Người tìm lại thời hoàng kim của môn phái

Người tìm lại thời hoàng kim của môn phái

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Trải qua nhiều giai đoạn cùng với những biến cố lịch sử, đến nay, võ phái (Tân Khánh Bà Trà) TKBT vẫn đang phát triển mạnh tại vùng đất phương Nam.

Khi tìm hiểu về võ phái TKBT, có nhiều điều làm chúng tôi ngạc nhiên và thích thú. Đặc biệt là nghe võ sư, Chưởng môn nhân Hồ Tường giải thích về các miếng đánh, thế đánh, cách sử dụng binh khí… của môn phái. Ngày nay, võ sư Hồ Tường và một số môn đệ của võ phái đang tích cực sưu tầm, nghiên cứu để hoàn thiện thêm võ phái TKBT. Đồng thời, tiếp tục đưa phái võ đả hổ tiếp cận đến giới trẻ.

Công nghệ - Người tìm lại thời hoàng kim của môn phái

Nhiều bạn trẻ theo học TKBT tại Nhà Văn hóa Thanh Niên

Làm thơ để truyền võ

Nói chuyện với chúng tôi về đặc điểm của võ phái, võ sư Hồ Tường cho biết, bản chất của môn phái giống võ Bình Định. Tuy nhiên, võ TKBT có nhiều điểm mới hơn so với võ Bình Định, ai từng biết qua hai môn phái này đều có thể thấy được. Bởi do hoàn cảnh lịch sử, do quá trình khẩn hoang của cư dân di cư và phát triển nó ở một vùng đất mới, các sư tổ, sư phụ của phái TKBT đã phát triển thêm nhiều chiêu thức mới.

Hiện nay, theo thống kê của võ sư Hồ Tường, phái võ TKBT có 10 thế chính và nhiều biến thể khác. Tuy nhiên, khi ông xuống các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sưu tầm lại có tới 15 thế chính. Điều đó cho thấy, TKBT có rất nhiều nhánh khác nhau. Về binh khí, phái võ sử dụng đủ loại: Đao, kiếm, giáo, mác… Tuy nhiên, điểm mạnh và phổ biến nhất của TKBT chính là roi và côn. Sở dĩ như vậy là vì một thời gian võ thuật bị cấm, các bậc tiền bối đã lén tập võ bằng các loại cây, loại vũ khí nhọn. Trước đây, trong những câu chuyện đả hổ của ông Hai Ất, ông Ba Giá…, binh khí họ dùng đa phần là roi và côn.

Theo Võ sư Hồ Tường, nhiều người coi môn phái TKBT có đầy đủ các loại quyền cước của võ cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, điểm đặc trưng của võ phái đả hổ là những chiêu thức đánh liên hoàn, uyển chuyển, chớp nhoáng để hạ gục đối thủ. "Đây là điểm khác biệt nhất. Nếu nhìn thấy các võ sĩ thi đấu mà dừng lại để khoe cơ bắp, thế đánh thì đấy không phải là môn phái TKBT", võ sư Hồ Tường cho biết.

Võ phái TKBT cũng chủ yếu đánh theo hai hướng là tiến và lui. Nhiều khi họ coi lui để tiến. Để truyền dạy cho các môn sinh, phái võ TKBT có nhiều bài thơ đi kèm. Nói chuyện với chúng tôi, võ sư Hồ Tường đọc về những bài thơ của môn phái: "Chấp thư lập đông nhi/Khuynh thân bạt thủ chi/Tiền tấn du luân thích/Đinh bộ lập song phi". Đây là các tứ thơ trong bài Bát Tiên. Hay bài Roi Thần Đồng viết: "Chống roi đứng thủ thần đồng/Đánh qua bên trái hạ càn lưỡng biên/Lui về đánh xéo hai bên/Hoành roi thủ thế bay lên phượng hoàng"…

Bài Tứ linh đao do võ sư Hồ Tường sáng tạo được võ sư Kim Kê giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 1, do Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam tổ chức năm 1993 tại TP.HCM. Bài Tứ linh đao đã được chọn là một trong những bài quốc võ nằm trong diện bảo tồn, giới thiệu và tập luyện trong các võ đường võ cổ truyền Việt Nam toàn quốc. Sau hội nghị này, bài Tứ linh đao được phổ biến ra toàn quốc và ra cả nước ngoài. Đặc biệt nó đã được dịch ra tiếng Pháp để có thể phổ biến rộng rãi tại đất nước này.

Công nghệ - Người tìm lại thời hoàng kim của môn phái (Hình 2).

Một thế võ của phái Tân Khánh Bà Trà

Dạy võ miễn phí cho hàng vạn thanh niên

Võ sư Hồ Tường là con trai út của võ sư Từ Thiện. Ông sinh năm 1954, tên thật là Hồ Văn Tường. Vị võ sư này cho biết, gia đình có ba anh em nhưng do mưu sinh nên ông được ở gần cha nhất. Đây cũng là lý do ông sớm theo nghiệp võ và được cha truyền dạy cho mọi tuyệt kỹ. Sau ngày 30/4/1975, Hồ Tường lập gia đình cùng Hồ Hoàng Hạnh, một trong những nữ võ sĩ ưu tú học với võ sư Từ Thiện (Hồ Văn Lành). Nữ võ sĩ này từng thượng đài thi đấu ba lần. Trong đó, hai lần bà thắng và một lần thất thủ trước nữ võ sĩ vô địch Lâm Ngọc Vân.

Ngoài việc được cha truyền võ thuật, võ sư Hồ Tường còn được nhiều cao thủ là bằng hữu của cha ông dạy thêm những chiêu thức, miếng đánh khác. Chính vì thế, ông được xem là hậu duệ lĩnh hội khá đầy đủ các bí kíp võ công của phái TKBT.

Tâm sự với chúng tôi, võ sư Hồ Tường cho biết: Qua các thế hệ thì TKBT cũng có những điểm khác biệt ở các nhánh khác nhau. Ví như cùng lứa, cùng một thầy nhưng mỗi người lại phát triển nó ở vùng khác rồi có thêm những chiêu thức mới. Có khi nhánh của cha tôi không có thế võ đó nhưng người khác lại có. Hiện nay, tôi còn một số người thân ở mảnh đất khai sinh ra võ phái ở Tân Phước Khánh (Tân Uyên, Bình Dương). Họ đã lớn tuổi nhưng "không nhớ nhiều về võ". Các cao thủ này chỉ truyền lại cho con cháu mình nên cũng khó khăn trong việc sưu tầm và hệ thống lại phái võ TKBT.

Được biết, để khôi phục và bảo tồn và phát triển võ phái TKBT, niềm tự hào một thời của võ thuật miền Nam, tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương làm đầu mối thực hiện công trình này. Tiến sĩ Hồ Sơn Diệp, khoa Sử, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM là người chấp bút đề án khôi phục võ lâm TKBT. Võ sư Hồ Tường là một trong những người tham gia vào đề án này.

Ngoài việc tham gia vào quá trình bảo tồn và khôi phục phái võ này tại Bình Dương, võ sư Hồ Tường có mở lớp dạy võ tại Nhà Văn hóa Thanh niên cho tất cả các đối tượng yêu thích phái võ này. Hoạt động này được ông duy trì từ năm 1981. Từ đó đến nay, Lớp Võ lâm trở thành một sân chơi hữu ích của hàng vạn lượt thanh niên tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đồng thời, cũng là sân tập võ thuật Việt Nam lý thú cho người ở trong nước cũng như người nước ngoài.

Đặc biệt, từ năm 1995, võ sư Hồ Tường bắt đầu mở Lớp Võ lâm miễn phí cho sinh viên các trường cao đẳng và đại học. Lò võ này chiêu sinh vào cuối tháng 9, khai giảng vào đầu tháng 10 hàng năm. Năm 2009, Trung tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam (Vietnam records book center) đã xác lập kỷ lục đối với võ sư Hồ Tường, người dạy võ miễn phí cho sinh viên lâu năm nhất Việt Nam. Võ sư Hồ Tường còn cho biết, dự kiến sẽ mở các câu lạc bộ dạy võ TKBT tại vùng đất đã khai sinh ra nó. Hoạt động này sẽ được thực hiện song song với các lớp tại TP.HCM.

Để giữ gìn và phát huy truyền thống của môn phái, hàng năm, võ sư Hồ Tưởng thường làm lễ giỗ tổ. Đây là dịp để các môn sinh của võ phái gặp gỡ, trao đổi võ thuật. Đặc biệt, ông muốn các thế hệ sau cùng nhau xây dựng phái võ nổi tiếng miền Nam.

Bên cạnh dạy võ và làm công tác nghiên cứu văn hóa, giảng dạy về du lịch, võ sư Hồ Tường đã xây dựng đội cờ người sử dụng võ thuật. Từ năm 1989, vị Chưởng môn nhân là người đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu loại hình cờ người sử dụng võ thuật trong khi thi đấu.

Theo đó, khi ăn cờ, hai bên sẽ giao đấu với nhau theo các bài võ thêm phần lý thú. Đội cờ người của môn phái TKBT biểu diễn khắp nơi như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... Từ đội cờ người của Nhà Văn hóa Thanh niên, Hồ Tường đã tạo thêm nhiều Đội cờ người khác tại TP.HCM như: Đội cờ người Trung tâm Văn hóa quận 1 (Phan Văn Trung phụ trách), Đội cờ người Trung tâm Thể dục Thể thao Nhà Bè (Nguyễn Hồng Đỏ phụ trách), Đội cờ người 2 Trung tâm Văn hóa quận 1 (Trương Tấn Đạt phụ trách).

Những chiêu thức, đường quyền nổi danh

Võ phái TKBT cũng có những bậc tiền bối từng nổi danh với những đường roi, đường côn tuyệt kỹ. Các võ sư đã đánh bại nhiều cao thủ khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Trong đó nổi lên là "Đệ nhất côn" Đỗ Văn Mạnh (tức Năm Nhị). TKBT cũng là võ phái sáng tạo nhiều bài roi, côn danh tiếng như: Tứ Môn côn, Ngũ Môn côn, Roi Phụng Hoàng, Roi Thần Đồng, Roi Giáng Hỏa, Côn Tấn Nhứt và các bài danh quyền như Lão Mai… Điều khiến mọi người cảm thấy vô cùng thích thú ở môn phái này là cách đánh liên hoàn, xuất thủ chớp nhoáng, công thủ toàn diện. Đặc biệt, môn phái này còn vận dụng uyển chuyển các chiêu thức của Thiếu Lâm Bạch Hạc pha trộn quyền thuật võ dân tộc Chân Lạp cùng cước pháp và binh khí đặc trưng võ trận Tây Sơn - Bình Định.

Trung Nghĩa