ngăn đôi để dạy chương trình lớp 2 và 3. Trong một lớp, học sinh phải xoay lưng đấu cật, đứa nhìn đầu, em nhìn cuối. Hết giảng lớp này lại đến chương trình lớp khác, giải đáp thắc mắc đầu lớp chưa xong, lớp kia lại hỏi. Nhìn cảnh tượng đó vừa tôi vừa buồn cười mà lại cay khóe mắt. Chợt nghĩ, sự nghiệp gieo chữ trên dải đất chúng ta vẫn còn nhiều gian nan quá. Đằng sau đó là những thầy, cô giáo sẵn sàng hi sinh tuổi xanh, để gieo mầm chữ trên những vùng hải đảo xa xôi. Họ thực sự cũng là những người lính đang bảo vệ hải đảo của Tổ quốc, chỉ có điều "vũ khí" của những người thầy là kiến thức.

Bí quyết dạy lớp ghép

Gần 30 năm công tác, không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, cho đến nay thầy Lộc vẫn không thể quên những ngày đầu tiên dạy chương trình ghép. Do chưa có kinh nghiệm, mọi thứ cứ quay như chong chóng, rối tựa tơ vò. Để có hiệu quả, thầy phải tự rút kinh nghiệm thiết thực và không ngừng tự bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng nhu cầu học hỏi của các em. Mỗi đêm thầy phải soạn giáo án gồm 3 môn cho 3 lớp. Nguyên tắc dạy ghép là không bao giờ được trùng môn. Ví dụ, hôm nay lớp 5 có môn toán, thì lớp 2 sẽ là môn văn, còn lớp 3 môn kỹ thuật. Vì thế, giáo án của những người dạy chương trình lớp ghép bao giờ cũng gấp đôi, ba chương trình của người dạy lớp đơn.

Kỳ Anh