Nguy hiểm rình rập các khu nhà gỗ ngoài đê sông Hồng

Nguy hiểm rình rập các khu nhà gỗ ngoài đê sông Hồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Vụ cháy kinh hoàng tại khu tập thể C8 Bộ GD&ĐT sáng 26/8 khiến hàng ngàn người dân sống ở các khu chung cư gỗ bên cạnh lo ngại điều xấu nhất có thể xảy ra.

Theo UBND TP.Hà Nội, có khoảng 500 hộ dân và gần 2.000 nhân khẩu đang sinh sống trong 17 ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ, 2 tầng đã bị hư hỏng nặng ở ngoài đê sông Hồng, thuộc phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Xã hội - Nguy hiểm rình rập các khu nhà gỗ ngoài đê sông Hồng

Các khu nhà này hầu hết được xây dựng từ những năm 1945-1956, là các nhà tạm cho cán bộ công nhân viên. Kết cấu của các khối nhà này chỉ có tuổi thọ 12-13 năm. Thế nhưng, đã nửa thế kỷ trôi qua, các ngôi nhà này vẫn phải tồn tại, là nơi trú ngụ của hàng ngàn người với bao hiểm nguy đã được cảnh báo.

Còn nhớ, sự việc diễn ra cách đây đã lâu. Vào buổi sáng chủ nhật cuối năm, cả nhà cô giáo Lan (ở nhà số 5 khu tập thể Bộ GD&ĐT) bị đánh thức dậy bởi một tiếng động mạnh. Bé Hoàng Anh, con cô Yến ở tầng hai của ngôi nhà, trong khi đang nô đùa đã rơi xuống tầng dưới do một mảnh gỗ sàn bị gãy. May mà bé rơi đúng vào chiếc ghế bành nhà cô Lan nên cháu bé đã thoát hiểm nguy.

Tại nhà 8 (khu tập thể Bộ GTVT cạnh đó), hàng chục hộ dân phải chen chúc sống trong căn phòng 14-20m2. Trong các căn phòng siêu nhỏ này, chủ nhà vừa dùng làm phòng ăn, phòng khách vừa là phòng ngủ mỗi khi tối đến. Những người dân ở đây còn kể rằng: Trên hành lang tối như hũ nút của nhà số 8, hầu như sáng nào cũng có tiếng kêu la của những người đi làm và đi chợ sớm vì bước hụt vào một mảnh gỗ đã bị rơi từ lâu, hoặc bị sập cầu thang. Và nếu nhà tầng trên vô ý làm đổ nước, đổ dầu ra sàn, thì nhà tầng dưới phải hứng là chuyện thường ngày ở khu tập thể nhà gỗ này.

Tại khu nhà C8, khu tập thể Bộ Xây dựng, các gia đình được phân căn hộ từ những năm 1969. Hầu hết các căn hộ đều có diện tích khoảng 14-22m2. Nhiều gia đình có tới 5-6 nhân khẩu vẫn phải ở trong căn phòng chật chội. Nhà ở thiết kế không công trình phụ nên các gia đình phải tự thiết kế, kể cả không hệ thống cấp thoát nước. Còn tại nhà 17 (khu tập thể Bộ Thương mại), các gia đình thi nhau làm "chuồng cọp". Có gia đình cơi nới đến mức diện tích của "chuồng cọp" gần bằng diện tích của căn hộ được giao nhưng tổng cộng vẫn chưa được 30 m2.

Bộ Xây dựng thừa nhận các ngôi nhà trên đã hết niên hạn sử dụng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nhiều, đe dọa tính mạng và tài sản cho người sử dụng khi mưa bão và nước lên. Nhưng lãnh đạo Bộ này cũng cho biết, hiện Bộ chỉ có 7 gia đình ở trong 8 phòng thuộc nhà số 8 và số 9 bờ sông, trong khi Bộ không được cấp kinh phí cải tạo sửa chữa nhà nên đề nghị UBND TP.Hà Nội tiếp nhận cải tạo các ngôi nhà này trên nguyên tắc xóa bao cấp về nhà ở. Tương tự, lần lượt các cơ quan khác có nhà thuộc diện tự quản cũng đề nghị thành phố tiếp nhận và cải tạo với lý do Bộ không có điều kiện kinh phí.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tất cả các ngôi nhà gỗ đã ở vào tình trạng không thể tiếp tục sử dụng, phải cải tạo ngay nhưng chưa có phương án cụ thể. Hơn nữa, đây là các khu nhà ngoài đê nên nếu xây dựng hay cải tạo thì sẽ vi phạm pháp luật về đê điều, ảnh hưởng đến an toàn thoát lũ. Được biết, năm 2001, khu nhà 5 tập thể Bộ GD&ĐT đã được cải tạo lại với 100% số vốn do các hộ dân tự đầu tư. Khu nhà này trước đó trung bình chỉ 16 m2/hộ nay được xây mới thành khu chung cư 3 tầng, tổng diện tích 972 m2, bình quân 31,3 m2/hộ.

Đến năm 2006, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định thu hồi gần 8.000m2 đất của 7 nhà gỗ đặc biệt nguy hiểm (nhà số 1, 2, 3, 4A, 6, 15 và 19) trong số đó để tiến hành lập dự án đầu tư cải tạo xây dựng lại. Các tòa nhà còn lại sẽ được gia cố, bảo trì hằng năm.

Khánh Nguyên