Người phụ nữ chìm nổi cùng bãi giữa sông Hồng

Người phụ nữ chìm nổi cùng bãi giữa sông Hồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Bỏ lại sau lưng sự ồn ào, tấp nập của cuộc sống đô thị, bãi giữa nằm chông chênh giữa con sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội). Nó cũng giống như những con người ở chốn này mưu sinh kiếm sống, tạo nên một xóm bãi với 22 hộ gia đình dưới sự quản lý của phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Khám phá xóm bãi giữa sông Hồng

Khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người thường có ác cảm về dân du cư bãi giữa, cho rằng họ là người như thế này, họ là người như thế kia. Nhưng qua tiếp xúc với bà Thanh (74 tuổi), quê ở Hà Nam, gần nửa cuộc đời gắn bó với mảnh đất bãi giữa này, trải qua không biết bao nhiêu sóng gió, tủi cực. Những lúc thăng trầm của cuộc sống, bà như một minh chứng sống cho những đổi thay từng ngày nơi đây.

Pháp luật - Người phụ nữ chìm nổi cùng bãi giữa sông Hồng

Bà Thanh kể: Mùa nước cạn thì không sao, nhưng cứ khoảng tháng 3 tháng 4 âm lịch là mùa mưa, nước dâng lên ngập trắng sông Hồng, nơi đây chỉ trơ lại cây cầu Long Biên bắc ngang qua sông nối con đường vào trung tâm thành phố. Đó cũng là lúc hơn 20 hộ dân thu xếp đồ đạc, cả chó mèo, tất tần tật mọi thứ lên cái nhà nổi của mình vỏn vẹn chưa đầy 13m2, rồi cùng hỗ trợ nhau kéo nhà xuống sát dưới chân cầu Long Biên, đến khi nước rút lại kéo nhà lên bãi.

"May mà hai năm trở lại đây không ngập nước nên không phải chạy, chứ mỗi lần chạy đi chạy lại cuộc sống xáo trộn lắm, mà rất vất vả nữa", bà Thanh cho biết. Để thích ứng với điều kiện nơi đây, các ngôi nhà được thiết kế rất đặc biệt với những chiếc phao bằng thùng phuy và thùng xốp, ván cột từ giàn giáo xây dựng, vải phông bạt mà người dân vào thành phố nhặt nhạnh và xin lại. Mọi sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây đều diễn ra ngay trên đó, nó giống như một ngôi nhà đa năng từ bếp núc, không gian sinh hoạt, ngủ nghỉ... Năm tháng cứ trôi, từ thế hệ này đến thế hệ khác, cuộc sống của họ cũng bấp bênh, bồng bềnh theo con nước lúc vơi lúc đầy, lúc sóng to gió lớn, lúc lại phẳng lặng hiền hòa.

Nửa cuộc đời nhọc nhằn mưu sinh

Nhắc đến cuộc sống của những con người khốn khổ nơi đây, bà Thanh bùi ngùi: Bà là một trong hai người đầu tiên đến đây. Để kiếm kế sinh nhai nuôi cậu con trai, bà đã phải làm biết bao nhiêu việc, từ lượm ve chai, nhặt rác, làm thuê làm mướn chỉ mong có bát ăn đắp đổi qua ngày. Nay tuổi đã già, con trai thương bà vất vả làm tạm một lều nho nhỏ để bà bán chai nước, gói kẹo trước nhà, kiếm sống. Xóm bãi chia làm 2 khu, chỗ bà ở chỉ có 5 nhà, còn lại ở bên trong cách đó chừng trăm mét. Có khi cả ngày chẳng bán được thứ gì, nhưng không ngồi ở đây thì bà cũng chẳng thể làm được gì hơn.

Pháp luật - Người phụ nữ chìm nổi cùng bãi giữa sông Hồng (Hình 2).

Cuộc sống bấp bênh của người dân xóm bãi giữa sông Hồng

Anh Tuấn, con trai bà Thanh năm nay đã 42 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình, anh đang làm bốc vác tại một công ty bánh kẹo, mỗi tháng cũng được hơn 2 triệu đồng. Nhiều lần bà giục anh lấy vợ, nhưng trong thâm tâm bà hiểu, cuộc sống vất vả, nuôi thân được đã là tốt rồi, với lại nhà cửa như vậy thì ai muốn lấy mình. Anh bảo, sẽ chăm sóc bà đến lúc cuối đời, rồi anh mới tính chuyện lấy vợ, lúc đó xấu đẹp què cụt gì anh cũng sẽ lấy.

Tôi thắc mắc sao anh không ở nhà trồng ngô mà đi làm cả ngày đến lúc bà ốm đau thì ai thuốc thang chăm sóc? Bà bảo nhiều người nghĩ dân du cư ở đây được trồng cây trái hoa màu, đánh bắt cá, nhưng thật ra người dân xóm bãi không trồng gì cả, cũng chẳng đánh bắt cá tôm, mà những người ở tận mạn Hưng Yên, Hải Dương đến thuê. Để thuê được đất ở bãi giữa này cũng tốn kém lắm, cũng phải biết làm nông nghiệp giỏi mới dám thuê. Hầu hết các hộ dân ở đây, con gái đàn bà thì đi nhặt giấy, nhặt túi nilon về giặt đem phơi khô bán lại cho người thu mua về tái chế, lượm ve chai, và thu mua sắt vụn. Đàn ông, con trai thì làm bốc vác, cửu vạn, làm những việc nặng nhọc tại các chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân.

Mỗi người một số phận khác nhau, nơi sinh ra khác nhau, nhưng có một điểm chung về những con người nơi đây là họ đều có những hoàn cảnh đặc biệt. Cũng vì một lý do nào đó mà họ rời quê trôi dạt về đây, ngày qua ngày nhọc nhằn mưu sinh. Bà Thanh rớm lệ: "Chẳng ai muốn sống ở cái nơi này cả, ai cũng muốn có nhà có cửa đàng hoàng, nhưng số phận đã vậy đành phải chịu, chỉ trách cho số phận hẩm hiu của mình thôi".

Không lấy vợ vì quá nghèo

Qua nói chuyện với anh Tuấn (con trai bà Thanh) khi anh đang nhóm bếp than tổ ong để nấu cơm, tôi được biết, nước sinh hoạt của người dân du cư ở đây chủ yếu là lấy từ nước sông, để tắm giặt và sinh hoạt. Vừa nói anh Tuấn vừa chỉ vào cái phuy nhựa nhỏ màu xanh đậm để mãi trong góc, anh cho biết, đó là cái bình lọc nước được một tổ chức nước ngoài đến thăm và tặng mỗi nhà một cái, trước kia thì múc nước sông lên rồi đánh phèn là ăn được. Nói rồi, anh chỉ lên trên bờ phía cái giếng khoan có cái tay cầm để đẩy nước lên, ở đây có mấy cái giếng như thế được Câu lạc bộ bơi sông Hồng khoan tặng.

Nhìn khắp ngôi nhà, duy nhất một vật khiến tôi chú ý đến đó là một chiếc bóng điện nhỏ xíu chừng 8w, nối với một bình ắc quy. Tôi ngạc nhiên hỏi sao không mắc điện lưới. Anh cho biết: "Ở đây làm gì có điện, gần 30 năm anh và người dân nơi đây sống trong cảnh đèn dầu cũng quen rồi, mấy năm trở lại đây mọi người mới mua ắc quy về thuê nạp để thắp sáng. Không có điện nên nếu có ai nói tặng tivi màu hay tủ lạnh thì anh cũng không dám nhận", anh cười.

Tôi hỏi sao không lấy vợ để có người giúp đỡ việc gia đình, chăm sóc mẹ già? Khói mù mịt tỏa ra từ cái bếp than tổ ong khiến anh nheo mắt nhưng không giấu được nét đượm buồn. Anh trải lòng: "Anh cũng muốn như bao người khác có gia đình, có một mái ấm để mỗi khi đi làm về không còn cảm thấy mệt mỏi, có người nấu cơm cho chỉ việc về ăn và mẹ già ở nhà có người trông nom chăm sóc. Đối với nhiều người thì đó là một điều rất đỗi bình thường nhưng với anh khó lắm em ạ. Gia cảnh mình thế này, lấy vợ làm sao? Rồi con cái sinh ra sẽ lại thiếu thốn đủ thứ, lớn lên chúng lại trách bố mẹ sao cuộc sống của chúng lại khốn khổ đến vậy. Rồi còn chuyện học hành sau này nữa, chúng lại vào các lớp học tình thương, đến khi học hết lớp 7 lại giống bố mẹ nó đi lượm ve chai, thu mua đồng nát hay đi khuân vác, làm cửu vạn".

Rời bãi giữa trở về với cuộc sống tấp nập, bon chen nơi thành thị hoa lệ, câu hỏi của anh Tuấn cứ xoáy sâu vào trong tâm trí của tôi. Cuộc sống của anh và những người dân du cư nơi xóm giữa mai đây sẽ ra sao? Lũ trẻ con có được học hành đến nơi đến chốn hay hết lớp 7 lại đi lượm ve chai, thu mua đồng nát hay đi làm cửu vạn? Cuộc sống của những người dân bãi giữa sẽ mãi thế này sao, khi mà thành phố đang ngày càng phát triển?

Rưng rưng cảnh nghèo

Đang nói chuyện với chúng tôi thì anh con trai bà Thanh đi làm về. Treo trên ghi đông chiếc xe đạp cũ kĩ là chiếc túi nilon, bên trong có vỏn vẹn một mớ rau cải. Anh hỏi: "Mẹ nấu gì chưa ạ? ". Bà Thanh đáp: "Mẹ chưa nấu gì con ạ, còn 2 quả trứng gà mẹ để trong xô gạo đấy". Tôi xin phép bà được xuống nhà cùng anh. Qua cái tấm ván bắc lên nhà, qua cái cửa ọp ẹp không cần khóa, chỉ cài nhẹ, bên trong mọi thứ được sắp xếp gọn gàng. Mắt tôi cay cay, trong nhà không có vật dụng đồ dùng thông dụng như tivi, đài, thiết bị điện gia dụng, giường, tủ, không hiểu mẹ con bà sống thế nào...

Văn Vũ


Cùng chuyên mục

Khởi tố Hải Idol và 3 bị can trong vụ đoàn siêu xe đón dâu dừng giữa đường chụp ảnh

Chủ nhật, 19/05/2024 | 07:47
Phạm Đức Hải (tức Hải idol) đã xúi giục một số người khác cùng đỗ ô tô giữa đường, di chuyển dàn hàng ngang trên đường để chụp ảnh.

Bình Thuận: Nhóm đối tượng tự ý dọn đồ đạc, đuổi người ra khỏi nhà, lãnh án tù

Thứ 7, 18/05/2024 | 18:19
Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu.

Bình Phước: Thu giữ số lượng lớn rượu ngoại ở khu vực biên giới

Thứ 7, 18/05/2024 | 18:00
Một số lượng lớn rượu ngoại, không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước thu giữ.

Quảng Nam: Tạm giữ người đàn ông không chịu đo nồng độ cồn, đánh công an

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:43
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ ly hôn 100 tỷ ở Đà Nẵng: Người chồng nhận phần lớn tài sản

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:39
Mặc dù tổng tài sản trong vụ kiện ly hôn 119 tỷ đồng, nhưng phía nguyên đơn chỉ nhận được 8 tỷ đồng, sau khi khấu trừ nợ chung.
     
Nổi bật trong ngày

Khởi tố Hải Idol và 3 bị can trong vụ đoàn siêu xe đón dâu dừng giữa đường chụp ảnh

Chủ nhật, 19/05/2024 | 07:47
Phạm Đức Hải (tức Hải idol) đã xúi giục một số người khác cùng đỗ ô tô giữa đường, di chuyển dàn hàng ngang trên đường để chụp ảnh.

Giao xe cho cháu chưa đủ tuổi điều khiển, bà ngoại bị khởi tố

Thứ 7, 18/05/2024 | 06:00
Bà Hoàng Thị Tha (SN 1958, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) vừa bị khởi tố vì giao xe máy cho cháu ngoại chưa đủ tuổi điều khiển, gây tai nạn giao thông.