Người tiêu dùng nghiện dùng trang sức giá rẻ

Người tiêu dùng nghiện dùng trang sức giá rẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Tiện và rẻ, tâm lý chung khiến đôi khi người tiêu dùng dễ dàng bỏ qua những tiêu chuẩn an toàn cho chính bản thân mình.

Bác sĩ Nguyễn Đình Quân- Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, ông đã từng nhiều lần lên tiếng trên báo chí về vấn đề này. Theo ông Quân, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân bị dị ứng do sử dụng đồ trang sức giá rẻ. Thậm chí, có cả trẻ nhỏ phải nhập viện trong tình trạng da dị ứng tiếp xúc, gây tróc lở da, nổi mẩn đỏ, ngứa thậm chí là lở loét do không được đi khám và điều trị kịp thời.

Xã hội - Người tiêu dùng nghiện dùng trang sức giá rẻ

Đồ trang sức mỹ kí Trung Quốc được bày bán tràn lan trên thị trường với giá rẻ

Bác sĩ Quân khuyến cáo, đồ trang sức giá rẻ có nhiều hoạt chất hóa học lạ như chì, cađimi có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Khi sản phẩm này tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây dị ứng nặng, tróc da, gây mẩn đỏ, ngứa, mọng nước, phồng rộp. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương da nghiêm trọng như khô, bong vẩy. Vùng da này cũng dễ bị dị ứng nhiều lần nếu cứ tiếp tục đeo những trang sức rẻ tiền này

Một câu hỏi đặt ra là vì người tiêu dùng không thực sự quan tâm tới sức khỏe và sự an toàn của mình hay các nhà quản lý thiếu sự kiên quyết?

Hàng ngày, các mặt hàng Trung Quốc vẫn ùn ùn qua các cửa khẩu vào Việt Nam, công khai dán nhãn Trung Quốc. Số lượng thương lái nhập vào nhiều và chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm cho thấy lượng "cầu" vẫn rất lớn. Chưa có một chế tài nào về việc hạn chế và nghiêm cấm nhập các loại sản phẩm này vào Việt Nam. Thực tế, trên thị trường, nhiều sản phẩm cũng có dán mác "Made in Cambodia", "Made in ThaiLan", "Made in Singapore"…, nhưng thực chất đều chỉ là "treo đầu dê bán thịt chó", hàng Trung Quốc vẫn nguyên là hàng Trung Quốc.

Với mức độ quản lý thị trường hiện nay, điều kiện để các cơ quan ban ngành có thể siết chặt các mặt hàng này cũng đang còn rất mong manh. Vấn đề được đề cập đến nhiều lần, ai cũng biết nhưng đành tặc lưỡi cho qua vì "miếng cơm manh áo" của tiểu thương cả. Khi người ta còn bán được thì có nghĩa mặt hàng vẫn còn có sức hút. Độc hại và những nguy cơ từ các mặt hàng này, nói cho vui "trẻ lên 3 cũng biết" nhưng chính những người trực tiếp tiêu dùng, đa phần đều là những người đã có hiểu biết cơ bản về vấn đề đều tặc lưỡi cho qua. Như vậy, lỗi trước hết có phải ở người tiêu dùng?.

Thị trường bỏ ngỏ cho hàng Trung Quốc, hỏi một cách khách quan: "Hàng Việt Nam ở đâu?". Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ giá rẻ này, nếu tính theo giá nhân công ở nông thôn thì hoàn toàn có thể phát triển được. Nhưng sau khi "lượn" thêm vài vòng, chúng tôi cũng chỉ ngán ngẩm lắc đầu trước những món đồ trang sức "chính hiệu và đảm bảo Việt Nam" như vòng ốc, trang sức bằng đá, gỗ, cọ…, loe ngoe bày bán ở một vài nơi chuyên bán đồ lưu niệm và gần như không cóá sự hấp dẫn về mẫu mã. Người tiêu dùng muốn mua hàng đẹp, hàng vừa với túi tiền cũng không biết mua ở đâu trong khi hàng Trung Quốc vẫn tràn lan trước mặt.

Tiện và rẻ, tâm lý chung khiến đôi khi người tiêu dùng dễ dàng bỏ qua những tiêu chuẩn an toàn cho chính bản thân mình, đó cũng là điều dễ hiểu.

Cán cân giữa một bên là rẻ và tiện, một bên là sức khỏe bản thân mình có lẽ nên đặt cho người tiêu dùng trước hết?.

Hón Thỵ