Người lính tự hào là

Người lính tự hào là "chim ưng trong giông bão"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Ông Đỗ Xuân Gió từng là người lính đã rong ruổi trên khắp các chiến trường ViệtLào, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, kể cả trong những thời điểm khốc liệt nhất.

Duyên nợ những cung đường bom đạn

Chúng tôi đã hơn một lần theo chân các đoàn cựu chiến binh sang nước bạn Lào để thăm lại chiến trường xưa nhưng chuyến đi lần này thú vị hơn khi có những nhân chứng lịch sử của một thời hào hùng. Những câu chuyện của quá khứ, bồi hồi trở lại với những con người đã vượt qua lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Ông Đỗ Xuân Gió nhớ lại: "Ngày xưa, cung đường này cũng là một trong những cung đường huyết mạch bị bắn phá dữ dội nhất. Đường nhỏ khó đi, đầy những hố bom và cạm bẫy"…

Ông Đỗ Xuân Gió sinh năm 1939 trong một gia đình nông dân nghèo ở Hoàng Long, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khi tròn 20 tuổi.

Cái tên Đỗ Xuân Gió "biên chế" trong danh sách của Sư đoàn pháo binh 304, nhưng có lẽ vì duyên nợ với những cung đường nên không lâu sau đó, ông được chuyển sang học lái xe. Kết thúc khóa học ở trường Tiến bộ (Thái Nguyên) tháng 5/1959, ông được giữ lại làm giáo viên.

Nhưng do yêu cầu của chiến trường ngày càng trở nên cấp thiết, ông xung phong ra mặt trận để vừa trực tiếp chiến đấu vừa thực tế giảng dạy cho anh em chiến sĩ.

Xã hội - Người lính tự hào là 'chim ưng trong giông bão'

Trong mưa bom bão đạn, những chuyến xe vẫn bon bon ra tiền tuyến (ảnh tư liệu)

Theo Lữ đoàn 330 đi đường 42 sang Điện Biên, cuộc đời của một anh lính lái xe bắt đầu với Đỗ Xuân Gió. Suốt gần 30 năm, từ tháng 2/1960 đến khi về hưu, phần lớn thời gian của ông rong ruổi với những chuyến hàng đi trong bom đạn. Bây giờ nghĩ lại, nhiều khi ông vẫn thấy chỉ như mới hôm qua.

Các cửa ngõ sang nước bạn Lào có các cung đường tương ứng với Bắc, Trung và Hạ Lào, không có cung đường nào mà ông Gió chưa từng qua. Xe ông chạy từ đường 42 Điện Biên sang Mường Khoa, đường 20 Cổng Trời… những cung đường ác liệt địch tập trung bắn phá, rải bom mìn, bom từ trường mà đơn vị ông luôn là người mở đường.

Từ năm 1960 trở đi, ông hoạt động chủ yếu ở Na Mèo, Na Vít, Na Cao, Na Khay với nhiệm vụ chở hàng hóa quan trọng của Trung ương Lào, các đoàn văn công, các đoàn hoạt động giao lưu giữa hai nước.

Thời điểm bấy giờ không như ở Việt Nam, những đoàn lính lái xe phải len giữa những cánh rừng chết, có những đoạn đường rừng suốt hàng chục cây số không một bóng cây. Các vị trí quan trọng như Nậm Nơn, Đèo Đất, Đèo Đá, Đèo Phỉ, thuộc đường 7 Cửa Rào, địch nhận định là một trong những mạch máu huyết mạch ra chiến trường của ta nên đổ bom trải thảm.

"Trên đầu máy bay địch quần thảo liên hồi, dưới đất phỉ đánh, không có sự hỗ trợ của pháo binh lẫn không quân, sự sống chết của người lính nhiều khi chỉ còn phó thác cho may rủi. Nhất là đoạn Đậm Tràm, dưới sông thì địch thả bom từ trường, trên thì bom nổ chậm, bom bi, bom lá, bom tai hồng. Nguy hiểm nhất là bom từ trường, địch thả nổi trên sông, chỉ cần có tiếng động mạnh là bom nổ, điều này khiến sự nguy hiểm cho người và xe càng tăng cao.

Mỗi ngày có tới 200 - 300 lượt xe đi qua, chỉ cần một xe bị tắc lại là lập tức cả cung đường trở nên "đóng băng". Địch đánh rát trên đầu mà không hề gặp bất kì sự chống trả nào", ông Gió kể lại.

Những cánh rừng không còn một bóng cây

Thời kỳ ấy, với mỗi người lính lái xe, hành trang chỉ là một bộ đồ đi kèm, ít lương thực, bi đông nước và một khẩu súng AK để phòng bị. Khi gặp phỉ vừa phải chiến đấu, vừa phải đảm bảo an toàn cho xe. Tôn chỉ của người lính lúc bấy giờ, người có thể hi sinh nhưng phải đảm bảo cho xe thông suốt.

Ông là người lính có kinh nghiệm nên khi đã lên Trung đội trưởng, hay Đại đội trưởng quản lý hàng chục xe vận tải nhưng ông Nguyễn Xuân Gió vẫn trực tiếp cầm lái. Những cung đường khó như Đậm Tràm, ông vừa hướng dẫn anh em, vừa trực tiếp lái đưa xe qua.

Bom nổ ầm ầm ngay bên đầu xe, có bữa ngất ngay giữa đường. Đến lúc tỉnh, ông lại điều chỉnh tay lái rồi lái tiếp sang bên kia sông, sau đó tiếp tục vòng về "cầm lái" cho những đồng đội còn non tay. Ông luôn nhận phần nguy hiểm về mình khi trực tiếp lái xe qua những cửa tử.

Điều này, khiến anh em trong đơn vị nể phục lắm. Nghĩ lại, ông chỉ cười: "Đời lính đơn giản lắm, anh em mình sống thật với nhau, có bao giờ phân biệt trên dưới, nhưng quân lệnh thì như sơn. Cũng chẳng phải nhắc nhở khiển trách bao giờ, anh em đều tự giác cả, kể cả tự giác nhận những nhiệm vụ cầm chắc sự hi sinh. Lính Cụ Hồ cả mà, lúc ấy có ai còn nghĩ tới sự sống cái chết riêng mình".

Trên cây số 57 từ Sầm Nưa đi Bản Ban là nơi tập trung của phỉ và thám báo của địch, bao gồm phỉ mặt đất, phỉ báo trên cao. Cứ hễ có tín hiệu của đoàn xe hay bộ đội ta hành quân qua là phỉ báo cho Mỹ đưa máy bay đến đánh. Cứ 5h sáng, bộ đội đã phải rút sâu vào rừng, cách đường cái 4-5 cây số, xe phải để hết ngoài đường. Đến đầu buổi tối anh em mới lục tục từ trong rừng trở ra, có hôm ra đến nơi thì cả đoàn xe 36 chiếc không chiếc nào còn nguyên vẹn.

Ông lại chỉ đạo anh em nâng cao tinh thần, tháo dỡ tất cả các xe, lấy những bộ phận chưa bị bom đánh hỏng lắp lại thành một chiếc có thể chạy được để chở chiến sĩ về đơn vị. Về đến nơi, nhận xe và hàng xong, anh em lại tỏa đi khắp các cung đường. Chiến trường đang cần thì anh em lính lái xe không có khái niệm nghỉ ngơi.

Đường xe qua nguy hiểm vô cùng chỉ toàn hố bom, bom phát quang đốt trụi cây cối, một bên là vực sâu, một bên là vách núi, cứ mưa xuống là đường trơn nhẫy, khúc cua thì nhiều, chỉ cần sơ sẩy một chút là cả người và xe lao ngay xuống vực. Địch lại đánh từ suốt 5h sáng đến 7h tối, xe đi trong đêm phải tắt đèn hoàn toàn. Lính lái xe một chân để đạp ga, một chân để giữ lên xuống.

Tay thì cầm vô lăng, tay thì bám lấy thành xe trườn người ra, mắt bám lấy đường để căn làm sao không bị xuống hố bom. Đi nhiều rồi cũng thành quen, trong gian khó anh em chiến sĩ lại càng thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Nhớ nhất phải kể đến những lần chở anh em thương binh từ chiến trường trở về. Dù thương anh em mấy xe cũng không đi chậm lại được, từ bên Lào về, chỉ cần qua biên giới là có đơn vị khác tiếp nhận. Vậy mà có những khi sắp đến nơi, bị địch rải thảm, cả xe chở thương binh hi sinh hết, kể cả lái xe. Nghe hung tin, cả đơn vị chỉ còn biết lặng người, giấu nỗi đau vào những chuyến hàng ra tiền tuyến.

Trong chuyến xe đi trong mưa bom, bão đạn ông vẫn giữ cho mình những kỷ niệm vui. Ngày ấy, ngoài nhiệm vụ chở hàng, đơn vị ông còn được đặc cách chở văn công Lào sang Hà Nội để phục vụ các cán bộ lãnh đạo cao cấp Lào, rồi lại chở họ từ Hà Nội trở về Viêng Chăn. Đi cùng nhau nhiều lần, bộ đội Việt Nam lại hiền lành nên được các cô văn công quý mến.

Suốt hàng chục năm từ một anh lính lái xe cho đến cấp chỉ huy, hàng trăm lần phải chứng kiến cảnh đồng đội mình hi sinh, mất mát ngay trước mặt, ông thú thực vẫn không thể nào quen được với cái chết. Giờ nhiều đêm nằm mơ vẫn nghe thấy tiếng bom rơi, tiếng mưa, tiếng những người đồng chí của mình, tiếng xe qua đèo. Có những lần bị thương, phải chuyển về tuyến sau nhưng hễ vết thương liền miệng là ông và các đồng đội lại lập tức trở về đơn vị để tiếp tục cầm lái.

Do nhiều năm liên tục đảm bảo mạch máu lưu thông từ Việt Nam sang Lào, bản thân cũng là người có nhiều sáng tạo trong việc khơi thông đường, đến 24/11/1965, ông được cử đi dự Đại hội thanh niên 3 sẵn sàng lần thứ nhất toàn quốc. Tại đây, ông được nhận huy chương do Bác Hồ trao tặng cùng với đồng chí Hồ Xanh - dũng sĩ diệt Mỹ đại diện cho chiến sĩ, đồng bào miền Nam lúc bấy giờ.

Đỗ Huệ